Thiếu canxi là gì? 12 triệu chứng thiếu canxi cần phải biết

Canxi là một trong những khoáng chất có vai trò quan trọng đối với cơ thể của chúng ta. Canxi tham gia vào hoạt động chức năng của hệ tim mạch, thần kinh và cơ bắp. Hơn thế nữa canxi còn là thành phần không thể thiếu giúp cho bộ xương và hàm răng của chúng ta chắc khoẻ. Do đó cơ thể của chúng ta cần được cung cấp một lượng canxi nhất định để có thể hoạt động và duy trì sức khoẻ. Bị thiếu canxi có thể gây nên những triệu chứng từ nhẹ đến nặng gây ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta.

Ai trong chúng ta cũng đều có thể bị thiếu canxi một vài lần trong đời. Do đó, hãy cùng đọc bài viết này để hiểu thêm về vấn đề thiếu canxi.

Vai trò của canxi? Nhu cầu canxi của cơ thể là bao nhiêu?

Vai trò được biết đến phổ biến nhất của canxi là giúp xương, răng chắc khoẻ, cơ thể hoạt động bình thường, linh hoạt. Không những thế, canxi còn tham gia  vào quá trình co và giãn mạch máu, co bóp cơ tim, hoạt hoá quá trình đông máu, dẫn truyền thần kinh và điều tiết nội tiết tố. 

Các đối tượng, đặc biệt trẻ em và phụ nữ có thai, thiếu hụt canxi có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như trẻ bị còi xương, sâu răng, ảnh hưởng đến sự phát triển hệ xương của thai nhi cũng như khiến thai phụ bị loãng xương và các bệnh răng miệng.

Hơn 99% lượng canxi trong cơ thể con người nằm trong xương và răng. Trong xương, canxi tạo độ bền cứng của cấu trúc xương giúp nâng đỡ trọng lượng cơ thể và neo giữ các cơ bắp. Canxi cũng liên tục tham gia vào quá trình chuyển xương gồm tạo xương và huỷ xương. Canxi trong xương cũng là nơi dự trữ và duy trì nồng độ canxi ngoại bào. Canxi khác với hầu hết các chất dinh dưỡng khác ở chỗ cơ thể có một lượng dự trữ đáng kể trong xương. Do đó, dấu hiệu của việc thiếu canxi có thể không được chú ý trong một thời gian đáng kể, cho đến khi có triệu chứng cụ thể như loãng xương hoặc gãy xương.

Canxi rất cần thiết cho hệ cơ xương của cơ thể
Canxi rất cần thiết cho hệ cơ xương của cơ thể

Khi mới sinh, cơ thể có khoảng 26 đến 30 g canxi. Lượng canxi này nhanh chóng tăng trưởng khi trẻ em lớn lên và đạt khoảng 1.200 g ở phụ nữ và 1.400 g ở nam giới khi trưởng thành. Mức canxi này không đổi ở nam giới, nhưng chúng bắt đầu giảm ở phụ nữ do sự gia tăng quá trình loãng xương do giảm sản xuất estrogen khi bắt đầu mãn kinh.

Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, nhu cầu canxi có nhiều sự khác biệt tuỳ thuộc độ tuổi và tình trạng sinh lý. Những đối tượng cần chú trọng đến nhu cầu canxi bao gồm: trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và đang cho con bú, người cao tuổi. Viện dinh dưỡng Quốc gia cũng đưa ra số liệu cụ thể về nhu cầu canxi cho từng độ tuổi và đối tượng như sau: 

  • 6 – 11 tháng là 400 mg/ngày
  • 1 – 2  tuổi là  500 mg/ ngày
  • 3 – 5 tuổi là 600 mg/ngày
  • 6 – 7 tuổi là 650 mg/ngày
  • 8 – 9 tuổi là 700 mg/ngày
  • 10-19 tuổi và người ≥ 70 tuổi là 1000 mg/ngày
  • Người trưởng thành 20 – 49 tuổi và nam giới 50 – 69 tuổi là 800, nữ giới 50-69 tuổi là 900 mg/ngày
  • Phụ nữ có thai là 1200 mg/ngày và phụ nữ cho con bú là 1300 mg/ngày. 

