Bệnh tic là gì? 6 lưu ý phụ huynh cần biết giúp con cải thiện bệnh

Bệnh tic (rối loạn tic) là tình trạng dễ gặp phải ở trẻ em với các bất thường về cử động và âm thanh không kiểm soát được có thể tác động đáng kể đến cuộc sống thường nhật cũng như tâm lý của trẻ.

Trong bài viết này, Doctor có sẵn sẽ giải thích rõ bệnh tic là gì, nguyên nhân, dấu hiệu và triệu chứng, cách quản lý và phòng ngừa bệnh giúp trẻ có sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái, phát triển toàn diện. 

Benh tic

Bệnh tic là gì? 

Tic (rối loạn tic hay còn gọi là tật máy giật) là một dạng rối loạn vận động, với các cử động hoặc âm thanh diễn ra một cách nhanh chóng, đột ngột và lặp đi lặp lại. Tình trạng này rất khó hoặc không thể kiểm soát được. 

Đối tượng nào dễ bị bệnh tic?

Trẻ em là đối tượng thường bị bệnh tic nhất (Nguồn: moleculeralabs)
Trẻ em là đối tượng thường bị bệnh tic nhất (Nguồn: moleculeralabs)
  • Rối loạn tic thường xuất hiện ở trẻ trước 18 tuổi (thường là 4-6 tuổi). Một số nghiên cứu cho thấy cứ 5 trẻ (6-17 tuổi) sẽ có 1 xuất hiện tic tại một thời điểm nào trong giai đoạn ấu thơ. 
  • Bé trai sẽ dễ mắc bệnh hơn bé gái 
  • Mức độ nặng của tình trạng này còn tuỳ thuộc vào từng cá thể, đa phần sẽ tự thuyên giảm theo thời gian và biến mất. Tuy nhiên, có khoảng 1% trẻ mắc tic có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành
  • Trong trường hợp rối loạn tic kéo dài hơn >1 năm, trẻ sẽ được đánh giá thêm về các triệu chứng lâm sàng để kết luận có mắc hay không một hội chứng được gọi là “Hội chứng Tourette”. 

Nguyên nhân gây ra bệnh tic

Bệnh tic có liên quan đến yếu tố gia đình và di truyền
Bệnh tic có liên quan đến yếu tố gia đình và di truyền

Nguyên nhân gây ra rối loạn tic vẫn chưa rõ ràng, có thể là do sự thay đổi bất thường của một vài vùng kiểm soát vận động trong não bộ. 

Bệnh thường liên quan đến yếu tố gia đình, có tính di truyền. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy có liên quan đến sự đột biến của gen SLITRK1 trên nhiễm sắc thể 13q31.1 được biểu hiện tại vùng não trước.

Tic đôi khi có thể khởi phát khi bằng việc sử dụng các loại thuốc gây nghiện như cocain hoặc amphetamin (ma tuý đá) hoặc liên quan đến đến 1 tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn như bại não hoặc bệnh Huntington. 

Phân loại bệnh tic trên lâm sàng

Theo phân loại của Hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ (DSM-5), rối loạn tic được phân loại gồm: 

  • Hội chứng Tourette: rối loạn tic vận động âm thanh kéo dài trên 1 năm
  • Rối loạn tic mạn tính: rối loạn tic vận động hoặc âm thanh (không có cả 2) kéo dài trên 1 năm
  • Rối loạn tic tạm thời: rối loạn tic vận động hoặc/và âm thanh kéo dài <1 năm.

Các phân loại này khác nhau dựa trên dấu hiệu và triệu chứng (vận động hoặc âm thanh hoặc cả 2) và thời gian kéo dài tình trạng bệnh. 

Các phân loại trên đây chỉ là mang tính tổng quan, để được chẩn đoán chính xác hơn, cần đưa trẻ đến thăm khám tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng bệnh. 

