Ung thư ruột kết là một bệnh ung thư rất phổ biến. Hằng năm có gần 1 triệu người mắc bệnh này nhất là người ở độ tuổi trung niên từ 45 đến 75 tuổi. Tại Việt Nam, căn bệnh này xếp thứ 2 trong số các loại ung thư về hệ tiêu hoá. Thông qua bài viết này, Doctor có sẵn hi vọng sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về ung thư ruột kết cũng như các dấu hiệu của loại bệnh này.
Tóm tắt nội dung
- 1 Ung thư ruột kết là gì?
- 2 Các giai đoạn ung thư ruột kết
- 3 Dấu hiệu ung thư ruột kết
- 4 Nguyên nhân gây ung thư ruột kết
- 5 Yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư ruột kết
- 6 Chẩn đoán ung thư ruột kết như thế nào?
- 7 Phương pháp điều trị ung thư ruột kết
- 8 Phòng ngừa bệnh ung thư ruột kết
- 9 Dinh dưỡng cho người bị ung thư ruột kết
- 10 Câu hỏi thường gặp
- 10.0.0.1 Ung thư ruột kết sống được bao lâu?
- 10.0.0.2 Nguyên nhân bị ung thư ruột kết?
- 10.0.0.3 Ung thư ruột kết tiếng anh là gì?
- 10.0.0.4 Ung thư ruột kết có nghĩa là gì?
- 10.0.0.5 Ung thư ruột kết có nguy hiểm không?
- 10.0.0.6 Ung thư ruột kết có di truyền?
- 10.0.0.7 Ung thư ruột kết giai đoạn cuối?
- 10.0.0.8 Ung thư ruột kết như thế nào?
Ung thư ruột kết là gì?
Ung thư ruột kết hay ung thư đại tràng xảy ra ở phần cuối của hệ tiêu hoá. Hệ tiêu hoá gồm các phần: thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già (ruột kết). Đại tràng là phần chính của ruột kết có chức năng nhận thức ăn đã được tiêu hoá, hấp thụ nước và muối khoáng rồi tạo chất thải rắn (phân). Chất thải này đi đến trực tràng (đoạn cuối cùng của hệ tiêu hoá, dài khoảng 15 cm) và được lưu trữ tại đây cho đến khi chuyển đến hậu môn.
Tuỳ thuộc vào vị trí tế bào ung thư tăng sinh để phân thành ung thư ruột kết hoặc ung thư trực tràng. Tuy vậy, do đặc điểm sinh lý bệnh gần như giống nhau nên 2 loại ung thư này thường được nhóm lại với nhau.
Hầu hết các trường hợp ung thư ruột kết là do sự tăng sinh bất thường tế bào ở lớp lót của ruột kết, tạo thành các u nhỏ gọi là polyp. Các polyp này có thể lành tính không phát triển thành ung thư hoặc có thể là loại ác tính tiếp tục tăng sinh thành ung thư ruột kết. Có 3 loại polyp:
- Polyp tuyến (bướu u tuyến): Những polyp này đôi khi biến đổi thành ung thư. Do đó, u tuyến được gọi là tình trạng tiền ung thư. 3 loại u tuyến là hình ống, nhung mao và hình ống.
- Polyp tăng sản và polyp viêm: Những polyp này phổ biến hơn nhưng nhìn chung chúng không phải là tế bào tiền ung thư. Một số người có polyp tăng sản lớn (hơn 1cm) có thể cần tầm soát ung thư ruột kết bằng nội soi thường xuyên hơn.
- Polyp răng cưa không cuống (SSP) và u tuyến răng cưa truyền thống (TSA): Những polyp này thường được điều trị như u tuyến vì chúng có nguy cơ ung thư ruột kết cao hơn.
Các yếu tố khác có thể làm cho polyp có nhiều khả năng tiến triển thành ung thư ruột kết bao gồm:
- Xuất hiện polyp lớn hơn 1 cm.
- Xuất hiện nhiều hơn 3 polyp.
