Trẻ bị sưng hạch bạch huyết khi nào cần đi khám?

Bài viết được biên soạn và chia sẻ bởi bác sĩ Nguyễn Thanh TuấnPhòng khám Chuyên khoa nhi bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Tuấn. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuấn có kinh nghiệm điều trị các bệnh lý nhi phổ biến như: Bệnh lý sơ sinh, nhũ nhi; Bệnh lý tiêu hóa trẻ em; Bệnh lý hô hấp.

Mẹ lo lắng…

“Chào bác sĩ, bé nhà cháu được 29 tháng. Bỗng dưng gần đây bé bị nổi hạch ở sau mang tai, to và cứng. Bé kêu đau khi sờ vào, bị 3 ngày thì hôm nay con bị sốt. Không biết bé bị làm sao ạ? Có đáng lo không? Mong bác sĩ tư vấn”.

sung-hach-bach-huyet
Trẻ bị sưng hạch bạch huyết sau mang tai

Sưng hạch bạch huyết ở trẻ và những điều mẹ cần biết

Hạch, hay hạch bạch huyết, là một phần của hệ bạch huyết, có cấu trúc hình hạt đậu nằm rải rác trong cơ thể, có chức năng đào tạo và chứa các tế bào bạch cầu làm nhiệm vụ chống lại các yếu tố nhiễm trùng.

Các nhóm hạch nông, dễ nhận biết thay đổi bao gồm: nhóm hạch vùng cổ, vùng nách và vùng bẹn. Bình thường các hạch này nhỏ, không sờ thấy được. Khi bé bị sưng hạch bạch huyết, ta có thể sờ được hạch của trẻ ở vùng cằm, trước sau tai, sau gáy, cổ, nách, bẹn.

Nguyên nhân thường gặp nhất làm cho bé bị sưng hạch bạch huyết vùng đầu mặt cổ là nhiễm siêu vi hô hấp trên, nhiễm trùng vùng hầu họng.

Nguyên nhân trẻ bị sưng hạch bạch huyết

Hệ thống bạch huyết là một phần của hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng và bệnh tật khác. Khi tế bào và chất lỏng tích tụ trong các hạch bạch huyết để giúp chống lại nhiễm trùng hoặc bệnh tật, hiện tượng sưng hạch bạch huyết xảy ra.

Các hạch bạch huyết bị sưng thường nằm gần ổ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Vì vậy vị trí sưng hạch bạch huyết có thể giúp chỉ ra nguyên nhân gây sưng.

Trong trường hợp của bé bị sưng hạch sau mang tai, những hạch bạch huyết có thể sưng khi trẻ bị viêm mũi họng. Những hạch này được gọi là hạch phản ứng, thường có kích thước nhỏ 1-2 cm, mềm, di động tốt, không gây tấy đỏ hoặc nóng vùng da xung quanh, thường không đau, và thường biến mất sau vài tuần (có thể 6-8 tuần).

Đối với trường hợp của bé nhà chị, cháu kêu đau khi sờ vào hạch ở sau mang tai, hạch sưng to và cứng, kèm theo tình trạng sốt thì bé nên được đưa đến phòng khám nhi để khám sớm, xác định nguyên nhân và điều trị”.

Trẻ bị sưng hạch bạch huyết cần đi khám khi có các triệu chứng

  • Các triệu chứng toàn thân: trẻ mệt mỏi, sốt, sụt cân, xanh xao,..
  • Các triệu chứng cơ quan khác: mắt đỏ, nổi ban da, đau rát họng, viêm loét miệng,..
  • Hạch có kích thước lớn >3-4 cm
  • Hạch cứng chắc, kém di động, dính vào mô xung quanh
  • Hạch gây sưng nóng đỏ đau vùng da xung quanh, hạch mềm hoá mủ
  • Nổi nhiều hạch ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể

Chẩn đoán sưng hạch bạch huyết ở trẻ

Khi đến phòng khám nhi, bác sĩ sẽ hỏi về các bệnh bé đã bị trước đây và tình trạng sức khỏe hiện tại của bé. Ví dụ, bác sĩ sẽ hỏi ” Gần đây bé có bị đau họng không?”, ” Bé có bị mèo cào không?” , ” Bé có ho sổ mũi hay không?”, “Bé có phát ban da không?”, …

Sau đó, bác sĩ sẽ xem xét kĩ xung quanh vùng sưng hạch bạch huyết để đo kích thước, chẩn đoán ban đầu dựa trên triệu chứng kèm theo, vị trí và thời gian sưng hạch.

Nếu chưa đủ cơ sở để kết luận, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cần làm như siêu âm hạch, xét nghiệm máu, sinh thiết mẫu hạch sưng, …


Mẹ lo lắng…

Dạ thưa bác sĩ cho em hỏi: con em lúc 6 tháng thì phát hiện có nổi hạch cứng trên xương đòn trái (cùng tay với bên chích ngừa lao). Em có đưa bé đi khám bệnh viện thì bác sĩ nói hạch có thể tự mất. Nhưng đến nay con em đã 21 tháng, mà hạch vẫn còn chưa mất. Bác sĩ có thể tư vấn cho em giờ phải làm sao không ạ em cảm ơn”.

Trẻ bị sưng hạch bạch huyết sau khi chích ngừa lao

Sau khi chích ngừa lao, một số trẻ bị nổi hạch ở vùng nách hay vùng trên xương đòn. Đây là tác dụng phụ thường gặp nhất của chích ngừa lao. Tuỳ vào tính chất của hạch mà các bác sĩ sẽ có hướng theo dõi và xử trí.

Các trường hợp hạch có kích thước nhỏ, trẻ không có triệu chứng toàn thân như sốt, thiếu máu, sụt cân…,hạch không hoá mủ và tự lặn đi sau vài tuần, trẻ chỉ cần được theo dõi và không điều trị gì.

Điều trị sưng hạch lao không tự lặn

Thông thường, đối với trường hợp sưng hạch lao không tự lặn, bé sẽ được tư vấn cách điều trị như sau:

  • Nếu hạch hoá mủ, hạch cần được hút hoặc rạch tháo mủ.
  • Trường hợp hạch tồn tại kéo dài trên 6-9 tháng, kích thước > 3 cm, bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật nạo hạch.
  • Một số rất ít các trường hợp nổi hạch kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, giảm cân, xanh xao,… Trẻ cần được bác sĩ khám đánh giá và có thể cần phải điều trị lao.

“Đối với trường hợp của bé bị sưng hạch lao trên xương đòn trái, sau 15 tháng hạch không lặn, mẹ nên đưa bé đi tái khám ở bệnh viện lớn chuyên khoa ngoại nhi để được chỉ định điều trị.”

Kết luận

Trẻ bị nổi hạch không đáng lo nếu như hạch có kích thước bé, mềm, di chuyển khi sờ, hạch không gây đau. Sưng hạch bạch huyết lúc này cho thấy cơ thể bé đang tích cực chống lại nguyên nhân gây viêm nhiễm ở vùng gần chỗ sưng hạch bạch huyết. Thông thường, hạch bạch huyết sẽ lặn sau 6-8 tuần.

Tuy nhiên, trẻ cần đi khám ngay khi có các triệu chứng kèm theo sưng hạch bạch huyết như sốt, thường xuyên mệt mỏi, xanh xao, kích thước hạch ngày một to, hạch sờ vào ngày một cứng và không di chuyển, gây đau và nóng.

Với sự giải thích chi tiết của bác sĩ nhi Chuyên khoa I Nguyễn Thanh Tuấn, hẳn các mẹ đã cảm thấy dễ dàng hơn trong việc nhận biết khi nào thì trẻ bị sưng hạch bạch huyết cần đi khám nhi.


Xem thêm:

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.