Vitamin K là nguyên tố vi lượng thường có sẵn trong các loại thực phẩm. Nó cần thiết cho sức khỏe và sự tăng trưởng bình thường của con người. Thiếu vitamin K rất hiếm gặp nhưng có thể dẫn đến các vấn đề về đông máu. Vậy vitamin K là gì và vì sao nó lại có vai trò quan trọng như vậy, hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Vitamin K là gì?
Vitamin K được phát hiện lần đầu bởi Henrik Dam vào năm 1929. Sau khi khám phá ra bản chất cấu trúc hóa học, loại vitamin này được ký hiệu là K (Koagulationsvitamin).
Vitamin K là tên gọi chung của một nhóm hợp chất có cấu trúc hóa học chung là 2-methyl-1,4-naphthoquinone. Vitamin K thuộc nhóm tan trong dầu và hiện diện trong một số thực phẩm hoặc có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung.
Các dạng vitamin tự nhiên bao gồm vitamin K1 và vitamin K2. Vitamin K1 hay phylloquinone có trong thực vật và là dạng chiếm phần lớn trong chế độ ăn hàng ngày.Vitamin K2 bao gồm một nhóm vitamin K có cấu trúc được gọi chung là menaquinone, chúng đa phần được tổng hợp bởi hệ vi sinh vật đường ruột ở người và được tìm thấy trong các loại thực phẩm lên men và trong thịt động vật. Menadione hay vitamin K3 là một dạng vitamin K tổng hợp được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi, khi đó nó cần được chuyển đổi thành dạng hoạt đông là menaquinone-4.
Giống như lipid và các vitamin tan trong chất béo khác, vitamin K ăn vào được tích hợp vào các mixen hỗn hợp thông qua hoạt động của mật và enzyme tuyến tụy, và nó được hấp thụ bởi các tế bào ruột của ruột non. Từ đó, vitamin K được tích hợp vào chylomicron, tiết vào mao mạch bạch huyết, vận chuyển đến gan và đóng gói lại thành các lipoprotein mật độ rất thấp. Vitamin K có trong gan và các mô cơ thể khác, bao gồm não, tim, tuyến tụy và xương.
Trong tuần hoàn, một lượng rất nhỏ vitamin K lưu thông trong máu. Vitamin K được chuyển hóa và bài tiết nhanh chóng. Sự trao đổi chất nhanh chóng này khiến lượng vitamin K trong máu và lượng dự trữ trong mô tương đối thấp so với các vitamin tan trong chất béo khác.
Vai trò của vitamin K đối với sức khỏe
Vai trò đông máu
Vitamin K có chức năng như một coenzym cho carboxylase phụ thuộc vitamin K – một loại enzyme cần thiết cho quá trình tổng hợp protein liên quan đến quá trình cầm máu (đông máu) và chuyển hóa xương cũng như các chức năng sinh lý đa dạng khác. Prothrombin (yếu tố đông máu II) là một protein phụ thuộc vitamin K trong huyết tương có liên quan trực tiếp đến quá trình đông máu.
Warfarin và một số thuốc chống đông máu có tác dụng đối kháng hoạt động của vitamin K. Vì lý do này, những người đang dùng thuốc chống đông máu này cần duy trì lượng vitamin K bổ sung hằng ngày.
Vai trò đối với hệ tim mạch
Vôi hóa mạch máu là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch vành làm giảm độ đàn hồi của động mạch. Matrix Gla-protein (MGP) là một protein phụ thuộc vitamin K có thể đóng vai trò ngăn ngừa xơ vữa mạch máu.
Mặc dù chức năng sinh học đầy đủ của MGP vẫn chưa rõ ràng, nhưng một giả thuyết dựa trên dữ liệu trên động vật cho thấy tình trạng thiếu vitamin K dẫn đến MGP bị thiếu carboxyl hóa, có thể làm tăng xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.