Theo đó, nhu cầu canxi của trẻ em cao là do trẻ đang phát triển. Đặc biệt, có 2 giai đoạn trẻ tăng tốc về chiều cao là trẻ dưới 5 tuổi và thời kỳ tiền dậy thì. Ngoài ra, Viện dinh dưỡng Quốc gia cũng đề cập đến vấn đề giảm cân, kiêng cử của các cô gái ở độ tuổi dậy thì, gây thiếu hụt canxi và estrogen gây ảnh hưởng đến hệ xương và nội tiết tố. 

Biểu hiện của thiếu canxi? Những ai dễ bị thiếu canxi?

Thiếu canxi trong khẩu phần và hấp thu canxi kém ban đầu có thể không có triệu chứng rõ ràng. Khi tình trạng trầm trọng hơn, canxi trong máu giảm thì cơ thể phải huy động canxi từ xương vào máu để tham gia các quá trình chuyển hóa, gây triệu chứng thiếu canxi như đau nhức các xương đặc biệt các xương dài ở trẻ đang tuổi phát triển. Ngoài ra, bệnh này có thể gây tình trạng mất ngủ, tính tình nóng nảy. Các biểu hiện thiếu canxi có thể kể đến như: 

  • Khó nuốt
  • Chuột rút
  • Choáng váng
  • Dễ cáu gắt, bồn chồn
  • Huyết áp thấp
  • Đau quặn ruột
  • Đau cột sống hoặc đau hông
  • Gãy xương nén
  • Giảm chiều cao
  • Co thắt phổi
  • Móng và tóc dễ gãy
Móng tay dễ gãy là một dấu hiệu dễ quan sát được của bệnh thiếu canxi
Móng tay dễ gãy là một dấu hiệu dễ quan sát được của bệnh thiếu canxi

Những đối tượng dễ thiếu canxi có thể kể đến những nhóm lớn sau đây:

Trẻ em và trẻ đang tuổi dậy thì

Nguyên nhân thiếu canxi ở nhóm tuổi này chủ yếu do sự mất cân bằng giữa nhu cầu của cơ thể và khả năng cung cấp. Ở độ tuổi này, trẻ cần một lượng lớn canxi để hệ xương và răng miệng phát triển. 

Tuy vậy, đây là lứa tuổi chưa tự chủ về chế độ dinh dưỡng và dễ gặp tình trạng biếng ăn. Do đó, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp vừa đảm bảo cung cấp đủ lượng dưỡng chất vừa hấp dẫn, kích thích khẩu vị của trẻ là điều vô cùng cần thiết.

Phụ nữ có thai và cho con bú

Canxi là lọai khoáng chất cần được đặc biệt chú ý trong thời gian mang thai và cho con bú. Canxi cần thiết cho cả mẹ và bé. Thai nhi lấy canxi để phát triển hệ xương và các hoạt động chuyển hoá khác. Việc cung cấp không đủ canxi có thể khiến thai phụ chịu nhiều tác hại như loãng xương, gãy xương, ê răng. 

Do đó, một thai phụ được khuyến cáo cần cung cấp 1200mg canxi mỗi ngày. Thai phụ còn trẻ cần nhiều hơn. Việc cung cấp đủ nhu cầu canxi trong thời kỳ mang thai sẽ giúp tạo thành và phát triển bộ xương thai nhi và đảm bảo toàn vẹn bộ xương bà mẹ.

Phụ nữ sau mãn kinh

Mãn kinh dẫn đến gia tăng quá trình mất xương do giảm sản xuất estrogen làm giảm hấp thu canxi và tăng thải canxi qua nước tiểu và tái hấp thu canxi từ xương. 

Trung bình, phụ nữ mất khoảng 1% mật độ khoáng xương mỗi năm sau khi mãn kinh. Khoảng 30% phụ nữ sau mãn kinh ở Hoa Kỳ và Châu Âu bị loãng xương, và ít nhất 40% những người mắc bệnh này phát triển ít nhất một lần gãy xương  (gãy xương xảy ra sau chấn thương nhẹ, chẳng hạn như ngã từ độ cao đang đứng hoặc thấp hơn). Do đó, khuyến cáo lượng canxi là 1.200 mg đối với phụ nữ trên 50 tuổi để giảm bớt tình trạng mất xương sau khi mãn kinh.

Những người dị ứng hoặc không dùng các sản phẩm từ sữa

Những người không dung nạp đường lactose trong sữa, những người bị dị ứng với sữa và những người tránh ăn các sản phẩm từ sữa (bao gồm cả người ăn chay) có nguy cơ cao bị thiếu canxi vì sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi phong phú. 

