Rụng tóc nhiều do đâu? 5 cách khắc phục hiệu quả lâu dài

Mái tóc thường được coi là biểu tượng của tuổi trẻ và sắc đẹp. Do đó, rụng tóc có thể ảnh hưởng đến tâm lý về ngoại hình của nhiều người và ở mọi lứa tuổi. Đối với một số người, rụng tóc là do di truyền và xảy ra như một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Bên cạnh đó, ở những người khác, tóc rụng nhiều có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn qua bài viết này.

Cấu tạo và chu trình sống của sợi tóc

Tóc được tạo thành từ một loại protein gọi là keratin được sản xuất trong các nang tóc ở lớp ngoài của da. Khi các nang tóc tạo ra các tế bào mới, các tế bào cũ sẽ được đẩy ra ngoài qua bề mặt da. Sợi tóc mà bạn có thể nhìn thấy thực ra là một chuỗi tế bào sừng chết. Mỗi người trưởng thành trung bình có khoảng 100.000 đến 150.000 sợi tóc.

Bất cứ lúc nào, khoảng 90% tóc trên da đầu của một người đang trong quá trình phát triển. Mỗi nang tóc có chu trình sống riêng và có thể bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, bệnh lý và nhiều yếu tố khác. Chu trình sống này được chia thành 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn Anagen (giai đoạn phát triển): Tóc mọc tích cực, các sợi tóc xuyên qua da, thường kéo dài từ 2-8 năm
  • Giai đoạn Catagen (giai đoạn chuyển tiếp): Tóc ngừng phát triển, nang tóc ở gốc sợi tóc co lại, giữ cho tóc ở đúng vị trí và kéo dài từ 2-3 tuần.
  • Giai đoạn Telogen (giai đoạn nghỉ ngơi): Kéo dài khoảng 2-3 tháng, cuối giai đoạn này tóc sẽ rụng đi, một sợi tóc mới thay thế và chu kỳ phát triển lại bắt đầu.
rụng tóc
Cấu tạo sợi tóc

Hầu hết mọi người rụng từ 50 – 100 sợi tóc mỗi ngày như một phần của chu kỳ tự nhiên và không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu chu kỳ này bị gián đoạn hoặc nếu nang tóc bị tổn thương, tóc có thể bắt đầu rụng nhanh hơn so với tốc độ tái tạo, dẫn đến các triệu chứng như chân tóc bị co lại, tóc rụng thành từng mảng hoặc mỏng hơn. Điều này là dấu hiệu cảnh báo bạn đang rụng tóc bất thường và có thể là do nguyên nhân bệnh lý nào đó.

Nguyên nhân gây rụng tóc nhiều

Tình trạng tóc rụng gia tăng có nhiều lý do khác nhau và có thể liên quan đến một vấn đề sức khỏe nào đó. Dưới đây là các nguyên nhân hàng đầu gây rụng tóc có thể gặp:

Do di truyền

Rụng tóc có thể do di truyền. Mức độ ảnh hưởng của di truyền đến tóc rụng có thể khác nhau, nhưng người ta ước tính rằng có tới 80% các trường hợp rụng tóc nội tiết tố androgen (loại rụng tóc phổ biến nhất hiện nay) là do yếu tố di truyền.

Ngoài ra, các gen cấu trúc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định kích thước, hình dạng và kết cấu của tóc. Do đó đột biến ở những gen này có thể gây tóc rụng hoặc các rối loạn khác về tóc. Khi thừa hưởng gen di truyền, nam giới có xu hướng rụng tóc từ thái dương đến đỉnh đầu dẫn đến hói. Bên cạnh đó, ở nữ giới, tóc thường trở nên mỏng dần khắp da đầu nhưng chân tóc thường không rụng.

Do căng thẳng

Căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc nhiều hơn so với bình thường, ví dụ như sau sinh con, sau phẫu thuật, ly hôn, rủi ro tài chính,…Sau một tác nhân gây căng thẳng, có tới 70% tóc ở giai đoạn anagen sớm chuyển sang giai đoạn telogen gây rụng tóc.