Vai trò đối với xương khớp
Loãng xương, một chứng rối loạn đặc trưng bởi tình trạng xương xốp và dễ gãy, là một vấn đề sức khỏe cộng Vitamin K là một dạng coenzym tham gia vào quá trình carboxyl hóa gamma của nhiều protein, trong đó có osteocalcin – một trong những protein chính của xương. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ osteocalcin được carboxyl hóa thấp trong huyết thanh có thể làm giảm mật độ khoáng trong xương và làm tăng tỷ lệ gãy xương và tình trạng này đa phần xảy ra ở phụ nữ.
Nhu cầu vitamin K hàng ngày
Lượng vitamin K cần bổ sung tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính của mỗi người. Lượng khuyến nghị trung bình hàng ngày được liệt kê dưới đây tính bằng microgam (mcg).
Độ tuổi | Lượng cần bổ sung hàng ngày (mcg) |
Sơ sinh – 6 tháng | 2,0 |
7–12 tháng | 2,5 |
1–3 năm | 30 |
4–8 năm | 55 |
9–13 tuổi | 60 |
14–18 tuổi | 75 |
Nam giới trưởng thành từ 19 tuổi trở lên | 120 |
Phụ nữ trưởng thành từ 19 tuổi trở lên | 90 |
Thanh thiếu niên đang mang thai hoặc đang cho con bú | 75 |
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú | 90 |
Dấu hiệu của người thiếu vitamin K
Thiếu vitamin K chỉ được coi là có ý nghĩa lâm sàng khi thời gian đông máu tăng đáng kể do hoạt động prothrombin trong máu giảm. Vì vậy, chảy máu và xuất huyết là dấu hiệu kinh điển của tình trạng thiếu vitamin K, mặc dù những tác động này chỉ xảy ra trong những trường hợp thiếu vitamin K nghiêm trọng.
Mặt khác, vitamin K cần thiết cho quá trình carboxyl hóa osteocalcin trong xương nên thiếu vitamin K cũng có thể làm giảm quá trình khoáng hóa xương và góp phần gây ra hiện tượng loãng xương.
Đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin K
Thiếu vitamin K có thể xảy ra trong vài tuần đầu tiên của trẻ sơ sinh do khả năng vận chuyển phylloquinone qua nhau thai thấp, nồng độ yếu tố đông máu thấp và hàm lượng vitamin K trong sữa mẹ thấp. Tình trạng thiếu vitamin K đáng kể về mặt lâm sàng ở người lớn là rất hiếm và thường chỉ giới hạn ở những người bị rối loạn kém hấp thu hoặc những người dùng thuốc cản trở quá trình chuyển hóa vitamin K.
Trẻ sơ sinh
Quá trình chuyển vitamin-K qua nhau thai kém sẽ làm tăng nguy cơ thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh. Trẻ trong vài tuần tuổi đầu bị thiếu vitamin K có thể gây xuất huyết – một tình trạng bệnh trước đây được gọi là “bệnh xuất huyết cổ điển ở trẻ sơ sinh”. Bệnh này có khiến trẻ chảy máu ở rốn, đường tiêu hóa, da, mũi và các vị trí khác.
Người bị rối loạn kém hấp thu
Những người mắc hội chứng kém hấp thu và các rối loạn tiêu hóa khác, chẳng hạn như xơ nang, bệnh celiac, viêm loét đại tràng và hội chứng ruột ngắn, có thể không hấp thụ vitamin K đúng cách.
Tình trạng thiếu vitamin K cũng có thể xảy ra ở người dùng thuốc ngăn chặn quá trình chuyển hóa vitamin K như thuốc kháng sinh hoặc những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật giảm béo, mặc dù không xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng. Những người này có thể cần theo dõi tình trạng vitamin K và trong một số trường hợp cần bổ sung vitamin K.
