Tìm hiểu về các loại thuốc điều trị tâm thần

Sử dụng thuốc điều trị tâm thần là một trong những phương pháp điều trị được phần lớn bác sĩ chỉ định. Mặc dù thuốc mang lại tác dụng nhanh chóng nhưng lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nếu dùng sai cách hay lạm dụng. Bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu các loại thuốc điều trị thông dụng nhất hiện nay và một số lưu ý khi sử dụng.

Tìm hiểu các loại thuốc điều trị tâm thần

Bệnh tâm thần là thuật ngữ chỉ các loại bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm, rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu, tăng động giảm chú ý,… Đây đều là những chứng bệnh do rối loạn hoạt động não bộ gây ra những biến đổi bất thường về hành vi, suy nghĩ, lời nói, tác phong,… của bệnh nhân.

Hiện nay, điều trị tâm thần bằng thuốc là sự lựa chọn của nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân cần hiểu rõ các loại thuốc không thể chữa khỏi được bệnh tâm thần, thuốc chỉ có thể giúp kiểm soát các triệu chứng đáng lo ngại nhất của bệnh, từ đó giúp bệnh nhân sớm trở lại với đời sống thường ngày cũng như công việc. Vì thế, song song với việc dùng thuốc, bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân kết hợp với lối sống lành mạnh hoặc có thể kết hợp với các phương pháp tâm lý trị liệu để đẩy nhanh tác dụng thuốc.

thuốc điều trị tâm thần
Tìm hiểu các loại thuốc điều trị tâm thần thông dụng nhất hiện nay

Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ xem xét và kê đơn thuốc sao cho phù hợp. Dưới đây là một số loại thuốc điều trị thông dụng nhất hiện nay được bác sĩ chỉ định:

Thuốc chữa bệnh trầm cảm

Bệnh cầm cảm hay rối loạn trầm cảm là chứng rối loạn gây ra cảm giác buồn bã, phiền muộn, thể hiện sự thất vọng và chán nản cuộc sống. Có thể xem, đây là chứng rối loạn phổ biến nhất hiện nay, trải rộng ở mọi đối tượng. Nếu tình trạng này không sớm khắc phục có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Đối với các bệnh nhân bị trầm cảm, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc sau:

  • Thuốc điều trị trầm cảm loại ức chế MAOIs (monoamine oxidase): Phenelzine, Tranylcypromine, Isocarboxazid,…;
  • Thuốc ức chế tái hấp thu SNRI (serotonin-norepinephedrin): Venlafaxine, Desvenlafaxine, Duloxetine, Levomilnacipran,…;
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc: Citalopram, Paroxetine, Sertraline, Fluoxertine, Fluvoxamine,…;
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Amitriptyline, Nortriptyline, Imipramine, Doxepin,…;
  • Thuốc chống trầm cảm tetracyclic: Mirtazapine,…;
  • Thuốc L-methylfolate đã chứng giới khoa học chứng minh thành công trong việc điều trị chứng trầm cảm. Đây là một dạng hoạt động của những vitamin B và giúp điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh kiểm soát tâm trạng.

Thông thường, các loại thuốc trầm cảm sẽ phát huy công dụng hoàn toàn trong khoảng 4 – 6 tuần. Bác sĩ sẽ kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau để gia tăng hiệu quả. Trong trường hợp bệnh nhân không có dấu hiệu cải thiện, bác sĩ có thể xem xét và có những sự điều chỉnh phù hợp.

Thuốc điều trị loạn thần

Rối loạn tâm thần, hay gọi ngắn gọn là loạn thần, là tình trạng rối loạn liên quan đến sự nhầm lẫn giữa hiện thực và ảo tưởng. Chứng rối loạn này còn có thể ảnh hưởng đến các giác quan, cảm xúc và hành vi. Trường hợp rối loạn tâm thần, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc sau:

  • Thuốc chống loạn thần thế hệ mới: Aripiprazole, Asenapine, Risperidone, Clozapine, Lurasidone,…
  • Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ: Chlorpromazine, Promazine, Levomepromazin, Haloperidol,…

Nhiều tác dụng phụ của thuốc điều trị rối loạn thâm thần ở mức nhẹ có thể tiêu biến trong vài tuần điều trị. Do đó, bệnh nhân không nên quá lo lắng.

Thuốc điều trị chứng rối loạn lo âu

Tương tự như các bệnh tâm thần khác, chứng rối loạn lo âu là một dạng rối loạn tâm lý khá phổ biến. Biểu hiện thường gặp là người bệnh thường xuyên có cảm giác lo lắng quá mức ở một tình huống hay sự việc nào đó, đôi khi lo lắng về những vấn đề vô lý. Tình trạng này nếu không sớm khắc phục sẽ tác động mạnh đến cuộc sống của bệnh nhân.

