Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em: Cách phân biệt và xử lý

Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng phổi nguy hiểm thường gặp ở trẻ em. Nhận biết sớm triệu chứng, phân biệt bệnh và xử lý đúng cách là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe bé yêu. Docosan sẽ cung cấp thông tin chi tiết giúp cha mẹ phát hiện các biểu hiện của trẻ bị viêm phổi và chủ động đối phó với bệnh ở trẻ qua bài viết dưới đây.

Tóm tắt nội dung

Viêm phổi ở trẻ em: Tổng quan bệnh lý và mức độ nguy hiểm

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng ở phổi
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng ở phổi

Các nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em bao gồm: Virus (Chiếm phần lớn các trường hợp như RSV, cúm, adenovirus, và coronavirus …); Vi khuẩn (Phế cầu khuẩn – Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Mycoplasma pneumoniae…); và Nấm (Hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở trẻ có hệ miễn dịch suy giảm).

Thông thường, viêm phổi rất dễ lây qua giọt bắn đường hô hấp từ người bệnh khi ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện. Trẻ cũng có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với bề mặt có virus hoặc vi khuẩn rồi chạm vào mắt, mũi, miệng.

Biểu hiện viêm phổi ở trẻ em theo từng giai đoạn và độ tuổi

Trẻ thường xuyên quấy khóc là một dấu hiệu của bệnh viêm phổi
Trẻ thường xuyên quấy khóc là một dấu hiệu của bệnh viêm phổi

Triệu chứng viêm phổi điển hình:

  • Sốt cao liên tục, có thể kèm theo rét run.
  • Ho dai dẳng, có thể ho khan hoặc ho có đờm.
  • Thở nhanh, khó thở, có thể nghe tiếng thở rít.
  • Mệt mỏi, quấy khóc, chán ăn.

Triệu chứng hô hấp chi tiết:

1. Thở nhanh, nông: Theo WHO

  • Trẻ dưới 2 tháng có nhịp thở >60 lần/phút
  • Trẻ từ 2 tháng -12 tháng >50 lần/phút
  • Trẻ từ 1 tuổi -5 tuổi >40 lần/phút
  • Trẻ trên 5 tuổi >20 lần/phút là bất thường

2. Khò khè, thở rít: Đặc biệt khi hít vào.

3. Rút lõm lồng ngực: Biểu hiện rõ khi trẻ cố gắng hít thở.

4. Cánh mũi phập phồng, dấu hiệu cơ thể trẻ đang cố gắng lấy thêm oxy.

5. Tím tái (môi, đầu ngón tay, chân): Biểu hiện nguy hiểm, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

Triệu chứng toàn thân và các dấu hiệu khác

Ba mẹ cần quan sát các biểu hiện bất thường của trẻ để có thể phát hiện sớm bệnh viêm phổi
Ba mẹ cần quan sát các biểu hiện bất thường của trẻ để có thể phát hiện sớm bệnh viêm phổi

Ngoài những dấu hiệu viêm phổi điển hình, một số dấu hiệu khác của viêm phổi có thể kể đến như là:

  • Lừ đừ, mất sức, ngủ nhiều hơn bình thường, quấy khóc.
  • Bỏ bú, chán ăn, sụt cân.
  • Nôn trớ, đau bụng, tiêu chảy.
  • Ớn lạnh, run rẩy, đau nhức cơ bắp.

Triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh:

Trẻ sơ sinh có thể không biểu hiện triệu chứng điển hình như ho hoặc sốt. Một số dấu hiệu cần chú ý:

  • Bú kém, ngủ nhiều.
  • Thở rên, da tái nhợt.
  • Nhiệt độ cơ thể không ổn định (có thể hạ thân nhiệt thay vì sốt cao).