Telogen effluvium là một loại rụng tóc chủ yếu do tác nhân gây căng thẳng. Telogen effluvium có thể rụng 300 sợi tóc mỗi ngày, ảnh hưởng đến tóc trên khắp da đầu, đặc biệt là trên đỉnh đầu.

Tình trạng căng thẳng nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến chứng tóc rụng từng mảng. Rụng tóc từng mảng là một tình trạng tự miễn dịch khiến tóc rụng đột ngột. Hệ thống miễn dịch tấn công các nang tóc, cùng với các bộ phận khỏe mạnh khác của cơ thể. Tóc trên da đầu, cũng như lông mày và lông mi, có thể rụng thành từng mảng nhỏ và không gây đau đớn. Theo thời gian, bệnh này có thể dẫn đến tóc rụng toàn bộ.

rụng tóc
Biểu hiện rụng tóc do di truyền ở nam giới

Do chế độ dinh dưỡng kém

Rụng tóc cũng có thể do các yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống. Sự thiếu hụt một hoặc nhiều vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến tóc rụng như sắt, vitamin D, kẽm, vitamin B,… Tóc cũng rất nhạy cảm với sự thiếu hụt protein và calo, hai thứ mà nang tóc cần được cung cấp liên tục để phát triển và hoạt động bình thường.

Do sử dụng thuốc

Rụng tóc có thể là một tác dụng phụ phổ biến của một số loại thuốc, nó có thể gây khó chịu cho người sử dụng. Các loại thuốc thường liên quan đến rụng tóc bao gồm thuốc hóa trị, thuốc chống trầm cảm và một số loại thuốc huyết áp. Anagen Effluvium là tình trạng tóc rụng nhanh chóng do điều trị y tế, chẳng hạn như hóa trị. Những loại thuốc hóa trị mạnh và tác dụng nhanh này tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng chúng cũng đồng thời làm ngừng sản xuất nang tóc ở da đầu và các bộ phận khác của cơ thể.

Do bệnh lý

Bệnh lý viêm nhiễm da đầu: các loại vi khuẩn, nấm ký sinh trên các tế bào chết của tóc, lây lan ra toàn bộ da đầu khiến tóc thưa yếu, dễ rụng. Bệnh có thể gây rụng tóc từng mảng lớn và có thể dẫn đến hói đầu.

Bệnh lý tuyến giáp: rụng tóc là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh lý tuyến giáp như bệnh suy giáp hoặc bệnh cường giáp. Khi lượng hormone tuyến giáp mất cân bằng sẽ cản trở quá trình trao đổi chất, dẫn đến nhiều nang tóc không hoạt động, từ đó tóc ít mọc và thưa dần.

Bệnh lý tự miễn: khi hệ miễn dịch bị rối loạn, cơ thể có thể bị nhầm lẫn nang tóc là yếu tố lạ xâm nhập, sau đó hình thành kháng thể để đào thải các tế bào nang tóc, dẫn đến quá trình rụng tóc đến nhanh và sớm hơn bình thường.

Bệnh lý mất cân bằng hormone: tiêu biểu là hội chứng buồng trứng đa nang. Khi mắc hội chứng này, nồng độ nội tiết tố androgen gia tăng, dẫn đến dư thừa và có thể gây tắc nghẽn nang tóc, tóc yếu đi và dễ gãy rụng.

Phân loại các dạng rụng tóc

Rối loạn rụng tóc bao gồm một nhóm rộng lớn các tình trạng được phân thành 2 loại:

Rụng tóc có sẹo                             

Rụng tóc có sẹo là một dạng tóc rụng xảy ra do nang tóc bị phá hủy. Nó được đặc trưng bởi sự hình thành mô sẹo thay thế các nang tóc dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn.

