Xuất huyết dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Trong các bệnh lý của đường tiêu hóa thì xuất huyết dạ dày là bệnh thường gặp và có mức độ nguy hiểm nặng khi không phát hiện và điều trị cầm máu kịp thời. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về nguyên nhân cũng như cách điều trị để khắc phục căn bệnh nguy hiểm này nhé.

Xuất huyết dạ dày là gì?

Xuất huyết dạ dày là tình trạng máu chảy ra khỏi lòng mạch vào dạ dày rồi vào đường tiêu hóa và thải ra ngoài bằng cách nôn ói ra máu hay tiêu phân ra máu. 

Đây sẽ là một cấp cứu nội hay ngoại khoa thường gặp và có thể là biến chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. 

Xuất huyết dạ dày có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em, giới nam nhiều hơn nữ.

Nguyên nhân xuất huyết dạ dày

Nhóm bệnh lý toàn thân 

  • Xuất huyết giảm tiểu cầu bẩm sinh và bệnh Hemophilia (máu khó đông)
  • Bệnh xơ gan hay suy thận gây rối loạn đông máu cơ thể 
  • Thiếu hụt Vitamin K bẩm sinh hoặc mắc phải do chế độ ăn nghèo nàn 
  • Bệnh sốt xuất huyết, nguy hiểm hơn ở trẻ em 
  • Sử dụng không phù hợp các loại thuốc chống đông máu, kháng sinh, thuốc kháng viêm không steroid, … 
  • Thói quen lạm dụng rượu bia, đồ ăn cay nóng 
  • Tinh thần căng thẳng, stress kéo dài, sang chấn tâm lý.
xuất huyết dạ dày
Rượu bia, thuốc lá, thức ăn cay nóng, dầu mỡ là yếu tố nguy cơ của xuất huyết dạ dày

Nhóm bệnh lý nội khoa tiêu hóa 

  • Viêm loét dạ dày – tá tràng
  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori ở dạ dày 
  • Bệnh Viêm ruột bẩm sinh 
  • Hội chứng Mallory – Weiss

Nhóm bệnh ngoại khoa tiêu hóa 

  • Bệnh lý túi thừa gây xuất huyết
  • Giãn mạch máu thực quản – dạ dày 
  • U bướu hay polyp dạ dày lành tính 
  • Ung thư ác tính dạ dày. 
  • Dị dạng mạch máu dạ dày bẩm sinh

Các triệu chứng xuất huyết dạ dày

Nôn ra máu 

Đặc điểm: máu đỏ tươi, đỏ bầm, nâu đen, cục, lỏng lẫn thức ăn do tác động của acid clohydric, pepsin và máu tạo thành hematin.

Cần phân biệt với chảy máu mũi, ăn tiết canh hay thức ăn có tiết, ho ra máu (máu đỏ tươi, bọt, không có thức ăn, pH kiềm)

dieu tri xuat huyet da day
Nôn ra máu là triệu chứng thường gặp của xuất huyết dạ dày

Tiêu phân đen 

Tính chất máu tùy vào: vị trí chảy máu, thời gian di chuyển trong ruột, lượng máu chảy trong dạ dày.

Chỉ cần một lượng máu 60ml, thời gian trong đường tiêu hóa 8 giờ sẽ gây tiêu phân đen. Xuất huyết dạ dày với lượng 200-400ml sẽ gây tiêu phân đen giống như hắc ín. 

Tiêu phân đen có thể xảy ra đơn độc hay sau khi ói máu vài ngày hay đồng thời trong ngày với nôn ra máu.

Cần phân biệt với tiêu phân đen do thuốc (bismuth, sắt, than hoạt) hay tình trạng táo bón.

Triệu chứng khác:

  • Đau vùng thượng vị hay dạ dày 
  • Đau bụng âm ỉ, sôi ruột 
  • Ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng 
  • Hoa mắt, ù tai, chóng mặt, khát nước 
  • Da xanh, niêm nhạt, môi khô.

Biến chứng của xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày có thể do tổn thương trên niêm mạc dạ dày hoặc ngoài thành dạ dày gây chảy từ mức độ nhẹ đến nặng có thể gây sốc.

Khi bệnh tiến triển thì sẽ là một tình trạng nghiêm trọng cần được chẩn đoán xác định và điều trị càng sớm càng tốt để tránh mất máu quá nhiều gây suy tuần hoàn cơ thể. 

Trong trường hợp người bệnh được xử lý kịp thời thì có thể kiểm soát nhanh chóng và hoàn toàn tình trạng xuất huyết mà không để lại di chứng gì. 

Đáng lo ngại là bệnh lâu ngày thì có thể dẫn đến tình huống mất máu nặng hay ồ ạt gây suy tuần hoàn dẫn đến sốc và tử vong. 

Thực tế chỉ ra rằng bệnh nhân sẽ tăng tỷ lệ tử vong lên rất cao nếu như tình trạng xuất huyết dạ dày ồ ạt không được kiểm soát tốt trong 24 đến 48 giờ. Bởi vậy không được mất cảnh giác với bệnh mà cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi có các dấu hiệu xuất huyết dạ dày.

Chẩn đoán xuất huyết dạ dày 

  • Vị trí chảy máu chính xác 
  • Chia mức độ xuất huyết tiêu hóa dựa vào các yếu tố tiên lượng nặng 
  • Phân tầng nguy cơ dẫn đến sốc của bệnh nhân 
  • Chẩn đoán xuất huyết dạ dày còn đang tiếp diễn hay tái phát 
  • Cuối cùng là chẩn đoán nguyên nhân.

Điều trị xuất huyết dạ dày

Phương pháp nội khoa 

  • Trung hòa axit và kháng axit trong dịch dạ dày để ngăn ngừa chảy máu tiếp diễn và các phản ứng viêm 
  • Uống thuốc ức chế bơm proton làm giảm tiết dịch axit dạ dày bảo vệ niêm mạc, như các loại Nizatidine, Ranitidin, Cimetidin,…
  • Nếu tình trạng xuất huyết dạ dày đang tiếp diễn ồ ạt thì cần tiêm các thuốc ức chế hoạt động bơm proton. 

Phẫu thuật ngoại khoa

  • Nội soi dạ dày thực quản để cầm máu bằng kẹp, tia laser …
  • Phương pháp mổ hở khi chảy máu ồ ạt gây khó khăn cho việc cầm máu.
cach dieu tri xuat huyet da day
Nội soi dạ dày dùng để chẩn đoán và điều trị bệnh

Điều trị nguyên nhân gây bệnh

  • Kiểm soát ổn định các bệnh lý toàn thân 
  • Bắt đầu hay tăng cường uống thuốc chữa trị bệnh nội khoa tiêu hóa 
  • Thực hiện phẫu thuật loại bỏ các tác nhân gây chảy máu trong dạ dày. 

Kết luận

Xuất huyết dạ dày là bệnh lý thường gặp ở những người có các yếu tố nguy cơ hay bệnh lý nền và bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng đe dọa tính mạng. Vì vậy cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sớm hơn khi có các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh.  


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.