Phân biệt viêm phổi với các bệnh hô hấp thường gặp khác ở trẻ

Phân biệt viêm phổi và cảm lạnh thông thường

Viêm phổi thường bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác
Viêm phổi thường bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác

Ho do cảm lạnh thường đi kèm với các triệu chứng nhẹ như sổ mũi, đau họng, và không gây sốt cao hoặc khó thở nghiêm trọng. Ngược lại, ho do viêm phổi thường nặng hơn, ho kéo dài kèm theo đờm màu vàng hoặc xanh, sốt cao, khó thở và đau ngực. Cảm lạnh thường tự khỏi sau 5 đến 7 ngày. Viêm phổi có nguy cơ tiến triển nặng hơn nếu không được chẩn đoán kịp thời

Hiểu rõ sự khác biệt này sẽ giúp chúng ta có những biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình

Phân biệt viêm phổi và viêm phế quản, hen suyễn

Cùng là bệnh lý đường hô hấp, hen suyễnviêm phế quản đều gây kích thích đường thở, viêm và ho, đây là lý do mà hai căn bệnh này thường nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn này rất nguy hiểm, bởi phương pháp điều trị của hai bệnh này rất khác biệt.

  • Viêm phế quản: Ho nhiều, khò khè, ít sốt, thường do virus.
  • Hen suyễn: Khó thở tái phát, thường xuất hiện vào ban đêm hoặc sáng sớm, có tiền sử gia đình mắc hen suyễn.

Chẩn đoán viêm phổi ở trẻ em: Quy trình và các xét nghiệm cần thiết

Khám lâm sàng

Bác sĩ thăm khám và nghe phổi bằng ống nghe để phát hiện âm thanh bất thường của phổi. Ngoài ra, đếm nhịp thở, đo độ bão hòa oxy (SpO2) và kiểm tra các dấu hiệu toàn thân cũng là những bước khảo sát tình trạng viêm phổi ban đầu.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu là xét nghiệm cần thiết trong chẩn đoán bệnh viêm phổi
Xét nghiệm máu là xét nghiệm cần thiết trong chẩn đoán bệnh viêm phổi

Xét nghiệm máu (CBC, CRP) giúp xác định tình trạng nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Số lượng tế bào bạch cầu tăng khi có xuất hiện nhiễm vi khuẩn, bác sĩ sẽ lấy máu để xác định chính xác loại vi khuẩn, từ đó tìm được loại kháng sinh điều trị phù hợp.

Chụp X-quang phổi

Chụp X-quang phổi giúp xác định chẩn đoán, góp phần xác định nguyên nhân, vị trí của nhiễm trùng và mắc độ nặng nhẹ của viêm phổi.

Các xét nghiệm khác

Xét nghiệm đờm hoặc dịch mũi họng giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh do virus hay vi khuẩn. Từ đó sẽ có hướng điều trị chính xác cho bệnh nhân.

Phác đồ điều trị viêm phổi ở trẻ em theo nguyên nhân và mức độ bệnh

Viêm phổi do virus

Chủ yếu điều trị triệu chứng như dùng thuốc hạ sốt, giảm ho, long đờm, bù nước và bổ sung dinh dưỡng. Vì đây là viêm phổi do virus nên kháng sinh không được chỉ định, chỉ dùng phối hợp trong trường hợp có bội nhiễm virus và vi khuẩn.

Viêm phổi do vi khuẩn

Kháng sinh thường được dùng trong điều trị viêm phổi do vi khuẩn
Kháng sinh thường được dùng trong điều trị viêm phổi do vi khuẩn

Kháng sinh là chỉ định đầu tay trong điều trị viêm phổi do vi khuẩn. Thời gian điều trị thông thường từ 5 – 10 ngày tùy loại kháng sinh và mức độ bệnh. Bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng thuốc để hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh.

Viêm phổi mức độ nặng (cần nhập viện):

Cần cho trẻ nhập viện nếu trẻ có dấu hiệu nguy hiểm. Tại bệnh viện, trẻ với tình trạng viêm phổi nặng có thể được chỉ định thở oxy, truyền dịch, kháng sinh đường tĩnh mạch và hỗ trợ hô hấp nếu cần.

