Rối loạn lipid máu là một tình trạng rối loạn chuyển hóa gây mất cân bằng các thông số lipid trong máu. Vậy các triệu chứng của bệnh là gì? Hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết sau bạn nhé!
Tóm tắt nội dung
Tổng quan về rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa liên quan đến mức độ không bình thường của một hoặc nhiều loại lipid (chất béo) trong máu. Có ba loại lipid chính:
- Lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL): LDL cholesterol được xem là loại cholesterol “xấu”, vì nó có thể tích tụ và hình thành các khối hoặc mảng trên thành động mạch gây xơ vữa. Quá nhiều mảng bám trong động mạch tim có thể gây ra cơn đau tim.
- Lipoprotein tỉ trọng cao (HDL): HDL là cholesterol “tốt” vì nó giúp loại bỏ LDL ra khỏi máu.
- Chất béo trung tính (triglyceride): Triglyceride có từ lượng calo bạn ăn vào nhưng chưa đốt cháy ngay lập tức. Triglyceride được lưu trữ trong các tế bào mỡ. Chúng được giải phóng dưới dạng năng lượng khi cần. Tuy nhiên, nếu bạn nạp nhiều calo hơn lượng calo được sử dụng, bạn có thể bị tích tụ triglyceride.
Xem thêm: Chỉ số HDL cholesterol là gì? Làm sao để có HDL tốt nhất?
Mức LDL và triglyceride cao làm tăng nguy cơ bị đau tim và đột quỵ. Tương tự, mức HDL cholesterol thấp cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các loại rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu được chia thành hai loại: nguyên phát và thứ phát.
Rối loạn chuyển hóa lipid máu nguyên phát
Rối loạn lipid máu nguyên phát là do di truyền. Rối loạn chuyển hóa này thường xảy ra sớm ở trẻ em và người trẻ tuổi, ít khi kèm thể trạng béo phì. Một số rối loạn lipid máu nguyên phát như:
- Tăng lipid máu hỗn hợp có tính gia đình: Đây là nguyên nhân di truyền phổ biến nhất gây ra cả tăng LDL cholesterol và triglyceride. Bệnh có thể khởi phát ở tuổi thiếu niên hoặc từ độ tuổi 20. Bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành sớm hơn, có thể dẫn đến đau tim.
- Tăng cholesterol máu có tính gia đình và tăng cholesterol máu đa gen: Cả hai loại này đều đặc trưng bởi tổng lượng cholesterol cao. Chỉ số này được tính bằng cách cộng mức LDL, HDL và một nửa mức triglyceride. Tổng mức cholesterol dưới 200 mg/dL là tốt nhất.
- Tăng apobetalipoprotein máu có tính gia đình: Đây là tình trạng bệnh có lượng apolipoprotein B cao, một loại protein thành phần của LDL cholesterol.
Rối loạn chuyển hóa lipid máu thứ phát
Rối loạn lipid máu thứ phát là một tình trạng mắc phải thường gặp. Nguyên nhân có thể là do lối sống không hợp lý, dùng nhiều bia – rượu, thức ăn giàu chất béo bão hòa và bệnh béo phì. Ngoài ra, bệnh có thể là rối loạn chuyển hóa phát triển từ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như bệnh thận mạn tính, suy giáp, xơ gan, nghiện rượu, sử dụng thuốc thiazide, corticoid, estrogen,… và cả bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường có xu hướng làm giảm mức cholesterol “tốt” và tăng triglyceride cũng như mức cholesterol “xấu”, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Tình trạng này được gọi là rối loạn lipid máu do tiểu đường.
Ngoài ra, tăng lipoprotein máu là một tình trạng có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Nếu mắc phải tình trạng rối loạn chuyển hóa này, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc phân hủy cholesterol LDL hoặc triglyceride.
Xem thêm: Tại sao người tiểu đường dễ bị cholesterol cao?
Các triệu chứng của bệnh như thế nào?
Tương tự như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu có triệu chứng không rõ ràng. Bệnh chỉ thường được phát hiện khi xét nghiệm máu định kỳ.
Tuy nhiên, rối loạn lipid máu có thể dẫn đến bệnh tim mạch, từ đó gây ra triệu chứng. Mức LDL cholesterol cao có liên quan đến bệnh động mạch vành – tình trạng tắc nghẽn động mạch ở tim, và bệnh động mạch ngoại biên – tình trạng tắc nghẽn động mạch ở chân. Bệnh động mạch vành có thể dẫn đến đau ngực và tiếp theo là đau tim. Còn triệu chứng chính của bệnh động mạch ngoại biên là đau chân khi đi lại.