- Xảy ra polyp loạn sản độ cao: Polyp có khả năng tăng sinh bất thường. Đây được coi là trạng thái tiền ung thư.
Các chuyên gia y tế khuyến nghị nên khám sàng lọc ung thư ruột kết thường xuyên cho người lớn từ 45 – 75 tuổi.
Các giai đoạn ung thư ruột kết
Có nhiều cách khác nhau để chỉ định một giai đoạn cho bệnh ung thư. Các giai đoạn cho biết ung thư đã lan rộng bao xa và kích thước của bất kỳ khối u nào.
Trong ung thư ruột kết, các giai đoạn phát triển:
- Giai đoạn 0: Còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ, tại thời điểm này, ung thư đang ở giai đoạn rất sớm. Nó không lây lan xa hơn vào lớp bên trong của đại tràng và thường sẽ dễ điều trị.
- Giai đoạn 1: Ung thư đã phát triển đến lớp mô tiếp theo.
- Giai đoạn 2: Ung thư đã lan đến các lớp bên ngoài của đại tràng nhưng chưa lan ra ngoài đại tràng.
- Giai đoạn 3: Ung thư đã phát triển xuyên qua các lớp bên ngoài của đại tràng và lan đến một đến ba hạch bạch huyết. Chưa xuất hiện dấu hiệu di căn đến cơ quan khác.
- Giai đoạn 4: Ung thư ruột kết giai đoạn IV đã lan từ ruột kết đến các cơ quan và mô ở xa. Ung thư ruột kết thường di căn đến gan, nhưng nó cũng có thể di căn đến những nơi khác như phổi, não, phúc mạc (lớp lót của khoang bụng) hoặc đến các hạch bạch huyết ở xa.
- Giai đoạn tái phát: Đây là tình trạng ung thư tái phát lại sau khi điều trị khỏi. Ung thư có thể xuất hiện ở đại tràng, trực tràng hoặc một bộ phận khác trong cơ thể.
Dấu hiệu ung thư ruột kết
Khi mới phát triển, ung thư ruột kết hầu như không có dấu hiệu rõ rệt. Sau một thời gian tiến triển, các dấu hiệu ung thư ruột kết ban đầu xuất hiện như:
- Xuất hiện máu trong phân
- Sự thay đổi về nhu động ruột, chẳng hạn như xảy ra tiêu chảy, táo bón
- Thay đổi về hình dạng phân( phân hẹp như bút chì)
- Cảm giác không rỗng ruột hoàn toàn sau khi đi tiêu
- Đầy hơi, chuột rút
- Buồn nôn và nôn mửa
- Thiếu máu do chảy máu đường ruột
- Mất khẩu vị
- Mệt mỏi và suy nhược
- Một số triệu chứng ung thư ruột kết khác như giảm cân và đau bụng thường xuất hiện ở giai đoạn sau của bệnh. Ở phụ nữ, triệu chứng ung thư ruột kết có thể xuất hiện như kinh nguyệt không đều do mất máu bởi căn bệnh này. Nếu ung thư di căn đến một vị trí mới trong cơ thể, chẳng hạn như gan, nó có thể gây ra các triệu chứng khác, chẳng hạn như vàng da.
Nguyên nhân gây ung thư ruột kết
Ung thư xảy ra do xuất hiện sự đột biến gen trong tế bào. Một số gen được gọi là gen sinh ung thư giúp các tế bào sống sót, phát triển và phân chia. Các gen ức chế khối u giúp điều chỉnh quá trình phân chia tế bào và hoạt hoá chu trình chết của tế bào.
Những thay đổi đối với gen có thể ảnh hưởng đến gen gây ung thư và gen ức chế khối u, dẫn đến nhiều thay đổi gen có thể dẫn đến ung thư ruột kết. Các tế bào ung thư có thể lây lan từ các khối u ác tính đến các bộ phận khác của cơ thể thông qua hệ thống máu và bạch huyết.