Vitamin K từ thực phẩm chức năng và thuốc
Các dạng bào chế của vitamin K
Vitamin K có trong hầu hết các thực phẩm bổ sung vitamin tổng hợp. Nó cũng có sẵn trong các thực phẩm chức năng chỉ chứa vitamin K hoặc kết hợp với một số chất dinh dưỡng khác, thường là canxi, magiê và/hoặc vitamin D, những loại này có phạm vi liều vitamin K rộng hơn so với dạng bổ sung vitamin dạng tổng hợp.
Các dạng vitamin phổ biến trong thực phẩm bổ sung là vitamin K1 dưới dạng phylloquinone hoặc phytonadione (dạng tổng hợp của vitamin K1) và vitamin K2 dưới dạng menaquinone-4 và menaquinone-7.
Menadione hay vitamin K3, là một dạng vitamin K tổng hợp khác. Nó đã được chứng minh là gây tổn hại tế bào gan trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm được thực hiện trong những năm 1980 và 1990, vì vậy nó không còn được sử dụng trong các thực phẩm bổ sung.
Liều dùng vitamin K
Liều vitamin K khác nhau tùy từng đối tượng bệnh nhân khác nhau. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hoặc thay đổi liều dùng.
Menadiol
Vitamin K dạng uống (viên): Người lớn và trẻ em Liều dùng thông thường là 5 đến 10 miligam (mg) mỗi ngày.
Vitamin K dạng thuốc tiêm:
- Người lớn và thanh thiếu niên – Liều thông thường là 5 đến 15 mg, tiêm vào cơ hoặc dưới da, một hoặc hai lần một ngày.
- Trẻ em – Liều thông thường là 5 đến 10 mg, tiêm vào cơ hoặc dưới da, một hoặc hai lần một ngày.
Phylloquinone
Vitamin K dạng uống (viên):
- Người lớn và thanh thiếu niên – Liều thông thường là 2,5 đến 25 miligam (mg), hiếm khi lên tới 50 mg. Liều có thể được lặp lại, nếu cần thiết.
- Trẻ em — Không nên sử dụng.
Vitamin K dạng thuốc tiêm:
- Người lớn và thanh thiếu niên – Liều thông thường là 2,5 đến 25 mg, hiếm khi lên tới 50 mg, tiêm dưới da dùng trong các vấn đề về đông máu hoặc tăng chảy máu. Liều có thể được lặp lại, nếu cần thiết.
- Để ngăn ngừa chảy máu ở trẻ sơ sinh: Liều thông thường là 0,5 đến 1 mg, tiêm vào cơ hoặc dưới da, ngay sau khi sinh. Liều có thể được lặp lại sau sáu đến tám giờ, nếu cần.
Thực phẩm giàu vitamin K
Phylloquinone
- Các loại rau lá xanh bao gồm cải rổ và củ cải xanh, cải xoăn, rau bina, bông cải xanh, cải Brussels , bắp cải, rau diếp
- Các loại trái cây như bơ, mận, việt quất, nho, táo,..cung cấp lượng thấp vitamin K hơn các loại rau xanh
- Dầu đậu nành và dầu hạt cải
Menaquinone
- Natto (đậu nành lên men)
- Thịt, phô mai, trứng chứa một lượng nhỏ vitamin K
Vì vitamin K tan trong chất béo nên tốt nhất do đó khi ăn thực phẩm chứa vitamin K nên dùng kèm theo một ít chất béo (như dầu hoặc bơ,…) để tăng khả năng hấp thu.
Vitamin K tương tác với các loại thuốc nào?
Vitamin K chưa được chứng minh là gây ra bất kỳ tác hại nào, tuy nhiên nó có thể tương tác với một số loại thuốc và dẫn đến một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc.
Các thuốc chống đông máu
Vitamin K có thể có tương tác nghiêm trọng và nguy hiểm với thuốc chống đông máu như warfarin hay phenprocoumon, acenocoumarol và tioclomarol. Những thuốc này đối kháng hoạt động của vitamin K, dẫn đến suy giảm các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K. Những người dùng warfarin và các thuốc chống đông máu tương tự cần duy trì lượng vitamin K hấp thụ ổn định từ thực phẩm và chất bổ sung vì những thay đổi đột ngột về lượng vitamin K hấp thụ có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng chống đông máu trong cơ thể.