Bệnh lý liên quan kèm theo tic

bệnh tic ở trẻ em
Rối loạn tăng động/giảm chú ý là một trong những bệnh lý thường kèm theo bệnh tic ở trẻ em

Trẻ bị bệnh tic thường có thể sẽ kèm theo một hoặc nhiều vấn đề sau đây: 

  • Rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD)
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
  • Rối loạn lo âu 
  • Rối loạn học tập

Đối với thanh thiếu niên (người trưởng thành) khi bị tic có thể mắc một số bệnh lý đồng mắc như: 

  • Trầm cảm 
  • Rối loạn lượng cực
  • Rối loạn sử dụng chất

ADHA và OCD là 2 vấn đề sức khỏe xuất hiện nhiều nhất ở trẻ mắc bệnh tic, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. 

Chẩn đoán dấu hiệu và triệu chứng bệnh tic

Hội chứng Tourette

  • Có hai hoặc nhiều tic vận động (ví dụ: nháy mắt hoặc nhúng vai) ít nhất một tic âm thanh (ví dụ: kêu hum, tằng hắng hoặc kêu to một từ hoặc cụm từ), mặc dù chúng có thể không xảy ra cùng lúc.
  • Đã xuất hiện tic trong ít nhất một năm qua và có thể xảy ra nhiều lần trong ngày gần như là hàng ngày, hoặc thỉnh thoảng lúc này lúc khác.
  • Tic xuất hiện trước 18 tuổi.
  • Triệu chứng xuất hiện không phải do việc dùng các thuốc hoặc chất gây nghiện mà ra, hoặc không phải do bệnh lý khác gây ra (ví dụ: co giật, bệnh Huntington hoặc viêm não sau vi-rút)

Rối loạn tic mạn tính (vận động hoặc âm thanh)

  • Có một hoặc nhiều tic vận động (ví dụ: nháy mắt hoặc nhúng vai) hoặc tic âm thanh (ví dụ: kêu hum, tằng hắng hoặc cười), nhưng không cùng lúc
  • Tic diễn ra nhiều lần hầu như mỗi ngày hoặc lúc này lúc khác trong khoảng hơn một năm
  • Tic khởi phát trước 18 tuổi.
  • Triệu chứng xuất hiện không phải do việc dùng các thuốc hoặc chất gây nghiện mà ra, hoặc không phải do bệnh lý khác gây ra (ví dụ: co giật, bệnh Huntington hoặc viêm não sau vi-rút).
  • Chưa được chẩn đoán là bị Hội chứng Tourette trước đó

Rối loạn tic tạm thời  

  • Có một hoặc nhiều tic vận động (ví dụ: nháy mắt hoặc nhúng vai) hoặc tic âm thanh (ví dụ: kêu hum, tằng hắng, hoặc kêu to một từ hoặc cụm từ).
  • Tic xuất hiện không quá 1 năm 
  • Tic khởi phát trước khi 18 tuổi
  • Triệu chứng xuất hiện không phải do việc dùng các thuốc hoặc chất gây nghiện mà ra, hoặc không phải do bệnh lý khác gây ra (ví dụ: co giật, bệnh Huntington hoặc viêm não sau vi-rút)
  • Chưa được chẩn đoán mắc Hội chứng Tourette hay rối loạn tic mạn tính trước đó
  • Ở một số trẻ, tic có thể xuất hiện đột ngột hoặc trở nặng khi bị nhiễm liên cầu khuẩn (strep) như viêm họng do liên cầu khẩu hoặc sốt tinh hồng nhiệt (sốt Scarlet).

Khởi phát các hành vi giống với rối loạn tic (Tic-like behaviors)

Trong một số trường hợp, trẻ xuất hiện các dấu hiệu tương tự tic nhưng khác với các dấu hiệu tiêu biểu của hội chứng Tourette hoặc các dạng rối loạn tic khác. Những hành vi giống với rối loạn tic thường khởi phát lần đầu và trước đó chưa bao giờ xuất hiện. Những hành vi này thường phổ biến ở tuổi vị thành niên và thường gặp ở nữ nhiều hơn nam.