Nguyên nhân là gì và người nào dễ có nguy cơ mắc bệnh?
Một số thói quen có thể dẫn đến rối loạn lipid máu, bao gồm:
- Hút thuốc lá.
- Béo phì và lối sống ít vận động.
- Tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
- Uống rượu quá mức cũng có thể góp phần làm tăng mức triglyceride.
Người có nguy cơ mắc chứng rối loạn lipid máu nguyên phát cao hơn nếu tiền sử gia đình có cha và/hoặc mẹ mắc chứng rối loạn lipid máu.
Tuổi cao cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến cholesterol cao. Phụ nữ có xu hướng có mức LDL thấp hơn nam giới cho đến khi mãn kinh. Đó là lúc mức LDL của phụ nữ bắt đầu tăng lên.
Các tình trạng rối loạn chuyển hóa hoặc bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu bao gồm:
- Bệnh tiểu đường tuýp 2
- Suy giáp
- Bệnh thận mãn tính
Ngoài ra, mức HDL cholesterol thấp có liên quan đến LDL cholesterol cao, mặc dù hai chỉ số này không phải lúc nào cũng đồng thời.
Bệnh được chẩn đoán như thế nào?
Một xét nghiệm máu đơn giản có thể kiểm tra được tình trạng các chỉ số LDL, HDL và triglyceride của bạn ở mức cao, thấp hay khỏe mạnh. Những con số này có thể thay đổi từ năm này sang năm khác, vì vậy việc xét nghiệm máu hàng năm được khuyến cáo. Nếu bạn dùng thuốc điều trị rối loạn lipid máu, bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm máu thường xuyên hơn.
Những lựa chọn điều trị
Loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị rối loạn lipid máu là statin. Statin giúp giảm mức LDL bằng cách can thiệp vào việc sản xuất cholesterol ở gan.
Bác sĩ cũng có thể kê toa các loại thuốc điều trị cholesterol khác. Những loại thuốc này có thể được dùng cùng với statin hoặc thay cho statin. Có nhiều ưu và nhược điểm cần cân nhắc khi lựa chọn giữa các loại thuốc kiểm soát cholesterol. Bạn nên tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm: Top 6 bác sĩ khám mỡ máu tốt ở TP.HCM
Những cách thay đổi lối sống và mẹo phòng ngừa
Nếu bạn lo lắng về các chứng rối loạn chuyển hóa, cụ thể là rối loạn lipid máu, hãy thảo luận với bác sĩ về cách phòng ngừa. Thay đổi lối sống có thể giúp bạn kiểm soát được mức cholesterol và triglyceride.
Bước đầu tiên là thay đổi chế độ ăn uống, một số gợi ý như:
- Tiêu thụ ít chất béo bão hòa, đường tinh luyện và rượu.
- Bổ sung nhiều trái cây, rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt.
Bên cạnh thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, việc tập thể dục hàng ngày, giảm cân cũng có thể giúp bạn cải thiện lượng cholesterol. Bạn cũng nên bỏ thuốc lá nếu bạn có hút thuốc.
Để duy trì cân nặng khỏe mạnh, bạn có thể tự theo dõi cân nặng của mình bằng các loại cân sức khỏe thông dụng. Ngày nay, nhiều sản phẩm hiện đại đã có thể đo được nhiều chỉ số khác ngoài cân nặng. Bạn có thể tham khảo thêm Máy Đo Thành Phần Cơ Thể OMRON (Cân Đo Lượng Mỡ) – HBF. Sản phẩm cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về các chỉ số cơ thể như chất béo cơ thể, mỡ nội tạng và nhiều chỉ số khác chỉ trong vài giây!
Nếu bạn đã có tiền sử gia đình mắc bệnh lipid cao, hãy chủ động thay đổi lối sống trước khi lượng mỡ trong máu bắt đầu chuyển sang mức không lành mạnh. Lưu ý rằng trước khi bạn bắt đầu thay đổi chế độ ăn uống hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào, hãy trao đổi trước với bác sĩ. Thay đổi lối sống và tuân thủ theo hướng dẫn có thể giúp bạn kiểm soát bệnh, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tài liệu tham khảo:
Healthline: Dyslipidemia: What You Need to Know
CDC: Rối loạn chuyển hóa lipid máu
American Heart Association: Cholesterol and Diabetes | American Heart Association