Những triệu chứng sỏi túi mật người bệnh cần lưu ý

Sỏi túi mật là bệnh lý ngày càng phổ biến do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ hình thành sỏi trong cuộc sống. Phần lớn không có triệu chứng sỏi túi mật, tuy nhiên, một số trường hợp sỏi túi mật cũng gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng Docosan tìm hiểu những triệu chứng sỏi túi mật để có hướng điều trị thích hợp.

Sỏi túi mật là gì?

Hàng ngày, gan sản xuất dịch mật rồi tống xuất vào ống mật, dẫn đến túi mật. Túi mật có vai trò dự trữ và cô đặc dịch mật. Đây là một túi nhỏ hình bầu dục hay hình quả lê, thường nằm ngay ở bờ dưới bên phải của gan. 

Sỏi mật là tình trạng lắng đọng và kết tủa từ các chất có trong dịch mật. Vậy sỏi túi mật là một dạng sỏi của hệ thống đường mật.

Bệnh cảnh lâm sàng của sỏi túi mật

Một số tình trạng bệnh lâm sàng của sỏi túi mật là 

  • Sỏi túi mật không biểu hiện triệu chứng. Hơn 50% các trường hợp
  • Sỏi túi mật có triệu chứng (cơn đau quặn mật)
  • Viêm túi mật mạn do sỏi 
  • Viêm túi mật cấp do sỏi.
  • Viêm tuỵ cấp do sỏi túi mật

Triệu chứng sỏi túi mật

triệu chứng sỏi túi mật
Hình ảnh sỏi lắp đầy túi mật

Dấu hiệu không điển hình

Một số dấu hiệu không điển hình của sỏi túi mật, có thể gặp ở một số bệnh lý khác như:

  • Đầy bụng, căng tức bụng 
  • Ợ hơi nhiều sau ăn 
  • Rối loạn tiêu hóa mức độ nhẹ: khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn …

Cơn đau quặn mật

Đây là triệu chứng thường gặp nhất của sỏi túi mật. Một cơn đau quặn mật có các triệu chứng sau :

  • Đau quặn từng cơn tại vùng hạ sườn phải (hay vùng gan bên phải), đôi khi khởi phát tại thượng vị (hay vùng của dạ dày). 
  • Hướng lan cơn đau lên vai bên phải 
  • Thường xảy ra sau một bữa ăn thịnh soạn hay nhiều dầu mỡ 
  • Người bệnh không có tư thế làm giảm cơn đau 
  • Đau bụng sẽ tự hết khi sỏi không còn kẹt ở đoạn cổ túi mật. 

Lưu ý về các triệu chứng sỏi túi mật

Những người lớn tuổi hoặc người mắc nhiều bệnh nền thì hầu hết triệu chứng không điển hình. Những trường hợp có triệu chứng thì cũng chỉ đau bụng ở mức độ nhẹ và âm ỉ, không có đầy đủ tính chất của cơn đau quặn mật. 

Chính vì vậy, đôi khi sỏi túi mật đã lớn hoặc gây kẹt cổ túi mật rồi, nhưng người bệnh sẽ không nhận ra được và nhầm lẫn với triệu chứng của rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân chủ quan cho rằng triệu chứng sẽ tự hết mà không cần đi khám bác sĩ.

Bác sĩ điều trị sỏi túi mật

  • Bác sĩ Nguyễn Bảo Xuân Thanh – Q. Bình Tân
  • Bác sĩ Trần Kinh Thành – Q. 10
  • Bác sĩ Lê Kim Sang – Q. Bình Tân

Biến chứng nguy hiểm của sỏi túi mật

Biến chứng thường gặp của sỏi túi mật:

  • Viêm túi mật do sỏi kẹt cổ túi mật
  • Sỏi túi mật lọt vào ống mật chủ gây tắc mật, có hoặc không có viêm đường mật kèm theo
  • Tắc ống dẫn dịch tụy, có thể dẫn đến viêm tuỵ 
  • Tắc ruột non do sỏi 
  • Thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc do dịch mật
  • Chảy máu đường mật
  • Sốc nhiểm trùng đường mật
  • Ung thư túi mật.