Những tế bào ung thư này có thể phát triển và xâm lấn các mô khỏe mạnh gần đó và khắp cơ thể trong một quá trình gọi là di căn. Kết quả là một tình trạng nghiêm trọng hơn, khó điều trị hơn. Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư ruột kết cũng như con đường tiến triển của loại ung thư này vẫn là một ẩn số đối với giới nghiên cứu khoa học.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư ruột kết
Yếu tố nguy cơ gây ung thư ruột kết có thể phân ra 2 nhóm: yếu tố nguy cơ có thể thay đổi và yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
– Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
- Béo phì
- Lười vận động
- Hút thuốc lá
- Chế độ dinh dưỡng (ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đồ nướng, ăn ít chất xơ)
- Uống rượu bia
– Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
- Tuổi già.
- Tiền sử bệnh lý polyp đại tràng hoặc ung thư ruột kết.
- Mắc hội chứng ruột kích thích.
- Tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư ruột kết.
- Mắc các bệnh hoặc hội chứng di truyền như: hội chứng Lynch (ung thư ruột không polyp di truyền), đa polyp tuyến, hội chứng Peutz-Jeghers, bệnh đa polyp liên quan đến MUYTH,…
- Nguồn gốc dân tộc (người gốc Phi hoặc người Do Thái gốc Đông Âu có tỉ lệ mắc ung thư ruột kết cao nhất thế giới).
- Mắc bệnh tiểu đường type 2.
Một số yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khác cần cân nhắc như:
- Người thường làm việc ca đêm: Sự thay đổi chu trình ngủ nghỉ có thể dẫn đến gia tăng nguy cơ ung thư ruột kế.
- Người tiếp nhận điều trị các loại ung thư khác: Phương pháp điều trị loại ung thư khác như xạ trị có thể gây đột biến gen dẫn đến tăng tỉ lệ mắc ung thư ruột kết ở những bệnh nhân ung thư.
Chẩn đoán ung thư ruột kết như thế nào?
Qua thăm khám các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định một vài xét nghiệm để có thể kết luận liệu bệnh nhân có mắc ung thư ruột kết hay không.
Các xét nghiệm thường quy như:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm công thức máu toàn phần để chẩn đoán thiếu máu (một dấu hiệu ung thư ruột kết thường thấy).
- Xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư: các protein do tế bào ung thư tạo ra có thể xuất hiện trong máu. Đối với ung thư ruột kết, kháng nguyên carcinoembryonic (CEA).
- Nội soi đại tràng: Đây là xét nghiệm giúp kiểm tra toàn bộ bên trong đại tràng của bạn. Trong quá trình nội soi, nếu bác sĩ tìm thấy polyp trong đại tràng, họ sẽ loại bỏ chúng và gửi đi sinh thiết kiểm tra polyp dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư hoặc tiền ung thư.
- Chụp X-quang đại tràng có thuốc cản quang Bari sulfat: Nếu phát hiện tế bào nghi ngờ ung thư trong kết quả chụp X-quang,
- Chụp CT: Nội soi kết hợp chụp CT cho hình ảnh chi tiết toàn bộ đại tràng.
Sau khi có kết quản chẩn đoán ung thư ruột kết, các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm để xác định giai đoạn tiến triển. Các xét nghiệm đó có thể là chụp X-quang ngực, siêu âm hoặc chụp CT bụng, phổi và gan để đánh giá mức độ lây lan của ung thư.
Phương pháp điều trị ung thư ruột kết
Các bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị ung thư ruột kết chủ yếu dựa vào giai đoạn của ung thư cũng như tình trạng bệnh lý hiện tại của bệnh nhân.
Hầu như ở những người phát hiện ung thư ruột kết ở giai đoạn sớm chưa di căn đến các vị trí xa thì phẫu thuật là phương pháp điều trị chính và được ưu tiên. Hóa trị cũng có thể được sử dụng sau phẫu thuật (được gọi là hoá trị bổ trợ). Hầu hết hoá trị bổ trợ được thực hiện trong khoảng 6 tháng.
Điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 0
Vì ung thư ruột kết giai đoạn 0 chưa phát triển vượt ra ngoài lớp lót bên trong của ruột kết nên phẫu thuật để loại bỏ ung thư thường là phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật có thể được thực hiện bằng cách loại bỏ polyp hoặc loại bỏ khu vực bị ung thư thông qua nội soi (cắt bỏ cục bộ). Nếu tế bào ung thư quá lớn, các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cắt đại-trực tràng để cắt bỏ một phần hoặc có thể là toàn bộ đại-trực tràng để ngăn tế bào ung thư tiến triển xâm lấn các khu vực khác.
Điều trị ung thư ruột kết giai đoạn I
Ung thư ruột kết giai đoạn I đã phát triển sâu hơn vào các lớp của thành ruột kết, nhưng chúng chưa lan ra bên ngoài thành ruột kết hoặc vào các hạch bạch huyết gần đó. Phẫu thuật vẫn là phương pháp được ưu tiên ở giai đoạn này nhằm loại bỏ tối đa các tế bào ung thư.
Các biện pháp phẫu thuật khác nhau sẽ được áp dụng tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Đôi khi người bệnh sẽ phải tiến hành nhiều cuộc phẫu thuật để có thể loại bỏ hết các tế bào ung thư trong polyp lẫn bên ngoài polyp.
Điều trị ung thư ruột kết giai đoạn II
Ở giai đoạn II, phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng chứa tế bào ung thư (cắt bỏ một phần đại tràng) cùng với các hạch bạch huyết lân cận có thể là phương pháp điều trị cần thiết nhất. Nhưng bác sĩ có thể đề nghị hóa trị bổ trợ (hóa trị sau phẫu thuật) nếu ung thư của bạn có nguy cơ tái phát cao vì một số yếu tố, chẳng hạn như:
- Tế bào ung thư có hình dáng rất bất thường (là loại nguy cơ cao) khi quan sát dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm.
- Ung thư đã phát triển lan tới các mạch máu hoặc bạch huyết gần đó.
- Bác sĩ phẫu thuật đã không loại bỏ ít nhất 12 hạch bạch huyết.
- Còn sót lại tế bào ung thư.
- Tế bào ung thư gây tắc nghẽn ruột kết.
- Tế bào ung thư gây thủng (lỗ) trên thành ruột kết.
Bác sĩ cũng có thể kiểm tra khối u của bạn để tìm những thay đổi gen cụ thể, được gọi là MSI hoặc MMR, để đưa ra quyết định liệu hóa trị bổ trợ có hữu ích hay không.
Việc cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng hoá trị bổ trợ ở các bệnh nhân giai đoạn III cần được thảo luận rõ ràng giữa bác sĩ và bệnh nhân. Liệu hoá trị bổ trợ có giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư hơn hay các tác dụng phụ của hoá trị gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và đời sống bệnh nhân hơn là những câu hỏi cần được các bác sĩ tư vấn tận tình để giúp bệnh nhân lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.
Điều trị ung thư ruột kết giai đoạn III
Phác đồ điều trị đầu tay ở giai đoạn này phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng bị ung thư (cắt bỏ một phần đại tràng) cùng với các hạch bạch huyết lân cận, sau đó là hóa trị bổ trợ.
Đối với hóa trị, phác đồ FOLFOX (5-FU, leucovorin và oxaliplatin) hoặc CapeOx (capecitabine và oxaliplatin) được sử dụng thường xuyên nhất, nhưng một số bệnh nhân có thể dùng 5-FU chỉ với leucovorin hoặc capecitabine tùy theo độ tuổi và nhu cầu sức khỏe của họ.
Đối với bệnh nhân có khối u không thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật, phương pháp kết hợp xạ trị và hoá trị có thể được khuyến nghị để thu nhỏ kích thước khối u để có thể loại bỏ sau đó bằng phẫu thuật. Đối với một số bệnh ung thư tiến triển đã được loại bỏ bằng phẫu thuật, nhưng tế bào ung thư vẫn được phát hiện dính vào cơ quan lân cận hoặc vùng rìa, bác sĩ có thể khuyến nghị bệnh nhân tiếp nhận xạ trị bổ trợ.