Rụng tóc có sẹo nguyên phát do hiện tượng rối loạn viêm, phá hủy các nang tóc của cơ thể. Chẳng hạn như: tóc rụng vảy nến trung tâm (CCCA), bệnh lupus ban đỏ da mãn tính (CCLE), decalvans viêm nang lông, lichen planopilaris,…

Rụng tóc có sẹo thứ phát là tác dụng phụ của chấn thương hoặc tổn thương trên da, có thể do bỏng, nhiễm trùng, phóng xạ hoặc khối u. Các tác nhân này nhắm vào lớp hạ bì và do đó phá hủy các nang tóc.

rụng tóc
Rụng tóc không để lại sẹo

Rụng tóc không để lại sẹo 

Bao gồm một số loại rối loạn rụng tóc phổ biến nhất và được đặc trưng bởi tình trạng viêm tối thiểu hoặc không có. Trái ngược với chứng tóc rụng có sẹo, ở chứng tóc rụng không có sẹo, không có sự phá hủy các nang tóc. Do đó, mức độ mọc lại của tóc được mong đợi sau khi tình trạng đã ổn định, bao gồm: rụng tóc nội tiết tố androgen, telogen effluvium, trichotillomania, rụng tóc từng vùng, bệnh nấm da đầu,….

Phương pháp điều trị rụng tóc

Điều trị rụng tóc hiệu quả bắt đầu bằng việc tìm ra nguyên nhân của nó. Để có được chẩn đoán chính xác, bạn nên tìm đến sự tư vấn và điều trị của các bác sĩ da liễu có chuyên môn. Các phương pháp điều trị thường được sử dụng bao gồm:

Thuốc

Minoxidil là thuốc trị rụng tóc dạng dung dịch bôi hoặc xịt ngoài da đầu, hoạt động bằng cách tăng lưu lượng máu đến các nang tóc, từ đó có thể kích thích mọc tóc.

Finasteride là một loại thuốc dùng đường uống được chấp thuận trị rụng tóc ở nam giới, hoạt động bằng cách ngăn chặn sản xuất hormone DHT, hormone này có thể khiến các nang tóc co lại và ngừng rụng tóc.

Spironolactone: đối với phụ nữ bị rụng tóc do nội tiết tố, thuốc này có thể là một lựa chọn giúp ngưng rụng thêm tóc. Điều lưu ý là không mang thai trong quá trình sử dụng spironolacton do rủi ro gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Các loại thuốc trị rụng tóc khác: nếu da đầu bị nhiễm trùng, nhiễm nấm hoặc gặp phải tình trạng viêm, bác sĩ sẽ kê các thuốc phù hợp điều trị cho các tình trạng này.

rụng tóc
Điều trị rụng tóc bằng tiêm corticosteroid

Tiêm corticosteroid

Đây được coi là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho những người bị rụng tóc từng mảng. Để giúp tóc mọc lại, bác sĩ da liễu sẽ tiêm thuốc này vào vùng hói hoặc thưa, thường được tiêm 4 đến 8 tuần một lần khi cần thiết.

Liệu pháp laser

Một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả ở những tình trạng rụng tóc do rụng tóc di truyền, rụng tóc từng vùng, rụng tóc do hóa trị. Liệu pháp này an toàn và không gây đau đớn nhưng cần nhiều đợt điều trị.

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Các nghiên cứu cho thấy đây là một phương pháp điều trị rụng tóc an toàn và hiệu quả. PRP là phương pháp lấy một lượng máu nhỏ của bạn, phân tách và sau đó tiêm huyết tương vào vùng bị rụng tóc.

Cấy ghép tóc

Quy trình này liên quan đến việc lấy nang tóc từ vùng khác, thường là phía sau đầu và cấy vào vùng da bị mỏng hoặc hói. Phẫu thuật cấy tóc có thể là phương pháp điều trị rụng tóc hiệu quả cao, nhưng nó cũng tốn kém và có thể gặp các biến chứng như nhiễm trùng và sẹo.

