Hormone tăng trưởng là gì? 5 đối tượng nên tiêm hormone tăng trưởng

Hormone tăng trưởng ở người có tên là Human Growth hormone (gọi tắt là hormone GH), còn được gọi là somatotropic hormone (SH) hoặc somatotropin. Hormone tăng trưởng là một thành phần đặc biệt không thể thiếu ở trẻ em, người bệnh hay người bị chấn thương nên hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu thêm về loại hormone này nhé ! 

Hormone tăng trưởng GH (Growth Hormone) là một loại nội tiết tố quan trọng được sản xuất bởi tuyến yên của não và chi phối chiều cao, chiều dài xương và sự phát triển cơ bắp. Các loại thuốc chứa hormone tăng trưởng là các chế phẩm tổng hợp bằng công nghệ sinh học, tái tổ hợp gen người, được dùng trong một số bệnh lý nhất định. 

Ngày nay, thông qua sự phát triển y học vượt bậc, một số người đã lạm dụng hormone tăng trưởng tổng hợp với niềm tin sai lầm rằng nó sẽ giúp họ tăng kích thước và sức mạnh cơ bắp nên dẫn đến rất nhiều hậu quả khác nhau. Do đó, hãy cùng Docosan khám phá và tìm hiểu thêm những bí mật về loại hormone này nhé !

Hormone tăng trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao ở trẻ em.
Hormone tăng trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao ở trẻ em.

Tóm tắt nội dung

Hormone tăng trưởng là gì?

Hormone tăng trưởng được tổng hợp và tiết ra ở thuỳ trước của tuyến yên. Hormone tăng trưởng chịu trách nhiệm điều hòa quá trình tăng trưởng và phát triển của cơ thể, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và mô trong cơ thể. Đặc biệt chúng thúc đẩy sự phát triển của xương và cơ bắp, đồng thời giúp cơ thể phục hồi sau chấn thương và bệnh tật. 

Tuyến yên là một cấu trúc trong não của chúng ta sản xuất các loại hormone chuyên biệt khác nhau, trong đó có hormone GH. Nồng độ hormone tăng trưởng tăng lên trong thời thơ ấu và đạt đỉnh điểm ở tuổi dậy thì. Trong giai đoạn phát triển này, hormone tăng trưởng thúc đẩy sự phát triển của xương và sụn. Mức độ hormone tăng trưởng sẽ dao động trong ngày và thường xuyên thay đổi, ví dụ như khi chúng ta tập thể dục, vận động, khi đi ngủ, khi tâm trạng căng thẳng hoặc vui vẻ,… 


Trong suốt cuộc đời, hormone tăng trưởng luôn thay đổi để điều chỉnh chất béo, cơ, mô và xương trong cơ thể chúng ta cũng như tác động lên các khía cạnh khác của quá trình trao đổi chất như hoạt động của insulin và lượng đường trong máu. Nồng độ hormone tăng trưởng sẽ giảm dần theo tự nhiên từ tuổi trung niên trở đi. Vậy nên, điều chỉnh cân bằng hormone tăng trưởng có thể có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển và sức khỏe tổng thể của cơ thể.

Hormone tăng trưởng hoạt động như thế nào?

Hormone tăng trưởng GH ảnh hưởng đến hầu như toàn bộ các mô bào trong cơ thể người, kích thích tăng trưởng của tế bào cả về kích thước và quá trình phân bào, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình trao đổi chất như: Tăng tổng hợp protein tế bào, tăng phân giải mô mỡ để giải phóng năng lượng, giảm sử dụng glucose, GH còn tác động gián tiếp đến mô sụn và xương. Quá trình sản xuất hormone tăng trưởng GH được cơ thể tự điều hòa theo nhịp sinh học, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cơ thể.

Vì vậy, việc theo dõi lượng hormone tăng trưởng trong cơ thể rất quan trọng. Trên thực tế, nếu lượng hormone này cao hoặc thấp hơn so với bình thường, có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng. Đó là lý do vì sao các chuyên gia về sức khoẻ luôn khuyên rằng nên đi xét nghiệm hormone tăng trưởng một cách định kỳ.

Trường hợp lượng hormone tăng trưởng quá thấp là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tầm vóc thấp và bệnh lùn. Nó chủ yếu là do tổn thương vùng dưới đồi hoặc tuyến yên trong quá trình phát triển của thai nhi (thiếu hụt hormone tăng trưởng bẩm sinh) hoặc sau khi sinh (thiếu hụt hormone tăng trưởng mắc phải).

Trong trường hợp lượng hormone quá cao, trẻ nhỏ phải đối mặt với nguy cơ phát triển quá nhanh, hiện tượng này được gọi là hội chứng người khổng lồ. Điều này không hề tốt đối với sự phát triển của các em bé. Còn khi lượng hormone này trong cơ thể người trưởng thành tăng cao, nhiều khả năng sẽ mắc bệnh to đầu chi. Đây chính là nguyên nhân làm mọi người khá tự ti về vẻ ngoài của mình.

Nguyên nhân gây thiếu hormone tăng trưởng là gì?

Trong một số trường hợp, hormone tăng trưởng tiết ra ít hơn bình thường, gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và phát triển chiều cao của một người. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây thiếu hormone tăng trưởng:

  • Tuyến yên tạo ra quá ít hormone tăng trưởng do di truyền, chấn thương não nghiêm trọng, phẫu thuật hoặc sinh ra không có tuyến yên.
  • Các u ở tuyến yên hoặc u chèn ép xung quanh như u vùng dưới đồi, u não, u tuyến tùng…
  • Bệnh lý nhiễm trùng thần kinh trung ương hoặc nhiễm trùng toàn thân gây biến chứng lên não.
  • Ảnh hưởng bởi các phương pháp trị liệu như xạ trị vùng sọ, tai mũi họng và hốc mắt.
  • Suy tuyến yên tạm thời trong giai đoạn tiền dậy thì, mất cảm xúc, suy tuyến giáp.

Hầu hết các trường hợp (chiếm từ 50 – 70%) bị thiếu hụt hormone tăng trưởng đơn thuần, việc thiếu hormone tăng trưởng cũng có thể là một trong những triệu chứng của thiếu hụt nhiều hormone tuyến yên.

Thiếu hụt Hormone tăng trưởng ở trẻ em

Trẻ thiếu hormone tăng trưởng từ lúc nhỏ sẽ thấp bé, chậm lớn hơn bạn bè, chiều cao thấp hơn so với trẻ phát triển bình thường. Do giảm sản vùng mặt giữa nên gương mặt trẻ trông tròn và non nớt. Trẻ có tay chân nhỏ, dương vật nhỏ. Một số trẻ thiếu hormone tăng trưởng có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm dù tỷ lệ cơ thể bình thường.

Nếu tình trạng trẻ thiếu hormone GH xảy ra ở những giai đoạn sau của cuộc đời do chấn thương sọ não, khối u não thì triệu chứng thường gặp là dậy thì muộn, chậm phát triển về tình dục.

Trẻ thiếu hormone tăng trưởng cũng có thể sẽ thường xuyên thấy mệt mỏi, khả năng chịu đựng kém, nhạy cảm hơn với nhiệt độ nóng hoặc lạnh.

Một số các triệu chứng về tâm lý cũng có thể xảy ra với trẻ thiếu hormone tăng trưởng như trầm cảm, thiếu tập trung, trí nhớ kém, lo âu hoặc thay đổi cảm xúc,…

Trẻ thiếu hormone tăng trưởng từ lúc nhỏ sẽ thấp bé và chậm lớn hơn so với bạn bè.
Trẻ thiếu hormone tăng trưởng từ lúc nhỏ sẽ thấp bé và chậm lớn hơn so với bạn bè.

Thiếu hụt Hormone tăng trưởng ở người lớn

Người lớn bị thiếu hụt hormone tăng trưởng (có thể do các vấn đề với tuyến yên hoặc vùng dưới đồi) có thể có các triệu chứng bao gồm:

  • Mật độ xương kém (có thể dẫn đến loãng xương nếu không được điều trị)
  • Giảm khối lượng cơ bắp
  • Mệt mỏi
  • Trầm cảm
  • Trí nhớ kém
  • Tăng mỡ cơ thể quanh eo.

Họ có thể hưởng lợi từ việc điều trị bằng cách tiêm hormone GH, điều này có thể giúp:

  • tăng mật độ xương, do đó ngăn ngừa gãy xương;
  • tăng khối lượng cơ bắp;
  • tăng mức năng lượng;
  • tăng khả năng tập thể dục;
  • giảm mỡ cơ thể;
  • giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Nguyên nhân gây thừa hormone tăng trưởng

Dư thừa hormone tăng trưởng có thể được gây ra bởi một khối u lành tính của các tế bào somatotrophs ở tuyến yên. U tuyến yên do dư thừa hormone tăng trưởng GH có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, bằng thuốc hoặc xạ trị. Do đó, bệnh nhân không nên quá lo lắng khi kết quả xét nghiệm cho thấy đang bị dư thừa hormone tăng trưởng.

Ở trẻ em, dư thừa hormone tăng trưởng có thể khiến xương của trẻ tiếp tục dài ra ngay cả khi đã hết tuổi dậy thì. Một số trường hợp hiếm gặp có thể mắc chứng khổng lồ, chiều cao lên tới hơn 2m. Việc dư thừa hormone tăng trưởng cũng có thể dẫn đến yếu cơ, đau đầu, mặt bì bì…

Ở người lớn, dư thừa hormone tăng trưởng có thể dẫn đến bệnh to đầu chi. Tuy nhiên, trường hợp này cũng rất hiếm gặp. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện da dày, đổ nhiều mồ hôi, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức khớp… Khi đó, xương của bệnh nhân sẽ không phát triển theo chiều dài mà to lên theo chiều dày khiến bàn chân, bàn tay to ra.

Nếu không được điều trị kịp thời thì các bệnh lý do dư thừa hormone tăng trưởng GH rất nguy hiểm, có thể dẫn đến biến chứng như: tiểu đường, bệnh tim mạch, viêm khớp, huyết áp cao…

Bệnh to đầu chi là một chứng rối loạn do lượng hormone tăng trưởng
Bệnh to đầu chi là một chứng rối loạn do lượng hormone tăng trưởng dư thừa, phổ biến nhất là do khối u trong tuyến yên của người đó.

Xét nghiệm hormone GH

Như vậy, hormone tăng trưởng thực sự rất quan trọng đối với quá trình tăng trưởng của chúng ta. Nếu muốn kiểm tra tình hình tăng trưởng, phát triển của cơ thể, cũng như nghi ngờ các bệnh lý có liên quan bạn cần đi xét nghiệm hormone này.

Khi thực hiện xét nghiệm, chúng ta có thể đo được nồng độ hormone GH có trong máu. Nhờ đó, bạn sẽ nắm được tình trạng hiện tại của mình. 

Nếu gặp bất cứ vấn đề nào có liên quan tới hormone GH các bác sĩ sẽ kịp thời phát hiện và đưa ra phương pháp điều trị hợp lý. Nhờ vậy, cơ thể bệnh nhân tiếp tục phát triển bình thường, đảm bảo sự ổn định sức khỏe.

Nếu trẻ nhỏ có dấu hiệu phát triển, tăng trưởng chậm hơn so với bạn bè xung quanh, các bậc phụ huynh nên theo dõi tình trạng của bé và đưa con đi xét nghiệm sớm.

Ngoài ra, trong trường hợp trẻ dậy thì muộn hơn bình thường, xương chậm phát triển, bạn nên lưu ý và đi xét nghiệm để kịp thời phát hiện các vấn đề con trẻ đang gặp phải.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng dựa vào kết quả xét nghiệm hormone GH để chẩn đoán một số bệnh thường gặp ở người trưởng thành, thường là bệnh lý liên quan đến tuyến yên.

Nếu bạn đang gặp những triệu chứng như trên, hãy tới ngay cơ sở y tế uy tín và thực hiện xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ nhé!

Xét nghiệm hormone tăng trưởng
Xét nghiệm hormone tăng trưởng là một trong những xét nghiệm phổ biến hiện nay.

Có nên tiêm hormone tăng trưởng chiều cao không?

Trẻ em chỉ nên được tiêm hormone tăng trưởng chiều cao khi nằm trong nhóm đối tượng chỉ định phù hợp với phương pháp này. Tại Việt Nam, tiêm hormone GH được chỉ định cho 05 nhóm đối tượng sau:

  • Nhóm trẻ thiếu hoặc không đủ hormone GH;
  • Nhóm trẻ nhỏ hơn so với tuổi thai (trẻ khi sinh ra nhỏ hơn 2500g);
  • Nhóm trẻ mắc bệnh thận mãn tính;
  • Hội chứng Turner: Rối loạn nhiễm sắc thể giới tính chỉ xảy ra ở nữ giới;
  • Hội chứng Prader-Willi: Một rối loạn di truyền hiếm gặp trên nhiễm sắc thể số 15, khiến bệnh nhân thấp lùn, tay chân ngắn hơn bình thường.

Một số trường hợp khác, trẻ bị chậm phát triển mà không thể chẩn đoán rõ bệnh lý (gọi là triệu chứng thấp lùn vô căn) thì việc tiêm hormone tăng trưởng chiều cao có thể được cân nhắc. Độ tuổi tối ưu để tiến hành tiêm hormone GH chiều cao là từ 5 tuổi trở lên đến tiền dậy thì (trước 11 tuổi). Tuy vậy, đây là phương pháp có nhiều tác dụng phụ, do đó cần phải được bác sĩ thăm khám và chỉ định rõ ràng.

Sau tiêm, trẻ cần được theo dõi sát sao trong 3 – 6 tháng đầu để xem đáp ứng điều trị, và phát hiện sớm các tác dụng phụ có thể gặp như tăng áp lực nội sọ, đau xương khớp, sưng tay chân. Bố mẹ cần trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh lượng hormone tiêm nếu có bất thường xảy ra.

Lạm dụng hormone tăng trưởng bị gì?

Một số vận động viên hoặc người tập thể hình lạm dụng hormone tăng trưởng để cố gắng tăng kích thước và sức mạnh cơ bắp cũng sử dụng các loại thuốc được cho phép hoặc thuốc bất hợp pháp khác để cải thiện thành tích thi đấu thể thao. Đây chính là một cách thúc đẩy hormone GH của cơ thể phát triển. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của việc trộn các hoạt chất khác nhau này không được cung cấp đầy đủ thông tin và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Một số chất mọi người có thể sử dụng bao gồm:

  • Steroid phiên bản tổng hợp của hormone sinh dục nam testosterone. Chúng xây dựng mô cơ và hỗ trợ phục hồi nhanh chóng.
  • Amphetamin – để hỗ trợ giảm béo.
  • Thuốc chẹn beta – để chống run, một tác dụng phụ phổ biến của steroid.
  • Thuốc lợi tiểu – để chống giữ nước (bằng cách làm cho người đó đi tiểu nhiều).
  • Một số vận động viên cũng sử dụng đồng thời hormone tăng trưởng GH cùng với insulin nhằm tăng sức mạnh cơ bắp , đây là một cách luyện tập nguy hiểm vì nó làm giảm lượng đường trong máu.

Có một số công ty bán thuốc hormone tăng trưởng GH dành cho người hoặc thuốc giải phóng hormone tăng trưởng GH, tuyên bố rằng thuốc này là chất “chống lão hóa”. Nhưng những chất này chưa được chứng minh là làm tăng sản xuất hormone tăng trưởng GH của cơ thể hoặc chống lão hóa, tăng cơ bắp hoặc mang lại những lợi ích tương tự. Hormone tăng trưởng GH không có tác dụng nếu được dùng dưới dạng thuốc viên vì nó bị bất hoạt bởi các enzyme tiêu hóa.

Tác dụng phụ của việc sử dụng hormone tăng trưởng

Khi tiêm hormone tăng trưởng cho các đối tượng phù hợp chỉ định, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu đặc trưng của phản ứng dị ứng của dạng thuốc dùng đường tiêm như: Phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng…

Nếu dùng hormone tăng trưởng cho trẻ em và người lớn phát triển bình thường, hoặc những người không cần hormone tăng trưởng, các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng có thể xảy ra do nồng độ trong cơ thể trở nên quá cao. Những ảnh hưởng này bao gồm làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh tiểu đường; sự phát triển bất thường của xương và các cơ quan nội tạng như tim, thận và gan; xơ vữa động mạch (xơ cứng động mạch); và tăng huyết áp (huyết áp cao).

Khoảng một phần ba số người sử dụng hormone tăng trưởng tổng hợp sẽ gặp tác dụng phụ. Chúng có thể bao gồm:

  • giữ nước (dẫn đến sưng ở tay và chân, phù nề, tăng cân nhanh chóng);
  • đau, ngứa hoặc thay đổi da nơi tiêm thuốc;
  • đau cơ hoặc khớp;
  • tê hoặc ngứa ran;
  • đau bụng, đầy hơi;
  • nhức đầu, đau lưng;
  • các triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm, nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, đau tai;
  • Hội chứng ống cổ tay;
  • lượng đường trong máu cao;
  • mức cholesterol cao.

Người sử dụng cũng có thể gặp tác dụng phụ có hại khi họ lạm dụng hormone tăng trưởng GH. Tác dụng phụ của việc sử dụng ngắn hạn bao gồm đau khớp và cơ, tích tụ chất lỏng và sưng khớp. Nếu tiêm hormone tăng trưởng GH bằng kim tiêm chung, mọi người có thể bị nhiễm HIV, AIDS hoặc viêm gan. 

Lạm dụng dùng hormone tăng trưởng GH liều cao và liên tục trong một thời gian dài có thể góp phần gây ra bệnh tim. Hormone tăng trưởng GH được bán bất hợp pháp có thể chứa các thành phần không xác định và có khả năng gây hại. Ví dụ, nếu người ta dùng GH có nguồn gốc từ mô người, người sử dụng có nguy cơ mắc phải một tình trạng não gây tử vong gọi là bệnh Creutzfeldt-Jakob, một tình trạng tương tự như bệnh bò điên.

Cách thúc đẩy hormone tăng trưởng phát triển

Cách thúc đẩy hormone tăng trưởng phát triển nhằm tăng trưởng chiều cao một cách tự nhiên, các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng nên xây dựng chế độ ăn uống, vận động khoa học cân bằng và hợp lý, ngủ đủ giấc, kiểm soát cân nặng hiệu quả… Cụ thể như sau:

1. Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya

Phần lớn hormone tăng trưởng được cơ thể giải phóng khi đang ngủ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, ngủ không ngon giấc có thể khiến cơ thể giảm sản xuất hormone tăng trưởng GH.

Ngủ đủ giấc là một trong những cách thúc đẩy hormone tăng trưởng của cơ thể sản xuất lâu dài. Để trẻ dễ đi vào giấc ngủ và ngủ đủ giấc, bố mẹ có thể áp dụng các gợi ý sau:

  • Tránh để trẻ tiếp xúc với ánh sáng từ màn hình thiết bị điện tử ít nhất 2h00 trước khi ngủ.
  • Ưu tiên đọc sách, kể chuyện hoặc trò chuyện với trẻ trước khi ngủ.
  • Đảm bảo phòng ngủ có nhiệt độ mát mẻ, phù hợp.
  • Không dùng thực phẩm, đồ ứng có chứa caffeine vào cuối ngày.

2. Cắt giảm lượng đường tiêu thụ hàng ngày

Ăn quá nhiều tinh bột trắng, đường trắng hoặc bánh kẹo ngọt sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Khi cơ thể tăng đường huyết, lượng hormone insulin trong máu cũng gia tăng theo. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng insulin có tác dụng ức chế việc giải phóng hormone tăng trưởng GH ở người khỏe mạnh. Vì vậy, việc giảm lượng đường tiêu thụ có thể giúp tối ưu hóa lượng hormone tăng trưởng.

3. Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng

Việc ăn uống hợp lý sẽ giúp cân bằng lượng đường huyết và hạn chế khả năng tích tụ mỡ thừa, các bệnh lý chuyển hóa sẽ gây giảm tiết hormone tăng trưởng. Những bố mẹ có con nhỏ nên chú ý thiết kế khẩu phần ăn uống hàng ngày hợp lý và vừa đủ theo độ tuổi để giúp trẻ hấp thu tốt nhất các chất dinh dưỡng, từ đó kích thích hormone tăng trưởng chiều cao. Thịt gà, trứng, sữa, cá hồi, các loại đậu, rau xanh… là những thực phẩm chứa hormone tăng trưởng giúp bổ sung nguồn dinh dưỡng dồi dào, hỗ trợ phát triển xương ở trẻ.

Bổ sung đủ thực phẩm chứa hormone tăng trưởng trong chế độ ăn uống của trẻ là điều cần thiết để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển phù hợp. Vậy nên bố mẹ hãy xây dựng chế độ ăn uống của trẻ cân bằng, hợp lý và đầy đủ chất dinh dưỡng để kích thích hormone tăng trưởng chiều cao nhé!

4. Giảm lượng mỡ của cơ thể

Sự bài tiết hormone tăng trưởng chiều cao suy giảm rõ rệt ở những người bị béo phì. Những người có lượng mỡ bụng cao sẽ bị suy giảm sản xuất loại hormone này. Vì thế, việc giảm lượng mỡ của cơ thể cũng được xem là một cách kích thích hormone tăng trưởng chiều cao tự nhiên.

Chưa kể, khối lượng mỡ nhiều có liên quan đến nhiều bệnh lý chuyển hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ,…Do đó, chú trọng giảm lượng mỡ của cơ thể sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt để tăng trưởng chiều cao lành mạnh, đẩy lùi được bệnh tật.

5. Không ăn trước khi ngủ

Cơ thể tiết ra một lượng lớn hormone tăng trưởng một cách tự nhiên, đặc biệt vào ban đêm. Do đó, nếu ăn uống no trước khi đi ngủ sẽ làm tăng mức insulin trong cơ thể, ảnh hưởng đến việc tiết hormone. Chưa kể, một bữa ăn giàu carbohydrate hoặc protein có thể làm tăng đột biến insulin và có khả năng ngăn chặn hormone tăng trưởng được tiết ra vào ban đêm. Thông thường, mức insulin thường giảm 2 – 3 giờ sau khi ăn, vì vậy, nên ăn 2 – 3 giờ trước khi đi ngủ.

6. Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, tập thể dục là một trong những cách hiệu quả nhất để tăng hormone tăng trưởng ở mỗi người. Trong đó, các bài tập thể dục nhịp điệu và các bài tập với trở kháng (tập với tạ hoặc dây thun kháng lực hoặc các bài tập kháng lại trọng lực của cơ thể) là những bài tập kích thích hormone tăng trưởng nhiều nhất.

Tuy nhiên, việc kích thích hormone tăng trưởng chiều cao nhiều hay ít còn phụ thuộc vào loại bài tập, cường độ, chế độ dinh dưỡng trước, trong và sau khi tập cũng như “cơ địa” của mỗi người.

Tập thể dục một lần sẽ không thể đem tới hiệu quả duy trì nồng độ hormone tăng trưởng trong vòng 24h sau tập. Trong khi đó, tập thể dục thường xuyên và điều độ mới có thể gia tăng được nồng độ hormone tăng trưởng tích hợp sau 24h tập luyện.

Vì thế, bố mẹ có thể hướng dẫn hoặc cùng trẻ thực hiện lặp đi lặp lại các bài chạy nước rút, hoặc chạy bền để tăng mức hormone tăng trưởng và tối đa hóa việc giảm mỡ.

Hãy ghi nhớ rằng hormone tăng trưởng GH phải được bác sĩ kê toa và chỉ định, tự ý sử dụng và lạm dụng có thể gặp rất nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Người trưởng thành khỏe mạnh và trẻ nhỏ có thể cải thiện sức khỏe và thể chất của họ bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục hợp lý là một cách thúc đẩy hormone tăng trưởng phát triển.

Nếu bạn lo lắng về sự thiếu hormone tăng trưởng ở bản thân hoặc các thành viên khác trong gia đình, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Câu hỏi thường gặp

Hormone tăng trưởng chiều cao tiết ra lúc nào?

Tuyến yên của con người tiết ra hormone tăng trưởng cả ngày, nhưng phần lớn được cơ thể giải phóng khi đang ngủ, vào ban đêm, lượng hormone này được giải phóng cao hơn gấp nhiều lần, thậm chí đạt cao nhất nếu trẻ đi ngủ trong “khung giờ vàng”, từ 21 giờ tối đến 2 giờ sáng và từ 5 đến 7 giờ sáng.

17 tuổi tiêm hormone tăng trưởng được không?

Liệu pháp tiêm hormone tăng trưởng chiều cao chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và thực sự cần thiết. Trẻ được điều trị thiếu hormone trong giai đoạn 3 – 7 tuổi (giai đoạn điều trị tốt nhất) hoặc khi phát hiện bệnh đến hết tuổi dậy thì. Trường hợp của bạn cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm thêm và điều trị nếu có chỉ định.

18 tuổi tiêm hormone tăng trưởng được không?

Liệu pháp tiêm hormone tăng trưởng chiều cao chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và thực sự cần thiết. Trong trường hợp với số tuổi của bạn thì cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm thêm và điều trị nếu có chỉ định.

20 tuổi tiêm hormone tăng trưởng được không?

Chỉ định tiêm hormone tăng trưởng cần có bằng chứng rõ ràng về sự thiếu hụt hormone trong các bệnh lý như suy tuyến yên, tổn thương tuyến yên và vùng hạ đồi như chấn thương đầu nặng, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não, có giảm nồng độ hormone tăng trưởng GH. Thông thường, việc điều trị tốt nhất là trong giai đoạn trẻ từ 3 – 7 tuổi và cần được duy trì liều điều trị cho đến hết tuổi dậy thì. Nhưng hiện bạn đã 20 tuổi, đây được coi là độ tuổi sau dậy thì, cơ thể bắt đầu phát triển chậm lại và khả năng tăng chiều cao ở tuổi 20 rất thấp. Do đó, trường hợp của bạn tốt nhất nên đi khám với bác sĩ để được tư vấn và cho lời khuyên tốt nhất về các phương pháp cải thiện chiều cao.

Chi phí điều trị thiếu hormone tăng trưởng?

Chi phí tiêm hormone tăng trưởng có sự thay đổi ở từng trường hợp cụ thể. Thông thường một ống thuốc sẽ có chi phí khoảng 1,2 – 1,3 triệu đồng. Một số yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến chi phí điều trị như trọng lượng cơ thể và thời gian sử dụng thuốc tiêm. Chi phí trong năm đầu tiên khoảng 150 triệu đồng. Chi phí sẽ cao hơn ở những năm tiếp theo.

Thực phẩm chứa hormone tăng trưởng?

Việc ăn uống hợp lý sẽ giúp cân bằng lượng đường huyết và hạn chế khả năng tích tụ mỡ thừa, các bệnh lý chuyển hóa sẽ gây giảm tiết hormone tăng trưởng. Thịt gà, trứng, sữa, cá hồi, các loại đậu, rau xanh… là những thực phẩm chứa hormone tăng trưởng dồi dào, giúp  bổ sung dinh dưỡng và hỗ trợ phát triển xương.

Thời gian tiết hormone tăng trưởng?

Tuyến yên của con người tiết ra hormone tăng trưởng phần lớn khi đang ngủ, vào ban đêm, lượng hormone này được giải phóng cao hơn gấp nhiều lần, thậm chí đạt cao nhất nếu trẻ đi ngủ trong “khung giờ vàng”, từ 21 giờ tối đến 2 giờ sáng và từ 5 đến 7 giờ sáng.

Bài tập kích thích hormone tăng trưởng

Các bài tập tăng chiều cao hoàn toàn có thể kích thích hormone tăng trưởng phát triển và đem lại hiệu quả trong việc hỗ trợ cải thiện chiều cao của bạn. Các động tác vận động và thể dục thể thao nếu được thực hiện đúng cách, thường xuyên, nghiêm túc sẽ thúc đẩy cơ thể tăng cường tiết ra hóc môn tăng trưởng GH, từ đó giúp xương phát triển, tăng mật độ khoáng chất trong xương và hỗ trợ cải thiện chiều cao. Các bài tập đó có thể là: bài tập cúi người, nhảy dây, bài tập đẩy tường,…

Xem thêm: Nhảy dây tăng chiều cao

Tiêm hormone tăng trưởng ở đâu?

Liệu pháp tiêm hormone tăng trưởng chiều cao chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở khám chữa bệnh uy tín. Nếu bạn ở TPHCM, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn và uy tín như Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương,…

Ăn gì để tăng hormone tăng trưởng?

Thịt gà, trứng, sữa, cá hồi, các loại đậu, rau xanh… là những thực phẩm chứa hormone tăng trưởng dồi dào, giúp  bổ sung dinh dưỡng và hỗ trợ phát triển xương. Việc ăn uống đầy đủ và hợp lý sẽ giúp cân bằng lượng đường huyết và hạn chế khả năng tích tụ mỡ thừa, tăng tiết hormone tăng trưởng.

Tác dụng phụ của tiêm hormone tăng trưởng

Tiêm hormone tăng trưởng ở trẻ nhỏ có thể gây ra một số tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, bao gồm: Tăng áp lực nội sọ dẫn đến đau nhức đầu; Rối loạn đường huyết; Rối loạn chức năng tuyến giáp…. Những tình trạng này đều có thể điều chỉnh. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến liệu pháp tiêm hormone tăng trưởng.

Cách bổ sung hormone tăng trưởng là gì?

Thiết lập chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng chất dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều trái cây tươi, rau củ quả, đậu, hạt, quả hạch, trứng, cá, thịt, sữa… để bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất (đặc biệt là canxi), protein. Những thành phần này giúp thúc đẩy sự phát triển cơ thể và xương, duy trì sức khỏe tổng thể.

Ứng dụng của hormone tăng trưởng là gì?

Liệu pháp hormone tăng trưởng chiều cao có thể khiến trẻ bắt đầu dậy thì sớm hơn, rút ngắn thời kỳ tăng trưởng. Điều này khiến đầu cuối của xương dài đóng lại sớm, gây hạn chế chiều cao cuối cùng. Tiêm hormone đều đặn, kiên trì đến khi kết thúc tuổi dậy thì để đạt hiệu quả tối đa. Có thể điều trị thiếu hụt hormone tăng trưởng khi phát hiện bệnh. Tuy nhiên 3 – 7 tuổi là giai đoạn điều trị tốt nhất để đạt hiệu quả tối đa.

Thiếu hormone tăng trưởng là gì?

Thiếu hormone tăng trưởng là sự thiếu hụt hormone tuyến yên phổ biến nhất ở trẻ em và có thể đơn độc hoặc đi kèm với sự thiếu hụt các hormone tuyến yên khác. Thiếu hormone tăng trưởng thường dẫn đến sự tăng trưởng chậm bất thường và chiều cao thấp. Thiếu hụt hormone tăng trưởng chiều cao không ảnh hưởng đến trí thông minh trẻ em. Những triệu chứng này có thể giống với các loại bệnh khác. Vì vậy, bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được kiểm tra thể chất một cách kỹ càng nhất.

Bài viết này được tham khảo ý kiến của bác sĩ và các nguồn tin cậy trong và ngoài nước.