Xét nghiệm Hemoglobin (Hb) là gì? Cách đọc kết quả xét nghiệm Hb

Xét nghiệm hemoglobin là một phần của xét nghiệm máu tổng quát (CBC) cho biết tình trạng sức khỏe huyết học của bệnh nhân. Vậy xét nghiệm hemoglobin là gì và lượng huyết sắc tố thấp cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm nào? Hãy theo dõi bài viết sau để tìm câu trả lời nhé!

Hemoglobin là gì?

Hemoglobin bản chất là một loại protein trong tế bào hồng cầu. Nhờ có hemoglobin liên kết với oxy, hồng cầu có thể vận chuyển oxy đến các tế bào trên khắp cơ thể. Oxy là phân tử rất cần thiết để cơ thể hoạt động và thực hiện chức năng bình thường. Bên cạnh oxy, hemoglobin cũng liên kết với carbon dioxide và thực hiện trao đổi khí với phổi trong quá trình thở ra. Phân tử hemoglobin có cấu tạo gồm 2 phần: Phần hem và phần globin. Sắt là một trong những thành phần chính của hem, có chức năng liên kết với oxy để phân tử hemoglobin vận chuyển oxy đến các tế bào. Ngoài ra, sắt cũng góp phần tạo nên màu đỏ của hồng cầu.

Hemoglobin bản chất là một loại protein trong tế bào hồng cầu
Hemoglobin bản chất là một loại protein trong tế bào hồng cầu

Xét nghiệm Hb là gì?

Xét nghiệm hemoglobin (xét nghiệm Hb) dùng để đo nồng độ hemoglobin trong máu. Chỉ số Hb đánh giá tình trạng thiếu máu và được thực hiện như một phần của xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC). Nồng độ hemoglobin thấp có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu, bệnh tan máu bẩm sinh, thiếu sắt, bệnh gan, ung thư hoặc các bệnh lý khác. Ngược lại, nồng độ hemoglobin cao cảnh báo các bệnh lý về phổi, tim mạch và bệnh đa hồng cầu nguyên phát (một rối loạn huyết học mà cơ thể sản xuất dư thừa hồng cầu, gây đau đầu, mệt mỏi và khó thở). Tuy nhiên, chỉ số Hb bất thường không phải lúc nào cũng thể hiện tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Chế độ ăn uống, sinh hoạt, thuốc đang dùng, thời kỳ kinh nguyệt và nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả này. Ngoài ra, chỉ số Hb có xu hướng cao đối với những người sống ở khu vực miền núi. Do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ hơn về kết quả xét nghiệm của mình.

Xét nghiệm hemoglobin (xét nghiệm Hb) dùng để đo nồng độ hemoglobin trong máu
Xét nghiệm hemoglobin (xét nghiệm Hb) dùng để đo nồng độ hemoglobin trong máu

Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm Hb

Xét nghiệm Hb, cùng với xét nghiệm bạch cầu và tiểu cầu, là các chỉ số quan trọng của xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC). Bất kỳ sự bất thường nào trong các chỉ số này đều có thể cảnh báo về tình trạng rối loạn huyết học hoặc những bệnh lý tiềm ẩn khác. Các bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm Hb hoặc xét nghiệm máu toàn phần trong trường hợp:

  • Bạn có các triệu chứng của bệnh thiếu máu như yếu cơ, chóng mặt, lạnh tay chân.
  • Tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh thalassemia, thiếu máu hồng cầu hình liềm hoặc các rối loạn máu di truyền khác.
  • Chế độ ăn ít sắt và các khoáng chất khác.
  • Tình trạng nhiễm trùng kéo dài.
  • Mất máu quá nhiều do chấn thương hoặc phẫu thuật.
  • Phụ nữ mang thai.
Chỉ số Hb cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm
Chỉ số Hb cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm

Cách tiến hành xét nghiệm Hb

Để tiến hành xét nghiệm Hb, điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ dùng một cây kim nhỏ để lấy máu từ tĩnh mạch cánh tay người bệnh. Trẻ sơ sinh hoặc trẻ em có thể dùng que chích gót chân hoặc chích máu ngón tay để việc lấy máu thuận tiện hơn. Đầu tiên, vùng da lấy máu sẽ được lau sạch bằng cồn y tế. Sau đó, điều dưỡng sẽ băng một dải thun quanh cánh tay phía trên khuỷu tay và yêu cầu người bệnh nắm chặt tay lại để máu chảy dễ dàng hơn. Tiếp theo, điều dưỡng sẽ đưa kim lấy máu vào tĩnh mạch và bắt đầu thực hiện lấy máu xét nghiệm. Trong quá trình lấy máu, người bệnh có thể cảm thấy hơi đau, nhất là lúc đưa kim vào tĩnh mạch và rút kim ra khỏi cơ thể. Máu sau khi lấy sẽ được bảo quản trong lọ hoặc ống nghiệm có dán nhãn đầy đủ. Quá trình lấy máu diễn ra khá nhanh, thường chỉ trong vòng 5 phút. Mẫu máu sau đó sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích và trả kết quả cho bệnh nhân trong vòng 1 – 2 ngày.

