Rối loạn điện giải là gì? Rối loạn điện giải có nguy hiểm không?

Rối loạn điện giải là tình trạng nồng độ các chất điện giải trong cơ thể tăng cao hoặc hạ thấp quá ngưỡng cho phép. Tình trạng này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm trên hệ thần kinh, tim mạch, cơ xương cũng như gây nên các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu các thông tin cơ bản về rối loạn điện giải, phân loại cũng như các triệu chứng cơ bản thông qua bài viết này nhé! 

Rối loạn điện giải là gì?

Rối loạn điện giải hay rối loạn cân bằng nước điện giải là tình trạng xảy ra khi có sự bất thường về nồng độ các chất điện giải trong cơ thể. Các chất điện giải tồn tại ở mọi nơi trong cơ thể từ dịch cơ thể, máu cho đến trong nước tiểu dưới dạng ion âm và dương. Chất điện giải có vai trò quan trọng trong mọi hoạt động chức năng của tế bào và cơ thể như cân bằng điện thế bên trong và ngoài tế bào, tạo ra dẫn truyền điện thế trong các dây thần kinh và hệ cơ bắp để thực hiện chức năng truyền tín hiệu thần kinh và co giãn các cơ, tạo điện tim để duy trì hoạt động co bóp của tim.

Sự dịch chuyển các chất điện giải từ trong ra ngoài tế bào và ngược lại luôn diễn ra một cách cân bằng về nồng độ và điện thế, nghĩa là cơ thể luôn đảm bảo rằng điện thế giữa bên trong và bên ngoài màng tế bào là như nhau và nồng độ các chất điện giải cũng bằng nhau. 

rối loạn điện giải
Các chất điện giải đóng vai trò rất quan trọng với cơ thể 

Thông thường, các chất điện giải được cơ thể điều hoà ở nồng độ thích hợp trong khoảng cho phép nhờ vào quá trình chuyển hoá, vận chuyển thụ động và chủ động nước, các chất điện giải qua màng sinh chất. Cân bằng điện giải và cân bằng nước là 2 mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Khi mất một lượng lớn nước, dịch cơ thể, các chất điện giải cũng bị thay đổi nồng độ dẫn đến rối loạn chuyển hoá nước và điện giải.

Các chất điện giải quan trọng trong cơ thể phải kể đến là Natri, Kali và Clorua. Ngoài ra còn có Canxi, Magie, Bicarbonat và Photpho. Phân loại các kiểu rối loạn điện giải cũng liên quan đến các ion này.

Các kiểu rối loạn điện giải?

Nồng độ các chất điện giải quá cao hoặc quá thấp sẽ dẫn đến các kiểu rối loạn điện giải khác nhau.

Natri

Natri là chất điện giải có vai trò quan trọng nhất trong cơ thể. Nồng độ natri liên quan trực tiếp đến quá trình thẩm thấu nước. Nồng độ natri trong tế bào cao sẽ tạo chênh lệch nồng độ khiến nước di chuyển từ nơi có nồng độ natri thấp hơn đến nơi có nồng độ natri cao hơn. Natri là ion dương chịu trách nhiệm duy trì thể tích dịch ngoại bào cũng như các hoạt động điều chỉnh điện thế màng tế bào trong các hoạt động dẫn truyền của cơ thể.

Khi chẩn đoán triệu chứng mất cân bằng natri, hoặc mất nước, cần đánh giá dựa trên tổng lượng nước và tổng lượng natri trong cơ thể. Rối loạn cân bằng nước điện giải thường chủ yếu liên quan đến nồng độ natri trong cơ thể. Rối loạn điện giải thường gặp nhất trong cơ thể là hạ natri máu. Hạ natri máu được chẩn đoán khi nồng độ natri trong huyết thanh dưới 135 mmol/L. Mặc khác, tăng natri máu xảy ra khi nồng độ natri trong huyết thanh lớn hơn 145 mmol/L. 