Những khởi phát này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và cần được điều trị bằng các phương pháp điều trị rối loạn tic và Hội chứng Tourette. 

Phòng ngừa và điều trị bệnh tic ở trẻ em

Khi nào thì nên thăm khám bác sĩ 

Rối loạn tic thường không nghiêm trọng và không gây tổn hại đến não bộ. 

Phần lớn trẻ mắc không cần thiết đến gặp bác sĩ điều trị nếu các dấu hiệu và triệu chứng ở mức độ nhẹ và không gây ảnh hưởng đến trẻ. Thỉnh thoảng các rối loạn này xuất hiện nhanh và biến mất.

Tuy nhiên, cần đưa trẻ có các dấu hiệu tic đến bác sĩ thăm khám nếu: 

  • Xuất hiện thường xuyên, càng nhiều hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng hơn
  • Tác động tiêu cực đến tâm lý, cảm xúc và hoạt động sinh hoạt hằng ngày của trẻ như tự ti, hay xấu hổ, cáu gắt hoặc tự cách ly với xã hội…
  • Gây đau hoặc khó chịu (một số tic có thể khiến người mắc tự làm tổn thương bản thân mình)
  • Gây bất tiện trong hoạt động sinh hoạt, học tập hoặc công việc hằng ngày
  • Xuất hiện kèm các vấn đề tâm lý khác như trầm cảm, dễ nóng giận hoặc tự làm đau bản thân. 

Phụ huynh có thể hỗ trợ bác sĩ trong quá trình chẩn đoán bằng cách mô tả chính xác các dấu hiệu, triệu chứng hoặc quay phim lại các rối loạn tic của trẻ bị mắc. Lưu ý, trong lúc quay phim, ghi hình lưu ý không tạo ra nhiều tiếng động vì có thể làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. 

Chữa bệnh tic ở trẻ em

Sự quan tâm và chăm sóc của gia đình là yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh tic ở trẻ em
Sự quan tâm và chăm sóc của gia đình là yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh tic ở trẻ em

Đối với đa số trường hợp tic mức độ nhẹ và không gây ra các vấn đề khác, thường không cần điều trị, thường trẻ sẽ được hướng dẫn một số tuýp có thể cải thiện tình trạng tic như:

  • Giúp trẻ tránh căng thẳng, lo âu và buồn chán – ví dụ, hướng dẫn trẻ tìm một hoạt động thư giãn, thú vị để tham gia (như thể thao hoặc các sở thích cá nhân)
  • Tránh mệt mỏi quá độ – giúp trẻ có giấc ngủ ngon vào ban đêm khi có thể
  • Cố gắng không chú ý đến tic của trẻ và không bàn nhiều về vấn đề này – càng chú ý bàn luận nhiều về tình trạng khi trẻ có mặt ở đó có thể làm tình trạng càng nặng hơn 
  • Không trách mắng trẻ khi xuất hiện tic
  • Đảm bảo với trẻ rằng mọi thứ đều ổn và không có lý do gì để chứng thấy bị lúng túng.
  • Thông báo cho người thân hoặc người thường gặp trẻ biết về tic, để họ nhận thức về tình huống và không phản ứng khi tic ở trẻ xảy ra.

Nếu trường hợp mắc tic mức độ nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày, thì các phương pháp điều trị nhằm giảm tần suất tic có thể được đề xuất như:

  • Liệu pháp đảo ngược thói quen – giúp trẻ học các chuyển động có chủ đích “cạnh tranh” với tic, không thể xảy ra cùng lúc.
  • Can thiệp hành vi toàn diện cho tic (CBiT) – một tập hợp các kỹ thuật hành vi giúp trẻ giảm tic
  • Liệu pháp phòng ngừa tiếp xúc và phản ứng (ERP) – giúp bệnh nhân quen với những cảm giác khó chịu thường xảy ra trước tic, nhằm ngăn chặn tic xảy ra.
  • Sử dụng thuốc điều trị (thuốc chống loạn thần, thuốc chủ vận alpha-adrenergic đường uống)
  • Phẫu thuật kích thích não sâu được sử dụng trong một số trường hợp bệnh nhân mắc Hội chứng Tourette mức độ nặng. 

