Chẩn đoán và điều trị bệnh do sán xơ mít ký sinh

Sán xơ mít là loại ký sinh trùng sống ở đường ruột người gây nhiều triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hoá và nhiều cơ quan khác. Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm sán xơ mít vẫn còn cao do nhiều nơi có thói quen ăn thịt sống và rau quả chưa rửa sạch. Cùng Doctor có sẵn điểm qua những thông tin quan trọng về loài sán xơ mít này nhé.

Tổng quan về sán xơ mít

Sán xơ mít còn được gọi là sán dải hay sán dây vì thân dẹp, dài như một dải băng là một loài ký sinh trùng. Thân có những đốt nối tiếp nhau, mỗi đốt có bộ phận sinh dục đực và cái, đốt càng xa thì đầu càng to.

Ở giai đoạn trưởng thành sán sống ký sinh trong ống tiêu hoá của động vật có xương sống, giai đoạn ấu trùng sống trong cái cơ quan nội tạng của các động vật này. Sán trưởng thành gồm có ba phần:

  • Phần đầu có cấu trúc như đĩa hút hoặc móc gai để bám chặt vào ruột và hút chất dinh dưỡng.
  • Phần cổ nối tiếp với đầu, từ cổ sẽ sinh ra các đốt sán.
  • Phần còn lại là thân với các đốt sán màu trắng đục, các đốt sán gần cổ non nhất chỉ chứa các cơ quan sinh dục còn phôi thai, các đốt xa cổ trưởng thành hơn chứa cả cơ quan sinh dục đực và cái. Gần cuối thân là các đốt già, chỉ chứa cơ quan sinh dục cái. Khi trị nhiễm sán xơ mít mà không loại được đầu và cổ thì sán sẽ tái sinh toàn bộ.

Tuỳ theo loài sán xơ mít, số lượng đốt có thể từ 200 lên đến 6000 đốt. Nhiều trường hợp sán ký sinh lâu năm khi được phát hiện đã dài đến 12 mét. Mỗi đốt sán khi bị tách rời ra khỏi cơ thể vẫn có thể sống sót tiếp được.

Sán xơ mít tên khoa học là Taenia, gồm nhiều loài như:

  • Taenia asiatica;
  • Taenia crassiceps;
  • Taenia gonyamai;
  • Taenia mustelae;
  • Taenia pisiformis;
  • Taenia rileyi;
  • Taenia saginata;
  • Taenia solium;
  • Taenia taeniaeformis;
  • Taenia serialis. Trong đó thường gặp nhất ở người là Taenia saginata (sán dải bò) và Taenia solium (sán dải heo)

Triệu chứng nhiễm sán xơ mít

Bệnh do sán xơ mít xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Nguyên nhân nhiễm sán do ăn thịt sống, rau quả chưa rửa, uống nước không vệ sinh có chứa nang ấu trùng. Nhiều nơi có môi trường vệ sinh kém, thiếu hố xí hợp vệ sinh, sử dụng phân tươi của người làm phân bón, thả rong gia súc,… sẽ góp phần làm lây lan bệnh. Ở Việt Nam, nhiễm sán trưởng thành được phát hiện khắp cả nước thường do sở thích ăn thực phẩm chưa chín kĩ như phở bò tái, heo tái.

Người là ký chủ vĩnh viễn của sán xơ mít, sán trưởng thành có thể sống lên tới 25 năm. Hầu hết người bệnh chỉ có một con sán ký sinh ở ruột non tuy nhiên cũng có trường hợp rất nhiều sán cùng ký sinh. Một số người nhiễm sán không có triệu chứng.

Triệu chứng nhiễm sán dải bò Taenia saginata

Nếu có triệu chứng bệnh nhân thường than phiền:

  • Rối loạn tiêu hoá: đau bụng, chán ăn, nôn ói, khó tiêu, tiêu chảy,…
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Đốt sán bò ra hậu môn gây ngứa hậu môn
  • Chảy nước dãi
  • Sốt nếu bệnh nặng

Bệnh nhân có thể lâm vào bệnh cảnh nguy hiểm gây tử vong như bị tắc ruột do có quá nhiều sán. Người bệnh đôi khi còn tìm thấy đốt sán trong phân hay quanh chỗ nằm ngủ.

Triệu chứng nhiễm sán dải heo Taenia solium

Bệnh thường không triệu chứng, nếu có cũng là triệu chứng tương tự như bị nhiễm sán dải bò như rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi, sút cân, đốt sán trong phân,… Bệnh cảnh nặng của Taenia solium ấu trùng có thể lan đến não, mắt, cơ, dưới da, tim, phổi, thận,…

Thể ở não: ấu trùng chèn ép các cấu trúc ở não hoặc phản ứng viêm xảy ra khi ấu trùng chết gây triệu chứng nhức đầu, mờ mắt, động kinh, rối loạn tâm thần, liệt nửa người.

Thể ở mắt: ấu trùng trú ngụ ở mí mắt, kết mạc, pha lê dịch hay tiền phòng nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây mất thị giác vĩnh viễn. Bệnh nhân thấy đau quanh nhãn cầu, chảy nước mắt, nhìn đôi, giảm thị lực,…

Thể ở cơ: diễn tiến âm thầm tạo nốt vôi hoá.

Thể dưới da: nổi sần, nổi cục trên da, u nhỏ đường kính 1-2cm, hình tròn, chắc, ấn không đau, di chuyển.

Chẩn đoán nhiễm sán xơ mít

  • Xét nghiệm phân tìm trứng sán, đốt sán được thực hiện khi nghi ngờ người mang sán trưởng thành trong ruột.
  • Xét nghiệm ELISA thực hiện khi nghi ngờ người nhiễm ấu trùng sán.
  • Siêu âm, chụp X-quang, CT scanner, MRI thực hiện khi nghi ngờ người mang sán sâu trong mô cơ, mắt, não.

Các xét nghiệm phân và máu đều có thể không chính xác do phản ứng chéo với các ký sinh trùng khác, do đó cần phối hợp với triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh.

Điều trị và phòng ngừa

Điều trị

  • Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán ra theo phân để tránh những biến chứng do sán xơ mít.
  • Một số thuốc đặc hiệu cho bệnh sán dải và ấu trùng sán như praziquantel, niclosamide và albendazole.
  • Điều trị sán dải heo thường thiết lập riêng cho từng trường hợp cụ thể do lâm sàng đa dạng. Do đó, quan trọng nhất vẫn là khâu dự phòng tránh nhiễm sán dải.

Phòng ngừa

  • Vệ sinh cá nhân: rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu
  • Vệ sinh thực phẩm: rửa rau sạch, uống nước nấu chín, không ăn thịt sống hay tái. Tuân thủ quy tắc: “ăn chín, uống sôi” do ấu trùng sán sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.
  • Không sử dụng thịt bị bệnh, thịt không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.
  • quản lý phân: Xử dụng hố xí hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; quản lý phân gia súc, không thả rông heo, bò; không sử dụng phân tươi để bón cây, hoa màu.
  • Phát hiện và điều trị người bệnh.
  • Kiểm dịch các lò mổ heo chặt chẽ.
  • Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về phòng chống bệnh cho cộng đồng.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Chẩn đoán và điều trị bệnh do sán xơ mít ký sinh”. Mong rằng bài viết đã cung cấp những thông tin bổ ích cho bạn và cộng đồng. Phòng ngừa nhiễm sán sơ mít là điều nên làm cho bản thân và gia đình, hãy cùng chung tay ngăn ngừa và đẩy lùi căn bệnh này nhé.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS

Có thể bạn quan tâm