Nhóm người này cần chú ý đến việc bổ sung canxi thông qua các sản phẩm khác không phải sữa ví dụ như một số loại rau, cá hộp có xương hoặc thực phẩm tăng cường (ví dụ như nước ép trái cây, ngũ cốc ăn sáng và đậu phụ). Ngoài ra, nhóm người này cần cân nhắc đến việc uống các thực phẩm chức năng tăng cường canxi hoặc uống thuốc bổ sung để đạt được lượng khuyến nghị.

Người cao tuổi 

Theo quá trình lão hoá, quá trình huỷ xương ngày một chiếm ưu thế dẫn đến giảm khối lượng xương theo thời gian. Ở nam giới, loãng xương có khả năng xảy ra trễ hơn khoảng 5 đến 10 năm so với phụ nữ lớn tuổi. Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là gãy xương hông, đốt sống và cẳng tay. Khả năng hồi phục của người cao tuổi cũng kém hơn rất nhiều theo tuổi tác. Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung canxi có thể cải thiện tình trạng của xương, cũng như trạng thái sức khoẻ ở người lớn tuổi.

Thiếu canxi dẫn đến những hệ lụy gì?

Thiếu canxi mạn tính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến giảm mật độ xương, gây bệnh loãng xương ở người lớn và còi xương ở trẻ em. Thiếu canxi làm giảm độ bền cứng của xương và dẫn đến loãng xương, đặc trưng bởi xương dễ gãy và tăng nguy cơ té ngã. 

Ở trẻ còi xương, sụn tăng trưởng không được khoáng hóa bình thường, có thể dẫn đến những thay đổi không thể phục hồi trong cấu trúc xương. Một hậu quả khác của tình trạng thiếu canxi mãn tính là chứng nhuyễn xương, hoặc khiếm khuyết trong quá trình khoáng hóa xương gây mềm xương, có thể xảy ra ở người lớn và trẻ em. Thiếu canxi lâu dài trong khẩu phần có liên quan tới phát sinh bệnh cao huyết áp và ung thư ruột.

Đối với phụ nữ, việc thiếu canxi còn có thể liên quan đến nguy cơ tăng huyết áp và tiền sản giật. Thêm vào đó một số nghiên cứu cho thấy, lượng canxi thấp trong cơ thể có thể là một yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư vú.

Chẩn đoán thiếu canxi như thế nào?

Thiếu canxi có thể được chẩn đoán dựa trên triệu chứng thiếu canxi và các biểu hiện lâm sàng đã được đề cập ở trên. Tuy vậy, thiếu canxi thường ít khi biểu hiện ngay từ đầu. Do đó, một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định ở những đối tượng có nguy cơ thiếu canxi cao:

  • Xét nghiệm máu: nồng độ canxi trong huyết thanh thường là 8,8 đến 10,4 mg/dL (2,2 đến 2,6 mmol/L) ở những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, nồng độ canxi trong huyết thanh không phản ánh tình trạng dinh dưỡng vì sự kiểm soát cân bằng nội môi của cơ thể. Tỉ lệ canxi ion hóa (hoặc tự do), dạng hoạt tính sinh học, trong huyết thanh cũng được sử dụng để đo tình trạng canxi. Phạm vi bình thường của canxi ion hóa ở người khỏe mạnh là 4,6 đến 5,3 mg/dL (1,15 đến 1,33 mmol/L). Khi nồng độ canxi trong máu thấp, có thể chẩn đoán cơ thể bạn đang thiếu canxi.
  • Xét nghiệm mật độ xương ( đo loãng xương bằng kĩ thuật đo hấp thụ tia X năng lượng kép): Đây là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác về tình trạng thiếu hụt canxi của cơ thể do bộ xương là nơi dự trữ canxi chủ yếu trong cơ thể.

Bổ sung canxi như thế nào? Biện pháp phòng ngừa thiếu canxi?

Chúng ta có thể bổ sung canxi thông qua chế độ dinh dưỡng. Nguồn thức ăn giàu canxi có thể kể đến như sữa, sữa chua và phô mai. Các nguồn không chứa sữa bao gồm cá mòi đóng hộp và cá hồi có xương cũng như một số loại rau, chẳng hạn như cải xoăn, bông cải xanh và bắp cải. 