    Kali

    Kali là một ion chủ yếu ở trong tế bào (ion nội bào). Điều chỉnh cân bằng nội môi của Kali liên quan chủ yếu đến ion Natri thông qua bơm natri-kali ATP giúp vận chuyển chủ động Natri và Kali ra vào màng tế bào. Cùng với Natri, Kali cũng tham gia vào quá trình dẫn truyền điện thế của cơ tim giúp đảm bảo hoạt động co bóp của cơ tim diễn ra bình thường. Do đó, rối loạn Kali có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim

      Hạ kali máu xảy ra khi nồng độ kali huyết thanh dưới 3,6 mmol/L. Tăng kali máu xảy ra khi nồng độ kali huyết thanh trên 5,5 mmol/L. Tăng kali máu dẫn đến các rối loạn về nhịp tim và được đánh giá là rối loạn điện giải nguy hiểm nhất.

      Canxi

      Canxi là một trong những khoáng chất được dự trữ nhiều nhất trong cơ thể, nó tham gia vào quá trình khoáng hóa xương, co cơ, truyền xung thần kinh, đông máu và tiết hormone. 

        Tăng canxi máu xảy ra khi nồng độ canxi trong huyết thanh quá 10,5 mg/dL. Hạ canxi máu xảy ra khi nồng độ canxi trong huyết thanh dưới 8,5 mg/dL.

        Bicarbonat

        Nồng độ bicarbonat liên quan đến cân bằng acid-base của cơ thể. Sự tăng giảm nồng độ bicarbonat gây nên các tình trạng được gọi là nhiễm toan hay nhiễm kiềm được phân thành: nhiễm toan chuyển hoá, nhiễm kiềm chuyển hoá và nhiễm toan hô hấp, nhiễm kiềm hô hấp.

        Clo

        Clo là một ion tồn tại chủ yếu ở ngoại bào (ion ngoại bào). Clo đóng vai trò quan trọng đóng vai trò hấp thụ chất điện giải, kích hoạt enzym và tiêu diệt vi khuẩn. Cùng với bicarbonat, clo là một ion quan trọng trong quá trình cân bằng acid-base của cơ thể. Tăng clo máu xảy ra khi nồng độ clo trong máu vượt quá 110 mEq/L. Hạ clo máu xảy ra khi nồng độ clo trong máu dưới mức bình thường, dưới 97 mEq/L.

        Magie

        Magie tham gia vào quá trình chuyển hoá năng lượng ATP, và hoạt động dẫn truyền cơ bắp và hệ thần kinh cũng như là chất xúc tác cho các enzyme tạo các phản ứng chuyển hoá trong cơ thể. Tăng magie máu xảy ra khi nồng độ magie trong máu quá 2.5 mg/dL. Hạ magie máu xảy ra khi nồng độ magie trong huyết thanh thấp hơn 1,46 mg/dL.

        Photpho

        Photpho là thành phần quan trọng của các phân tử quan trọng trong cơ thể như ATP, nucleotid. Photpho tham gia nhiều quá trình trao đổi chất và có mối liên hệ chặt chẽ với canxi trong cơ thể. Cùng với canxi, photpho cũng tham gia vào cấu trúc của xương và răng. Tăng photpho xảy ra khi nồng độ photpho trong máu vượt quá 4.5 mg/dL. Giảm photpho máu xảy ra khi nồng độ phốt pho trong máu dưới 1.0 mg/dL.

          Nguyên nhân gây rối loạn điện giải?

          Nguyên nhân gây rối loạn điện giải sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào kiểu rối loạn chuyển hoá nước điện giải mà bệnh nhân mắc phải.

