Top 5 nhóm thuốc đau lưng hiệu quả nhất hiện nay

Khi dùng thuốc đau lưng cần nắm được những lưu ý để tránh lạm dụng quá liều vì dễ gây nên các tác dụng phụ như loét dạ dày, suy gan,… Vậy khi lưng đau nhức cần sử dụng thuốc đau lưng gì, liều lượng ra sao và cần lưu ý những gì khi sử dụng thuốc? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết này.

Khái quát về thuốc đau lưng

Sơ lược về tình trạng đau lưng

Đau lưng là vấn đề sức khỏe mà rất nhiều người thường gặp trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là những người cao tuổi, người lao động vận hành máy, văn phòng ngồi nhiều, khuân vác nặng, chấn thương,… 

Những cơn đau lưng có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau trên vùng lưng, cụ thể bao gồm:

  • Đau lưng trên: Thường xảy ra từ vùng cổ tới hết khung sườn, phổ biến nhất là ở đốt sống ngực (T1 – T12). Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột rồi biến mất hay kéo dài âm ỉ kèm cảm giác tê, nóng ran…
  • Đau lưng giữa: Có thể gặp ở bất kỳ ai và ở bất kỳ độ tuổi nào. Người bị đau lưng giữa thường có cảm giác tức ngực, đau lưng âm ỉ hoặc dữ dội, tức ngực , tê ngứa ở ngực, tay, chân,…
  • Đau lưng dưới: Là tình trạng đau bị khi bị ảnh hưởng bởi chấn thương, khi thay đổi tư thế đột ngột hoặc khuân vác nặng sai tư thế. Nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến người bệnh bị đau dai dẳng kèm nóng rát, co cơ,…
  • Đau lưng chỉ một bên phải hoặc bên trái: Cơn đau chỉ xuất hiện một bên lưng. Đây là dấu hiệu thấy rằng có sự sai lệch ở các khớp đốt sóng vùng chậu, thắt lưng hay khớp hông.

Đau lưng có thể được phân chia thành hai loại:

  • Đau lưng cấp tính thường diễn ra đột ngột, có thể kéo dài trong 6 tuần.
  • Đau lưng mạn tính thường diễn ra trong khoảng thời gian dài, có khi kéo dài hơn 3 tháng.

Thực ra, đau lưng chỉ ra một dấu hiệu của các bệnh lý, vấn đề sức khỏe liên quan đến cơ xương khớp. Dưới đây là một số bệnh lý điển hình dễ gây đau lưng cụ thể như sau:

  • Loãng xương: Trong trường hợp này, xương vùng lưng yếu, rất giòn, mỏng và dễ nứt gãy nếu tác động một lực từ ngoài vào dẫn đến lưng bị đau.
  • Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm xương sống lưng sẽ bị xô lệch chèn ép vào các dây thần kinh cột sống hay các nhánh thần kinh khiến lưng bị đau nhức khó chịu kèm cảm giác tê bì.
  • Thoái hóa cột sống: Lúc này, phần sụn chêm giữa các đốt sống lưng bị mòn, hóa xương khiến các đốt xương va chạm, ma sát vào nhau trực tiếp gây nên những cơn đau ở lưng, cơn đau này có xu hướng giảm dần hoặc biến mất khi nằm.
  • Gai cột sống: Các gai cột sống sẽ chèn ép vào các dây thần kinh gây đau lưng như tình trạng của thoát vị đĩa đệm.
  • Căng cơ hoặc dây chằng: Lao động, khiêng vác nặng thường xuyên hoặc đột ngột thay đổi tư thế có thể làm căng các bó cơ cạnh sống lưng và dây chằng cột sống. Nếu xảy ra thường xuyên sẽ gây ra các cơn đau thắt lưng.

Đau lưng không chỉ gây cản trở sinh hoạt trong đời sống hàng ngày như đi đứng, lao động,… mà còn có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng như yếu liệt các cơ chi dưới, mất khả năng vận động do chèn ép dây thần kinh,… Do đó, câu hỏi đặt ra là “đau lưng uống thuốc gì” là nỗi băn khoăn của nhiều người khi mắc phải vấn đề sức khỏe này.

