Bí tiểu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bí tiểu là triệu chứng thường gặp của hệ tiết niệu khi cơ thể không thể bài tiết nước tiểu hoàn toàn ngay cả khi bàng quang đã căng đầy và người bệnh thường cảm thấy rất mắc nhưng không tiểu được. Có hai dạng bí tiểu – cấp tính và mãn tính. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về triệu chứng này trong bài viết dưới đây nhé!

Bí tiểu là gì?

Bàng quang là một cơ quan nằm của hệ tiết niệu, chức năng của nó là lưu trữ nước tiểu cho đến khi bài tiết ra ngoài. Nước tiểu được tạo ra sau quá trình lọc ở cầu thận, trải qua quá trình tái hấp thu và bài tiết, tạo thành nước tiểu đổ ra bể thận theo niệu quản hai bên dẫn về bàng quang. Bàng quang sẽ co thắt phối hợp sự giãn cơ thắt niệu đạo sẽ đưa nước tiểu theo đường niệu đạo đi ra ngoài.

Bí tiểu (urinary retention) là tình trạng bàng quang vẫn còn sót lại nước tiểu sau khi tiểu xong. Có hai dạng bí tiểu là cấp tính và mạn tính. Nguyên nhân thường gặp có thể do sự giảm co thắt của bàng quang, yếu tố tắc nghẽn đường ra, thiếu sự phối hợp giữa bàng quang và cơ thắt niệu đạo hoặc có thể phối hợp tất cả các nguyên nhân trên.

Bí tiểu cấp là gì? Bí tiểu mạn là gì?

Bí tiểu cấp tính (acute urinary retention, AUR) là rối loạn khả năng đi tiểu đột ngột không thể đi tiểu được hoặc đi tiểu nhưng chỉ rỉ giọt, cảm giác vẫn còn nước tiểu. Đây là trường hợp cấp cứu tiết niệu phổ biến nhất trên lâm sàng. Ở nam giới, AUR thường xảy ra thứ phát sau tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Ở thể cấp người bệnh thường có cảm giác đau không thể tránh khỏi và xuất hiện các cơn co thắt.

Bí tiểu mạn tính (chronic urinary retention, CUR) là tình trạng bí tiểu thường không đau, liên quan đến lượng nước tiểu tồn đọng ngày càng tăng lên. Bệnh nhân bí tiểu có thể có biểu hiện cảm giác đường tiểu không thông hoàn toàn, sau khi đi tiểu bàng quang vẫn cò nước tiểu. Đến lúc nào đó bụng dưới hình thành khối cầu bàng quang lớn dần nhìn thấy được.

Nguyên nhân bí tiểu

  • Có hai bộ cơ vòng, cơ vòng bên trong là nơi niệu đạo của bạn kết nối với bàng quan và cơ vòng bên ngoài co thắt để kiểm soát nước tiểu. Một bất thường về thần kinh làm rối loạn hoạt động của hai lớp cơ này cũng có thể gây rối loạn bài tiết nước tiểu. Nguyên nhân thần kinh có thể do một tai biến mạch máu não, lão hóa chức năng hệ niệu hoặc sử dụng thuốc có tác dụng phụ kháng cholinergic.
  • Niệu đạo, đóng mở để kiểm soát thời điểm nước tiểu có thể ra khỏi bàng quang. Các bệnh lý tại niệu đạo như viêm niệu đạo cấp hay mạn, sẹo cũ do phẫu thuật, u ngoài chèn vào, chấn thương vỡ giập niệu đạo sẽ làm hẹp đường ra của nước tiểu dẫn đến tình trạng bí đái.
  • Ở nam giới, tuyến tiền liệt bao quanh đoạn niệu đạo dọc giữa hai cơ vòng trong ngoài do đó các bệnh lý như  u xơ hay ung thư tuyến tiền liệt, viêm hoặc áp xe tiền liệt tuyến, nhồi máu tiền liệt tuyến sẽ gây sự tắc nghẽn.
  • Vật lạ: sỏi niệu đạo kẹt là nguyên nhân thường gặp nhất, có thể do cục máu đông gây nghẽn.

