Thiếu vitamin B12 cảnh báo bệnh lý gì? Bổ sung như thế nào?

Vitamin B12 là một vitamin tan trong nước và đóng vai trò thiết yếu đối với cơ thể. Sự thiếu hụt vitamin này có thể dẫn đến các bệnh liên quan đến thần kinh, bệnh thiếu máu nghiêm trọng. Tuy vitamin B12 rất cần thiết cho sự chuyển hoá của cơ thể nhưng liệu chúng ta có hiểu rõ về tác dụng, cách dùng và các bệnh liên quan đến thiếu vitamin này? Đó là những câu hỏi mà Doctor có sẵn sẽ giải thích trong bài viết này.

Vitamin B12 là gì?

Vitamin B12 hay còn gọi là cobalamin, được hấp thu vào cơ thể nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố nội tại. Cấu trúc của vitamin này gồm một nguyên tử cobalt ở trung tâm và một vòng corrin bao quanh bên ngoài. Khác với các vitamin nhóm B khác, vitamin B12 không được tổng hợp bởi động vật, nấm hoặc thực vật. Vitamin này chỉ được tổng hợp chủ yếu từ vi khuẩn kị khí hoặc cổ khuẩn trong điều kiện có Cobalt và thường tìm thấy ở dạng hoạt động tự nhiên là adenosylcobalamin (hay còn gọi là coenzym B12) và methylcobalamin.

Mặc dù, hệ vi khuẩn đường ruột của con người có thể tổng hợp vitamin B12, tuy nhiên con người không thể hấp thụ và sử dụng được. Vì vậy, vitamin này được hấp thu thông qua thức ăn. 

Quá trình hấp thu vitamin B12 của cơ thể bao gồm:

  • Vitamin B12 trong thực phẩm liên kết với protein và được phân tách trong môi trường acid của dạ dày với sự hỗ trợ của pepsin.
  • Tế bào thành dạ dày sản xuất yếu tố nội tại. Các protease tuyến tụy tiết vào tá tràng giải phóng vitamin này dưới dạng tự do, cho phép vitamin B12 liên kết với yếu tố nội tại.
  • Phức hợp yếu tố nội tại và vitamin B12 được hấp thụ bởi các thụ thể niêm mạc ở hồi tràng và sau đó được hấp thu vào máu và thực hiện các chuyển hoá cần thiết cho cơ thể

Nhu cầu sử dụng vitamin B12 ở mỗi đối tượng

Tổng lượng dự trữ vitamin B12 trong cơ thể khoảng từ 2 – 5 mg, với ½ lượng vitamin này được dự trữ ở gan. Nếu ngừng ăn và hấp thu vitamin này, tình trạng thiếu hụt vitamin thường không biểu hiện trong vòng ít nhất một đến hai năm.

Lượng vitamin B12 cần thiết bổ sung mỗi ngày phụ thuộc vào từng độ tuổi:

  • Trẻ sơ sinh – 06 tháng: 0,4 mcg/ngày
  • Trẻ em và thanh thiếu niên: Tăng lên đến 2,4 mcg/ ngày 
  • Người trưởng thành: 2,4 mcg/ ngày
  • Phụ nữ có thai: 2,6 mcg mỗi ngày
  • Phụ nữ cho con bú: 2,8 mcg mỗi ngày

Vitamin B12 có tác dụng gì?

Vitamin B12 có tác dụng quan trọng liên quan đến tổng hợp DNA, RNA, tạo máu, tổng hợp bao myelin. Cụ thể: 

  • Tổng hợp DNA và RNA: Vitamin B12 và Folat đóng vai trò quan trọng sự tổng hợp DNA và RNA. Vitamin B12 là một trong những thành phần quan trọng trong phản ứng tạo thành Tetrahydrofolate và Methionine, các thành phần cần thiết cho quá trình phân chia và trưởng thành của tế bào trong cơ thể.
  • Quá trình tạo máu: Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất các tế bào hồng cầu. Việc thiếu vitamin này ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp DNA và RNA liên quan đến quá trình tạo hồng cầu dẫn. Trong trường hợp này, các hồng cầu được tạo thành có kích thước lớn hơn bình thường và không thể thực hiện các chức năng sinh hoá của cơ thể.
  • Chức năng thần kinh: Vitamin B12 là thành phần quan trọng trong quá trình tổng hợp bao myelin. Myelin là một chất giàu lipid bao quanh sợi trục của một số tế bào thần kinh, tạo thành một lớp cách điện giúp hệ thần kinh hoạt động một cách chính xác.

