Bài viết được tham khảo từ Thạc sĩ, Bác sĩ khoa Thần Kinh Phạm Quỳnh Nga và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị trên Docosan.com.
Tâm thần phân liệt là hiện tượng rối loạn tâm thần một cách nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Nếu bệnh nhân không được điều trị sớm, sẽ dẫn tới những hậu quả nguy hiểm, thậm chí người bệnh có thể tự tử. Vậy nguyên nhân gây nên tâm thần phân liệt là do đâu ? Triệu chứng và cách điều trị ra sao ? Hãy cùng theo dõi qua bài viết bên dưới.
Tóm tắt nội dung
Tâm thần phân liệt là gì ?
Tâm thần phân liệt là một sự rối loạn tâm thần đặc trưng bằng việc bệnh nhân giải thích những hiện tượng bình thường một cách bất thường. Tâm thần phân liệt có thể khiến cho người bệnh có khả năng gặp ảo giác, ảo tưởng, suy nghĩ và hành động cực kỳ rối loạn. Sự kết hợp những bất thường đó sẽ gây cản trở tới hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, thậm chí bệnh nhân không có khả năng sinh hoạt bình thường.
Hầu hết những bệnh nhân có dấu hiệu của tâm thần phân liệt đều cần phải điều trị lâu dài để làm suy giảm các triệu chứng. Nếu không điều trị sớm, các triệu chứng sẽ trở nên nguy hiểm và khó điều trị hơn. Do đó, người thân cần nhận biết sớm các dấu hiệu của tâm thần phân liệt để hỗ trợ người bệnh sớm nhất.

Triệu chứng của tâm thần phân liệt
Các triệu chứng – dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt thường sẽ liên quan đến suy nghĩ, hành vi, cảm xúc và khả năng nhận thức. Các triệu chứng cụ thể bao gồm:
- Bị ảo tưởng: Bệnh nhân thường sẽ có ảo tưởng về những thứ không hề xảy ra. Ví dụ như việc người bệnh sẽ luôn cho rằng mình bị làm hại hoặc quấy rối,; bạn bị chỉ trích hoặc chê bai; hoặc tự thấy mình là một người nổi tiếng; một người khác đang yêu bạn; hoặc sắp có thảm hoạ xảy ra. Tình trạng ảo tưởng xuất hiện hầu hết ở bệnh nhân tâm thần phân liệt.
- Ảo giác: Nếu ảo tưởng là sự rối loạn về suy nghĩ thì ảo giác là sự rối loạn về các giác quan (thính giác, thị giác) mà bệnh nhân gặp phải. Bệnh nhân sẽ cảm thấy như có ai đó đang nói chuyện thì thầm với họ một cách rõ ràng, hoặc họ sẽ thấy những hình ảnh ảo ảnh mà người thường không thể thấy được. Ảo giác thính giác là triệu chứng mà người bệnh thường gặp.
- Rối loạn ngôn ngữ: Hiện tượng rối loạn ngôn ngữ cũng thường xuất hiện ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt. Người bệnh không thể giao tiếp hiệu quả với người bình thường, trả lời câu hỏi không liên quan. Thỉnh thoảng người bệnh nói những từ ngữ vô nghĩa, không thể hiểu được.
- Rối loạn hành vi vận động: Đây là triệu chứng rất khó phán đoán của bệnh nhân tâm thần phân liệt, từ những hành động ngốc nghếch như trẻ con đến kích động khó lường. Người bệnh có thể sẽ có hành vi chống đối, tư thế không phù hợp hoặc kỳ quặc, hoàn toàn không phản ứng hoặc có cử chỉ quá mức và vô nghĩa.
- Các hành vi tiêu cực: đây cũng là một triệu chứng thông thường đối với những bệnh nhân tâm thần phân liệt. Người bệnh có thể không vệ sinh cá nhân hoặc tỏ ra không có cảm xúc (ánh mắt lơ đễnh, không tập trung, không thay đổi nét mặt). Người bệnh cũng mất đi hứng thú với những hoạt động hằng ngày, sống khép kín, thu mình lại.
Theo thời gian, các triệu chứng của tâm thần phân liệt sẽ trở nên đa dạng hơn và diễn biến xấu đi tùy theo từng loại triệu chứng.
Các triệu chứng của tâm thần phân liệt sẽ bắt đầu xuất hiện ở nam giới khoảng đầu hoặc giữa tuổi 20. Đối với nữ thì các triệu chứng sẽ xuất hiện khoảng cuối của năm 20 tuổi.
Nguyên nhân gây ra tâm thần phân liệt
Nguyên nhân chính xác gây ra tâm thần phân liệt vẫn chưa rõ, nhưng các nhà khoa học cho rằng yếu tố di truyền, những bất thường về các chất hóa học trong não và yếu tố môi trường góp phần gây ra tình trạng rối loạn này.