Khi bạn đi tiểu, các cơ trong bàng quang co bóp để đẩy nước tiểu ra ngoài. Đồng thời, hệ thống thần kinh ra lệnh cho các cơ vòng mở ra và nước tiểu đi qua niệu đạo, được bài tiết ra khỏi cơ thể. Hai cơ vòng được tạo thành từ các loại cơ khác nhau, bạn không thể kiểm soát cơ vòng bên trong nhưng có thể kiểm soát cơ vòng bên ngoài. Một vấn đề ở bất kỳ cấu trúc nào trong số chúng hoặc các dây thần kinh chi phối hoạt động có thể làm bạn bị bí tiểu chẳng hạn như trong bệnh lý bàng quang thần kinh.

Triệu chứng của bí tiểu

Các triệu chứng của bí tiểu cấp tính có thể bao gồm

  • Mất/ hạn chế khả năng đi tiểu
  • Đau – thường diễn ra nghiêm trọng – ở bụng dưới hay hạ vị
  • Nhu cầu khẩn cấp đi tiểu, cảm giác có những cơn co thắt dữ dội để đi tiểu
  • Vùng bụng dưới nhô tròn lên (dấu hiệu cầu bàng quang dương tính)

Bí tiểu mãn tính phát triển theo thời gian, có thể ít hoặc không có triệu chứng nên khó phát hiện, có thể gặp các dấu hiệu sau:

  • Không thể bài xuất hết nước tiê có ở trong bàng quang của khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần với số lượng ít
  • Khó bắt đầu tạo dòng chảy của nước tiểu (tiểu khó)
  • Dòng nước tiểu chảy chậm
  • Cảm giác khẩn cấp để đi tiểu, nhưng không thể tiểu được
  • Cảm thấy buồn tiểu ngay sau khi đi tiểu xong
  • Rò rỉ nước tiểu mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào hoặc cảm giác
  • Đau bụng dưới hoặc cảm giác căng tức khó chịu

Cách trị bí tiểu

Phương pháp thường được sử dụng là đặt ống thông Foley tại chỗ.

Trường hợp đặt thông không hiệu quả hoặc nhiều rủi ro: nếu ống thông không vào được bàng quang dễ dàng nguyên nhân thường gặp là do co thắt cơ vòng ngoài, hẹp niệu đạo, co thắt hay phì đại cổ bàng quang.

Phì đại tuyến tiền liệt hiếm khi cản trở đường đi của ống thông vì ống thông có thể dễ dàng đẩy các thuỳ của tiền liệt tuyến về hai bên để lên trên bàng quang. Nếu bệnh nhân có tiền căn hoặc nghi ngờ có hẹp niệu đạo, phải chụp niệu đạo ngược dòng để đánh giá tình trạng niệu đạo để tránh rủi ro tổn thương niệu đạo cho bệnh nhân.

Nếu hình ảnh học cho thấy chỗ hẹp khít không qua được, cách chữa bí tiểu là mở bàng quang qua da trên xương mu để dẫn lưu nước tiểu tạm thời, sau đó mới điều trị chỗ hẹp cho bệnh nhân sau đó.

Đa số các trường hợp nên rà soát các nguyên nhân gây bí tiểu để có những xử lý kịp thời và chính xác nhất. Việc điều trị tạm thời không có ý nghĩa bằng giải quyết nguyên nhân gây ra bí tiểu.

Như vậy, có thể thấy rằng bí tiểu là tình trạng nước tiểu bị ứ trệ trong lòng bàng quang, xảy ra bởi nhiều nguyên nhân nhưng việc xem nhẹ triệu chứng này sẽ tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro của một cấp cứu ngoại khoa. Do đó, nếu có xảy ra tình trạng bí tiểu như bài viết đề cập, hãy đến khám ngay tại trung tâm y tế gần nhất nhé!

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Bí tiểu: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị”. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm thông tin bổ ích về triệu chứng bí tiểu và cách khắc phục xử trí nếu không may mắc phải.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Nguồn tham khảo: NHS