Biện pháp phòng ngừa rụng tóc

Rụng tóc là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể. Tuy nhiên để giữ cho mái tóc dày dặn và khỏe mạnh như ban đầu thì phòng ngừa tóc rụng được coi là biện pháp hữu hiệu nhất. Các biện pháp phòng ngừa tóc gãy rụng được khuyến cáo bao gồm:

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học:

  • Chế độ ăn ít calo có thể làm mất đi các dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho tóc như protein, acid béo và kẽm. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các loại vitamin và khoáng chất có thể là yếu tố nguy cơ gây rụng tóc như: selen, vitamin B, kẽm, vitamin D, sắt, vitamin A, vitamin C, vitamin E. Vì thế, cân nhắc bổ sung vitamin tổng hợp theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích hạn chế tóc rụng

Duy trì lối sống lành mạnh:

  • Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống ngăn ngừa rụng tóc.

Chăm sóc tóc đều đặn:

  • Gội đầu từ 2 – 3 lần/tuần với dầu gội dịu nhẹ, giữ cho da đầu và tóc sạch sẽ có thể ngăn ngừa hư tổn và rụng tóc. Sau khi gội nên để tóc khô tự nhiên thay vì dùng máy sấy sẽ làm tóc mất đi độ ẩm.
  • Sử dụng tinh dầu: thoa một số loại tinh dầu lên da đầu có thể thúc đẩy sự phát triển của tóc như: dầu jojoba, dầu hoa oải hương, tinh dầu bạc hà,…
  • Sử dụng cafein hoặc các chất chống oxy hóa trong các công thức dầu gội, dầu xả giúp kích thích sự trao đổi chất, ngăn ngừa rụng tóc hiệu quả.
  • Mát xa da đầu nhẹ nhàng để giúp máu lưu thông, kích thích mọc tóc.
  • Không đi ngủ khi tóc ướt có thể làm yếu sợi tóc và dễ gãy rụng
  • Lựa chọn kiểu tóc phù hợp như tóc xõa, hạn chế tóc buộc chặt, tóc đuôi ngựa, tóc búi,… kéo giãn tóc dễ đứt gãy.
  • Tránh các phương pháp gây hư tổn tóc như nhuộm, uốn, duỗi,…

Câu hỏi thường gặp

Rụng tóc nhiều là bệnh gì?

Rụng tóc có thể là một trong những triệu chứng của bệnh nội khoa, chẳng hạn như các bệnh rối loạn tuyến giáp (gồm bệnh nhược giáp và bệnh cường giáp), hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh giang mai, các bệnh tự miễn,…

Rụng tóc thiếu chất gì?

Rụng tóc có thể liên quan đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng như: sắt, biotin, protein, kẽm,…

Rụng tóc nhiều ở nữ tuổi 17 có sao không?

Lượng tóc rụng sinh lý của cơ thể từ 50 – 100 sợi mỗi ngày, nếu vượt quá lượng tóc đó thì cần xem xét các nguyên nhân cụ thể gây ra. Các nguyên nhân hay gặp ở lứa tuổi 17 có thể do các vấn đề về nội tiết tố chẳng hạn các bệnh về tuyến giáp hoặc các bệnh về mất cân bằng hormone, thường gặp như hội chứng buồng trứng đa nang. Ngoài ra, các yếu tố về lối sống và chế độ ăn uống cũng nên theo dõi đảm bảo tiêu chuẩn.

Rụng tóc từng mảng là gì?

Rụng tóc từng mảng là một bệnh lý do rối loạn tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các nang tóc gây rụng tóc, thậm chí có thể rụng lông mi hay lông mày.

Trẻ sơ sinh bị rụng tóc

Rụng tóc ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể, nguyên nhân do lượng hormone giảm ngay sau khi sinh. Tình trạng này xảy ra trong khoảng 6 tháng đầu đời và sau đó tóc sẽ phát triển bình thường.

Những cách trị rụng tóc và kích thích mọc tóc?

Các phương pháp điều trị rụng tóc thường được áp dụng như là sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu, liệu pháp laser, tiêm corticosteroid, phương pháp PRP huyết tương giàu tiểu cầu, cấy ghép tóc,…

Cách ngăn rụng tóc và làm dày tóc?