Vitamin B12 có ở đâu?

Vitamin B12 có ở đâu là một câu hỏi thường gặp. Thực tế, vitamin này có trong các thực phẩm từ động vật như thịt, các sản phẩm từ sữa, cá và trứng. Đặc biệt, vitamin B12 có nhiều nhất trong các loại ngao và gan động vật. Ngược lại, các nguồn thực phẩm từ thực phẩm không chứa vitamin này. Hiện nay, một số sản phẩm ngũ cốc ăn sáng thường được bổ sung thêm vitamin B12.

vitamin b12
Vitamin B12 có trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa,…

Các nguyên nhân thiếu vitamin B12

Một số nguyên nhân thiếu vitamin B12 thường gặp là thiếu máu ác tính, tình trạng tự miễn dịch và các rối loạn không do tình trạng miễn dịch ở dạ dày hoặc ruột non ngăn cản sự hấp thu vitamin B12.

Thiếu máu ác tính

Thiếu máu ác tính là một nguyên nhân phổ biến gây thiếu vitamin B12 và thường xảy ra ở nữ giới hơn so với nam giới. Thiếu máu ác tính là một tình trạng tự miễn dịch ngăn cản sự hình thành phức hợp của yếu tố nội tại và vitamin B12, từ đó làm giảm sự hấp thụ vitamin này một cách đáng kể. Thiếu máu ác tính thường liên quan đến các tình trạng miễn dịch hoặc kháng thể tự miễn dịch khác như viêm teo dạ dày do kháng thể kháng tế bào thành, bệnh tuyến giáp tự miễn, suy thượng thận, đái tháo đường týp 1.

Chế độ ăn uống không đầy đủ

Vitamin B12 chỉ có trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Người ăn chay trường và một số phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú hạn chế protein động vật có thể bị thiếu vitamin này.

Hấp thu kém vitamin B12 trong thức ăn

Hấp thu kém Vitamin B12 trong thức ăn là tình trạng thiếu hụt vitamin này mặc dù lượng vitamin B12 trong thức ăn ở mức bình thường. Nguyên nhân chính là do cơ thể không có khả năng giải phóng vitamin B12 từ thực phẩm. Do đó, những trường hợp này có thể hấp thụ các thực phẩm chức năng có chứa vitamin B12, nhưng ít có khả năng hấp thụ vitamin này trong thực phẩm. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do viêm teo dạ dày; phẫu thuật dạ dày; nhiễm H. pylori mãn tính; thiếu acid dịch vi do sử dụng thuốc kháng acid hoặc thuốc ức chế thụ thể H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton trong một thời gian dài, nghiện rượu, suy tụy.

Phẫu thuật cắt dạ dày, phẫu thuật giảm cân hoặc viêm dạ dày

Phẫu thuật cắt dạ dày, phẫu thuật giảm cân và viêm dạ dày là những nguyên nhân tương đối phổ biến gây thiếu vitamin B12. Việc thiếu acid dạ dày và pepsin trong những tình trạng này dẫn đến việc giảm giải phóng vitamin B12 khỏi thực phẩm và giảm sản xuất yếu tố nội tại do đó suy yếu sự hấp thụ vitamin này. 

