Móng tay bị lõm – Hiểu hơn để cẩn thận hơn

Bàn tay tiết lộ rất nhiều về sức khỏe, đặc biệt là móng tay. Các nghiên cứu đã cho thấy có rất nhiều các vấn đề sức khỏe xảy ra và sẽ làm thay đổi tình trạng bình thường của móng. Trong đó móng tay bị lõm là dấu hiệu của bệnh lý gì? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Móng tay bị lõm trông như thế nào?

Móng tay lõm (thường được gọi là móng tay thìa hay móng tay lõm hình thìa), là tình trạng loạn dưỡng móng, móng tay bị lõm ngang hoặc dọc, khi quan sát, thấy móng bị lõm xuống giống như hình thìa (muỗng) và kèm theo sự giòn và mỏng đi của móng tay. Đôi khi người ta mô tả móng tay bị lõm ở giữa giống như có thể giữ được một giọt nước trên móng.

Móng tay hình thìa có thể gặp ở cả trẻ sơ sinh, trẻ em và người trưởng thành. Việc móng tay bị lồi lõm không chỉ ảnh hướng đến thẩm mỹ mà còn có thể là dấu hiệu của các tình trạng xấu về sức khỏe. Do đó, bắt buộc phải xem xét thêm để biết được có phải là do một bệnh lý nghiêm trọng hay không. 

Nguyên nhân móng tay bị lõm

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến móng tay bị lõm, về cơ bản có thể chia thành 3 nhóm nguyên nhân: nguyên nhân di truyền hoặc bẩm sinh, nguyên nhân mắc phải và vô căn. 

Các nguyên nhân cụ thể của móng tay bị lõm bao gồm:

Tình trạng da liễu

Móng tay bị lõm có thể là biểu hiện triệu chứng của một số bệnh về da liễu ảnh hưởng trực tiếp đến móng như bệnh lichen phẳng, chứng loạn dưỡng móng hoặc vảy nến. Đặc biệt tình trạng nấm móng cũng là một nguyên nhân phổ biến làm móng tay bị lõm sần sùi.

Thiếu hụt dinh dưỡng

Thiếu sắt là nguyên nhân kinh điển gây nên tình trạng móng bị lõm. Thiếu máu thiếu sắt cũng là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng thường gặp nhất trên thế giới. Các nguyên nhân có thể dẫn đến thiếu sắt bao gồm: chế độ ăn quá ít chất sắt, bệnh nhân bị rối loạn hấp thu sắt từ thức ăn, người suy dinh dưỡng, các bệnh lý gây chảy máu đường ruột, bệnh celiac, ung thư, những người không tiêu thụ đủ folate, protein và vitamin C cũng có thể bị thiếu sắt.

Mặc dù thiếu sắt là nguyên nhân thường được nhắc tới của tình trạng móng tay bị lõm, tuy nhiên không phải tất cả bệnh nhân thiếu sắt đều có triệu chứng nào. Chỉ khoảng 5,4% bệnh nhân thiếu sắt có biểu hiện móng thìa. 

Bên cạnh đó, thiếu sắt cũng không nhất thiết tương quan với sự phát triển của móng tay hình thìa, do đó nếu bệnh nhân thực sự bị thiếu máu thiếu sắt thì cần được điều trị và theo dõi bằng các thông số huyết học khác thay vì chỉ quan sát tình trạng móng tay của người đó. 

móng tay bị lõm
Thiếu máu là nguyên nhân điển hình nhất của móng tay bị lõm

Bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng kém do thiếu vitamin C, kẽm, đồng, selen, cystein ​​và các axit amin khác cũng có thể xuất hiện móng tay bị lõm. Một số nghiên cứu đã ghi nhận tình trạng này ở 5,5 – 18% dân số bị suy dinh dưỡng như dân làng nông thôn, người nghiện rượu, lao động trẻ em và bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính.

Di truyền

Một số gia đình có móng tay lồi lõm di truyền. Đây là một tình trạng hiếm gặp, di truyền qua gen trội trên nhiễm sắc thể thường và không phụ thuộc giới tính. 

Ở những gia đình này, móng tay bị lõm xuất hiện khi mới sinh hoặc trong vài năm đầu đời. Móng của những người này thường mỏng, phẳng và phát triển dần các mức độ lõm khác nhau theo thời gian. Tuy nhiên, giữa các thành viên trong gia đình thì biểu hiện sẽ khác nhau, móng tay hình thìa có thể chỉ xuất ở một/một vài ngón tay hoặc ngón chân. 

Ngoài ra, móng tay bị lõm cũng được nhận thấy ở khoảng 49% bệnh nhân mắc bệnh hemochromatosis (bệnh quá tải sắt di truyền), một rối loạn di truyền do gen lặn trên nhiễm sắc thể thường, gây ra sự tích tụ sắt quá mức trong cơ thể. 