Bên cạnh đó, bệnh nhân nên đặt lịch hẹn khám để biết chính xác sức khỏe xương khớp hiện tại:

Thuốc đau lưng trong Đông y

“Đau lưng uống thuốc gì thì an toàn và hạn chế được tác dụng phụ” là một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Thật ra, từ ngàn xưa đã có nhiều vị thuốc và bài thuốc đau lưng cổ phương phối ngũ theo các học thuyết y học cổ truyền cho thấy tác dụng trong điều trị đau lưng hiệu quả và có thể sử dụng lâu dài.

Đau lưng trong Y Học Cổ Truyền thuộc chứng Yêu thống do các nguyên nhân:

  • Hàn thấp: Thường gặp ở những người sinh sống, làm việc ở nơi ẩm thấp, lạnh lâu ngày hoặc bị cảm hàn thấp gây cản trở kinh lạc, bế tắc khí huyết kinh lạc vùng lưng.
  • Thấp nhiệt: Do hàn thấp lâu không khỏi, gây trệ kinh lạc hoặc bị cảm tà khí thấp nhiệt.
  • Bất nội ngoại nhân: Do chấn thương vùng lưng, ngồi sai tư thế khiến khí trệ huyết ứ ảnh hưởng đến vận hành khí huyết.
  • Nội thương: Do sức yếu, làm việc kiệt sức, già yếu hoặc mắc bệnh lâu ngày thận tinh suy tổn, can huyết hư không nuôi dưỡng kinh lạc được mà sinh bệnh.

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây nên chứng yêu thống (đau lưng) mà sẽ có phương pháp chữa khác nhau:

  • Đau lưng do hàn thấp sẽ dùng pháp khu phong, trừ thấp, tán hàn, ôn kinh hoạt lạc với bài thuốc Độc hoạt ký sinh thang.
  • Đau lưng do thấp nhiệt thì dùng bài thuốc Tứ diệu tán.
  • Đau lưng do khí trệ, huyết ứ nên dùng pháp chữa hoạt huyết hóa ứ, lý khí chỉ đau với bài thuốc Thân thống trục ứ thang.
  • Đau lưng bởi thận hư với thể dương hư thì dùng pháp bổ thận trợ dương với bài thuốc Hữu quy hoàn. Với thể âm hư thì dùng pháp bổ thận tư âm với phương thuốc Tả quy hoàn. 

Thuốc đau lưng trong Tây y

Bên cạnh các biện pháp điều trị đau lưng như vật lý trị liệu hay phẫu thuật cơ xương khớp, các thuốc trị đau lưng cũng được phối hợp trong điều trị.

Một số thuốc đau lưng có thể dùng điều trị phải được kể đến như: thuốc giãn cơ đau lưng, thuốc đau lưng nhóm NSAIDS, thuốc Acetaminophen (Paracetamol), thuốc đau lưng nhóm Opioids và nhiều loại thuốc đau lưng nhóm chống trầm cảm đã được kê đơn để giảm đau mạn tính trong đó có đau lưng.

Một số thuốc trị đau lưng phổ biến hiện nay

Thuốc trị đau lưng nhóm NSAIDS

NSAIDS là nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi trong các trường hợp giảm đau, kháng viêm và hạ sốt, đặc biệt là trong các trường hợp đau nhức cơ xương khớp như chứng đau lưng. Bao gồm các loại thuốc không kê đơn như ibuprofen, naproxen, aspirin, diclofenac, meloxcam,…

Cơ chế tác dụng

Thuốc đau lưng nhóm NSAIDS hoạt động với khả năng ức chế enzyme có vai trò quan trọng trong tổng hợp prostaglandin, có tên gọi là cyclooxygenase (COX), có hai dạng chính của enzyme này là COX-1 và COX-2. Dưới tác động ức chế COX, các thuốc đau lưng nhóm NSAIDS tạo ra tác dụng giảm đau bên cạnh đó là hạ sốt, chống viêm.

