Bí tiểu ở nam giới không hề hiếm gặp mà cực kì phổ biến, thông thường nam giới đã dễ mắc chứng bí tiểu hơn nữ giới, đặc biệt tỷ lệ này còn gia tăng ở những đối tượng cao tuổi. Vậy hiện tượng bí tiểu ở nam giới là gì? Nguyên nhân gây bí tiểu ở nam giới gồm những yếu tố nào? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết dưới đây?
Tóm tắt nội dung
Tổng quan về chứng bí tiểu ở nam giới


Nước tiểu là sản phẩm lọc của máu sau khi đi qua hệ thống mao mạch thận, chúng được bài tiết ra và chứa ở bàng quang. Khi bàng quan căng đầy nước tiểu, sẽ có tín hiệu thần kinh gửi lên não gây cảm giác buồn tiểu, nước tiểu sẽ được dẫn từ bàng quang qua niệu đạo và thải ra bên ngoài. Quanh niệu đạo ở đoạn niệu đạo tiền liệt tuyến có một cấu trúc cơ vòng gọi là cơ thắt niệu đạo có vai trò giữ nước tiểu ở lại bàng quang nếu chúng ta chưa muốn đi tiểu.
Bí tiểu ở nam giới là tình trạng phải rặn mạnh khi đi tiểu, hoặc rặn khá lâu thì nước tiểu mới chảy ra được. Tình trạng này tương đối phiền phức, và gây khó khăn khi phải dùng nhà vệ sinh lâu hơn bình thường, thậm chí người bệnh có thể bị mất ngủ vì tiểu không hết, vừa tiểu xong lại mắc tiểu trở lại. Bí tiểu ở nam giới tuy chỉ là triệu chứng, nhưng nó báo hiệu một bệnh lý đường tiết niệu tiềm ẩn đứng sau.
Bí tiểu ở nam giới ngày càng trở nên phổ biến, nhất là đàn ông trên 50 tuổi. Người có những yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng bị bí tiểu ở nam giới bao gồm: Tắc nghẽn cổ bàng quang, niệu đạo, bệnh viêm dây thần kinh, tiền căn phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt. Đặc biệt khi tỉ lệ nam giới mắc ung thư tiền liệt tuyến phải phẫu thuật cắt bỏ ngày càng tăng, cũng khiến tỷ lệ bí tiểu ở nam giới gia tăng nhanh chóng.
Triệu chứng bí tiểu ở nam giới
- Tiểu không hết: Sau khi tiểu, bệnh nhân không có cảm giác thoải mái, cảm giác bàng quang sạch nước tiểu, thay vào đó vẫn còn cảm thấy tức nặng ở vùng bụng dưới (vùng hạ vị)
- Tiểu nhiều: Khi tiểu không hết, nước tiểu vẫn còn lại ở trong bàng quang, người bệnh dễ có cảm giác buồn tiểu, trung bình cứ khoảng 15 – 30 phút lại phải tiểu một lần, hoặc buồn tiểu ngay khi vừa mới tiểu xong, tình trạng này gây bất tiện nghiêm trọng khi người bệnh đang sử dụng các phương tiện công cộng như tàu lửa, xe bus…
- Tia nước tiểu yếu: chân hay bị ướt vì tia tiểu yếu, người bệnh phải dùng sức rặn nhiều mới có thể tiểu được.
Nguyên nhân gây bí tiểu ở nam giới
Hoạt động tiểu tiện là kết quả của sự phối hợp vận động của các cơ bàng quang, cơ cổ bàng quang, cơ thắt niệu đạo. Sự co bóp nhịp nhàng của bàng quang cùng với sự giãn nở của cơ thắt cổ bàng quang, và sự thông thương của ống niệu đạo (không bị bít tắc). Bất kì tác nhân nào ảnh hưởng đến 3 yếu tố kể trên sẽ có thể gây ra bí tiểu ở nam giới:
Bàng quang không co bóp
Rối loạn cơ bàng quang: Những bệnh nhân mắc tai biến mạch máu não, đái tháo đường, liệt bàng quang, hoặc chấn thương vùng cột sống thắt lưng gây ảnh hưởng đến sự chi phối của hệ thần kinh lên cơ bàng quang.
Sự không giãn nở cơ cổ bàng quang: Do tình trạng viêm mạn tính gây xơ chai, hẹp cổ bàng quang bẩm sinh/ mắc phải.
Phì đại tuyến tiền liệt