Chăm sóc trẻ viêm phổi tại nhà: Bí quyết giúp bé nhanh hồi phục

Hạ sốt đúng cách

Trẻ thường bị sốt khi viêm phổi, ba mẹ cần nhanh chóng hạ sốt cho trẻ khi thấy con sốt cao. Hãy giữ cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và lau người bằng khăn ấm, tập trung vào các vùng nách, bẹn.

Có thể sử dụng Paracetamol hoặc Ibuprofen để hạ sốt nhưng ba mẹ cần lưu ý cho trẻ uống theo liều lượng dựa trên cân nặng của trẻ.

Vệ sinh mũi họng

Cần vệ sinh mũi, họng cho trẻ trong điều trị viêm phổi
Cần vệ sinh mũi, họng cho trẻ trong điều trị viêm phổi

Khi viêm phổi trẻ thường tích tụ dịch nhầy ở mũi và họng, gây khó chịu và cản trở hô hấp. Do đó, phụ huynh cần vệ sinh mũi và họng cho trẻ thường xuyên để giảm lượng dịch nhầy, giúp trẻ dễ thở hơn.

Ba mẹ có thể sử dụng dung dịch nhỏ mũi hoặc xịt mũi phù hợp để làm sạch, sau đó dùng khăn sạch thấm nhẹ vùng mũi và miệng. Việc vệ sinh mũi họng không chỉ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn mà còn hỗ trợ quá trình hồi phục.

Cho trẻ uống đủ nước

Trẻ bị sốt thường mất nước, phụ huynh cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Trẻ có thể bổ sung nước từ sữa mẹ, nước lọc, nước trái cây và oresol nếu cần.

Đảm bảo dinh dưỡng

Cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ trong quá trình điều trị viêm phổi
Cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ trong quá trình điều trị viêm phổi

Chế độ ăn uống cũng là yếu tố quan trọng trong điều trị viêm phổi ở trẻ. Ba mẹ cần bổ sung đầy các nhóm thực phẩm trong bữa ăn cho trẻ. Ngoài ra, trong bữa ăn có thể thêm các thực phẩm như gừng, mật ong và trái cây họ cam quýt để giúp cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ. Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ với thức ăn mềm, dễ tiêu. Ba mẹ nên chia nhỏ bữa để trẻ dễ hấp thu.

Nghỉ ngơi đầy đủ

Trẻ cần được nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh, thoáng mát, tránh khói thuốc lá, bụi bẩn hoặc các yếu tố gây kích ứng. Đảm bảo giữ độ ẩm không khí vừa phải trong phòng giúp trẻ dễ chịu hơn.

Theo dõi sát sao các dấu hiệu bệnh

Thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh của trẻ như nhịp thở, đo nhiệt độ, mức độ khó thở, tình trạng ăn uống hay hoạt động của trẻ,… và cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Tránh tự ý dùng thuốc ho, kháng sinh

Ba mẹ cần lưu ý không tự ý dùng  hoặc thay đổ liều lượng thuốc ho hay kháng sinh cho trẻ mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Cần cho trẻ thăm khám bác sĩ để được điều trị đúng cách và hợp lý.

Sử dụng thẻ lọc không khí – khử mùi ion e air Card Plus để cải thiện môi trường

Sử dụng thẻ lọc không khí - khử mùi ion e air Card Plus giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp
Sử dụng thẻ lọc không khí – khử mùi ion e air Card Plus giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp

Với công nghệ ion âm tiên tiến, thẻ lọc không khí – khử mùi ion e air Card Plus phát ra các ion âm có khả năng bám dính và loại bỏ hiệu quả bụi mịn, vi khuẩn, virus cùng các tác nhân gây dị ứng trong không khí, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, khả năng khử mùi hôi của thẻ mang lại cảm giác dễ chịu; đặc biệt hữu ích khi sử dụng trong không gian chật hẹp như tủ lạnh, xe hơi

Biến chứng nguy hiểm của viêm phổi ở trẻ

Như đã đề cập ở trên, nếu trẻ không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp và nguy cấp hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.