Chỉ định và chống chỉ định

  • Thuốc nhóm NSAIDS sẽ được chỉnh định trong các trường hợp thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, đau cột sống cổ, đau vai gáy, đau thắt lưng cấp hoặc mạn tính, đau thần kinh tọa. Thuốc còn điều trị các bệnh viêm khớp như viêm khớp dạng thấp, gout, viêm khớp vảy nến,…
  • Thuốc NSAIDS chống chỉ định trong các trường hợp: Tiền sử dị ứng, mẫn cảm thuốc; bệnh lý chảy máu không kiểm soát, loét dạ dày đang tiến triển, suy gan vừa cho đến nặng, phụ nữ có thai và đang cho con bú,…

Liều dùng

Dưới đây là liều dùng của một số thuốc đau lưng nhóm NSAIDS, có thể tham khảo:

  • Aspirin 500mg được bào chế dưới dạng viên nén bao phim giúp giảm đau lưng với liều người lớn là 1 viên/lần x 2 – 4 lần/ngày.
  • Ibuprofen dưới dạng viên nén, viên nang & siro. Liều thông thường cho người lớn là từ 1 – 2 viên 200mg x 3 lần/ngày. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê liều cao lên đến 600mg/lần và uống 4 lần/ngày, cần có sự giám sát của bác sĩ.
  • Diclofenac kali dạng tiêm 75mg/3ml dùng điều trị ngắn hạn đợt đau lưng cấp, đau rễ thần kinh. Tiêm bắp 1 lần/ngày, có thể bổ sung thêm 1 viên diclofenac 50mg. 

Tác dụng phụ và thận trọng

Ngoài tác dụng trị bệnh, việc dùng thuốc đau lưng nhóm NSAIDS có thể gây ra một số tác dụng phụ:

  • Đau bụng, buồn nôn.
  • Khó tiêu, tiêu chảy.
  • Loét dạ dày có thể gây chảy máu dẫn tới thiếu máu.
  • Chóng mặt, buồn ngủ, nhức đầu.
  • Phản ứng quá mẫn

Thận trọng sử dụng thuốc trong các trường hợp:

  • Phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Những người có nguy cơ hay bị viêm loét dạ dày tá tràng, người bị suy gan, suy thận và biến chứng trên tim mạch (nhồi máu cơ tim).

Thuốc trị đau lưng nhóm OPIOIDS

Thuốc đau lưng nhóm Opioids chỉ nên dùng khi các thuốc NSAIDS không còn dụng nạp và các cơn đau nhức, viêm dữ dội phải dùng đến Opiods.

Cơ chế tác dụng

Thuốc trị đau lưng nhóm opioids hoạt động trong hệ thần kinh trung ương bằng liên kết với các thụ thể opioid ở màng trước và sau khớp thần kinh. Qua đó, giúp ngăn chặn hoặc làm giảm cảm giác đau.

Chỉ định và chống chỉ định

  • Theo cảnh giác dược thuốc opioids, thuốc giảm đau opiods chỉ được dùng để điều trị các con đau mà không đáp ứng với các thuốc hoặc các thuốc không opioids khác. Loại thuốc này mang lại lợi ích cao tuy nhiên dễ bị các nguy cơ tiềm ẩn như codein, oxycodon, morphin, tramadol,…
  • Thuốc opioids trong các trường hợp quá mẫn với thuốc, trẻ em dưới 6 tuổi, suy hô hấp, suy gan nặng, tăng áp lực nội sọ, động kinh không kiểm soát,…

Liều dùng

  • Oxycodone dùng để giảm đau ở mức độ trung bình cho đến nặng. Sau khi tăng liều từ 10 – 20 mg/12 giờ, mỗi lần điều chỉnh liều khoảng ⅓ liều hàng ngày. Để trị cơn đau không ác tính, liều khuyến cáo hàng ngày là 40mg.
  • Codein thường phối paracetamol hoặc thuốc opioids khác để giảm đau mức độ nhẹ và vừa.
  • Hydrocodone giúp giảm đau trong trường hợp đau vừa đến nặng, phối với paracetamol hoặc thuốc giảm đau không opioids khác.