Những rối loạn các chất hóa học trong não, cụ thể ở đây là các chất dẫn truyền thần kinh được gọi là dopamine và glutamine, có thể gây nên tình trạng tâm thần phân liệt.
Với những người sống trong gia đình thường xuyên cãi cọ, không hòa hợp dẫn đến căng thẳng tâm lý kéo dài, cũng có thể dẫn đến tâm thần phân liệt.
Phương pháp điều trị tâm thần phân liệt
Điều trị tâm thần phân liệt thông thường sẽ có 2 cách: điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý
Điều trị bằng thuốc
Việc điều trị bằng thuốc có thể áp dụng lâu dài với bệnh nhân tâm thần phân liệt. Mục đích của thuốc là kiểm soát, làm suy giảm các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh với liều thấp nhất. Các loại thuốc điều trị tâm thần phân liệt là những thuốc cần kê toa. Bác sĩ tâm lý có thể thử nhiều loại thuốc khác nhau với các liều điều trị khác nhau hoặc phối hợp nhiều loại thuốc để đạt được hiệu quả trị liệu tối ưu nhất. Có thể mất vài tuần bệnh nhân mới thấy cải thiện các triệu chứng.
Do các thuốc điều trị tâm thần phân liệt có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó bệnh nhân có thể phân vân khi uống thuốc.
- Thuốc chống loạn thần thế hệ đầu tiên: đây là loại thuốc ban đầu được áp dụng để điều trị tâm thần phân liệt. Tuy vậy, tác dụng phụ của thuốc có thể gây rối loạn vận động của người bệnh. Do đó ở thời điểm hiện tại, thuốc này ít được sử dụng. Một số loại thuốc thế hệ đầu là: Chlopromazine, Fluphenazine, Haloperidol, Perphenazine.
- Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai: đây là loại thuốc điều trị tâm thần phân liệt mới nhất với ưu điểm vượt trội là ít gây ra tác dụng phụ. Một số loại thuốc thế hệ thứ hai bao gồm: Aripiprazlole, Asenapine, Brexpiprazole, Cariprazine, Clozapine,…
- Thuốc chống loạn thần tác dụng dài dạng tiêm : Một số thuốc chống loạn thần có thể dùng đường tiêm trong cơ hoặc tiêm dưới da mỗi 2 đến 4 tuần. Một số thuốc dạng tiêm thường gặp như Aripiprazole, Fluphenazine decanoate,Haloperidol decanoate…
Điều trị tâm thần phân liệt bằng phương pháp trị liệu tâm lý
Bên cạnh việc điều trị bằng các loại thuốc điều trị tâm thần phân liệt, bệnh nhân cũng cần các liệu pháp trị liệu tâm lý nhằm cải thiện tinh thần hơn. Ví dụ như:
- Liệu pháp tâm lý cá nhân: liệu pháp này sẽ giúp bệnh nhân có thể tự đương đầu với những rối loạn về suy nghĩ, cũng như đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp cho bệnh nhân nhận biết được các dấu hiệu sớm của cơn loạn thần tái phát để bệnh nhân có thể kiểm soát bệnh lý của bản thân.
- Đào tạo kỹ năng xã hội: Liệu pháp này sẽ giúp người bệnh cải thiện khả năng tương tác xã hội và khả năng thực hiện những hoạt động hàng ngày của bệnh nhân.
- Liệu pháp cho gia đình, người thân: người thân của bệnh nhân có thể được cung cấp những kiến thức về cách hỗ trợ người bệnh tâm thần phân liệt, nhằm giúp đỡ họ trong lúc cần thiết.
- Phục hồi chức năng lao động và hỗ trợ việc làm: điều này giúp cho bệnh nhân rèn luyện lại kỹ năng trong công việc và hỗ trợ họ tìm việc làm.
Chú ý: những phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ dụng phương pháp phù hợp nhất đối với người bệnh.
Kết luận
Điều trị tâm thần phân liệt sẽ cần một khoảng thời gian dài và kiên trì đến từ phía người bệnh và thân nhân. Do đó, khi phát hiện người bệnh có những rối loạn hành vi ban đầu, người nhà cần chủ động tìm đến các bác sĩ Thần kinh gần nhất để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.
Một số bác sĩ có thể khám và điều trị tâm thần phân liệt:
- Bác sĩ Chuyên khoa I Đặng Thế Ân, 24 năm kinh nghiệm, 91 Bình Lợi, Phường 13, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Mai Thy, trên 13 năm kinh nghiệm, 3 Đường Số 17A, Bình Trị Đông B, Bình Tân.
- Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Quỳnh Nga, hơn 11 năm kinh nghiệm, 242 Đường số 1, An Lạc, Bình Tân
Nguồn tài liệu tham khảo: Mayoclinic.org