Tùy theo tình trạng bệnh, các bác sĩ lâm sàng sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau có thể đơn trị hoặc phối hợp.

Câu hỏi thường gặp

Bệnh tic có chữa được không?

Có, bệnh tic có thể được điều trị và kiểm soát. Đối với trường hợp tic nhẹ và không gây ra vấn đề khác, thường không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, trong trường hợp tic nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, có thể sử dụng các phương pháp điều trị như các liệu pháp hành vi, điều trị dự phòng và thuốc. Việc chọn phương pháp điều trị phù hợp phụ thuộc vào mức độ và tác động của tic lên cơ thể

Bệnh tic có nguy hiểm không?

Bệnh tic thường không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra một số khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Tic có thể gây ra sự không thoải mái, ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động và tương tác xã hội. Nếu không được điều trị và kiểm soát, bệnh tic có thể gây ra vấn đề tâm lý và lsmg giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Bệnh rối loạn tic là gì?

Tic (rối loạn tic hay còn gọi là tật máy giật) là một dạng rối loạn vận động, với các cử động hoặc âm thanh diễn ra một cách nhanh chóng, đột ngột và lặp đi lặp lại. Tình trạng này rất khó hoặc không thể kiểm soát được.

Bệnh tic khám ở đâu?

Bạn có thể khám bệnh tic tại các cơ sở y tế như bệnh viện, phòng khám, hoặc các trung tâm chuyên khoa về tâm lý và thần kinh. Tìm các bác sĩ chuyên khoa như bác sĩ thần kinh, bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia về rối loạn tic để được khám và chẩn đoán bệnh một cách chính xác.

Bệnh tic có tự khỏi không?

Bệnh tic có thể tự giảm đi hoặc tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng trong một số trường hợp, bệnh có thể nặng hơn và ảnh hưởng tâm lý và hoạt động sinh hoạt hằng ngày của bệnh. Vì vậy việc điều trị kịp thời có thể giúp cải thiện triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Bệnh tic có di truyền không?

Có, bệnh tic có yếu tố di truyền. Nếu có người trong gia đình có bệnh tic hoặc các rối loạn tương tự, nguy cơ mắc bệnh tic sẽ cao hơn so với người không có tiền sử gia đình. Tuy nhiên, yếu tố di truyền chỉ là một trong nhiều yếu tố góp phần vào phát triển bệnh tic, và không phải ai cũng bị di truyền bệnh này.

Bệnh tic khi xem điện thoại nhiều?

Xem điện thoại nhiều không gây ra bệnh tic trực tiếp. Tuy nhiên, sử dụng điện thoại và các thiết bị công nghệ nhiều có thể làm tăng stress và căng thẳng, điều này có thể làm gia tăng cường độ và mức độ nặng của tic nếu đã có bệnh trước đó.

Bệnh tic uống thuốc gì?

Thuốc chống loạn thần có thể được sử dụng để giảm triệu chứng tic. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi cẩn thận để tránh tác dụng phụ. Ngoài ra, các phương pháp tâm lý học và hành vi cũng hỗ trợ điều trị bệnh tic. Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân, việc uống thuốc và phương pháp điều trị sẽ được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa.

Hi vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về bệnh tic là gì, triệu chứng của bệnh tic, cách phòng ngừa và chữa trị bệnh tic, giúp trẻ phát triển khoẻ và toàn diện hơn. Nếu bạn hoặc người thân của bạn mắc phải tình trạng trên hoặc có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ trên docosan.com.