Hội chứng Plummer–Vinson 

Còn được gọi là hội chứng Paterson–Kelly, là một hội chứng hiếm gặp với 3 biểu hiện đặc trưng là thiếu máu thiếu sắt, chứng khó nuốt và lưới thực quản. Móng tay bị lõm có thể là dấu hiệu xuất hiện của hội chứng này và hầu như được nhìn thấy trong 37 – 50% trường hợp.

Các bệnh tự miễn

Móng tay bị lõm có thể gặp ở bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống hoặc bệnh Raynaud. Ở những bệnh nhân này, mạng lưới mạch máu đến các chi bị hạn chế, dẫn đến thiếu oxy ở tay và đây được cho là nguyên nhân dẫn đến móng tay thìa.

Rối loạn nội tiết

Một số bệnh nhân suy giáp có thể gặp tình trạng móng tay bị lõm hình thìa đi kèm với sự phát triển chậm và giòn của móng tay.

Hoặc các bệnh nhân mắc đái tháo đường cũng có thể gặp triệu chứng này. Cũng có thể giải thích nguyên nhân móng tay bị lõm ở những bệnh nhân này là do sự rối loạn chức năng vi mạch trong bệnh đái tháo đường đã dẫn đến sự thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Chấn thương

Một số chấn thương, hoặc thói quen mút ngón tay và đi giày chật có thể dẫn đến tình trạng móng tay bị lõm, đặc biệt thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, khi sửa đổi các thói quen này, móng tay sẽ có thể phát triển bình thường trở lại.  

Nghề nghiệp và môi trường

Các nhà khoa học cho biết sự phát triển móng tay bị lõm sần sùi có thể liên quan đến việc tiếp xúc nhiều với sản phẩm chứa dầu khoáng (dầu mỏ). Ở một số người có đặc thù nghề nghiệp phải tiếp xúc nhiều với các sản phẩm chứa dầu mỏ, dung môi hữu cơ hay hóa chất (như thợ làm tóc) sẽ xuất hiện tình trạng viêm da tiếp xúc, các chấn thương lặp lại và móng tay bị lõm. Theo thời gian dài tiếp xúc, tình trạng này có thể sẽ không thể hồi phục. 

Về môi trường sống, những người sống ở độ cao lớn (nơi có nồng độ oxy trong không khí thấp) sẽ có nguy cơ bị móng tay hình thìa cao hơn, do khi đó cơ thể cần nhiều sắt hơn để sản xuất hồng cầu, dẫn đến thiếu hụt sắt trong cơ thể.

Móng tay bị lõm ở trẻ sơ sinh

Ở trẻ sơ sinh, tình trạng móng thìa được cho là tương đối phổ biến. Năm 2016, một nghiên quan sát trên 52 trẻ sơ sinh cho thấy 32,7% trẻ sơ sinh có móng tay bị lõm. Tình trạng này vô căn và sẽ giảm dần theo thời gian, thường chỉ gặp ở trẻ dưới 2 tuổi.

Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần đưa trẻ đi khám để loại trừ nguyên nhân móng tay bị lõm do có bệnh lý di truyền hay thiếu dinh dưỡng.

Tiên lượng và biến chứng của móng tay bị lõm

Tiên lượng

Tiên lượng của tình trạng móng tay bị lõm phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Nếu liên quan đến bệnh thiếu máu, móng tay có vẻ bình thường trong vòng 4 – 6 tháng sau khi điều trị. 

Bệnh nhân mắc hội chứng Plummer-Vinson có kết quả tốt khi điều trị nhưng có nguy cơ cao phát triển ung thư biểu mô tế bào vảy ở vùng dưới hầu hoặc thực quản trên. Do đó, bệnh nhân mắc PVS nên được sàng lọc ung thư biểu mô đường tiêu hóa.

Biến chứng

Móng tay bị lõm chỉ là triệu chứng của một căn bệnh tiềm ẩn do đó không có biến chứng nặng hơn trên móng tay. Tuy nhiên, nếu không điều trị các bệnh lý nguyên nhân của nó như các bệnh da liễu hay các bệnh hệ thống có thể dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng. 

Thiếu sắt mãn tính có thể gây ra những thay đổi niêm mạc không thể đảo ngược có khả năng dẫn đến thoái hóa ác tính. Ngoài ra, nếu PVS không được điều trị, có nhiều khả năng thực quản sẽ tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy và có thể có tắc nghẽn đáng kể ở lòng thực quản và chứng khó nuốt kéo dài nếu màng thực quản không được điều trị

Điều trị móng tay bị lõm như thế nào?

Điều trị móng tay bị lõm phụ thuộc vào nguyên nhân của nó. Bác sĩ có thể sẽ xem xét toàn bộ tiền sử bệnh, khám sức khỏe và có thể yêu cầu xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân.