Một số loại thuốc được bác sĩ kê đơn điều trị chứng rối loạn lo âu:

  • Nhóm thuốc Benzodiazepine: Alprazolam, Diazepam, Clonazepam, Lorazepam,… Nhóm thuốc này được yêu cầu chỉ dùng trong khoảng thời gian ngắn để tránh nguy cơ gây nghiện hay phát sinh tác dụng phụ không mong muốn như: buồn ngủ, kém tập trung, khó thở,…;
  • Nhóm thuốc Buspirone: Đây là loại thuốc serotonergic không gây nghiện, thường được sử dụng để điều trị chứng rối loạn lo âu tổng quát;
  • Một số loại thuốc chống động kinh: Gabapentin, Pregabalin,…

Một số loại thuốc điều trị các chứng rối loạn tâm thần khác

Ngoài bệnh trầm cảm, rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu, còn nhiều bệnh tâm thần khác cũng được bác sĩ xem xét và kê đơn thuốc. Dưới đây là một số loại thuốc thông dụng:

  • Bệnh rối loạn lưỡng cực: Aripiprazole, Divalproex, Ziprasidone, Lamotrigene, Lithium carbonate, Risperidone,…;
  • Bệnh tâm thần phân liệt: Aripiprazole, Ziprasidone, Quetiapine, Olanzapine,…;
  • Bệnh hoảng loạn: Clonazepam, Venlafaxine, Paroxetine, Fluoxetine,…;
  • Chứng thiếu tập trung chú ý: Amphetamine,…

Thuốc điều trị rối loạn tâm thần cho trẻ em

Đối với trẻ nhỏ bị rối loạn tâm thần, bác sĩ cũng có thể cân nhắc dùng thuốc của người lớn cho trẻ với các bệnh tương tự. Tuy nhiên, với mỗi cân nặng và độ tuổi cụ thể mà bác sĩ có thể sẽ đưa ra những sự điều chỉnh liều lượng và thời gian phù hợp nhằm tránh tối đa tác dụng phụ.

Đối với thuốc chống trầm cảm, cha mẹ cần trao đổi với bác sĩ để ngăn ngừa các nguy cơ tiềm ẩn. Bởi vì, loại thuốc này có thể gia tăng nguy cơ suy nghĩ và có hành vi tự sát ở trẻ em bị trầm cảm hay mắc phải các chứng rối loạn tâm thần khác.

thuốc điều trị tâm thần
Phụ huynh cần trao đổi với bác sĩ khi có ý định cho trẻ dùng thuốc điều trị tâm thần

Thuốc điều trị tâm thần có hại không?

Câu trả lời cho vấn đề thuốc điều trị tâm thần có hại không là một phần có và một phần không. Trên thực tế, mỗi loại thuốc đều có khả năng gây ra tác dụng phụ nhất định. Việc dùng thuốc như thế nào sẽ quyết định đến sự gia giảm của tác dụng phụ. Điều này có thể hiểu, tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ sẽ làm giảm tối đa tác dụng phụ. Ngược lại, dùng thuốc càng lạm dụng càng khiến tác dụng phụ khởi phát càng nhiều. Tuy nhiên, mức độ nặng nhẹ giữa các bệnh nhân là khác nhau. Vì thế, nếu cơ thể xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ nào không mong muốn, bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ.

Dùng thuốc điều trị tâm thần cần lưu ý những gì?

Trước và trong quá trình sử dụng thuốc điều trị rối loạn tâm thần, người bệnh và thân nhân cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau:

  • Tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ chuyên khoa : dùng đúng sản phẩm, đúng cách và đúng liều lượng. Bệnh nhân không tự ý thay đổi loại hay liều lượng khi chưa có sự cho phép;
  • Chỉ sử dụng thuốc còn hạn sử dụng và không bị hư hỏng;
  • Nếu cơ thể người bệnh xuất hiện triệu chứng lạ không rõ nguyên nhân, bệnh nhân cần tạm ngưng việc dùng thuốc và trao đổi với bác sĩ về các liệu pháp thay thế. Nếu triệu chứng chuyển biến nặng nề, bệnh nhân cần sớm tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ;
  • Thận trọng khi sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc điều trị rối loạn tâm thần hay thực phẩm chức năng khác. Vì như vậy có thể gây ra hiện tượng tương tác thuốc, từ đó gây ra một số tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh;
  • Người có cơ địa nhạy cảm, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ nhỏ cần trao đổi cẩn thận với bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng thuốc;
  • Ngoài việc dùng thuốc đúng chỉ định, bệnh nhân cần kết hợp với chế độ ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh : ăn uống đầy đủ dưỡng chất, không lao động nặng nhọc, dành thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thẳng quá mức,…;
  • Sau liệu trình sử dụng thuốc, bệnh nhân cần trở lại bệnh viện hoặc phòng khám để thăm khám. Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá việc dùng thuốc trong thời gian trước có thực sự hiệu quả hay không. Đồng thời, bác sĩ sẽ có những sự điều chỉnh phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.
thuốc điều trị tâm thần
Cần thận trọng khi sử dụng thuốc điều trị tâm thần cùng lúc với nhiều loại thuốc hay thực phẩm chức năng khác

Trên đây là các loại thuốc điều trị tâm thần và những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng. Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, cần sớm trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá trình sử dụng thuốc.


Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tam vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.