Một nguồn dinh dưỡng khác phải kể đến là các loại hải sản như tôm, tép, cua. Hầu hết các loại ngũ cốc không có lượng canxi cao. Tuy nhiên, chúng góp phần giúp hấp thụ canxi. Thực phẩm giàu canxi cũng bao gồm nhiều loại nước trái cây và đồ uống, đậu phụ và ngũ cốc.

thiếu canxi
Sữa, thực phẩm từ sữa, sữa chua và phô mai rất giàu canxi

Tuy vậy, sự hấp thụ canxi khác nhau tùy theo loại thực phẩm. Sự hấp thụ canxi từ các sản phẩm sữa và thực phẩm tăng cường canxi là khoảng 30%. Một số hợp chất trong thực vật (ví dụ, axit oxalic, axit phytic) có thể làm giảm sự hấp thụ canxi bằng cách tạo muối khó tan với canxi, làm giảm sự hấp thụ của nó và tạo sỏi thận. Kết quả là, việc hấp thụ canxi trong cải bó xôi chỉ là 5%. Ngoài ra vitamin D và protein là những hợp chất ảnh hưởng nhiều đến sự hấp thu canxi của cơ thể.

Vitamin D giúp hấp thu canxi và lắng đọng vào xương. Một số thực phẩm chứa vitamin D là dầu cá, trứng, sữa, bơ, gan cá và men bia… Một nguồn cung cấp vitamin D nữa là ánh sáng mặt trời. Tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hàng ngày giúp cơ thể tiếp nhận đủ lượng vitamin D. Nếu trẻ em không được tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời cần bổ sung khoảng 400 I.U (đơn vị ) vitamin D mỗi ngày.

Protein trong cơ thể giúp sản xuất và kích hoạt nhân tố tăng trưởng IGF1 có chức năng kích thích hấp thu canxi, phospho tại ruột và tăng cường chuyển hóa can xi, vitamin D tại thận. Tuy nhiên, ở người trưởng thành và người cao tuổi thì không nên sử dụng protein ở mức quá cao vì lượng protein quá cao sẽ làm tăng bài xuất canxi trong nước tiểu, do đó chỉ nên sử dụng protein ở mức vừa phải, đúng theo nhu cầu cần thiết.

Khi chế độ dinh dưỡng của bạn không thể cung cấp đủ nhu cầu canxi, sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung canxi cũng là một lựa chọn hợp lý. Hai dạng canxi phổ biến nhất trong các chất bổ sung là canxi cacbonat và canxi citrate. 

Ở những người có nồng độ axit trong dạ dày thấp, tỷ lệ hòa tan của canxi cacbonat thấp hơn, điều này có thể làm giảm sự hấp thụ canxi từ các thực phẩm chức năng canxi cacbonat, do đó nên uống khi no hoặc trong bữa ăn để hấp thu tốt nhất. 

Canxi citrate ít phụ thuộc vào axit dạ dày để hấp thụ hơn canxi cacbonat, vì vậy có thể uống không cùng với thức ăn. Các dạng canxi khác trong chất bổ sung bao gồm canxi sulfat, ascorbat, hydroxyapatite vi tinh thể, gluconat,… Uống một lượng vừa đủ canxi theo tờ hướng dẫn sử dụng sẽ giúp cơ thể đạt được mức độ hấp thu canxi tốt nhất.

Dùng thực phẩm chức năng bổ sung canxi có thể gặp tác dụng phụ về đường tiêu hóa, bao gồm đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc kết hợp các triệu chứng này. Các triệu chứng có thể được giảm bớt bằng cách chuyển sang dùng thực phẩm bổ sung có chứa một dạng canxi khác, dùng liều lượng canxi nhỏ hơn thường xuyên hơn trong ngày hoặc dùng thực phẩm bổ sung trong bữa ăn.

Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, lượng canxi dư thừa sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể, rất hiếm gặp các trường hợp thừa canxi trong máu hay tích trữ lại trong mô. Tuy nhiên khi dùng thuốc canxi liều cao, kéo dài có thể dẫn đến sỏi thận, canxi máu cao, thận làm việc kém hiệu quả và giảm hấp thu các chất khoáng cần thiết khác.