Các phương pháp hạn chế rụng tóc có thể áp dụng như là:u003cbru003e- Gội và dưỡng tóc nhẹ nhàng, không làm tổn thương tócu003cbru003e- Ngừng nhuộm tóc, uốn tóc, duỗi tóc bằng hóa chấtu003cbru003e- Hạn chế sử dụng máy uốn tóc, duỗi tóc và để khô tóc tự nhiên thay vì sử dụng máy sấy tóc.u003cbru003e- Ngừng búi tóc chặt, buộc đuôi ngựa, kéo căng tóc hay thói quen giật tócu003cbru003e- Có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất.

Làm sao để hết rụng tóc cho nữ?

Cách điều trị rụng tóc tốt nhất là tìm đúng nguyên nhân gây ra nó. Thay đổi thói quen xấu và có chế độ dinh dưỡng hợp lý vẫn không cải thiện được tình trạng rụng tóc, hãy tìm gặp bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và điều trị phù hợp.

Rụng tóc sụt cân là bệnh gì?

Rụng tóc và sụt cân có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau, chẳng hạn như các bệnh lý về đường ruột, bệnh đái tháo đường, bệnh cường giáp,… Bên cạnh đó, yếu tố dinh dưỡng và lối sống như căng thẳng kéo dài, thiếu máu thiếu chất cũng có thể gặp tình trạng này. Do đó cần được thăm khám bởi các chuyên gia để xác định cụ thể hơn.

Rụng tóc có phải dấu hiệu mang thai?

Rụng tóc cũng là một trong những vấn đề có thể gặp khi mang thai do cơ thể có sự thay đổi nội tiết tố và tâm trạng. Đồng thời, quá trình mang thai cũng cần lượng chất dinh dưỡng nhiều hơn mức bình thường, điều này có thể dẫn đến thiếu hụt gây rụng tóc.

Ung thư có rụng tóc không?

Rụng tóc ở bệnh nhân ung thư là tác dụng không mong muốn của quá trình hóa trị và xạ trị. Ngoài ra, tâm lý căng thẳng cũng như chế độ dinh dưỡng thiếu hụt cũng góp phần là nguyên nhân gây rụng tóc nhiều ở bệnh nhân ung thư.

Chân tóc yếu dễ rụng phải làm sao?

Chân tóc yếu dễ rụng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ bỏ các thói quen xấu và có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng là biện pháp trước tiên có thể giúp giảm gãy rụng. Nếu tình trạng vẫn còn chưa cải thiện nhiều, bạn nên tìm đến các bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám tìm ra nguyên nhân và nhận phương pháp điều trị cụ thể.

Uống vitamin E có giảm rụng tóc không?

Vitamin E có thể giúp cải thiện ngăn ngừa rụng tóc và các vấn đề tóc khô, hư tổn. Tuy nhiên, cần sử dụng vitamin E một cách hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn. Tránh sử dụng quá liều gây ra các tác dụng có hại không mong muốn. Do đó tốt nhất có thể bổ sung vitamin E thông qua nguồn thực phẩm tự nhiên như là các loại đậu, hải sản, dầu hướng dương,…

Uống vitamin B5 chống rụng tóc

Vitamin B5 tham gia vào quá trình tổng hợp keratin – một thành phần cấu tạo của tóc. Do đó thiếu hụt vitamin B5 có thể gây ra các vấn đề về tóc như: tóc xơ, dễ gãy, tóc rụng nhiều. Bổ sung vitamin B5 ở những người thiếu hụt giúp ngăn ngừa tóc gãy rụng và nuôi dưỡng tóc khỏe mạnh. Tuy nhiên, không có nghiên cứu chứng minh có tác dụng ở những trường hợp cơ thể không thiếu vitamin B5. Vì vậy, cần phải tìm ra nguyên nhân rụng tóc cụ thể để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.


Hy vọng qua bài viết này, mọi người sẽ có thêm thông tin cụ thể, chính xác về vấn đề tóc rụng nhiều. Bài viết được tham khảo ý kiến của bác sĩ và các nguồn tin cậy trong và ngoài nước.                            

Tuy nhiên, Doctor có sẵn khuyến khích mọi người tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn cụ thể hơn.