Những triệu chứng hen suyễn ở trẻ và cách điều trị

Hen suyễn là bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ, vậy triệu chứng hen suyễn ở trẻ, cách phòng ngừa và điều trị hen như thế nào, hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Triệu chứng hen suyễn ở trẻ em

Hen, hen suyễn hay hen phế quản là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng viêm mãn tính đường dẫn khí. Đây là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ em với tần suất mắc bệnh ở trẻ khoảng 10%.

Triệu chứng hen suyễn ở trẻ xuất hiện do hẹp khẩu kính đường thở dẫn đến tắc nghẽn đường thở. Đường thở trong bệnh hen bị hẹp lại do: Co thắt cơ trơn đường thở, phù đường thở, tăng tiết nhầy, dày đường thở.

Yếu tố chính gây khởi phát hen suyễn, đặc biệt là hen ở trẻ em thường là do tiếp xúc với các dị nguyên.

  • Dị nguyên khí: trong nhà (mạt nhà, bụi, nấm mốc, lông thú, biểu bì động vật,…), ngoài nhà (phấn hoa, khói bụi từ xe cộ, nhà máy,…).
  • Dị nguyên thức ăn: trứng, sữa, hải sản, các loại hạt,…
  • Dị nguyên khác: hoá chất, khói thuốc lá, nước hoa, nọc độc côn trùng,…
  • Ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết cũng góp phần vào sự khởi phát cơn hen suyễn.

Triệu chứng hen suyễn ở trẻ thường gặp nhất là:

  • Khò khè: là dấu hiệu khá điển hình của hen. Trong bệnh hen, khò khè thường nghe được ở thì thở ra, tuy nhiên nếu trẻ hen nặng, khò khè có thể nghe được ở cả hai thì thở ra và hít vào.
  • Ho: cơn ho điển hình của hen là ho khan và ho kích ứng, nếu ho có đàm, đàm thường trắng trong. Ho về đêm khi trẻ ngủ hoặc theo mùa, khi gắng sức, khi khóc, khi cười và thường kèm những đợt khò khè hoặc khó thở.
  • Khó thở: khó thở thường xảy ra khi trẻ gắng sức, cả khi khóc hay cười do đường thở bị co hẹp. Khi khó thở trẻ thở nhanh và gấp.
  • Mặt tái nhợt, ra mồ hôi: do khó thở khiến trẻ thiếu oxy máu.

Hen suyễn ở trẻ em có nguy hiểm không?

“Hen suyễn ở trẻ em có nguy hiểm không” là câu hỏi được các bậc ba mẹ quan tâm rất nhiều. Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh có sức đề kháng còn non nớt, dễ mắc các bệnh về hô hấp khi điều kiện thời tiết thay đổi. Nếu không được ba mẹ để ý, đưa đến bệnh viện để điều trị đúng cách, kịp thời, bệnh có thể diễn tiến mạn tính và dẫn đến biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, tràn khí màn phổi, xẹp phổi,…

Tiến triển bệnh hen rất khác nhau ở mỗi bệnh nhân, hầu hết trường hợp phải sử dụng thuốc cả đời, một số khác ổn định qua 10 hay 20 năm thì bị hen trở lại.

Tuy bệnh khó có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn, dễ tái phát nhưng nếu được phát hiện sớm, tuân thủ chế độ điều trị thì có thể khểm soát được bệnh, tránh các thể hen nặng.

Ba mẹ cần nhận biết các triệu chứng hen suyễn ở trẻ khi sắp lên cơn hen như: ho, khò khè, khó thở, nặng ngực, thức giấc về đêm hay bỏ ăn, bỏ bú, khóc tiếng ngắn ở trẻ nhỏ. Khi đó hãy cho trẻ sử dụng các thuốc cắt cơn tác dụng nhanh dạng hít hoặc thuốc xông đã được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn, sau đó cho trẻ nghỉ ngơi khoảng một tiếng.