Các thuốc/hoá chất làm giảm hấp thu Vitamin B12

  • Thuốc ức chế bơm proton, kháng acid và kháng thụ thể H2: Việc sử dụng lâu dài các nhóm thuốc này làm giảm hấp thu vitamin B12 do giảm sự phân giải vitamin này khỏi thức ăn.
  • Metformin: Việc sử dụng Metformin trong một thời gian dài dẫn đến sự mất cân bằng nội sinh liên quan đến Calci và giảm hấp thu vitamin B12.
  • Nitơ oxit (khí cười): Thường được sử dụng với mục đích gây mê dạng hít hoặc thuốc giải trí. Việc sử dụng chất này làm giảm hoạt động của vitamin B12 và ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp DNA gây nên các tình trạng thiếu máu, các triệu chứng liên quan đến thần kinh và tâm thần

Các rối loạn ảnh hưởng đến sự hấp thu ở ruột non

  • Suy tụy: Tuyến tuỵ sản xuất các enzym cần thiết để phân giải vitamin B12 từ nước bọt và thức ăn, cho phép vitamin này liên kết với yếu tố nội tại. Do đó, người bệnh suy tụy hoặc  mắc các bệnh liên quan đến tụy mạn tính có thể thiếu vitamin B12. 
  • Viêm ruột non hoặc phẫu thuật ruột non: Các rối loạn liên quan đến ruột non như sự phát triển quá mức của hệ vi khuẩn đường ruột, bệnh viêm ruột, viêm ruột do bức xạ, bệnh celiac, ung thư hạch, viêm hồi tràng do lao, bệnh amyloidosis hoặc cắt bỏ hồi tràng gây nên tình trạng giảm hấp thu vitamin B12.
  • Nhiễm sán dải cá: Sán dải cá hấp thụ vitamin B12 ở hồi tràng dẫn đến thiếu vitamin này, nhiễm trùng có thể do ăn sống một số loại cá nước ngọt.

Rối loạn di truyền liên quan đến vitamin B12

Trong một số ít trường hợp, thiếu vitamin B12 là do nguyên nhân đột biến gen lặn như hội chứng Imerslund-Gräsbeck; thiếu thiếu hụt cobalamin ở trẻ vị thành niên; hiện tượng đa hình trong gen mã hóa transcobalamin và chuyển hoá vitamin B12.

Các bệnh thiếu vitamin B12

Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến một số bệnh như thiếu máu hồng cầu to, các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, các thay đổi tâm thần kinh.

Thiếu máu hồng cầu to

Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu. Việc thiếu hụt vitamin này dẫn đến tình trạng thiếu máu hồng cầu to. Một số triệu chứng không điển hình của bệnh thiếu máu hồng cầu to như mệt mỏi, khó chịu, suy giảm nhận thức. Nếu tình trạng thiếu máu trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể thiếu oxy mô và giảm tưới máu ở các cơ quan gây ra tình trạng đau ngực, khó thở, choáng váng, da xanh xao.

vitamin b12
Thiếu vitamin B12 có thể gây ra thiếu máu hồng cầu to

Các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hoá

Thiếu vitamin B12 có thể gây viêm lưỡi (đau, sưng, nhạy cảm và mất nhú lưỡi và/hoặc tăng sắc tố lưỡi). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các tế bào trong đường tiêu hóa phân chia nhanh chóng và nhạy cảm do thiếu acid nucleic vì thiếu các vitamin này. Bên cạnh đó, người thiếu vitamin B12 có thể gặp các triệu chứng như đau bụng hoặc tiêu chảy liên quan đến bệnh viêm ruột, bệnh celiac hoặc các tình trạng kém hấp thu khác. 

Thay đổi tâm thần kinh

Một số triệu chứng thần kinh thường gặp do thiếu vitamin B12 như dị cảm hoặc tê liệt đối xứng và dáng đi bất thường. Bệnh thần kinh thường đối xứng và ảnh hưởng đến chân nhiều hơn cánh tay. Bệnh thần kinh kinh điển do thiếu hụt vitamin này có thể gây ra sự thoái hóa cột sống do mất myelin. Người bệnh có tiến triển yếu dần, mất điều hòa vận động và dị cảm có thể tiến triển thành co cứng và liệt nửa người.

Một số triệu chứng có thể mắc phải như trầm cảm, cáu kỉnh, mất ngủ, chậm nhận thức, hay quên, chứng mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, suy nhược, giảm cảm giác vị trí, giảm cảm giác rung, dấu hiệu Lhermitte, mất điều hoà vận động, các dấu hiệu ngoại tháp, hội chứng chân không yên.