          • Tăng natri máu: Liên quan chủ yếu đến mất nước trầm trọng trong cơ thể. Nguyên nhân cụ thể có thể do say nắng, bị bỏng, tiêu chảy, nôn mửa, đổ mồ hôi kéo dài. Ngoài ra, khi bị các bệnh như đái tháo nhạt, bệnh thận,… Hoặc do tăng lượng natri trong cơ thể do tiêu thụ nhiều thức ăn chứa muối Natri, do mắc phải hội chứng Conn hoặc do thuốc (như Lithium).
          • Hạ natri máu: Giảm nồng độ natri do mất quá nhiều natri khi nôn mửa, tiêu chảy, hoặc điều trị bằng các thuốc lợi tiểu thiazid, trong các bệnh suy tim sung huyết, xơ gan hay suy thượng thận hoặc trong Hội chứng tăng tiết hormon chống bài niệu (ADH) không thích hợp. Ngoài ra còn do chế độ dinh dưỡng kém gây thiếu natri trong cơ thể và chứng khát nước nguyên phát dẫn đến uống quá nhiều nước làm giảm nồng độ natri.
          • Tăng kali máu: Do mất nước nghiêm trọng, khi mắc các bệnh liên quan chức năng thận, trong tình trạng nhiễm toan chuyển hóa, nhiễm toan ceton do tiểu đường, sử dụng thuốc điều trị bệnh tim mạch (thuốc ức chế men chuyển,…), thiếu hụt hormon aldosterone hoặc kháng aldosterone cũng có thể làm tăng nồng độ kali.
          • Hạ kali máu: Do quá trình trao đổi tế bào và sự mất kali trong ống tiêu hoá và thận. Dùng thuốc lợi tiểu thiazide là nguyên nhân thường gặp gây hạ kali máu. Hạ kali máu cũng xảy ra khi nôn mửa, tiêu chảy. 
          • Tăng canxi máu: Tăng canxi máu có thể do các bệnh cường tuyến giáp, bệnh thận, do lao phổi cũng như các bệnh ung thư ác tính như ung thư phổi, ung thư vú. Việc sử dụng một số loại thuốc như theophyllin hay lithium cũng gây tăng ung thư máu.
          • Hạ canxi máu: Do suy thận, suy tuyến giáp, viêm tuỵ,… Cũng có thể do thiếu vitamin D và chế độ dinh dưỡng kém gây thiếu canxi. 
          • Tăng hoặc giảm bicarbonat: Tiêu chảy thường gây mất bicarbonat trong cơ thể. Một số rối loạn chức năng về thận dẫn đến mất cân bằng chuyển hóa bicacbonat dẫn đến dư thừa bicacbonat trong cơ thể.
          • Tăng clo máu: Do mất nước khi bị nôn mửa, tiêu chảy, bị suy thận hoặc khi bị nhiễm toan chuyển hoá. Tăng clo huyết có thể xảy ra do mất bicarbonate qua đường tiêu hóa.
          • Hạ clo máu: Do thừa nước trong suy tim sung huyết, hoặc do tổn thương về đường tiêu hoá hoặc thận.
          • Tăng magie máu: Thường gặp ở bệnh nhân bị suy giáp, mắc bệnh Addison, bệnh thấp cấp hay mạn tính, dùng các thuốc kháng acid như thuốc PPI (omeprazol,..)
          • Hạ magie máu: Có thể gặp ở người uống quá nhiều rượu, mất dịch qua thận hoặc đường tiêu hoá.
          • Tăng hoặc giảm phốt pho máu: Mất cân bằng phốt phát phổ biến nhất là do một trong ba quá trình: chế độ ăn uống bị suy giảm, rối loạn tiêu hóa và rối loạn bài tiết qua thận. Nồng độ phốt phát trong máu thấp có thể thấy ở những người bị thiếu vitamin D, cường cận giáp, suy dinh dưỡng. Mặt khác, tăng phosphat máu có thể do suy tuyến cận giáp và bệnh thận mãn tính.
          rối loạn điện giải
          Nôn mửa là một nguyên nhân thường gặp gây nên nhiều kiểu rối loạn điện giải

          Triệu chứng khi bị rối loạn điện giải?

          Các triệu chứng khi bị rối loạn điện giải có thể kể đến: 

          • Tăng natri máu: Thở nhanh, khó ngủ và bồn chồn.
          • Hạ natri máu: Nhức đầu, lú lẫn, buồn nôn và mê sảng,…
          • Tăng kali máu: Chuột rút cơ, yếu cơ, tiêu cơ vân và tăng myoglobin niệu.
          • Hạ kali máu: Suy nhược, mệt mỏi và co giật cơ.
          • Tăng canxi máu: Đau bụng, táo bón, sỏi thận, khát nước nhiều, tiểu nhiều, buồn nôn và nôn.
          • Hạ canxi máu: Bị chuột rút hoặc co giật cơ, tê quanh miệng và các ngón tay, khó thở, huyết áp thấp và rối loạn nhịp tim.
          • Bất thường về bicarbonat hay clo: Triệu chứng không đáng chú ý, nhưng có thể dựa trên các triệu chứng về nhiễm toan, nhiễm kiềm để xác định.
          • Tăng magie máu: Buồn nôn, đỏ bừng, mệt mỏi. Các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm tê liệt, suy hô hấp và nhịp tim chậm tiến tới ngừng tim.
          • Giảm magie máu: Thường xuất hiện với rối loạn nhịp thất, bao gồm xoắn đỉnh.
          • Tăng phốt pho máu: Phát ban, tê liệt quanh miệng, đau nhức xương khớp,…
          • Hạ phốt pho máu: Uy nhược, khó thở và chán ăn. Các biến chứng có thể bao gồm co giật , hôn mê , tiêu cơ vân hoặc mềm xương.