Mẫu máu xét nghiệm lấy từ tĩnh mạch cánh tay hoặc dùng que chích máu ngón tay
Mẫu máu xét nghiệm lấy từ tĩnh mạch cánh tay hoặc dùng que chích máu ngón tay

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Hb

Nồng độ hemoglobin trong máu bình thường dao động vào khoảng 12 – 17,4 g/dL đối với người trưởng thành. Kết quả xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, điển hình như:

  • Yếu tố dinh dưỡng: Thiếu hụt sắt, vitamin B12, acid folic và các dưỡng chất khác trong khẩu phần ăn có thể khiến nồng độ Hb suy giảm.
  • Bệnh lý mạn tính: Thiếu máu thiếu sắt, thalassemia, ung thư, viêm gan, bệnh thận, bệnh tim mạch,… có thể gây ảnh hưởng đến nồng độ Hb.
  • Yếu tố môi trường sống: Vùng địa lý, mức độ ô nhiễm,…cũng là tác nhân ảnh hưởng đến nồng độ Hb.
  • Tình trạng sức khỏe hiện tại: Tâm lý mệt mỏi, căng thẳng; nhiễm trùng kéo dài; lối sống ít vận động; đang dùng thuốc điều trị bệnh;…
Nồng độ hemoglobin bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố
Nồng độ hemoglobin bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố

Liên hệ bệnh viện Đồng Nai để xét nghiệm hemoglobin ngay

Cách đọc kết quả xét nghiệm Hb

Nồng độ Hb được đo bằng đơn vị g/dL (gram trên decilit). Chỉ số Hb bình thường trong máu có thể dao động tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và nhiều yếu tố khác. Theo Clinical Methods, chỉ số Hb bình thường ở nam giới là từ 14 – 18 g/dL, nữ giới là từ 12 – 16 g/dL. Kết quả xét nghiệm nồng độ Hb vượt ngoài khoảng tham chiếu có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý. Cụ thể như sau:

  • Nồng độ Hb thấp hơn so với tham chiếu: Cảnh báo thiếu máu thiếu sắt, thalassemia, bệnh gan, ung thư,…
  • Nồng độ Hb cao hơn so với tham chiếu: Cảnh báo bệnh phổi, tim mạch, bệnh đa hồng cầu nguyên phát,…

Những điều cần làm sau khi có kết quả xét nghiệm Hb

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ căn cứ vào yếu tố lâm sàng và tình trạng sức khỏe hiện tại để chẩn đoán. Nồng độ hemoglobin cao hoặc thấp hơn so với mức tham chiếu có thể là điều bình thường và không phản ánh bất kỳ tình trạng sức khỏe nào kể trên. Để chẩn đoán đúng, cần phải xem xét chỉ số Hb cùng với các chỉ số khác trong xét nghiệm máu, xét nghiệm bổ sung, kết hợp triệu chứng lâm sàng nhằm làm rõ nguyên nhân gây ra sự bất thường của chỉ số Hb.

Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ ý nghĩa kết quả xét nghiệm của mình.
Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ ý nghĩa kết quả xét nghiệm của mình.

Xem thêm: 

Bài viết trên đây đã trình bày chi tiết về chỉ số hemoglobin là gì cũng như ý nghĩa của kết quả xét nghiệm này. Hãy chia sẻ cho mọi người xung quanh nếu thấy bài viết hữu ích nhé!  Link tham khảo: 1. Everything You Need to Know About Hemoglobin.

  • Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/what-is-hemoglobin.
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024.

2. Hemoglobin Test.

  • Link tham khảo: https://medlineplus.gov/lab-tests/hemoglobin-test/.
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024.

3. Haemoglobin Test (Hb Blood Test): What it is, Procedure & Results.

  • Link tham khảo: https://www.metropolisindia.com/blog/preventive-healthcare/hb-hemoglobin-blood-test-what-it-is.
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024.

4. Hemoglobin Test.

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/17790-hemoglobin-test.
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024.

5. Hemoglobin Blood Test.

  • Link tham khảo: https://www.testing.com/tests/hemoglobin/.
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024.