Trường hợp thuốc cắt cơn không có tác dụng, tình trạng khó thở vẫn còn tiếp diễn, trẻ nói năng khó nhọc, trẻ phải ngồi thở, cánh mũi phập phồng, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở, mặt tái xanh, đầu ngón tay tím tái. Đây là tình trạng nguy kịch, phải nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Điều trị hen suyễn ở trẻ em

Trong điều trị hen, việc chẩn đoán sớm được bệnh và thể bệnh của trẻ là rất quan trọng. Bệnh có thể kiểm soát ổn định nếu bệnh nhân kiên trì và tuân thủ điều trị. Bên cạnh đó cha mẹ cần phải nắm được các biện pháp phòng ngừa để bé tránh vào cơn hen và chuẩn bị cho bé kiến thức cơ bản về bệnh của mình để bé có thể bảo vệ bản thân tốt hơn. Việc tự nhận biết các triệu chứng hen ở trẻ cũng giúp bé phòng bệnh tốt hơn.

Ba mẹ phải cho trẻ tầm soát bệnh hen khi nghi ngờ các triệu chứng hen suyễn ở trẻ như:

  • Có cơn khò khè hoặc khò khè tái đi tái lại;
  • Ho thường xuyên đặc biệt tăng về đêm hoặc gần sáng gây thức giấc;
  • Có ho hoặc khò khè sau hoạt động thể lực;
  • Bị khó thở liên tục theo một mùa nào nhất định trong năm;
  • Có ho, khò khè hoặc khó thở sau tiếp xúc với dị nguyên đường hô hấp (bụi nhà, nấm mốc…) hoặc các chất kích ứng (sơn, dầu, nước hoa…);
  • Từng bị cảm lạnh dẫn đến viêm phổi;
  • Có người nhà bị bệnh hen;
  • Từng được chẩn đoán hen nhưng không rõ ràng.

Mục tiêu điều trị bệnh hen để giúp cho bệnh nhân:

  • Hen kiểm soát tốt và duy trì hoạt động thể lực bình thường theo tuổi;
  • Giảm nguy cơ tử vong, giảm nguy cơ lên cơn kịch phát, duy trì chức năng phổi và sự phát triển bình thường của hệ hô hấp;
  • Giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc, giảm nguy cơ phụ thuộc thuốc;
  • Giảm thiểu việc tái phát cơn hen, hạn chế sự xuất hiện của các triệu chứng hen suyễn ở trẻ.

Phương pháp điều trị hen ba mẹ cần lưu ý:

  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, dị nguyên:
  • Khói thuốc lá, nước hoa, nước xịt phòng,…
  • Thú vật có lông như chó, mèo, chuột,…
  • Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng, đặc biệt là phòng ngủ của trẻ
  • Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khác gây ra cơn hen
  • Xịt beta-2 giao cảm trước khi gắng sức.
  • Biết xử trí cơn hen của trẻ tại nhà:
  • Biết phân biệt thuốc phòng ngừa hen và thuốc cắt cơn hen
  • Xử dụng bình xịt định liều khi trẻ lên cơn hen

Nhận biết triệu chứng hen suyễn ở trẻ ở mức độ nặng để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện: khó thở nặng, không đáp ứng ba liều khí dung beta-2 giao cảm hoặc xấu hơn.

  • Tái khám định kì mỗi 1-3 tháng ngay cả khi bệnh được kiểm soát. Nếu có cơn kịch phát, phải tái khám cho trẻ trong vòng 2-4 tuần sau khi đã điều trị cắt cơn.

Docosan cảm ơn bạn đã dành thời gian tìm đọc bài viết “Triệu chứng hen suyễn ở trẻ cần lưu ý và cách điều trị”. Hy vọng bài viết đã giúp các bậc phụ huynh có được nhiều kiến thức bổ ích về bệnh hen ở trẻ em và chăm sóc tốt nhất cho trẻ, giúp hạn chế xuất hiện các triệu chứng hen suyễn ở trẻ.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: NHS