Tác dụng phụ và thận trọng

  • Opioids có tác dụng phụ thường gặp nhất là táo bón, ngoài ra còn bị tác dụng phụ khác như buồn nôn, buồn ngủ, khoa tiểu, gây ảo giác hưng phấn,…
  • Thận trọng cho phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ con và các bệnh lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Những người quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thuốc giãn cơ đau lưng

Cơ chế tác dụng

Thuốc giãn cơ đau lưng hoạt động theo cơ chế tác động trực tiếp vùng tủy sống và trên tủy sống. Thuốc làm giảm quá trình co cứng bằng cách tăng quá trình ức chế tiền synap của các nơron vận động tại thụ thể α – adrenergic. Từ đó làm giảm kích thích các nơron vận động trên tủy sống, làm giảm các cơn co cơ nhưng không gây ra yếu cơ quá mất.

Chỉ định và chống chỉ định

  • Thuốc giãn cơ được chỉ định trong các  trường hợp bệnh về thoái hóa đốt sống, giảm các cơn đau do co thắt cơ, đau lưng tức thì,…
  • Chống chỉ định phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người có tiền sử suy gan, suy thận, suy hô hấp, đang dùng thuốc hạ áp, tiền sử dị ứng thuốc,…

Liều dùng

  • Thuốc Baclofen: Với người lớn liều ban đầu dùng 5mg/lần và dùng 3 lần/ngày, liều tối đa khuyến cáo là 20mg/lần. Với trẻ em, thuốc chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc Chlorzoxazone: Liều dùng cho người lớn là 250 – 750mg/lần x 3 lần/ngày, có thể giảm liều khi tình trạng đau nhức cải thiện. Liều dùng cho trẻ em từ 125 – 500mg/lần x 3 lần/ngày.

Tác dụng phụ và thận trọng

  • Một số tác dụng phụ có thể gặp ở nhóm thuốc đau lưng này như: Mệt mỏi, buồn ngủ, buồn nôn, đau bụng, dị ứng, chóng mặt,…
  • Vì thuốc có thể gây buồn ngủ và làm giảm khả năng phối hợp các động tác. Vì vậy, cần thận trọng khi lái xe và điều khiển máy móc.

Thuốc trị đau lưng nhóm chống trầm cảm

Cơ chế tác dụng

Thuốc đau lưng nhóm chống trầm cảm (amitriptyline, nortriptyline, desipramine, duloxetine,…) với cơ chế hoạt động chính là  ngăn chặn sự tái hấp thu của serotonin và norepinephrine. Vốn là những chất dẫn truyền thần kinh để giảm cảm giác đau lưng.

Chỉ định và chống chỉ định

  • Ngoài chỉnh định điều trị cho các bệnh nhân mắc trầm cảm, các loại thuốc này còn được chỉ định trong các chứng rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, các vấn đề về đau mãn tính,…
  • Thuốc chống chỉ định trong các trường hợp quá mẫn với các thành phần của thuốc.

Liều dùng

  • Thuốc chống trầm cảm Amitriptylin có thể dùng từ 75mg/3 lần/ngày, Nếu cần có thể tăng dần lên 150mg/ngày ưu tiên dùng vào buổi chiều tối. Liều duy trì cho bệnh nhân ngoại trú: 50 – 100mg/ngày.
  • Thuốc Duloxetin khởi đầu uống 30 – 60mg x 1 lần/ngày. Liều dùng duy trì uống 60mg/ngày/lần. Liều tối đa uống 120mg/ngày/lần.

Tác dụng phụ và thận trọng

  • Những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc đau lưng nhóm chống trầm cảm như: gia tăng hành vi tự sát, tăng nhịp tim, mờ mắt, táo bón, khô miệng, hạ huyết áp, suy giảm trí nhớ hoặc rối loạn chức năng tình dục,…
  • Thận trọng sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 18 tuổi, vì khi sử dụng thuốc sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, nảy sinh ý định tự tử. Không nên uống thuốc chung với rượu bia hoặc lái xe vì tăng buồn ngủ, mờ mắt,… ảnh hưởng đến an toàn tính mạng. 