Thiếu hụt vitamin B12 ở trẻ sơ sinh

Vitamin B12 được truyền cho thai nhi trong thời kỳ mang thai và qua sữa mẹ sau khi sinh. Vì vậy, trẻ sơ sinh có mẹ bị thiếu vitamin B12 có thể bị thiếu vitamin này khi sinh và có nguy cơ nặng hơn nếu được bú mẹ hoàn toàn.

Thiếu vitamin B12 ở trẻ sơ sinh có thể biểu hiện nguy hiểm như giảm ba dòng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và/hoặc bệnh thiếu máu hồng cầu to; có thể có liên quan đến sự chậm phát triển hoặc suy thoái, khó ăn, giảm trương lực cơ, khó chịu, run hoặc co giật.

Ngoài những tình trạng bệnh kể trên, thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến tăng/ giảm sắc tố da trên bàn tay hoặc bàn chân; tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương; tăng nguy cơ ung thư dạ dày ở những người bị thiếu máu ác tính.

Điều trị thiếu vitamin B12 như thế nào?

Tất cả những bệnh nhân thiếu vitamin B12 nên được điều trị. Hầu hết những người bị thiếu hụt vitamin này đều không có triệu chứng khi tình cờ phát hiện khi làm xét nghiệm hoặc với có các triệu chứng. Những trường hợp này cần bổ sung lượng vitamin bị thiếu trong khoảng thời gian vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thận trọng can thiệp khẩn cấp như thiếu máu có triệu chứng, có các dấu hiệu về thần kinh, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh,…

Vitamin B12 được dùng để điều trị thiếu vitamin B12 ở dạng cyanocobalamin và hydroxocobalamin. Thời gian điều trị thiếu vitamin này phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt này. Việc bổ sung vitamin B12 suốt đời là cần thiết đối với những người có tình trạng không hồi phục (phẫu thuật cắt dạ dày). Nếu nguyên nhân của sự thiếu hụt có thể được điều trị hoặc loại bỏ (chế độ ăn kiêng quá mức, thiếu hụt do thuốc, nguyên nhân gây ra chứng kém hấp thu có thể đảo ngược), thì có thể ngừng bổ sung vitamin B12 sau khi sự thiếu hụt được khắc phục.

Liều dùng vitamin B12 đối với bệnh nhân thiếu vitamin này như sau:

  • Người lớn: 1000 mcg uống một lần mỗi ngày.
  • Trẻ em 6 tháng đến 18 tuổi: uống 1000 mcghàng ngày trong một tuần, tiếp theo là cách ngày trong một tuần, hai ngày một tuần trong hai tuần, và sau đó là hàng tuần trong ba tháng

Cách dùng vitamin B12

Vitamin B12 có thể được dùng đường tiêm như tiêm bắp, tiêm dưới da; đường ngậm dưới lưỡi và nhỏ mũi. Tùy vào mỗi trường hợp cụ thể mà cách dùng sẽ khác nhau:

  • Đối với bệnh nhân có thiếu máu hồng cầu to có triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân nên được bắt đầu điều trị bằng vitamin B12 đường tiêm sau đó chuyển sang đường uống khi hết triệu chứng
  • Đối với bệnh nhân kém hấp thu vitamin B12, thuốc nên được sử dụng đường tiêm thay cho đường uống để đảm bảo được sự dung nạp thuốc và tuân thủ điều trị.
  • Đối với bệnh nhân thiếu vitamin B12 do thiếu hụt trong chế độ ăn, bệnh nhân cần bổ sung vitamin này bằng đường uống. 

Chống chỉ định vitamin B12

Quá mẫn cảm với vitamin B12 hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. 