Địa chỉ khám và tư vấn thiếu canxi đáng tin cậy

Sẽ khá khó khăn để bạn nhận biết bản thân có đang bị thiếu canxi hay không nếu chỉ dựa trên triệu chứng lâm sàng và dự đoán cá nhân. Song, cơ thể có biểu hiện thiếu hụt canxi nhưng không biết làm cách nào để cải thiện thì giải pháp tốt nhất là tìm đến chuyên gia Dinh dưỡng sau:

  • Phòng khám Nhi đồng Diamond Ký Con: Đây là phòng khám nhi khoa đáng tin cậy ở TPHCM mà cha mẹ có thể đặt hẹn đưa con trẻ đến khám nếu nghi ngờ thiếu canxi. Trực tiếp tư vấn dinh dưỡng cho trẻ là đội ngũ bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM.
  • Phòng khám Nhi Kids Doctor: Phòng khám sở hữu đội ngũ chuyên gia y tế với nhiều năm kinh nghiệm, nắm vững chuyên môn tư vấn dinh dưỡng cho con trẻ, đặc biệt là các trường hợp thiếu hụt canxi.
  • Chuyên gia dinh dưỡng Hồ Ngọc Anh Thư: Chuyên gia đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, tư vấn dinh dưỡng tại các bệnh viện và tổ chức y tế tại Hoa Kỳ. Với mỗi cơ địa, chuyên gia sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp thông qua chế độ dinh dưỡng chất lượng.

Câu hỏi thường gặp

Thiếu canxi ăn gì?

Thực phẩm từ sữa, sữa chua, phô mai, hải sản như cá, tôm, tép, cua. Một số loại rau như cải xoăn, bông cải xanh,..

Người lớn thiếu canxi nên uống gì?

Người lớn thiếu canxi nếu uống nhiều sữa, dùng những thực phẩm từ sữa. Hoặc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung canxi và vitamin D.

Thiếu canxi gây ra những bệnh gì?

Thiếu canxi gây các bệnh về xương như loãng xương, còi xương. Ngoài ra thiếu canxi mạn tính có thể gây tăng huyết áp, ung thư ruột,…

Kiểm tra thiếu canxi bằng cách nào?

Kiểm tra thiếu canxi thông qua xét nghiệm máu, xét nghiệm calci toàn phần. Chính xác nhất vẫn là xét nghiệm mật độ xương bằng đo hấp thu tia X cường độ kép.

Thiếu canxi không nên ăn gì?

Thiếu canxi không nên ăn nhiều thực phẩm chứa acid oxalic, acid phytic,.. Do tạo muối Canxi khó tan gây giảm hấp thu canxi. Những thực phẩm cạnh tranh hấp thu canxi như thực phẩm chứa sắt hoặc quá nhiều protein cũng cần được cân nhắc tránh sử dụng.

Bệnh thiếu canxi có nguy hiểm không?

Nếu bệnh thiếu canxi kéo dài và trở thành mạn tính sẽ dẫn đến những hệ luỵ nguy hiểm ảnh hưởng đến hệ xương, răng của cơ thể. Nguy cơ tăng huyết áp và ung thư cũng có thể xảy ra khi thiếu canxi.

Thiếu canxi có bị rụng tóc không?

Việc thiếu canxi và thiếu vitamin D khiến rụng tóc xảy ra nhiều hơn.

Mẹ bầu thiếu canxi cần bổ sung gì?

Phụ nữ mang thai là đối tượng rất dễ thiếu canxi. Thai phụ cần cải thiện chế độ dinh dưỡng bằng cách uống sữa, ăn những thực phẩm từ sữa, sữa chua và phô mai. Nếu tình trạng không cải thiện, phụ nữ có thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng thêm thực phẩm chức năng bổ sung canxi.

Hi vọng sau bài viết này bạn có thể hiểu về tầm quan trọng của canxi và nhận biết nguy cơ thiếu canxi của bạn thân. Nếu bạn và người thân có dấu hiệu thiếu canxi, xin vui lòng đặt lịch khám bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng tại Docosan.com.

  • https://ods.od.nih.gov/factsheets/Calcium-HealthProfessional/#h4
  • http:/viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tiet-che/cac-chat-dinh-duong-can-thiet-cho-he-xuong.html
  • https://viendinhduong.vn/vi/tin-tuc/diem-moi-ve-nhu-cau-khuyen-nghi-vitamin-d-va-canxi.html
  • Power ML, Heaney RP, Kalkwarf HJ, Pitkin RM, Repke JT, Tsang RC, Schulkin J. The role of calcium in health and disease. Am J Obstet Gynecol. 1999 Dec;181(6):1560-9. doi: 10.1016/s0002-9378(99)70404-7. PMID: 10601943.