Thuốc nam trị đau lưng

Hiện nay, nhiều cây thuốc nam trị đau lưng đã được đánh giá kiểm chứng trên lâm sàng qua thời gian sử dụng và được các chuyên gia y tế khuyến khích sử dụng hỗ trợ điều trị đau lưng không gây tác dụng phụ, nhờn thuốc. Dưới đây là một số vị thuốc đau lưng từ thảo dược điển hình có thể tham khảo:

Cẩu tích

Theo chuyên luận cẩu tích – Dược điển Việt Nam V, cẩu tích có tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Qua đó, chủ trị phong hàn thấp, tay chân nhức mỏi, đau lưng, đau dây thần kinh, đi tiểu nhiều. Ngày dùng 10 – 20g dưới dạng thuốc sắc thường phối hợp với một số vị thuốc khác.

Địa liền

Thân rễ địa liền chứa từ 2,4 – 3,8% tinh dầu chủ yếu là methoxyethylcinnamat nên vị thuốc sẽ có vị cay, tính ấm có tác dụng hành khí, ôn trung, tiêu thực, chỉ thống nên dùng trị tê thấp, đau nhức xương khớp, đau răng, ngực bụng lạnh đau, tiêu hóa kém.

Rượu địa liền (ngâm củ địa liền trong rượu 40 – 50 độ từ 5 – 7 ngày) có thể dùng xoa bóp hoặc uống làm bớt mỏi gân cốt, đau lưng và làm cho máu huyết thông hoạt.

Đỗ trọng

Trong đông y, đỗ trọng có vị ngọt, hơi cay, tính ấm nên dùng bổ gan thận, gân xương trong các trường hợp thận hư, đau lưng, chân gối yếu mỏi, sưng tê phù, bại liệt,…

Liều dùng đỗ trọng: Ngày dùng 12 – 20g, dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng, rượu thuốc hoặc hoàn tán. Khi dùng có thể tẩm muối sao.

Ngưu tất

Theo nghiên cứu y học hiện đại, ngưu tất chứa nhiều saponin triterpen như acid oleanolic có tác dụng chống viêm, hạ cholesterol máu, khỏe gân cốt, tê liệt nên dùng trong những trường hợp thấp khớp, đau lưng, bế kinh, kinh đau, huyết áp cao, chấn thương tụ máu, viêm họng,…

Ngày dùng ngưu tất liều từ 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc, có thể phối hợp với những vị thuốc khác.

Tang ký sinh

Theo chuyên luận tang ký sinh – Dược điển Việt Nam V, tang ký sinh có vị khổ tính bình, quy vào hai kinh can, thận. Tang ký sinh có công năng bổ can thận, mạnh gân xương, thông kinh lạc, an thai. Chủ trị trong các trường hợp đau lưng, đau thần kinh ngoại biên, phụ nữ động thai, ít sữa sau khi đẻ.

Tang ký sinh ngày dùng từ 12 – 20g, dưới dạng thuốc sắc và thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Thiên niên kiện

Trong thân rễ thiên niên kiện có khoảng 0,8 – 1% tinh dầu tính theo rễ khô kiệt với chừng 40% linalol. Do đó, thiên niên kiện có mùi thơm, vị đắng, cay, tính ấm nên dùng chữa phong hàn thấp nhức mỏi gân xương hoặc co quắp tê bại. Trong nhân dân, thiên niên kiện thường dùng chữa thấp khớp, đau nhức khớp.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), thiên niên kiện được dùng trị đòn ngã tổn thương, gãy xương, phong thấp đau lưng đùi, loại phong thấp đau nhức xương khớp. Ngày dùng 6 – 12g dạng thuốc sắc hay ngâm rượu uống.

Mua thuốc đau lưng ở đâu? Giá cả như thế nào?

Hiện nay, những thuốc đau lưng thuộc các nhóm NSAIDS, OPIOIDS, giãn cơ hay chống trầm cảm được bán phổ biến trên các chuỗi nhà thuốc, phòng khám và bệnh viện. Tuy nhiên, cho dù sử dụng bất kỳ nhóm thuốc nào bạn cũng cần được chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo an toàn sức khỏe bản thân.

Riêng các thuốc đông dược được bán tại các phòng khám đông y, khoa Y học cổ truyền các bệnh viện hay các trung tâm Y dược cổ truyền sau khi được bác sĩ bắt mạch, kê thang thuốc. Tùy vào loại thuốc, nhà sản xuất, dạng bào chế mà giá cả sẽ khác nhau.