Xạ trị và/hoặc hóa trị có thể là lựa chọn cho những người không đủ sức khỏe để phẫu thuật. Tuy vậy nhiều tác dụng phụ không mong muốn có thể kể đến như: buồn nôn, rụng tóc, độc tính trên hệ máu, da và niêm mạc, gây teo nhỏ vùng điều trị bằng xạ trị và/hoặc hoá trị.
Điều trị ung thư ruột kết giai đoạn IV
Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật không còn là phương án khả thi giúp tăng khả năng chữa khỏi trong giai đoạn ung thư này. Nhưng nếu chỉ có một vài vùng nhỏ ung thư lan rộng (di căn) trong gan hoặc phổi và chúng có thể được loại bỏ cùng với ung thư ruột kết, thì phẫu thuật loại bỏ các tế bào ung thư tại ruột kết và tại các cơ quan khác có thể giúp bệnh nhân gia tăng tỷ lệ sống sót.
Hóa trị bổ trợ thường được sử dụng sau khi phẫu thuật. Trong một số trường hợp, truyền hoá chất qua động mạch gan có thể được sử dụng nếu ung thư đã lan đến gan.
Nếu không thể loại bỏ tế bào di căn vì chúng quá lớn hoặc có quá nhiều tế bào di căn, hóa trị có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để phần nào thu nhỏ các tế bào. Sau đó, nếu các khối u co lại, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ chúng. Hóa trị bổ trợ tiếp tục sau khi phẫu thuật. Đối với các khối u trong gan, một lựa chọn khác có thể là tiêu diệt chúng bằng cách cắt bỏ hoặc dùng phương nút hoá chất động mạch (cắt bỏ động mạch nuôi khối u và truyền hoá chất vào khối u).
Nếu ung thư đã lan rộng quá mức, thì hóa trị là phương pháp điều trị hiệu quả nhất lúc này. Phẫu thuật vẫn có thể cần thiết nếu tế bào ung thư đang hoặc có nguy cơ gây tắc nghẽn đại tràng.
Hầu hết những người bị ung thư giai đoạn IV sẽ được hóa trị và/hoặc tiếp nhận liệu pháp nhắm trúng đích để kiểm soát ung thư. Đối với những người có tế bào ung thư thay đổi một số gen hoặc protein nhất định, thuốc điều trị nhắm trúng đích có thể đem đến hiệu quả điều trị tốt nhất.
Đối với ung thư tiến triển, xạ trị cũng có thể được sử dụng để giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng ở đại tràng do ung thư. Nó cũng có thể được sử dụng để điều trị các tế bào ung thư lây lan trong phổi hoặc xương. Xạ trị có thể giúp thu nhỏ kích thước khối u trong một thời gian, nhưng nó không có khả năng chữa khỏi ung thư.
Việc lựa chọn chế độ điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm tiền sử bệnh lý, phương pháp điều trị đã tiếp nhận và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Điều trị ung thư ruột kết tái phát
Ung thư tái phát có nghĩa là ung thư đã quay trở lại sau khi điều trị. Tái phát có thể cục bộ (gần khu vực khối u ban đầu) hoặc có thể ở các cơ quan xa.
Tái phát cục bộ
Nếu ung thư tái phát tại chỗ, phẫu thuật (sau đó hoá trị hỗ trợ) có thể giúp kéo dài sự sống của bệnh nhân và thậm chí có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Nếu không thể phẫu thuật cắt bỏ ung thư, hóa trị và/hoặc xạ trị có thể được ưu tiên. Những phương pháp này giúp thu nhỏ tế bào ung thư để có thể phẫu thuật loại bỏ.
