Bệnh nha chu: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 

Bệnh nha chu là một bệnh lý viêm nhiễm nướu răng do vi khuẩn làm tổn thương và có thể phá hủy xung quanh răng. Đây là bệnh lý răng miệng khá phổ biến và có thể phòng ngừa được khi hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về căn bệnh này trong bài viết sau đây nhé!

Bệnh nha chu là gì?

Bệnh nha chu ( tên tiếng anh: Periodontitis) là một bệnh nhiễm trùng nướu răng ở mức độ nghiêm trọng làm tổn thương mô mềm và phá hủy xung quanh răng. Bệnh viêm nha chu có thể làm chân răng bị tổn thương nặng nề và răng bị lỏng hoặc dẫn đến mất răng vĩnh viễn.

Bệnh nha chu có thể xuất hiện sớm và phổ biến chỉ sau bệnh sâu răng. Bệnh thường xảy ra cùng lúc trên nhiều răng và hậu quả nghiêm trọng làm rụng mất hàng loạt các răng ở những người trên 40 tuổi hoặc bị sâu răng trước đó. 

nha chu
Bệnh nha chu là gì?

Nguyên nhân răng bị nha chu

Nguyên nhân chính dẫn đến răng bị nha chu là do tình trạng vệ sinh răng miệng kém kéo dài, sẽ tạo điều kiện cho các mảng bám vi khuẩn tồn đọng trên lợi (nướu) răng và có thể gây viêm nướu răng trước. Rồi theo thời gian, mảng bám vi khuẩn răng răng bị vôi hóa nên cứng dần thành vôi răng (cao răng) và nướu sẽ bị viêm nhiễm nặng hơn, kết quả là chuyển sang giai đoạn viêm nha chu. Bệnh nha chu sẽ tiến triển nhanh chóng nếu người bệnh đang có một vấn đề nào đó làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

Triệu chứng nha chu răng

Khi tình trạng vệ sinh răng miệng của bạn không được sạch sẽ tích tụ nhiều mảng bám vi khuẩn trên rãnh lợi và kẽ răng làm cho lợi bị viêm, sưng, sung huyết và chảy máu. Lợi răng bị viêm sẽ thường có màu đỏ sậm, sưng nề dễ chảy máu khi ăn nhai và đánh răng. Nếu phản ứng viêm nặng hơn thì mô lợi trở nên lỏng lẻo không còn bám chặt vào chân răng nên sẽ có cảm giác răng bị lung lay khi nhai thức ăn. 

nha chu
Nhiều mảng bám vi khuẩn trên rãnh lợi và kẽ răng làm cho lợi bị viêm, sưng, sung huyết

Bạn sẽ thấy có nhiều mảng bám màu trắng và vôi răng ở cùng bị nha chu. Khi bạn càng ăn thì mảng bám càng tích tụ và bám trên lớp vôi răng nhiều hơn làm cho lớp vôi răng càng trở nên dày thêm dẫn đến tình trạng viêm lợi càng trở nên trầm trọng. Trong điều kiện bình thường, nếu bạn không vệ sinh răng miệng sạch sẽ trong vòng 24 giờ có ăn uống thì sau đó các mảng bám thức ăn và vi khuẩn sẽ cứng lại tạo thành vôi răng và cứ thế nếu không loại bỏ thì cứ thế lớp vôi răng càng dày lên gây ra bệnh nha chu.

Các triệu chứng của bệnh nha chu bao gồm:

  • Nướu bị sưng nề và phòng lên
  • Nướu có màu đỏ tươi, đỏ sẫm khi có chảy máu
  • Nướu và mô xung quanh dễ chảy máu
  • Nướu không bao hết chân răng, làm cho răng trông dài hơn bình thường
  • Có các khoảng kẽ phát triển giữa răng và nướu
  • Ổ mủ ở giữa nướu và chân răng
  • Cảm giác miệng có mùi tanh hôi
  • Răng lỏng lẻo hoặc lung lay
  • Cảm giác đau nhức khó chịu khi nhai.

Bệnh nha chu có nguy hiểm không?