Tác dụng phụ vitamin B12

Một số tác dụng phụ khi sử dụng vitamin B12 như nhức đầu, các tình trạng nhiễm khuẩn, suy nhược thần kinh cơ và xương,…

Phòng ngừa thiếu vitamin B12

Đối với đa số người có chế độ ăn đa dạng và đầy đủ thì không cần thiết phải bổ sung vitamin B12 bằng thuốc. Tuy nhiên, một số trường hợp cần lưu ý:

  • Người ăn chay: Nên bổ sung vitamin B12 để phòng ngừa thiếu vitamin này. Việc này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ đang mang thai hoặc có dự định mang thai. 
  • Phẫu thuật cắt dạ dày: Cần bổ sung vitamin B12 do thiếu yếu tố nội tại 
  • Các rối loạn ở ruột non: Tùy thuộc vào mức độ mãn tính và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà cân nhắc bổ sung vitamin B12. Thông thường, những người mắc các tình trạng này cần theo dõi định kỳ nồng độ vitamin này thay vì được bổ sung thường xuyên.
vitamin b12
Sử dụng vitamin B12 để phòng ngừa thiếu vitamin B12 cho một số đối tượng đặc biệt

Câu hỏi thường gặp

Thiếu vitamin B12 gây bệnh gì?

Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong chuyển hoá của cơ thể. Sự thiếu hụt loại vitamin này sẽ gây ra các rối loạn về thần kinh, bệnh thiếu máu hồng cầu to, các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hoá như viêm lưỡi, đau bụng, tiêu chảy.

Vitamin B12 có trong trái cây nào?

Vitamin B12 chỉ có trong các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, sữa, trứng và cá. Vitamin này không có trong thực phẩm từ thực vật do vậy trái cây không chứa loại vitamin này. 

Vitamin B12 nên uống lúc nào?

Đối với người có chế độ ăn đa dạng các nhóm thức ăn thì không cần bổ sung vitamin B12. Vitamin này chỉ cần bổ sung trong các trường hợp thiếu hụt và có triệu chứng nghiêm trọng. Vitamin B12 thường được uống một lần mỗi ngày, khi đói hoặc no đều được, tùy theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc tờ hướng dẫn sử dụng.

Vitamin B12 có trong rau gì?

Vitamin B12 chỉ có trong các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, sữa, trứng và cá. Vitamin này không có trong thực phẩm từ thực vật do vậy rau không chứa loại vitamin này.

Vitamin B12 có tác dụng gì cho da?

Thiếu vitamin B12 có thể gây tăng sắc tố da; thay đổi tóc và móng tay. Ngoài ra, một số tình trạng da liễu, bao gồm bệnh bạch biến, viêm miệng áp-tơ, viêm da dị ứng và mụn trứng cá có liên quan đến tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt vitamin này. 

Vitamin B12 chống chỉ định?

Vitamin B12 chống chỉ định với các trường hợp quá mẫn cảm với vitamin này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. 

Định lượng vitamin B12

Vitamin B12 được định lượng theo nguyên lý miễn dịch cạnh tranh sử dụng công nghệ hóa phát quang hay điện hóa phát quang. Định lượng vitamin B12 thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý như bệnh máu, bệnh thần kinh,…

Vitamin B12 bao nhiêu tiền?

Vitamin B12 được sử dụng để điều trị và dự phòng thiếu vitamin B12. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều chế phẩm vitamin B12 với giá thành phụ thuộc vào từng công ty sản xuất.

Vitamin B12 được hấp thu ở đâu?

Vitamin B12 được phân cách khỏi thức ăn bởi enzym tuỵ tại ruột non sau đó kết hợp với yếu tố nội tại và hấp thu tại hồi tràng.

Xét nghiệm vitamin B12

Xét nghiệm vitamin B12 được thực hiện để kiểm tra mức vitamin này trong cơ thể khi cơ thể có các dấu hiệu như châm chích ở bàn tay, bàn chân; khó giữ thăng bằng; chóng mặt, mệt mỏi, nghi ngờ thiếu máu ác tính. Thông thường, lượng vitamin B12 có trong huyết thanh của trẻ sơ sinh sẽ ở khoảng 160 – 1300pg/ml (118 – 959pmol/L) và trong huyết thanh của người trưởng thành là khoảng 220 – 925pg/ml (162 – 683pmol/L).


Hi vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về vitamin B12 và các bệnh do thiếu vitamin này. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những dấu hiệu trên, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý trên docosan.com.