Phòng ngừa viêm phổi hiệu quả

Tiêm vaccine là một phương pháp phòng ngừa viêm phổi và các bệnh tiêu hoá khác
Tiêm vaccine là một phương pháp phòng ngừa viêm phổi và các bệnh tiêu hoá khác

Thời điểm giao mùa trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, ba mẹ có thể phòng ngừa viêm phổi cho trẻ và gia đình bằng cách:

  • Tiêm chủng vaccine: Vaccine phế cầu khuẩn, vaccine cúm mùa, vaccine Hib, vắc-xin ho gà, vaccine COVID-19, vaccine  RSV (cho mẹ bầu hoặc kháng thể đơn dòng cho trẻ sơ sinh).
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Dinh dưỡng cân đối, bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, ngủ đủ giấc, vận động hợp lý và bổ sung vitamin (theo chỉ định bác sĩ).
  • Vệ sinh cá nhân và môi trường: Rửa tay thường xuyên, tránh khói thuốc lá, giữ nhà cửa và môi trường thông thoáng, sạch sẽ, tránh nơi đông người khi có dịch bệnh.

Câu hỏi liên quan

Viêm phổi ở trẻ em có lây không? Lây qua đường nào?

Có, con đường lây nhiễm chủ yếu của viêm phổi là qua đường hô hấp như giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện…

Viêm phổi ở trẻ em kéo dài bao lâu thì khỏi?

Thời gian khỏi bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ bệnh, sức khỏe của trẻ. Thông thường từ 1 – 3 tuần.

Khi nào cần đưa trẻ bị viêm phổi đến bệnh viện ngay lập tức?

Trường hợp viêm phổi kéo dài nhiều ngày không suy giảm triệu chứng
Trường hợp viêm phổi kéo dài nhiều ngày không suy giảm triệu chứng

Khi trẻ có biểu hiện nặng như khó thở nặng, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, tím tái, li bì, bỏ bú, sốt cao không hạ, co giật… cần đưa trẻ đến bệnh viện lập tức để được hỗ trợ y tế kịp thời.

Viêm phổi có thể tái phát ở trẻ em không? Làm sao để phòng tránh tái phát?

Viêm phổi có thể tái phát, đặc biệt khi trẻ có sức đề kháng yếu. Vì vậy ba mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vắc xin đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch và giữ môi trường sạch sẽ, thông thoáng để hạn chế nguy cơ tái phát.

Xem thêm:

Viêm phổi là một bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe của trẻ, theo dõi sát các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi khám ngay khi cần thiết. Hãy cùng Docosan chia sẻ bài viết này để nhiều bậc phụ huynh có thêm thông tin hữu ích trong việc bảo vệ con yêu khỏi bệnh viêm phổi!

Nguồn tham khảo:

1. Pneumonia in children under 5 years of age

  • Link tham khảo: https://medicalguidelines.msf.org/en/viewport/CG/english/pneumonia-in-children-under-5-years-of-age-16689531.html
  • Ngày tham khảo: 06/3/2025

2. What You Need to Know About Pneumonia in Children

  • Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/pneumonia-in-children
  • Ngày tham khảo: 06/3/2025

3. Pneumonia

  • Link tham khảo: https://www.nationwidechildrens.org/conditions/pneumonia
  • Ngày tham khảo: 06/3/2025

4. Pneumonia in Children: Causes, Symptoms, Treatment & Prevention

  • Link tham khảo: https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/chest-lungs/Pages/Pneumonia.aspx
  • Ngày tham khảo: 06/3/2025