Tiêm phòng 5 trong 1 cho trẻ và những điều cần lưu ý

Tiêm phòng 5 trong 1 hiện đang là mũi tiêm quan trọng đối với trẻ em, được Bộ Y tế khuyến cáo tiêm phòng cho tất cả các trẻ từ 2 đến dưới 24 tháng tuổi để phòng 5 bệnh truyền nhiễm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do Haemophilus influenzae tuýp B. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu kĩ hơn về việc việc tiêm phòng 5 trong 1 này.

Tiêm phòng 5 trong 1 gồm những bệnh gì ?

Tiêm phòng 5 trong 1
Tiem-phong-5-trong-1

Vắc xin 5 trong 1 (5in1) là vắc xin tổng hợp gồm có 5 thành phần để phòng 5 bệnh truyền nhiễm phổ biến gồm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do Haemophilus influenzae tuýp B gây ra.

Tiêm phòng 5 trong 1 cho ai ?

Vắc xin 5 trong 1 là vắc xin tiêm cho trẻ từ 2 đến dưới 24 tháng tuổi để phòng 5 bệnh, nên thay vì trẻ phải chịu 5 mũi tiêm như trước đây thì nay chỉ cần 1 mũi đã phòng được nhiều loại bệnh. Trẻ được tiêm vắc xin này cần tiêm bổ sung vắc xin viêm gan siêu vi B.

Tiêm phòng 5 trong 1 cho trẻ sơ sinh là một trong các mũi tiêm quan trọng khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, giúp phòng ngừa 5 bệnh để trẻ có thể phát triển được tốt hơn. Chính vì vậy cha mẹ nên lưu ý tiểm đủ và đúng thời gian cho con mình nhé!

Tiêm phòng 5 trong 1 mấy mũi ?

Cha mẹ cần bám sát lịch tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 để vắc xin hoạt động hiệu quả nhất. Trẻ cần tiêm 3 mũi cơ bản lần lượt ở thời điểm 2, 3, 4 tháng tuổi. Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần (1 tháng). Ngoài ra cha mẹ cũng cần nắm thời gian để tiêm mũi nhắc khi trẻ được 12 – 24 tháng tuổi. Lưu ý trẻ cần phải trải qua đủ 3 mũi tiêm cơ bản trước 1 tuổi, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 28 ngày.

Nếu trẻ đã bỏ lỡ lịch tiêm chủng, ví dụ trẻ đã tiêm mũi thứ nhất nhưng sau 4 tuần vẫn chưa tiêm mũi thứ hai thì bố mẹ nên sắp xếp đưa trẻ đi tiêm mũi tiếp theo sớm nhất có thể và không cần tiêm lại mũi thứ nhất.

Tiêm phòng 5in1 có nguy hiểm không?

Khi tiêm vắc xin 5 trong 1 bé có thể gặp phải một số các phản ứng phụ sau:

  • Sốt nhẹ (sốt dưới 38,5 độ C).
  • Sưng đau, tấy đỏ tại chỗ tiêm.
  • Trẻ trờ nên cáu kỉnh, quấy khóc.
  • Chán ăn, lười bú, khó ngủ.

Những phản ứng nêu trên đều là các phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin. Bố mẹ hoàn toàn có thể yên tâm bởi các phản ứng trên thường sẽ tự khỏi sau khoảng 24 đến 48 giờ.

Nhưng trong khoảng thời gian 24 đến 48 giờ nếu trẻ xuất hiện các biểu hiệu nặng sau, bố mẹ phải đưa trẻ đến bệnh viên để được kiểm tra ngay lập tức:

  • Sốt cao trên 39 độ và kéo dài hơn 24 giờ.
  • Trẻ quấy khóc, vật vã, lờ đờ.
  • Khó thở.
  • Nôn trớ, bỏ bữa, bú kém.
  • Co giật.
  • Phát ban.