Di căn xa
Nếu ung thư tái phát ở một vị trí xa, điển hình như xuất hiện ở gan. Các phương án điều trị tương tự như điều trị ung thư giai đoạn IV bao gồm: phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích,… Lựa chọn phương án điều trị phù hợp sẽ được cân nhắc dựa trên vị trí tái phát, quy mô lây lan của tế bào ung thư, tình trạng sức khoẻ hiện tại của bệnh nhân và tiền sử bệnh cũng như hồ sơ điều trị trước đó.
Phòng ngừa bệnh ung thư ruột kết
Một số biện pháp phòng ngừa ung thư ruột kết có thể kể đến:
- Hạn chế hút thuốc và uống rượu
- Tập thể dục và duy trì cân nặng vừa phải
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Và điều quan trọng nhất để phòng ngừa ung thư ruột kết là thực hiện tầm soát ung thư dù không có dấu hiệu bệnh. Nếu bạn trên 45 tuổi, việc tầm soát ung thư ruột kết hằng năm sẽ giúp phát hiện và loại bỏ các polyp có nguy cơ ung thư hóa ngay từ đầu, loại trừ khả năng tiến triển thành ung thư của chúng.
Dinh dưỡng cho người bị ung thư ruột kết
Theo nghiên cứu, chế độ ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn và thịt cừu) hoặc thịt chế biến sẵn (như xúc xích, xúc xích và thịt ăn trưa) và tăng nguy cơ ung thư ruột kết.
Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất xơ và sử dụng nhiều ngũ cốc nguyên cám có thể giúp hạn chế nguy cơ ung thư ruột kết. Xây dựng và tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ sẽ giảm bớt tỉ lệ mắc ung thư ruột kết trong tương lai.
Câu hỏi thường gặp
Ung thư ruột kết sống được bao lâu?
Tùy vào giai đoạn phát hiện bệnh. Nếu ung thư ruột kết được phát hiện sớm thì bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Nguyên nhân bị ung thư ruột kết?
Do đột biến gen tạo nên các tế bào ung thư tăng sinh bất thường tại ruột kết.
Ung thư ruột kết tiếng anh là gì?
Ung thư ruột kết tiếng anh là colon cancer.
Ung thư ruột kết có nghĩa là gì?
Ung thư ruột kết có nghĩa là tế bào ung thư xuất hiện tại ruột kết (ruột già).
Ung thư ruột kết có nguy hiểm không?
Ung thư ruột kết nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện kịp thời và tuân thủ điều trị thì vẫn có thể chữa được
Ung thư ruột kết có di truyền?
Một số ít (khoảng 5 – 10%) bệnh nhân mắc ung thư ruột kết là do yếu tố di truyền từ gia đình.
Ung thư ruột kết giai đoạn cuối?
Ung thư ruột kết giai đoạn IV đã lan từ ruột kết đến các cơ quan và mô ở xa. Ung thư ruột kết thường di căn đến gan, nhưng nó cũng có thể di căn đến những nơi khác như phổi, não, phúc mạc (lớp lót của khoang bụng) hoặc đến các hạch bạch huyết ở xa.
Ung thư ruột kết như thế nào?
Hầu hết các trường hợp ung thư ruột kết là do sự tăng sinh bất thường tế bào ở lớp lót của ruột kết, tạo thành các u nhỏ gọi là polyp. Các polyp này có thể lành tính không phát triển thành ung thư hoặc có thể là loại ác tính tiếp tục tăng sinh thành ung thư ruột kết.
Ung thư ruột kết là một căn bệnh nguy hiểm và thường gặp ở người lớn tuổi. Đây là căn bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Nếu bạn và người thân có nghi ngờ mắc bệnh ung thư ruột kết, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ trên docosan.com.
- https://ungthuhoc.vn/ung-thu-truc-trang-phan-1-diem-lai-y-van-ve-dich-te-trieu-chung-hoc-va-chan-doan/
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/150496
- https://www.cancer.org/cancer/types/colon-rectal-cancer.html
- https://www.cdc.gov/cancer/colorectal/basic_info/symptoms.htm
- https://www.cancer.gov/types/colorectal/patient/colon-treatment-pdq