6 dấu hiệu trào ngược dạ dày: Nhận biết triệu chứng, cách phòng ngừa

Trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng tiêu hóa mà nhiều người gặp phải. Để nhận diện vấn đề này, việc hiểu rõ các dấu hiệu trào ngược dạ dày rất quan trọng vì chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát và chất lượng cuộc sống chúng ta. Hãy cùng Docosan tham khảo thông qua bài viết dưới đây nhé!

Giới thiệu tổng quan về trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng mà lượng axit trong dạ dày liên tục trào ngược lên ống thực quản (chỗ nối giữa miệng và dạ dày). Tình trạng trào ngược axit này có thể gây kích ứng lên lớp niêm mạc của thực quản, từ đó có thể dẫn tới nhiều bệnh lý khác.

Mọi người thỉnh thoảng sẽ bị trào ngược axit vài lần, nhưng nếu tình trạng này xảy ra nhiều lần trong thời gian dài nó có thể gây lên bệnh lý gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viết tắt là GERD.

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng lượng axit trong dạ dày liên tục trào ngược lên ống thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng lượng axit trong dạ dày liên tục trào ngược lên ống thực quản

Nguyên nhân, các yếu tố rủi ro gây trào ngược dạ dày

Nguyên nhân chủ yếu của GERD là do sự trào ngược các chất từ dạ dày (chủ yếu là axit) thường xuyên. Khi nuốt, lớp cơ vòng quanh đáy thực quản (gọi là cơ vòng thực quản dưới) sẽ được giãn ra cho phép thức ăn và chất lỏng đi vào dạ dày, sau đó cơ sẽ đóng lại. Trường hợp bất thường xảy ra khi lớp cơ vòng này không giãn ra như bình thường hoặc bị yếu đi, dẫn tới lượng axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản.

Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Dưới đây là một số yếu tố cơ bản và những thói quen có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này:

  • Béo phì (BMI ≥ 25 kg/m² theo IDI & WPRO).
  • Phụ nữ mang thai.
  • Cơ địa dạ dày tiêu hóa chậm.
  • Một số bệnh lý kèm theo như thoát vị cơ hoành (khi đoạn trên của dạ dày bị đẩy lên trên cơ hoành), rối loạn mô liên kết như bệnh xơ cứng bì.

Ngoài ra, những yếu tố sau có thể làm tình trạng trào ngược axit trở nên nghiêm trọng hơn:

  • Hút thuốc lá.
  • Ăn bữa lớn hoặc ăn muộn vào ban đêm.
  • Ăn nhiều thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chiên, rán.
  • Uống các loại thức uống như rượu hoặc cà phê.
  • Đang sử dụng các thuốc như Aspirin, NSAIDS,…

Biểu hiện lâm sàng

GERD là một bệnh lý có triệu chứng điển hình nhưng không đặc hiệu, bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát ở ngực (ợ nóng) thường xuất hiện sau khi ăn kèm theo ợ chua.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Đau ở phần trên bụng (vùng thượng vị) hoặc ngực.
  • Khó nuốt hoặc cảm giác nghẹn trong cổ họng.
  • Tiết nước bọt nhiều trong ngày, cảm giác đắng miệng hoặc hôi miệng.
  • Các triệu chứng như khàn giọng hoặc ho cũng có thể gặp trong bệnh cảnh này.

Trong trường hợp bạn bị trào ngược axit vào ban đêm, bạn cũng có thể gặp phải các biểu hiện của các bệnh lý kèm theo sau:

  • Ho mạn tính.
  • Viêm thanh quản.
  • Bệnh hen suyễn với các dấu hiệu như khó thở, thở mệt về đêm theo chiều hướng nặng và xấu đi.
  • Giấc ngủ bị gián đoạn.
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây cảm giác nóng rát ở ngực (ợ nóng) thường xuất hiện sau khi ăn
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây cảm giác nóng rát ở ngực (ợ nóng) thường xuất hiện sau khi ăn

Tác hại, biến chứng của trào ngược dạ dày

GERD gây cảm giác khó chịu dẫn tới ảnh hưởng sinh hoạt, nếu bệnh lý kéo dài có thể dẫn tới các biến chứng khác như:

  • Viêm thực quản: Sự trào ngược axit lên niêm mạc thực quản kéo dài dẫn tới viêm nhiễm thực quản. Viêm thực quản mạn tính có thể gây biến chứng loét và nguy cơ dẫn tới Barrett thực quản.
  • Hẹp thực quản: Tổn thương viêm mạn tính có thể gây sẹo ở thực quản dẫn đến hẹp và gây triệu chứng khó nuốt.
  • Barrett thực quản: Đây là biến chứng nguy hiểm của GERD vì trào ngược axit lâu dài không điều trị có nguy cơ chuyển sản ruột ở các tế bào niêm mạc thực quản. Đây là yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản.
  • Ung thư thực quản: Bệnh nhân có tiền sử GERD kéo dài có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản, đặc biệt là ở người có Barrett thực quản.
  • Viêm thanh quản: Sự trào ngược axit lên vùng thanh quản thường xảy ra vào ban đêm và gây viêm đau họng, khàn giọng và khó nuốt.
  • Hen suyễn: Trào ngược axit gây kích thích lên đường hô hấp có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hen hoặc khởi phát triệu chứng như cơn hen suyễn.
GERD có thể gây ung thư thực quản nếu không được chữa trị
GERD có thể gây ung thư thực quản nếu không được chữa trị

Dấu hiệu nhận biết, triệu chứng trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây ra một loạt các triệu chứng, dưới đây là những dấu hiệu chính giúp nhận biết tình trạng này:

Cảm giác trào ngược

Bạn có thể cảm thấy thức ăn, chất lỏng trào ngược từ dạ dày lên họng sau khi ăn và có vị chua của axit. Hiện tượng này gọi là ợ chua.

Cảm giác nóng rát

Axit trào ngược còn mang theo cảm giác nóng rát do gây bỏng rát mô thực quản. Nếu cảm giác này ở vùng ngực gọi là ợ nóng, còn ở vùng gần dạ dày thì gọi là triệu chứng khó tiêu do axit.

Đau ngực không do bệnh lý tim mạch

Đau ngực không do bệnh lý tim mạch, một số người không có cảm giác ợ nóng hay khó tiêu, nhưng lại gặp các cơn đau ngực. Nguyên nhân là do cơn đau thực quản kích thích các dây thần kinh và quy chiếu, khiến bạn cảm giác như cơn đau tim.

Buồn nôn

Trào ngược axit có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn hoặc mất cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, bạn có thể cảm giác như còn thức ăn chưa được tiêu hóa mặc dù đã ăn cách đó lâu rồi.

Đau họng

Lượng axit trào ngược lên vùng họng có thể làm họng bạn bỏng rát, sưng đau và hiện tượng này thường xảy ra vào ban đêm. Chính điều này tạo cảm thấy như có cục u trong họng hoặc gây cảm giác khó nuốt.

Triệu chứng của bệnh lý hen suyễn

GERD có thể gây ra các triệu chứng giống như hen suyễn, như ho mạn tính, thở khò khè và khó thở. Nếu các hạt axit xâm nhập vào đường hô hấp có thể khiến đường thở co thắt tạo nên triệu chứng như cơn hen.

Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây cảm giác nóng rát do axit gây bỏng rát mô thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây cảm giác nóng rát do axit làm bỏng rát mô thực quản

Các phương pháp điều trị trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là một bệnh lý phổ biến, có thể điều trị hiệu quả bằng nhiều phương pháp, bao gồm:

Thuốc điều trị:

  • Thuốc kháng axit: Giúp trung hòa axit trong dạ dày, làm giảm triệu chứng ợ nóng và khó tiêu. Ví dụ: Phosphalugel, Gaviscon, Alka-Seltzer.
  • Thuốc ức chế bơm proton: Ngăn chặn sản xuất axit trong dạ dày. Ví dụ: Omeprazole, Lansoprazole, Esomeprazole.
  • Thuốc thúc đẩy tiêu hóa: Giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn qua dạ dày, giảm nguy cơ trào ngược. Ví dụ: Domperidone.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi bị tổn thương bởi axit. Ví dụ: Sucralfate.

Phẫu thuật:

  • Phẫu thuật nội soi: Được thực hiện trong trường hợp thuốc điều trị không hiệu quả hoặc bệnh nhân có biến chứng nghiêm trọng.
  • Phẫu thuật tạo hình van thực quản: Cắt bỏ một phần thực quản để tạo ra van ngăn axit trào ngược.