          Chẩn đoán rối loạn điện giải như thế nào?

          Để chẩn đoán rối loạn điện giải, các bác sĩ cần khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân cũng thăm khám lâm sàng. Việc xem xét các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng, các bệnh đang mắc phải (đặc biệt là bệnh liên quan chức năng thận) cũng như thăm khám các triệu chứng lâm sàng sẽ giúp bác sĩ phần nào đưa ra những chẩn đoán ban đầu về kiểu rối loạn điện giải bệnh nhân đang mắc phải. Để xác định được chính xác sự thay đổi nồng độ chất điện giải, bệnh nhân cần được chỉ định đo nồng độ các chất điện giải trong máu (thực hiện điện giải đồ).

          rối loạn điện giải
          Đo nồng độ các chất điện giải trong máu để có chẩn đoán phù hợp 

          Sau đây là các chỉ số nồng độ điện giải cụ thể của các kiểu rối loạn điện giải:

          Natri

          • Phạm vi bình thường: 135 đến 145 mmol/L
          • Hạ natri máu nhẹ đến trung bình: 125 đến 135 mmol/L
          • Hạ natri máu nặng: Dưới 125 mmol/L
          • Tăng natri máu nhẹ đến trung bình: 145 đến 160 mmol/L
          • Tăng natri máu nặng: Lớn hơn 160 mmol/L

          Kali 

          • Phạm vi bình thường: 3,6 đến 5,5 mmol/L 
          • Hạ kali máu nhẹ: Dưới 3,6 mmol/L
          • Hạ kali máu vừa phải: Dưới 2,5 mmol/L
          • Hạ kali máu nặng: Dưới 2,5 mmol/L
          • Tăng kali máu nhẹ: 5 đến 5,5 mmol/L
          • Tăng kali máu vừa phải: 5,5 đến 6,5 mmol/L
          • Tăng kali máu nặng: 6,5 đến 7 mmol/L

          Canxi 

          • Phạm vi bình thường: 8,8 đến 10,7 mg/dL
          • Hạ canxi máu: Dưới 8,8 mg/dL
          • Tăng canxi máu nhẹ đến trung bình: Lớn hơn 10,7 10 11,5 mg/dL 
          • Tăng canxi máu nặng: Lớn hơn 11,5 mg/dL 

          Magie

          • Phạm vi bình thường: 1,46 đến 2,68 mg/dL 
          • Hạ magie máu: Dưới 1,46 mg/dL
          • Tăng magnesi máu: Lớn hơn 2,68 mg/dL

          Bicacbonat

          • Phạm vi bình thường: 23 đến 30 mmol/L
          • Tăng hoặc giảm tùy thuộc vào trạng thái acid-base.

          Phốt pho

          • Phạm vi bình thường: 3,4 đến 4,5 mg/dL 
          • Hạ photphat máu: Dưới 2,5 mg/dL
          • Tăng phosphat máu: Lớn hơn 4,5 mg/dL

          Cách điều trị rối loạn điện giải?

          Nguyên tắc điều trị rối loạn điện giải căn bản là điều trị các nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể. Một số phương pháp điều trị phổ biến có thể kể đến:

          • Truyền dịch tĩnh mạch: Truyền các dung dịch điện giải đẳng trương vào tĩnh mạch (thường là NaCl) để bù nước cho cơ thể. Đây là phương pháp cấp cứu cho các trường hợp mất nước nặng do nôn mửa hoặc tiêu chảy.
          • Tiêm thuốc tĩnh mạch: Loại thuốc được dùng sẽ tuỳ thuộc vào kiểu rối loạn điện giải bệnh nhân mắc phải. Thường là các loại thuốc Canxi gluconat, Magie sulfat, Kali clorua.
          • Chạy thận nhân tạo: Đây là hình thức lọc máu giúp loại bỏ các chất cặn bã và độc hại khỏi cơ thể. Phương pháp này được bác sĩ cân nhắc sử dụng trong các trường hợp rối loạn điện giải nghiêm trọng hoặc trong trường hợp rối loạn điện giải do mắc bệnh thận hay tổn thương thận.
          • Sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung điện giải trong trường hợp rối loạn điện giải nhẹ.

