Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp đột ngột và cách xử trí

Tăng huyết áp đột ngột có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy kịch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận, mất thị giác,… Do đó, nhận biết sớm và xử trí kịp thời cơn tăng huyết áp và vô cùng quan trọng và cần thiết cho mọi người, đặc biệt là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cao huyết áp. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về cơn tăng huyết áp đột ngột ở bài viết này nhé.

Tăng huyết áp đột ngột nguy hiểm thế nào?

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch để đưa máu đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể, do đó huyết áp là một chỉ số thường dùng để đánh giá tình trạng sức khoẻ của cơ thể. Chỉ số huyết áp không phải luôn ổn định mà thường xuyên dao động do nhiều yếu tố như môi trường, nhiệt độ, hoạt động, thức ăn, nước uống, cảm xúc hoặc tình trạng sức khỏe,… của chúng ta tại thời điểm đó.

Tuy nhiên bằng nhiều cơ chế khác nhau, cơ thể luôn phối hợp nhịp nhàng để giữ mức huyết áp ổn định. Bình thường huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 90-120 mmHg, nếu huyết áp tâm thu >140 mmHg thường xuyên, có thể bạn đã bị mắc cao huyết áp.

Tăng huyết áp đột ngột hay cơn tăng huyết áp thường được xác định khi huyết áp tâm thu của một người lên đến >180 mmHg hoặc huyết áp tâm trương lên đến >120 mmHg. Đây là tình trạng báo động đòi hỏi phải được đánh giá và xử trí kịp thời, nếu không người bệnh sẽ gặp các biến cố tổn thường hàng loạt các cơ quan khác như mắt, tim, não, thận,…

Đa số trường hợp bị tăng huyết áp đột ngột xảy ra trên những bệnh nhân đang mắc bệnh tăng huyết áp, những đối tượng sau đây dễ bị tăng huyết áp đột ngột nhất:

  • Người có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp lâu ngày
  • Người không tuân thủ điều trị tăng huyết áp
  • Có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều
  • Có các bệnh lý về thận, tim, tuyến giáp, hội chứng ngưng thở khi ngủ,…
  • Tăng huyết áp thai kỳ, đối tượng nguy cơ tiền sản giật
  • Stress tâm lý kéo dài hoặc gặp cú sốc tâm lý
  • Bệnh nhân sau phẫu thuật

Nguyên nhân tăng huyết áp đột ngột

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến cơn tăng huyết áp:

Người bị tăng huyết áp không điều trị hoặc tự ý ngưng dùng thuốc hạ áp

Tăng huyết áp là căn bệnh diễn tiến thầm lặng do đó nhiều người không biết mình mắc căn bệnh này. Theo thống kê, tỉ lệ tăng huyết áp hiện nay chiếm đến 25% ở người trưởng thành Việt Nam, tuy nhiên chỉ khoảng 20% người bị huyết áp cao đang điều trị và chỉ 5% người bệnh kiểm soát được huyết áp.

Nhiều người tăng huyết áp không đi khám bệnh nên không được chẩn đoán và điều trị, chỉ được phát hiện tăng huyết áp khi bị tăng huyết áp đột ngột, lúc này bệnh nhân có thể đã tổn thương cơ quan đích không hồi phục. Một số bệnh nhân tăng huyết áp đang điều trị tự ý bỏ thuốc hoặc dùng thuốc không đủ liều cũng có thể bị tăng huyết áp đột ngột.

Khi bị tăng huyết áp bạn có thể cần dùng thuốc suốt đời để kiểm soát huyết áp. Để đạt kết quả điều trị như mong muốn và duy trì huyết áp ổn định, hãy tuân thủ lời khuyên, toa thuốc của bác sĩ và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn.

Chế độ ăn uống không thích hợp

Người bị tăng huyết áp phải có chế độ ăn kiêng phù hợp, đặc biệt không được ăn mặn. Chế độ ăn uống kém lành mạnh với hàm lượng muối cao, ăn nhiều chất béo bão hòa (chất béo xấu), thịt đỏ có khả năng dẫn đến tăng huyết áp đột ngột dù người bệnh uống thuốc hạ áp đầy đủ.

Ngoài ra, hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng huyết áp. Nicotine trong thuốc lá làm tổn thương mạch máu trong cơ thể, giảm tính đàn hồi của thành mạch, kém đáp ứng với sự thay đổi liên tục của huyết áp; trong khi rượu bia, cà phê làm tim đập nhanh gây tăng huyết áp đột ngột.

Thuốc

Sử dụng các loại thuốc như: cocaine, amphetamine, thuốc tránh thai, NSAIDs,… có thể làm tăng huyết áp hoặc tương tác với thuốc điều trị tăng huyết áp làm giảm hiệu quả của thuốc. Do đó hãy luôn thông báo với bác sĩ tình trạng tăng huyết áp của bản thân để được kê đơn thuốc phù hợp, tránh tình trạng này.

Mắc các trình trạng gây tăng huyết áp thứ phát

  • Thai kỳ
  • Tiền sản giật
  • Chấn thương tủy sống
  • Hẹp động mạch thận
  • Hẹp động mạch chủ 
  • U tuỷ thượng thận,…

Triệu chứng và cách xử trí

Triệu chứng tăng huyết áp đột ngột rất đa dạng và phụ thuộc vào có tổn thương cơ quan đích nào hay chưa. Cơn tăng huyết áp khẩn cấp là tình trạng bệnh nhân có huyết áp cao đơn thuần và chưa tổn thương cơ quan đích (mắt, tim, não, thận,…) biểu hiện với: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, bứt rứt, lo lắng, tim đập nhanh.

Cơn tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng huyết áp của bệnh nhân >180/120mmHg và có triệu chứng đã có tổn thương cơ quan đích như:

  • Nhìn mờ
  • Nói khó
  • Yếu chi, tê chi
  • Liệt
  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Đau lưng
  • Buồn nôn, nôn

Xử trí cơn tăng huyết áp

  • Trước hết cần gọi cấp cứu ngay hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời, tránh tổn thương các cơ quan nghiêm trọng đe dọa tính mạng
  • Trong thời gian chờ cấp cứu hãy để bệnh nhân ngồi hoặc nằm ở nơi bằng phẳng, thoáng khí, không nên để bệnh nhân đi lại
  • Đo huyết áp cho bệnh nhân để đánh giá mức độ nghiêm trọng của huyết áp
  • Ngưng các loại thuốc đang sử dụng, không tự ý điều trị cơn tăng huyết áp bằng thuốc.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp đột ngột và cách xử trí”. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về tình trạng này và cách ứng phó kịp thời khi gặp bệnh.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị. Để được tư vấn trực tiếp, bạn đọc vui lòng liên hệ hotline 1900 638 082 hoặc CHAT để được hướng dẫn đặt hẹn.


Nguồn tham khảo: CDC

Những thông tin trên mang tính chất tham khảo, hãy đặt lịch khám để được tư vấn tốt nhất