Lẹo mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Lẹo mắt là một nhiễm trùng cấp tính, thường do Staphylococcus gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Biểu hiện thường gặp là một nốt sưng ở mi mắt và phù lan tỏa quanh mi. Lẹo thường tự giới hạn và khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên bạn vẫn cần đến các biện pháp y khoa để giúp kiểm soát nốt lẹo và tránh các biến chứng không đáng có xảy ra. Để hiểu rõ hơn về triệu chứng này, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây cùng Docosan.

Lẹo mắt là gì?

Lẹo (Hordeolum/Stye) là một bệnh lý nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Staphylococcus gây ra, xảy ra ở:

  • Nang lông mi (tuyến Zeis) gọi là lẹo ngoài (thường gặp)
  • Tuyến meibomius gọi là lẹo trong (ít gặp)

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhiều hơn ở người lớn, trẻ nhỏ ít gặp hơn. Bệnh có thể xảy ra tự phát hoặc thứ phát liên quan đến các bệnh lý khác như viêm bờ mi mãn tính, mụn trứng cá đỏ (acne rosacae)…

lẹo mắt
Hình ảnh lẹo mắt

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây lẹo mắt?

Lẹo mắt có thể do một tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng tại nang lông mi, bờ mi,…

Các tuyến dầu ở xung quanh mí mắt, có lỗ thoát qua các ống dẫn vào lông mi. Nếu hệ thống ống dẫn này bị bít tắc, dầu không thể thoát ra bên ngoài mà chảy ngược vào trong các tuyến dẫn đến tình trạng các tuyến bị sưng,viêm, gây ra mụn nhọt.

lẹo mắt
Lẹo mắt xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Bất kỳ ai cũng có thể bị lẹo ở mắt, nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này bao gồm:

  • Những bệnh nhân đã từng bị lẹo mắt hoặc mắc phải nấm da trong khoảng thời gian gần trước đó có nhiều khả năng tái phát
  • Một số tình trạng bệnh lý mạn tính ở da nhất định – như bệnh rosacea (tình trạng ửng đỏ ở da, hay còn gọi là mụn trứng cá đỏ) hoặc viêm da
  • Các vấn đề sức khỏe khác – bao gồm bệnh tiểu đường, sưng mí mắt hay có tình trạng rối loạn lipid máu như cholesterol tăng cao
  • Sử dụng lớp trang điểm cũ hoặc không tẩy trang ở mắt thường xuyên trước khi thực hiện các bước chăm sóc da tại nhà.

Dấu hiệu lâm sàng của lẹo mắt

Bệnh có thể xuất hiện 1 hoặc nhiều nốt, sưng nóng đỏ đau ở bờ mi, có thể thấy mủ ở chân lông mi, phù lan tỏa quanh mi (thường là phù mềm).

Trường hợp lẹo ở mi trên có kích thước lớn: đè lên giác mạc có thể gây loạn thị, hoặc gây sụp mi cơ học làm cản trở trục thị giác.

Diễn tiến: thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến vài tuần, một số trường hợp gây viêm mô tế bào, abcess quanh mi.

lẹo mắt
Khá dễ nhận biết lẹo mắt thông qua triệu chứng lâm sàng

Cách chữa lẹo mắt?

Lẹo thường tự giới hạn, có thể tự khỏi sau 1-2 tuần dù không can thiệp điều trị. Tuy nhiên bạn vẫn cần tuân thủ nguyên tắc điều trị để tránh làm lẹo mắt trở nặng, biến chứng nặng nề.

Điều trị nội khoa:

  • Giữ vệ sinh mắt
  • Chườm ấm – massage mi mắt 4 lần/ ngày
  • Kháng sinh nhỏ mắt tại chỗ hoặc dùng đường uống

Điều trị ngoại khoa: rạch dẫn lưu mủ, khi lẹo quá lớn hoặc điều trị nội khoa nhưng không hiệu quả (sau 1-2 tuần)

Điều trị các bệnh lý liên quan: viêm bờ mi mạn, mụn trứng cá đỏ.

lẹo mắt
Dùng thuốc nhỏ mắt điều trị lẹo mắt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Một số biện pháp phòng ngừa lẹo mắt?

  • Rửa tay thường xuyên đủ 6 bước theo khuyến cáo của Bộ Y tế – giúp ngăn ngừa bụi bẩn tồn đọng, tiếp xúc với mắt làm tắc nghẽn các ống tuyến tiết dầu nhờn. Rửa tay thường xuyên ngăn ngừa lẹo mắt xảy ra và giảm kích ứng, làm nặng thêm đối với lẹo mắt hiện có.
  • Thay đổi thói quen trang điểm: Không nên trang điểm để che đậy nốt mụn lẹo mắt vì điều này không những làm chậm quá trình hồi phục tổn thương mà còn gây kích ứng mụn lẹo, làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng. Nhiều vi khuẩn lây lan từ vị trí sang thương lẹo mắt qua cọ trang điểm và chì kẻ mắt. Nếu dụng cụ trang điểm sử dụng quá lâu hoặc trong một thời gian dài, có dấu hieju nhiễm bẩn nên thay mới, đồng thời thường xuyên vệ sinh cọ trang điểm vì chúng có thể là nơi sinh sôi của vi khuẩn. Cần phải tẩy trang vào lúc cuối ngày, trước các bước làm sạch như rửa mặt, tẩy tế bào chết, đặc biệt là những ai có lớp trang điểm đậm.
  • Cẩn trọng khi sử dụng kính áp tròng: Nên rửa tay thật sạch trước khi lấy kính lắp vào hay gỡ ra, vệ sinh kính thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, nên tránh chạm tay vào vùng mắt để ngăn chặn vi khuẩn lây lan sang vùng da quanh mắt
lẹo mắt
Cần thận trọng khi sử dụng kính áp tròng

Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Tài liệu tham khảo

  1. External Eyelid Stye (Hordeolum Externum, healthline.com