Với bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt mãn tính, việc thay đổi chế độ ăn uống hoặc dùng thực phẩm bổ sung sắt có thể khắc phục và ngăn ngừa móng hình thìa. Thông thường, cần bổ sung 150 – 200 mg sắt nguyên tố mỗi ngày ở những người này.

Các nguồn thực phẩm cung cấp nhiều chất sắt bao gồm thịt và các sản phẩm từ động vật. Ở người ăn chay, cần lưu ý rằng sắt từ thực vật thường khó hấp thu hơn từ động vật, trong đó, những loại được khuyến cáo để bổ sung sắt là đậu, rau có lá xanh và ngũ cốc. Đồng thời, nên bổ sung các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt để giúp tăng hấp thu sắt.

móng tay bị lõm
Các thực phẩm bổ sung sắt cho người có móng tay bị lõm

Sự bất thường của móng tay thường trở lại bình thường trong vòng 4 – 6 tháng sau khi bổ sung sắt. Tuy nhiên, trong những trường hợp thiếu sắt do chảy máu tiềm ẩn trong đường tiêu hóa hay do có rối loạn hấp thu sắt thì không thể dùng phương pháp bổ sung sắt này mà cần được theo dõi và điều trị cẩn thận hơn.

Bệnh nhân mắc hội chứng Plummer–Vinson sẽ được điều trị bằng cách bổ sung sắt (150-200 mg sắt nguyên tố) và nong cơ học qua nội soi (nong bóng hoặc nong Savary-Gilliard) thực quản. Trong vòng vài tuần điều trị bằng sắt, các triệu chứng mệt mỏi và khó nuốt có thể cải thiện nhanh chóng. 

Nếu nguyên nhân của móng tay bị lõm là vô căn hoặc di truyền, thì không có phương pháp điều trị hiệu quả nào.

Một số khuyến cáo về móng tay bị lõm

Do có nhiều nguyên nhân có thể gây ra móng tay bị lõm nên không có phương pháp phòng ngừa chính nào được khuyến cáo rộng rãi. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ bị móng tay bị lõm bằng cách ăn một chế độ ăn uống cân bằng và vệ sinh để tránh nhiễm ký sinh trùng. 

Bạn cũng có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về móng bằng cách chăm sóc móng tay của mình. Các lời khuyên bao gồm:

  • Làm sạch móng tay của bạn bằng bàn chải mềm.
  • Cắt móng tay/móng chân ngắn sau khi tắm (hoặc khi móng được ngâm cho mềm) và giữ móng sạch sẽ
  • Giữ ẩm cho móng tay bằng kem dưỡng tay.
  • Sử dụng găng tay cao su khi sử dụng các sản phẩm tẩy rửa hoặc sử dụng các sản phẩm hóa chất.
  • Mang giày dép vừa vặn không bị chuột rút ở chân.
móng tay bị lõm
Chăm sóc móng tay để phòng ngừa tình trạng móng tay bị lõm

Khi bạn xuất hiện móng tay bị lõm, đừng chủ quan mà hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gốc rễ. 


Câu hỏi thường gặp

u003cstrongu003eMóng tay bị lõm ngang là bệnh gì?u003c/strongu003e

Móng tay bị lõm không phải là bệnh lý mà thường là một tình trạng vô căn hoặc là triệu chứng của bệnh lý nào đó như: thiếu máu thiếu sắt, bệnh về da hay các bệnh tự miễn.

u003cstrongu003eMóng tay bị lõm là thiếu chất gì?u003c/strongu003e

Nguyên nhân phổ biến nhất của móng tay bị lõm là do thiếu chất sắt. Bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng kém do thiếu vitamin C, kẽm, đồng, selen, cystein ​​và các axit amin khác cũng có thể xuất hiện móng tay bị lõm. 

u003cstrongu003eMóng tay bị lõm xuống là bệnh gì?u003c/strongu003e

Khi quan sát thấy móng tay bị lõm xuống, tạo thành một khu vực như có thể đựng 1 giọt nước trên móng tay thì đây có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý cần được điều trị như thiếu máu thiếu sắt, bệnh về da hay các bệnh tự miễn.

u003cstrongu003eMóng tay bị lõm nhỏ là bệnh gì?u003c/strongu003e

Nguyên nhân thường gặp khiến móng tay bị lõm nhỏ (hay còn gọi là rỗ móng tay) là thiếu hụt vitamin và khoáng chất (đặc biệt là vitamin B12), do bệnh lý, đột biến gen di truyền hoặc cũng có thể xảy ra mà không có bất kỳ nguyên nhân nào


Trên đây là những thông tin tổng quan về tình trạng móng tay bị lõm, các nguyên nhân có thể gặp và một số khuyến cáo trong chăm sóc móng tay ở những bệnh nhân này. Hy vọng bạn đọc sẽ tìm thấy những thông tin mà mình mong muốn qua bài viết, cũng như không chủ quan khi gặp bất cứ tình trạng khác thường nào của móng tay.