Để tránh các phản ứng phụ xảy ra nghiêm trong như trên, cha mẹ nên lưu ý nếu trẻ nằm trong các trường hợp sau thì nên cân nhắc hoãn tiêm hoặc không tiêm cho trẻ (Việc hoãn tiêm hoặc không tiêm sẽ do bác sĩ khám sàng lọc cho bé trước tiêm quyết định, phụ huynh nên khai đầy đủ các triệu chứng, tiền sử bệnh của bé để bác sĩ có thể đưa ra quyết định đúng nhất):

Tiêm phòng 5 trong 1
Tiem-phong-5-trong-1
  • Không tiêm vắc xin cho trẻ khi:
    • Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước: sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.
    • Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan….
    • Trẻ mắc các bệnh mạn tính gây suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các loại vắc xin sống.
    • Không tiêm vắc xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà không được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
    • Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
  • Các trường hợp tạm hoãn tiêm vắc xin:
    • Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
    • Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách).
    • Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B.
    • Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày.
    • Trẻ có cân nặng dưới 2kg.
    • Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin

Tiêm phòng cho trẻ mũi 5 trong 1 và những lưu ý khi tiêm

Để việc tiêm phòng cho trẻ 5 trong 1 có thể trở nên an toàn hơn, cha mẹ bé cần nắm một số lưu ý cần làm trước và sau khi tiêm vắc xin cho trẻ sau:

Tiêm phòng 5 trong 1
Tiem-phong-5-trong-1

Các lưu ý trước khi đưa trẻ đi tiêm

  • Không cho trẻ ăn hoặc bú quá no, và cũng không nên để trẻ đói bởi điều này có thể sẽ khiến trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.
  • Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
  • Cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ dễ thao tác hơn trong quá trình tiêm phòng.
  • Cần mang theo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ của trẻ, đặc biệt là sổ tiêm chủng trước đó.
  • Trước khi tiêm, nên trao đổi kỹ với bác sĩ tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử bệnh tật, dị ứng với thuốc, thức ăn … để bác sĩ có thể quyết định cho trẻ tiêm hay hoãn tiêm.
  • Nếu ở những mũi tiêm trước trẻ có dấu hiệu dị ứng, sốt…, bố mẹ cũng nên báo với bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời trong tình huống khẩn cấp.
  • Mang theo sổ tiêm chủng

Cách chăm sóc trẻ sau tiêm

  • Trẻ sau khi được tiêm phòng cần được theo dõi 30 phút tại các cơ sở y tế để kịp thời xử trí các phản ứng phản vệ thông thường. Ngoài ra, sau khi về nhà trong vòng 24 giờ tiêm, cha mẹ nên chú ý theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể, chế độ ăn ngủ, bé có quấy khóc hay bỏ ăn, …
  • Trẻ em sau khi tiêm chủng cần cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn. Bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm.
  • Trong trường hợp trẻ sốt nhẹ sau khi tiêm thì có thể áp dụng các biện pháp sau:
    • Cởi bớt chăn quấn, quần áo khi trẻ sốt, chỉ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, tránh không làm tăng thân nhiệt.
    • Chườm ấm cho trẻ (nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể 1-2 độ C).
    • Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn.
    • Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt > 38.5 độ C, quấy khóc.
    • Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, cha mẹ có thể chườm lạnh để giúp trẻ giảm đau và giảm sưng.
    • Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
    • Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.
  • Cần lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế để theo dõi, điều trị nếu có dấu hiệu tai biến nặng sau tiêm chủng bao gồm các triệu chứng như khó thở, sốc phản vệ hay sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngưng thở…

Tiêm phòng 5 trong 1 là tiêm vắc xin phòng 5 bệnh truyền nhiễm gồm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do Haemophilus influenzae tuýp B gây ra. Được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 đến dưới 24 tháng tuổi, cần tiêm 3 mũi cơ bản lần lượt ở thời điểm 2, 3, 4 tháng tuổi, cũng như phải lưu ý tiêm phòng mũi nhắc khi trẻ được 12 – 24 tháng tuổi. Cha mẹ nên khai đầy đủ các triệu chứng, tiền sử bệnh của bé để bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm có đầy đủ thông tin mà đưa ra quyết định có cho trẻ tiêm hay không.

Xem thêm: Những mũi tiêm phòng cho trẻ được miễn phí


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.