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn sản xuất vitamin K trong ruột, có khả năng làm giảm nồng độ vitamin K. Tác dụng này có thể rõ rệt hơn với kháng sinh cephalosporin, chẳng hạn như cefoperazone vì những kháng sinh này có thể ức chế hoạt động của vitamin K trong cơ thể. Việc bổ sung vitamin K thường không cần thiết trừ khi việc sử dụng kháng sinh kéo dài (hơn vài tuần) và kèm theo lượng vitamin K hấp thụ kém.
Thuốc cô lập acid mật
Các chất cô lập axit mật như cholestyramine, colestipol được sử dụng để giảm nồng độ cholesterol trong điều trị rối loạn lipid máu cũng có thể làm giảm sự hấp thu vitamin K và các vitamin tan trong chất béo khác, mặc dù ý nghĩa lâm sàng của tác dụng này vẫn chưa rõ ràng. Cần theo dõi tình trạng vitamin K ở những người dùng các loại thuốc này, đặc biệt khi sử dụng loại thuốc này trong nhiều năm.
Orlistat
Orlistat là một loại thuốc giảm cân có tác giảm sự hấp thu chất béo trong chế độ ăn của cơ thể, khi đó, thuốc này cũng có thể làm giảm sự hấp thu các vitamin tan trong chất béo, chẳng hạn như vitamin K. Mặt khác, orlistat thường không có tác dụng đáng kể về mặt lâm sàng đối với tác dụng làm giảm nồng độ vitamin K trong cơ thể mặc dù các bác sĩ lâm sàng thường khuyến cáo bệnh nhân dùng orlistat nên bổ sung vitamin tổng hợp có chứa vitamin K. Kết hợp sử dụng orlistat với warfarin có thể làm kéo đáng kể thời gian prothrombin (thời gian đông máu).
Câu hỏi thường gặp
Vitamin K có trong thực phẩm nào?
Vitamin có có sẵn trong nhiều loại thực phẩm, với hàm lượng cao nhất trong các loại rau xanh như các loại cải và lượng ít hơn trái cây, ngũ cốc, phô mai, thịt gia cầm, trứng, hải sản và các loại đậu.
Vitamin K có tác dụng gì cho da?
Vitamin K có tác dụng làm giảm vết bầm tím, nhanh chóng làm lành vết thương, chống lại các gốc oxy hóa tự do giúp ngăn ngừa lão hóa da.
Yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K?
Vitamin K kiểm soát hoạt động của prothrombin, yếu tố đông máu VII, IX, và X. Ngoài ra, các yếu tố đông máu khác như protein C, protein S và protein Z cũng phụ thuộc vào vitamin K.
Vitamin K có tên gọi là gì?
Vitamin K là tên gọi chung của một nhóm hợp chất có cấu trúc hóa học chung là 2-methyl-1,4-naphthoquinone. Các vitamin K phổ biến bao gồm vitamin K1 (phylloquinone), vitamin K2 (menaquinone), và vitamin K3 (menadione).
Vitamin K và kẽm có trong thực phẩm nào?
Vitamin K hiện diện trong các loại rau xanh như cải xoăn, cải xanh, rau bina với hàm lượng khá cao. Kẽm có nhiều trong các loại thịt đỏ, hải sản. Ngoài ra các loại hạt, và cây họ đậu cũng chứa nhiều vitamin K và kẽm.
Vitamin K uống khi nào?
Vitamin K thuộc nhóm vitamin tan trong dầu, do đó để phát huy tối đa hiệu quả hấp thu tốt nhất nên uống vitamin K cùng bữa ăn giàu chất béo.
Như vậy, thông qua bài viết trên bạn có thể hiểu rõ được tầm quan trọng của vitamin K đối với sức khỏe. Nếu bạn hoặc người thân của bạn cần kiểm tra răng miệng, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý trên docosan.com đặt lịch.