Theo bảng giá thuốc tây, dược liệu năm 2023 của bệnh viện Y Học Cổ Truyền TPHCM, giá của một số thuốc, vị thuốc trị đau lưng có thể tham khảo dưới đây:

Tên thuốc/vị thuốcĐơn vị tínhGiá tiền cho 1 đơn vị tính (VNĐ)
Bart (Tenoxicam) 20mgviên8,389
Fastum gel (Ketoprofen) 2,5%hộp50,825
Kefentech (Ketoprofen) (7 miếng/gói)gói70,781
Larfix (Lornoxicam) 8mgviên12,840
Vocfor (Lornoxicam) 4mgviên6,814
Đỗ trọnggam551
Ngưu tấtgam674
Tang ký sinhgam261
Thiên niên kiệngam235

Địa chỉ khám đau lưng nếu việc dùng thuốc không hiệu quả

Tình trạng đau lưng kéo dài và việc sử dụng thuốc không đem lại hiệu quả cao, bệnh nhân nên chủ động thăm khám và điều trị từ sớm. Dưới đây là một số gợi ý:

  • Phòng khám Chuyên khoa Nội Thần kinh Quỳnh Nga – Bình Tân, TPHCM: Phòng mạch của Bác sĩ Quỳnh Nga được thành lập vào năm 2019 chuyên khám và chữa các bệnh liên quan về nội thần kinh cho các bệnh nhân tại quận Bình Tân và các khu vực lân cận. Khám đau lưng là một trong những thế mạnh của phòng khám.
  • Phòng khám Đa khoa Quốc tế Victoria Healthcare – Phú Nhuận, TPHCM: Cơ sở được đầu tư trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản được nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Anh, Đức… Đội ngũ y bác sĩ năng động, tâm huyết, nhiều năm kinh nghiệm được liên tục đào tạo tại Mỹ, Úc, Nhật… và cam kết thực hành y khoa trên nền tảng Y học chứng cứ.
  • Việt Mỹ Clinic – Tây Hồ, Hà Nội: Trang thiết bị hiện đại mang tiêu chuẩn y tế Mỹ và Châu Âu. Đội ngũ bác sĩ và chuyên gia kỹ thuật ưu tú trong nước và quốc tế: TS BS Nguyễn Văn Phúc, có hơn 20 năm kinh nghiệm lâm sàng về trị liệu cơ xương khớp tại Bệnh viện Bạch Mai và Bác sĩ Phúc chẩn đoán và điều trị các ca phức tạp về phát sinh đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, đau lưng, mỏi cổ.

Câu hỏi thường gặp

Ăn gì tốt cho đau lưng?

Để giảm và phòng tránh đau mỏi lưng, người bệnh có thể bổ sung các thực phẩm cần thiết thông qua con đường ăn uống:
Nhóm thực phẩm giàu canxi: Tôm, cá, cua, đậu phụ, sữa, cải xoăn, hạnh nhân,…
Nhóm thực phẩm giàu kali, magie: Khoai lang, cà chua, bí ngô, bơ, chuối, yến mạch, hạt và các loại hạt,…
Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Các loại quả mọng (mâm xôi, dâu tây, kiwi,…), trà xanh, dứa tươi,…

Đau cột sống lưng dưới uống thuốc gì?

Người bệnh có thể sử dụng các thuốc giảm đau nhóm NSAIDS (Ibuprofen, Diclofenac, Meloxicam, Aspirin,…). 
Thuốc giảm đau mạnh hơn có chứa tramadol (Ultracet).
Thuốc giảm đau thần kinh khi có dấu hiệu chèn ép rễ thần kinh (pregabalin, gabapentin,…).
Thuốc giãn cơ khi có dấu hiệu căng cứng cơ (eperisone,…).


Hy vọng bài viết đã cung cấp các thông tin hữu ích về thuốc đau lưng, qua đó giúp bạn chọn lựa thuốc trị đau lưng sao cho phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân. Nếu bạn hoặc người thân đang có các vấn đề sức khỏe dẫn đến đau lưng, xin vui lòng đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa Cơ Xương Khớp.