Bệnh nha chu có thể gây biến chứng tụt nướu răng, rụng mất răng vĩnh viễn và nguy hiểm đến toàn thân. Theo một số nghiên cứu về vi khuẩn gây bệnh viêm nha chu có thể xâm nhập vào máu của người bệnh thông qua mô nướu gây nhiễm trùng máu và trực tiếp ảnh hưởng đến tim, phổi và các bộ phận khác của cơ thể. Thực tế cho thấy bệnh viêm nha chu có thể ảnh hướng đến các bệnh đường hô hấp, viêm khớp dạng thấp, bệnh động mạch vành và đột quỵ.  

nha chu
Bệnh nha chu gây biến chứng tụt nướu răng, rụng mất răng vĩnh viễn

Điều trị nha chu 

Nhìn chung mục tiêu của chữa nha chu là làm sạch triệt để để loại bỏ các ổ viêm nhiễm xung quanh răng và ngăn ngừa tổn thương mô nướu xung quanh. Người bệnh muốn tăng khả năng điều trị thành công thì còn phải áp dụng biện pháp chăm sóc răng miệng tốt và thường xuyên hàng ngày.

Điều trị nha chu không phẫu thuật 

Nếu bệnh viêm nha chu không tiến triển nặng gây biến chứng thì điều trị có thể bao gồm các thủ thuật ít xâm lấn như:

  • Cạo vôi để loại bỏ cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng và bên dưới nướu. Nó có thể được thực hiện bằng dụng cụ nha khoa, laser hoặc thiết bị sóng siêu âm.
  • Bào láng gốc răng (Root planing) để làm mịn bề mặt chân răng, ngăn chặn tích tụ cao răng và vi khuẩn, đồng thời có tác dụng loại bỏ các sản phẩm phụ của vi khuẩn góp phần gây viêm hoặc gắn lại nướu lại lên bề mặt răng.
  • Dùng thuốc Kháng sinh tại chỗ hoặc uống có thể giúp kiểm soát nhiễm khuẩn gây viêm. Thuốc kháng sinh tại chỗ có thể bao gồm nước súc miệng kháng sinh hoặc bôi gel có chứa kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh đường uống có thể cần thiết để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây nhiễm trùng máu.
nha chu
Điều trị nha chu không phẫu thuật bằng cách cạo vôi răng

Điều trị nha chu bằng phẫu thuật

Nếu bị viêm nha chu tiến triển và đe dọa có biến chứng nguy hiểm toàn, bác sĩ nha khoa có thể chỉ định điều trị bằng phẫu thuật nha khoa và phụ thuộc vào chi phí điều trị nha chu mà bệnh nhân có thể lựa chọn như:

  • Phẫu thuật giảm túi (Flap surgery): Bác sĩ thực hiện các vết rạch nhỏ tại nướu bị viêm, để lộ chân răng và có khoảng rộng để thực hiện cạo vôi răng và bào láng gốc răng nhanh chóng hiệu quả hơn.
  • Ghép mô liên kết: Khi người bệnh bị viêm mất mô nướu sẽ làm đường viền nướu sẽ bị tụt xuống dưới, do đó người bệnh cần phải ghép mô khác để thay thế giúp răng được vững chắc. Biện pháp này thường được thực hiện bằng cách lấy một lượng nhỏ mô từ vòm miệng hoặc chỗ khác của chính người bệnh và gắn vào vị trí nướu bị mất. Điều này có thể giúp giảm tình trạng tụt nướu hơn nữa, che phủ chân răng bị lộ và tăng tính thẩm mỹ cũng như sự vững chắc cho răng của người bệnh.
  • Protein kích thích mô: Một kỹ thuật nha khoa khác liên quan đến việc sử dụng một loại gel đặc biệt bôi vào chân răng có nướu bị nha chu. Gel này chứa các protein tương tự được tìm thấy trong sự phát triển men răng và kích thích xương và mô phát triển khỏe mạnh.

Bài viết trên Docosan đã giới thiệu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh nha chu đang được áp dụng hiện nay. Tuy nhiên nếu bạn có các dấu hiệu bệnh rõ ràng và tiến triển ngày càng nặng dần thì nên đến gặp bác sĩ nha khoa để được chẩn đoán chữa trị kịp thời. 

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: NIH.gov.com