Sỏi bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh

Sỏi bàng quang hình thành khi các khoáng chất trong nước tiểu cô đặc lại và kết tinh thành sỏi. Trong một vài trường hợp nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vậy nguyên nhân gây nên bệnh là do đâu? Cách phòng tránh như thế nào? Hãy cùng Docosan tìm hiểu ngay sau đây.

Nguyên nhân gây nên hiện tượng sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang được hình thành do sự sót lại của nước tiểu ở trong bàng quang sau mỗi lần đi tiểu. Nước tiểu còn sót lại trong bàng quang được cô đặc lại, lâu dần sẽ có hiện tượng kết tinh các khoáng chất và hình thành những khối sỏi cứng.

soi bang quang la gi
Hình ảnh sỏi bàng quang

Một số bệnh nhiễm trùng hoặc các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể cũng có thể gây nên sỏi bàng quang.

Những nguyên nhân thường gặp gây nên sỏi bàng quang bao gồm:

  • Phì đại tuyến tiền liệt: Phì đại tuyến tiền liệt (hay còn gọi là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính) có thể gây nên tình trạng sỏi bàng quang. Tuyến tiền liệt phì đại có thể cản trở dòng chảy của nước tiểu, khiến nước tiểu vẫn còn sót lại trong bàng quang, tạo nên sỏi trong bàng quang.
  • Bàng quang thần kinh: Thông thường, các dây thần kinh kết nối với bàng quang sẽ có nhiệm vụ truyền tải thông tin từ não bộ tới bàng quang để ra điều khiển cho bàng quang thực hiện đúng chức năng của mình. Nếu các dây thần kinh này bị tổn thương do đột quỵ, hoặc do tổn thương tủy sống, sẽ làm rối loạn chức năng của bàng quang, khiến bàng quang không tống hết nước tiểu ra ngoài sau mỗi lần đi tiểu, tạo điều kiện cho sỏi hình thành. Đây được gọi là bàng quang thần kinh.

Một vài nguyên nhân khác có thể gây nên hiện tượng sỏi bàng quang là:

  • Viêm nhiễm: Khi bàng quang bị viêm nhiễm do nhiễm trùng tiết niệu hay sau xạ trị vùng chậu cũng có thể gây nên hiện tượng sỏi ở bàng quang.
  • Các thiết bị y tế: Như ống thông tiểu (dụng cụ hỗ trợ dẫn lưu nước tiểu ra khỏi bàng quang) cũng có thể gây nên sỏi bàng quang
  • Sỏi thận: Sỏi hình thành ở trong thận có thể đi xuống niệu quản vào bàng quang và nếu không được tống ra khỏi cơ thể, chúng sẽ hình thành sỏi bàng quang.

Triệu chứng của sỏi bàng quang

Đôi khi, sỏi bàng quang (kể cả các viên sỏi lớn) sẽ không gây ra bất kì triệu chứng, dấu hiệu nào. Tuy nhiên, khi sỏi ở trong bàng quang gây tắc nghẽn nước tiểu thì sẽ có những biểu hiện như sau:

  • Đau bụng dưới
  • Đi tiểu gắt
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Cảm thấy khó đi tiểu
  • Dòng nước tiểu bị gián đoạn
  • Đi tiểu ra máu
  • Nước tiểu đục hoặc có màu sẫm bất thường

Các yếu tố gia tăng nguy cơ sỏi bàng quang

Đàn ông trên 50 tuổi có xu hướng dễ bị sỏi bàng quang hơn. Bên cạnh đó, những yếu tố có thể gia tăng nguy cơ sỏi bàng quang là:

  • Bệnh nhân bị phì đại tuyến tuyền liệt từ trước: việc gia tăng kích thước của tuyến tiền liệt sẽ ngăn cản toàn bộ nước tiểu thoát ra ngoài, gây nên hiện tượng sỏi ở trong bàng quang
  • Bệnh nhân có những bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh: Bệnh nhân có tiền sử đột quy, hội chứng Parkinson, tiểu đường, thoát vị đĩa đệm… có thể làm hỏng chức năng của dây thần kinh điều khiển bàng quang.

Khi hai yếu tố trên xuất hiện cùng một lúc, nguy cơ xuất hiện sỏi bàng quang sẽ tăng cao.

Những biến chứng của sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như:

  • Các vấn đề bàng quang mãn tính: Sỏi bàng quang lâu ngày không được điều trị sẽ dẫn đến các vấn đề tiết niệu mãn tính như khó khăn mỗi lần đi tiểu, đi tiểu gắt, đi tiểu lắt nhắt.
  • Sỏi bàng quang không được điều trị lâu ngày sẽ dễ gây viêm nhiễm, tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ dẫn đến ung thư bàng quang.

Điều trị sỏi bàng quang như thế nào?

Nếu sỏi bàng quang nhỏ, người bệnh có thể uống nhiều nước để chúng tự đào thải ra ngoài. Nếu chúng không tự khỏi, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Tán sỏi: bác sĩ sẽ nội soi bàng quang để tìm sỏi. Sau đó, họ sử dụng sóng siêu âm, tia laser hoặc một số công cụ khác thông qua ống soi bàng quang để phá vỡ sỏi và đào thải các mảnh nhỏ ra ngoài.
  • Phẫu thuật: Nếu sỏi quá lớn không thể tán nhỏ, bác sĩ có thể phải phẫu thuật để mở bàng quang và loại bỏ chúng.

Chú ý: những phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ dụng phương pháp phù  hợp nhất đối với người bệnh.

Cách phòng tránh sỏi bàng quang

Để ngăn ngừa tình trạng sỏi bàng quang hoặc làm giảm các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần phải

  • Thay đổi chế độ ăn uống: người bệnh nên tích cực ăn nhiều rau xanh, những thực phẩm có nhiều chất xơ.
  • Người bệnh hạn chế các thức uống có cồn và các chất kich thích như cà phê, thuốc lá.
  • Nên uống nhiều nước : vì nước sẽ giúp làm loãng nước tiểu, tránh tình trạng cô đặc và kết tinh các khoáng chất hình thành sỏi.

Kết luận

Sỏi bàng quang nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến ung thư bàng quang, đến lúc đó thì đã muộn. Do đó, nếu người bệnh cảm thấy bản thân có những triệu chứng như trên, cần nhanh chóng tìm đến các bác sĩ Nam khoa để được tư vấn và hỗ trợ.

Một số bác sĩ có thể khám và điều trị hiện tượng sỏi bàng quang:

  • Thạc sĩ, Bác sĩ Trang Võ Anh Vinh, gần 10 năm kinh nghiệm, địa chỉ 253a Đường Hoàng Ngân, phường 16, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Vũ Tân, gần 10 năm kinh nghiệm, 26 Vĩnh Viễn, Phường 2, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tài liệu tham khảo: Mayoclinic.org