Trong số các biến chứng trên, biến chứng viêm túi mật cấp và mãn tính là thường xảy ra nhất.

Viêm túi mật mạn do sỏi

Viêm túi mật mạn tính là biến chứng thường gặp do sỏi túi mật gây nên

  • Chiếm 80% các trường hợp sỏi gây viêm túi mật 
  • Tiền căn: người bệnh đã từng có cơn đau quặn mật hay viêm túi mật cấp đã qua
  • Triệu chứng không điển hình như khó tiêu, bụng lình phình sau ăn, tức bụng sau ăn dầu mỡ, đau bụng râm ran ở vùng gan, … 
  • Chẩn đoán chủ yếu nhờ vào siêu âm bụng tổng quát.

Viêm túi mật cấp

Viêm túi mật cập do sỏi là một tình trạng bệnh nhân cần xử trí cấp cứu để tránh những biến chứng nghiêm trọng do sỏi gây ra.

Ở bệnh nhân viêm túi mật cấp có các biểu hiện lâm sàng như :

  • Sốt
  • Vàng da
  • Đau vùng hạ sườn phải, đặc biệt tại điểm đau Murphy

Một số phương pháp cận lâm sàng giúp chẩn đoán tình trạng viêm túi mật cấp :

  • Xét nghiệm máu
  • Siêu âm
  • CT
  • MRI

Một số dấu hiệu khác cần quan tâm với biến chứng của sỏi túi mật

Những triệu chứng gợi ý đến các biến chứng do sỏi túi mật gây ra

  • Bệnh nhân sốt cao, lạnh run
  • Tri giác lơ mơ
  • Bụng gồng cứng như gỗ
  • Vàng da tắc mật : da vàng sậm và ngứa, nước tiểu sậm màu, phân nhạt màu

Lưu ý đối với biến chứng của sỏi túi mật: Đối với bệnh nhân lớn tuổi kèm nhiều bệnh nền hoặc đã từng phẫu thuật vùng bụng thì khi đã có tình trạng Viêm túi mật thì bệnh sẽ diễn tiến rất nhanh và dẫn đến các biến chứng đe dọa đến tính mạng. 

Phân mức độ của viêm túi mật cấp

Viêm túi mật độ III

Mức độNặng : trong tình trạng viêm túi mật cấp do sỏi khi có kèm theo sự rối loạn chức năng của một trong các hệ cơ quan.

  • Rối loạn chức năng hệ tim mạch (phải sử dụng thuốc vận mạch).
  • Rối loạn chức năng thần kinh (li bì, hôn mê, lú lẫn).
  • Rối loạn chức năng hô hấp (PaO2/FiO2 ratio <300).
  • Rối loạn chức năng thận (thiểu niệu, creatinine >2.0mg/dl)
  • Rối loạn chức năng gan (PT-INR >1.5).
  • Rối loạn huyết học (số lượng tiểu cầu máu <100 000/mm3)

Viêm túi mật độ II

Mức độTrung bình Có một trong các yếu tố sau:

  • Tăng số lượng bạch cầu >18 000/mm3.
  • Sờ thấy khối ở ¼ bụng trên phải. 
  • Khởi phát cơn đau quặn mật >72 giờ 
  • Viêm khu trú như viêm phúc mạc mật, áp xe gan, viêm túi mật hoại tử, viêm túi mật hoại thư sinh hơi.

Viêm túi mật độ I

Mức độ “Nhẹ” là tình trạng viêm túi mật không thoả các tiêu chuẩn của Viêm túi mật mức độ “Trung bình (Độ II)” và “Nặng (Độ III)” 

Kết luận

Sỏi túi mật là một bệnh lý phổ biến và có thể dẫn đến biến chứng thường gặp là viêm túi mật. Do đó, khi thấy những dấu hiệu bất thường trong cơ thể, người bệnh phải tìm đến các bác sĩ tiêu hóa hoặc phòng khám chuyên tiêu hóa sớm để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo