Đau mắt hột: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bệnh đau mắt hột là một trong những dịch bệnh mà nước ta khống chế thành công, số ca nhiễm đã giảm đáng kể. Đây là một bệnh lý về mắt nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề. Trong điều kiện vệ sinh kém, bệnh có thể xuất hiện trở lại. Hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Đau mắt hột là gì?

Đau mắt hột (trachoma) là một bệnh lý nhiễm trùng tại mắt gây ra bởi chủng vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Hậu quả để lại có thể là sẹo, mờ thậm chí là gây mù vĩnh viễn. Đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ở 44 quốc gia và là nguyên nhân dẫn đến mù lòa cho hơn 1,9 triệu bệnh nhân. Một dữ liệu thống kê vào tháng 3 năm 2020 cho thấy 137 triệu người sống trong vùng lưu hành của bệnh đau mắt hột và có nguy cơ bị mù mắt hột.

Đau mắt hột còn được định nghĩa là bệnh lý viêm mạn tính tại kết mạc và giác mạc, có khả năng lây lan và diễn tiến nhanh chóng thành các thể khác nhau. Bệnh làm nổi các hột ở mắt, sau đó vỡ ra tạo thành sẹo, khiến cho sụn mi ngắn lại và hậu quả là hiện tượng lông quặm. Trong trường hợp người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì lông quặm sẽ dẫn đến loét, thủng giác mạc, viêm nội nhãn, thậm chí là gây mù vĩnh viễn.

đau mắt hột
Hình ảnh đau mắt hột

Nguyên nhân và đường lây truyền của bệnh đau mắt hột

Vi khuẩn gây bệnh là Chlamydia trachomatis, ngoài gây bệnh đau mắt hột chủng vi khuẩn này còn gây một số bệnh khác ở hệ tiết niệu và sinh dục. Trong số 15 type huyết thanh của chủng này chỉ có các type sau đây gây ra bệnh là A, B, Ba và C.

Vậy căn bệnh này có lây không và lây như thế nào? Bệnh này có khả năng lây lan và lây lan qua nhiều phương thức khác nhau. Đường lây thường gặp là do tiếp xúc giữa người với người (tay, quần áo, giường nệm) và thông qua các con ruồi khi chúng tiếp xúc với dịch tiết từ mắt hoặc mũi của người bệnh. Với những lần tiếp xúc gây nên nhiễm trùng được lặp đi lặp lại trong nhiều năm sẽ khiến lông mi bị kéo vào, gây đau khó chịu và tổn thương giác mạc vĩnh viễn.

đau mắt hột
Vi khuẩn gây bệnh đau mắt hột là Chlamydia trachomatis

Biểu hiện của bệnh đau mắt hột

Các triệu chứng thường gặp trong đau mắt hột là:

  • Giai đoạn 1: ủ bệnh khoảng 7 ngày, kết mạc cương tụ, mi mắt phù, sợ ánh sáng và chảy nước mắt, những triệu chứng này thường xảy ra ở cả 2 mắt.
  • Giai đoạn 2: xuất hiện các hột nhỏ nằm ở kết mạc sụn mi trên, lớn dần về số lượng lẫn kích thước. Xuất hiện nhú viêm, tân mạch hóa giác mạc, xâm nhập từ các quai mạch. Giai đoạn này có thể kéo dài từ vài tháng cho đến >1 năm.
  • Giai đoạn 3: nhú và hột co lại, thay thế bằng các dải xơ, có thể tiến triển thành sẹo giác mạc, gây giảm thị lực.
  • Giai đoạn 4: sẹo kết mạc gây tổn thương lông quặm, lông xiêu và tắc tuyến lệ. Biểu mô giác mạc dày lên, mờ dần và giảm chảy nước mắt. Một vài trường hợp có ghi nhận tình trạng loét giác mạc.
đau mắt hột
Biểu hiện của bệnh đau mắt hột

Điều trị và phòng ngừa đau mắt hột

Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo phương thức phòng ngừa 4 bước SAFE để kiểm soát trình trạng đau mắt hột, bao gồm:

  • Surgery (phẫu thuật): điều trị giai đoạn giai đoạn gây mù mắt bằng cách phẫu thuật giải quyết hư tổn tại mí mắt ví dụ như lông quặm, lông xiêu.
  • Antibiotics (kháng sinh): loại bỏ nhiễm trùng, kháng sinh thường được chọn là Azythromycin.
  • Facial cleanliness: rửa mặt sạch sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm nhéo
  • Enviromental improvement (cải thiện môi trường): tiếp cận nguồn nước uống an toàn và cải thiện vệ sinh nơi sinh sống.
đau mắt hột
Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo phương thức phòng ngừa 4 bước SAFE để kiểm soát trình trạng đau mắt hột

Ngoài ra tổ chức y tế thế giới WHO cũng đã đề ra các phác đồ điều trị cho tình trạng đau mắt hột như: bôi thuốc mỡ tetracyclin 1% (hoặc sử dụng erythromycin thay thế) 8 giờ một lần ít nhất trong vòng 6 tuần để điều trị trong giai đoạn hoạt tính. Còn trong giai đoạn nặng, cần sự theo dõi sát sao của bác sĩ điều trị, sử dụng kháng sinh đường uống.

Ngay khi phát hiện các triệu chứng bạn nên đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tự ý sử dụng kháng sinh mà không có toa của bác sĩ điều trị. Việc bỏ qua bước thăm khám chẩn đoán và điều trị có thể khiến bệnh nặng hơn, thậm chí gây mất thị lực vĩnh viễn.

Một số bác sĩ khám và chữa bệnh đau mắt hột

  • Bác sĩ Jan Dirk Ferwerda – 25 năm kinh nghiệm – Quận 2
  • BSCKII Huỳnh Thị Thu Ba – 30 năm kinh nghiệm – Quận 8
  • BSCKII Lê Hồng Hà – 15 năm kinh nghiệm – Quận Phú Nhuận

Kết luận

Bệnh đau mắt hột là một bệnh hết sức nguy hiểm, nếu không điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời


Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Đau mắt hột: Nguyên nhân, triệu chứng điều trị và cách phòng ngừa – VNVC, Ths.Bs. Bùi Ngọc An Pha – Cố vấn chuyên môn Hệ thống trung tâm tiêm chủng cho trẻ em và người lớn VNVC

Trachoma – WHO

Contact Me on Zalo
Call Now Button