Lưu ý:

  • Các phương pháp điều trị có thể được kết hợp để đạt hiệu quả tối ưu.
  • Điều trị trào ngược dạ dày cần phải được bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa thăm khám và chỉ định.
  • Không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton, vì có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Duy trì lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để phòng ngừa và kiểm soát bệnh trào ngược dạ dày.
Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh tại nhà bằng cách cải thiện lối sống, chế độ ăn uống phù hợp
Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh tại nhà bằng cách cải thiện lối sống, chế độ ăn uống phù hợp

Cách phòng ngừa trào ngược dạ dày hiệu quả

Dưới đây là những cách phòng ngừa trào ngược dạ dày hiệu quả:

  • Hạn chế thực phẩm gây kích ứng: Tránh các thực phẩm có thể làm tăng sản xuất axit hoặc làm giãn cơ thắt thực quản như: đồ uống có ga, rượu, cà phê, chocolate, thức ăn cay, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, trái cây có múi, cà chua.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ: Thay vì ăn 1-2 bữa lớn, hãy chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm áp lực lên dạ dày.
  • Nhai kỹ thức ăn và ăn chậm: Điều này giúp thức ăn dễ tiêu hóa hơn, giảm nguy cơ trào ngược.
  • Uống đủ nước: Nước giúp đẩy thức ăn xuống dạ dày nhanh hơn, đồng thời cũng giúp làm loãng axit trong dạ dày.
  • Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì: Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ chính của trào ngược dạ dày.
  • Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi, đồng thời cũng giúp giảm nguy cơ trào ngược.
  • Nâng đầu giường cao hơn 15-20 cm: Điều này giúp giảm áp lực lên dạ dày, tránh tình trạng axit trào ngược.
  • Tránh căng thẳng, lo âu: Căng thẳng, lo âu có thể làm tăng sản xuất axit trong dạ dày, tăng nguy cơ trào ngược.
  • Tránh mặc quần áo chật bó bụng: Quần áo chật có thể tạo áp lực lên dạ dày, khiến axit dễ dàng trào ngược lên thực quản.
  • Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản, tăng nguy cơ trào ngược.

Các lưu ý khác:

  • Tư vấn với bác sĩ: Nếu bạn có tiền sử bệnh trào ngược dạ dày hoặc các yếu tố nguy cơ khác, hãy tư vấn với bác sĩ để được hướng dẫn cách phòng ngừa phù hợp.
  • Tập luyện thể dục đều đặn: Tập luyện thể dục giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện khả năng tiêu hóa và giảm nguy cơ trào ngược.
  • Kiểm soát stress: Áp dụng các kỹ thuật thư giãn như thiền định, yoga để kiểm soát căng thẳng, lo âu.
Sử dụng thuốc kháng axit (Antacid) và thuốc ức chế bơm proton (PPIs) để cải thiện các triệu chứng và bảo vệ niêm mạc thực quản
Sử dụng thuốc kháng axit (Antacid) và thuốc ức chế bơm proton (PPIs) để cải thiện các triệu chứng và bảo vệ niêm mạc thực quản

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Dấu hiệu bất thường

Nếu bạn xuất hiện một số dấu hiệu bất thường sau đây, cần chú ý và thăm khám ngay:

  • Đau ngực dữ dội hoặc liên tục: Cảm giác đau ngực nặng nề hoặc cảm giác như có áp lực, đặc biệt nếu không giảm sau khi dùng thuốc kháng axit hoặc thay đổi lối sống.
  • Khó nuốt hoặc đau khi nuốt: Cảm giác đau hoặc khó khăn khi nuốt thực phẩm hoặc chất lỏng, có thể kèm theo cảm giác nghẹn.
  • Nôn ra máu hoặc chất nâu giống như cà phê: Có thể là dấu hiệu của sự xuất huyết trong dạ dày hoặc thực quản.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân: Giảm cân đột ngột và không có lý do rõ ràng có thể cho thấy tình trạng bệnh đã nghiêm trọng hơn.
  • Khàn giọng kéo dài hoặc ho mãn tính: Đặc biệt nếu triệu chứng không cải thiện với điều trị, có thể liên quan đến viêm thanh quản hoặc các biến chứng khác của GERD.
  • Khó thở hoặc triệu chứng hen suyễn: Trào ngược dạ dày có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn hoặc gây khó thở.
Nếu bạn xuất hiện một số dấu hiệu bất thường cần thăm khám bác sĩ ngay
Nếu bạn xuất hiện một số dấu hiệu bất thường cần thăm khám bác sĩ ngay

Các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán

Để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm để đánh giá tình trạng của thực quản của bạn như:

  • Chụp X-quang thực quản: Xét nghiệm này sử dụng X-quang động để theo dõi chuyển động của thực quản khi nuốt một chất lỏng có màu trắng gọi là Barium.
  • Nội soi thực quản: Phương pháp này sử dụng một ống nhỏ có camera được đưa qua miệng khi bạn đang ngủ dưới gây tê nhẹ để quan sát bên trong lòng thực quản. 
  • Xét nghiệm pH thực quản: Xét nghiệm này đo axit trong thực quản bằng cách sử dụng một thiết bị không dây nhỏ. Thiết bị này được đưa vào thực quản trong quá trình nội soi.
  • Đo áp lực thực quản: Xét nghiệm này kiểm tra hoạt động của các cơ trong thực quản bằng cách sử dụng các cảm biến áp lực gắn trên một ống thông qua mũi vào dạ dày, giúp xác định xem cơ thắt thực quản dưới hoặc các cơ khác có hoạt động bình thường hay không.
Nội soi thực quản giúp quan sát hình thái bên trong lòng thực quản
Nội soi thực quản giúp quan sát hình thái bên trong lòng thực quản

Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín

Dưới đây là các bệnh viện uy tín tại Việt Nam nổi bật trong việc điều trị các bệnh lý tiêu hóa, bao gồm trào ngược dạ dày:

  • Bệnh viện Bạch Mai: Là một trong những bệnh viện hàng đầu tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai có chuyên khoa tiêu hóa mạnh với đội ngũ bác sĩ giỏi và trang thiết bị y tế tiên tiến.
  • Bệnh viện Chợ Rẫy: Bệnh viện lớn và uy tín ở TP.HCM, cung cấp dịch vụ khám và điều trị các bệnh lý tiêu hóa, bao gồm trào ngược dạ dày thực quản.
  • Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Bệnh viện được biết đến với các chuyên khoa tiêu hóa chất lượng cao và đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi.
  • Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: Bệnh viện đa khoa có uy tín với các chuyên khoa tiêu hóa, phục vụ nhu cầu khám và điều trị các bệnh lý tiêu hóa hiệu quả.

Một số câu hỏi liên quan

Trẻ sơ sinh có bị trào ngược dạ dày thực quản không?

Trẻ sơ sinh thường bị trào ngược dạ dày thực quản do cơ thắt thực quản dưới chưa phát triển hoàn thiện dẫn đến việc axit dễ dàng trào ngược lên thực quản. Trong nhiều trường hợp, tình trạng này có thể cải thiện khi trẻ lớn lên và cơ thể phát triển.

Trào ngược dạ dày không nên ăn gì?

Để kiểm soát triệu chứng trào ngược dạ dày, nên tránh các thực phẩm có thể làm tình trạng này trầm trọng hơn. Các thực phẩm cần kiêng bao gồm đồ chiên, thức ăn nhanh, bánh pizza, khoai tây chiên và các loại đồ ăn nhẹ chế biến sẵn, gia vị cay như bột ớt và hạt tiêu, thịt mỡ như thịt xông khói và xúc xích, cùng với các loại phô mai chứa nhiều chất béo. Tránh những thực phẩm này giúp giảm triệu chứng và cải thiện tình trạng sức khỏe liên quan đến trào ngược dạ dày.

Trào ngược dạ dày có chữa được không?

Có, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể được điều trị và kiểm soát hiệu quả. Phương pháp điều trị phổ biến nhất là sử dụng thuốc để giảm lượng axit trong dạ dày. Nếu thay đổi lối sống và dùng thuốc không cải thiện triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật như một lựa chọn điều trị tiếp theo để giải quyết tình trạng trào ngược.

Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị, chứng ợ nóng (hay còn gọi là trào ngược axit) có thể phát triển thành một tình trạng nghiêm trọng hơn là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Nếu GERD không được quản lý, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn bao gồm cả ung thư thực quản.

Xem thêm: 

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một bệnh lý nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bạn nếu không được điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp sẽ kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng theo dõi Docosan để nắm được các thông tin sức khoẻ bổ ích một cách sớm nhất!

Nguồn tham khảo:

1. Acid Reflux & GERD

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17019-acid-reflux-gerd
  • Ngày tham khảo: 02/09/2024

2. Gastroesophageal reflux disease

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/symptoms-causes/syc-20361940
  • Ngày tham khảo: 02/09/2024

3. Treatment for GER & GERD

  • Link tham khảo: https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/acid-reflux-ger-gerd-adults/treatment
  • Ngày tham khảo: 02/09/2024