          Phòng ngừa rối loạn điện giải?

          Như đã phân tích ở trên, rối loạn điện giải có nhiều loại và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Một trong những nguyên nhân thường thấy là do mất nước trầm trọng ảnh hưởng đến nồng độ các chất điện giải. Vậy nên, cách phòng tránh hàng đầu rối loạn điện giải là luôn uống đủ nước, đặc biệt là khi bạn đang bị nôn mửa, tiêu chảy hoặc đổ mồ hôi kéo dài.

          Ngoài ra, bạn cần duy trì một chế độ ăn hợp lý để cung cấp đủ lượng chất điện giải trong cơ thể. Ăn nhiều trái cây, hoa quả như chuối, táo (cung cấp kali), rau màu xanh lá đậm (giàu Magie), cũng như đủ các nhóm chất protein như sữa và phô mai (cung cấp Canxi và Natri),…

          rối loạn điện giải
          Uống đủ nước trong mọi trường hợp giúp phòng tránh rối loạn điện giải

          Nếu bạn đang trong tình trạng bệnh lý có nguy cơ gây rối loạn điện giải (bệnh thận, bệnh về tuyến giáp, ung thư,..) hoặc dùng các nhóm thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc động kinh,… Hãy gặp bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn để có chế độ liều phù hợp phòng tránh rối loạn điện giải.

          Câu hỏi thường gặp

          Rối loạn điện giải nên ăn gì?

          Cần xác định đúng loại rối loạn điện giải đẻ có thể xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Điều quan trọng nhất là luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể trong mọi trường hợp.

          Nguyên nhân rối loạn điện giải?

          Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây rối loạn điện giải. Nguyên nhân thường gặp như tiêu chảy, nôn mửa, hoặc do bệnh về thận, tuyến giáp,…

          Bệnh rối loạn điện giải có nguy hiểm không?

          Tuỳ vào loại rối loạn điện giải. Tuy nhiên nếu rối loạn điện giải nặng thì đều xuất hiện những biến chứng nguy hiểm có nguy cơ dẫn tới tử vong bởi các chất điện giải đều tham gia vào nhiều quá trình hoạt động của cơ thể.

          Chẩn đoán rối loạn điện giải?

          Chẩn đoán thông qua tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm nồng độ điện giải trong máu.

          Chăm sóc bệnh nhân rối loạn điện giải?

          Tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ khi chăm sóc bệnh nhân rối loạn điện giải. Việc uống đủ nước cũng như tuân theo một chế độ ăn hợp lý là một trong những việc cần thiết nhất.

          Rối loạn điện giải trong suy thận?

          Suy thận là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn điện giải. Một số rối loạn điện giải có thể gặp như tăng kali máu, hạ kali máu, hạ canxi máu,…

          Rối loạn điện giải có ảnh hưởng gì không?

          Có rất nhiều biến chứng về thần kinh, tim mạch, cơ xương khi bị rối loạn điện giải.

          Rối loạn điện giải hậu covid?

          Rối loạn điện giải như hạ canxi máu là biến chứng hậu covid-19. Người bệnh có dấu hiệu co giật chân tay, da tím tái và cần được đưa đến trung tâm y tế gần nhất để điều trị bù dịch, cân bằng điện giải.

          Làm gì khi bị rối loạn điện giải?

          Cần đến trung tâm y tế để được chẩn đoán về mức độ rối loạn điện giải. Tuỳ mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp.

          Rối loạn điện giải hạ kali máu?

          Hạ kali máu là loại rối loạn điện giải phổ biến, có thể gây biến chứng rối loạn nhịp tim hoặc liệt cơ.

          Rối loạn điện giải gây ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân và nhiều hệ luỵ nghiêm trọng nếu không phát hiện kịp thời. Hi vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin cần thiết để bạn có thể hiểu được rối loạn điện giải là gì, triệu chứng như thế nào và nguyên nhân cơ bản ra sao. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những dấu hiệu rối loạn điện giải, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ trên docosan.com.

          Contact Me on Zalo
          Call Now Button