Kích thước tuyến tiền liệt khoảng 3×4 cm, bề dày 2.5cm, khối lượng khoảng 20 gam. Nó nằm ở vùng đáy bàng quang. Vai trò của tuyến tiền liệt là chế tiết chất nhờn giúp pha loãng tinh trùng thành tinh dịch. Tiền liệt tuyến chỉ hiện diện ở cơ thể nam giới và sẽ phì đại dần theo thời gian. Nó bao quanh cổ bàng quang, nơi mà nước tiểu chảy theo đường niệu đạo xuyên qua nó. Vì thế khi bị phì đại tuyến tiền liệt sẽ gây cản trở dòng nước tiểu gây gây tiểu khó, thậm chí bí tiểu ở nam giới.
Tỉ lệ nam giới lớn tuổi ở Việt Nam bị phì đại tuyến tiền liệt vào khoảng 45% đến 70% (tương đối cao). Tỉ lệ mắc bệnh và mức độ nặng của bệnh thường tăng theo độ tuổi của nam giới. Hẹp cổ bàng quang là ảnh hưởng phổ biến nhất của phì đại tuyến tiền liệt.
Tắc niệu đạo
Sỏi thận, sỏi niệu quản, thậm chí sỏi bàng quang khi đi xuống đều có thể gây tắc niệu đạo.
Ngoài ra, các khối u của các tạng trong ổ bụng chèn ép gây hẹp niệu đạo cũng dẫn đến tình trạng bí tiểu ở nam giới


Chẩn đoán bí tiểu ở nam giới
Những xét nghiệm mà bác sĩ sẽ đề nghị để tìm ra nguyên nhân thực sự đứng đằng sau triệu chứng bí tiểu của bệnh nhân bao gồm:
- Xét nghiệm PSA: Nồng độ PSA ở trong máu cao có giá trị báo động về nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến ở bệnh nhân.
- Chụp X-quang (có cản quang hoặc không): đánh giác nguyên nhân tắc nghẽn có phải do sỏi đường tiết niệu không, nếu cần bác sĩ có thể đề nghị chụp thêm CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI để xác định chính xác hơn nguyên nhân bí tiểu ở nam giới.
- Siêu âm bụng tổng quát: đo được tương đối chính xác kích thước của tuyến tiền liệt xem nó có to hay không, có gây biến chứng ứ nước ở thận chưa. Mặt khác siêu âm qua ngã trực tràng sẽ giúp xác định kích thước chính xác hơn của tuyến tiền liệt, đồng thời có thể sinh thiết tuyến tiền liệt qua siêu âm để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh nếu nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt.


Điều trị bí tiểu ở nam giới tại nhà
Muốn tìm hiểu thêm về điều trị bí tiểu tại nhà, mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết dưới đây của chúng tôi:
Kết luận
Tóm lại, bí tiểu ở nam giới có thể do nguyên nhân gây ra. Vì vậy, ngay khi nhận ra mình có những triệu chứng của bệnh, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu ngay lập tức để có thể xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời. Đặc biệt nam giới nếu trên 50 tuổi, cần phải khám sức khỏe định kỳ và tầm soát nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt để có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Bí tiểu ở nam giới: 1 số nguyên nhân mà bạn cần biết tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị. Để được tư vấn trực tiếp, bạn đọc vui lòng liên hệ hotline 1900 638 082 hoặc CHAT để được hướng dẫn đặt hẹn.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com