Đau xương khớp là căn bệnh khá phổ biến, thường gặp ở độ tuổi trung niên, người cao tuổi hoặc thường xuyên vận động mạnh. Đau xương khớp ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người do làm giảm khả năng cử động và di chuyển. Vậy để hiểu rõ hơn về bệnh đau xương khớp cũng như nguyên nhân và cách chữa trị điển hình của căn bệnh này, hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết dưới dây.
Tóm tắt nội dung
- 1 Bệnh đau xương khớp là gì?
- 2 Biểu hiện của bệnh đau xương khớp
- 3 Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh đau xương khớp
- 4 Các bệnh đau xương khớp thường gặp
- 5 Cách làm giảm đau xương khớp
- 6 Phòng ngừa đau xương khớp
- 7 Câu hỏi thường gặp
- 7.0.0.1 Đau xương khớp kiêng ăn gì?
- 7.0.0.2 Lá đắp đau xương khớp
- 7.0.0.3 Đau xương khớp uống thuốc gì?
- 7.0.0.4 Người già đau xương khớp nên uống gì?
- 7.0.0.5 Thuốc tiêm giảm đau xương khớp
- 7.0.0.6 Cách giảm đau xương khớp nhanh nhất
- 7.0.0.7 Đau xương khớp có ăn được thịt gà không?
- 7.0.0.8 Chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu
- 7.0.0.9 Ăn rau mồng tơi có bị đau xương khớp không?
- 7.0.0.10 Chữa đau xương khớp không dùng thuốc
- 7.0.0.11 Chữa đau xương khớp bằng quả khế
- 7.0.0.12 Đau xương khớp có ăn được thịt bò không?
- 7.0.0.13 Đau xương khớp có ăn được măng không?
- 7.0.0.14 Đau xương khớp có ăn được rau mồng tơi không?
- 7.0.0.15 Đau xương khớp khi có kinh nguyệt
- 7.0.0.16 Đau xương khớp có ăn được tôm không?
Bệnh đau xương khớp là gì?
Đau xương khớp là bệnh mà hậu quả xảy ra do quá trình thoái hóa dẫn đến tổn thương, nghĩa là các triệu chứng có xu hướng xấu đi theo thời gian. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm, diễn ra theo từng đợt và có tiến triển lâm sàng mãn tính. Thông thường, ở những người cao tuổi, thoái hóa khớp là nguyên nhân chính gây đau xương khớp trong khi ở người trẻ tuổi hơn chủ yếu bị đau do viêm khớp.
Đau xương khớp do thoái hóa khớp là bệnh khớp mạn tính phổ biến nhất, là nguyên nhân gây đau đớn và tàn phế thường gặp nhất ở người cao tuổi trên toàn cầu. Thoái hóa khớp ban đầu ảnh hưởng đến lớp sụn khớp, khiến cho cử động khó khăn, dẫn đến đau và cứng khớp, khi lớp sụn mỏng đi, gân và dây chằng phải tăng sức chịu lực, dần dần gây sưng và hình thành các gai xương. Sụn khớp bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến hiện tượng xương bị cọ xát làm thay đổi hình dạng khớp và lệch khỏi vị trí bình thường.
Ước tính có khoảng 5 – 10% người trưởng thành trên 60 tuổi bị thoái hóa khớp trên toàn thế giới. Với sự già hóa dân số, WHO dự báo sẽ có trên 20% dân số sẽ bị thoái hóa khớp và trên 40 triệu người sẽ bị tàn tật nghiêm trọng vào năm 2050. Tỷ lệ thoái hóa gây đau xương khớp gối cao nhất, sau đó là các khớp nhỏ bàn tay và khớp háng; các khớp khác ít gặp hơn.
Đau xương khớp do viêm khớp bao gồm một nhóm bệnh viêm khớp kèm theo đau khớp, sưng nóng và cứng khớp. Do hậu quả của tổn thương này, một số khớp có thể dần dần thay đổi hình dạng và có thể phát triển các biến dạng. Một khi khớp bị hư hỏng, không thể điều trị khôi phục tình trạng như ban đầu vì đa số các bệnh viêm khớp là toàn thân nên các triệu chứng liên quan đến viêm có thể xảy ra ở các bộ phận khác của cơ thể.
Tỉ lệ mắc bệnh viêm khớp sớm hằng năm dao động từ 115 đến 271 trên 100.000 người trưởng thành. Trong đó, bệnh gút và viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp và viêm khớp vẩy nến là các bệnh phổ biến nhất.
Biểu hiện của bệnh đau xương khớp
Biểu hiện của thoái hóa khớp thường là những cơn đau khu trú ở các khớp bị tổn thương hoặc có thể bị ảnh hưởng từ các khớp khác (ví dụ thoái hóa khớp hông có thể gây đau đầu gối). Các cơn đau khác nhau về cường độ và thường trở nên trầm trọng hơn khi vận động (mang vác vật nặng hay di chuyển) và nhẹ khi nghỉ ngơi. Đau xương khớp do thoái hóa khớp thường xảy ra từng đợt nhưng có thể liên tục trong thoái hóa khớp tiến triển. Biểu hiện đặc trưng là đau khi nghỉ về đêm.
Các triệu chứng của viêm khớp đặc trưng bởi tình trạng tăng cảm giác đau sâu, nhức nhối, đôi khi đau dai dẳng khi nghỉ. Cơn đau này có thể âm ĩ và đau khu trú trầm trọng. Ngoài ra, bệnh còn có biểu hiện khác do tình trạng viêm như nóng và sưng đỏ tại vị trí khớp tổn thương, cứng cơ, sốt, đau đầu, mệt mỏi,…
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh đau xương khớp
Đau xương khớp do thoái hóa khớp
Các yếu tố nguy cơ thoái hóa khớp được biết đến như độ tuổi cao, giới tính nữ, thừa cân béo phì, chấn thương kéo dài. Do một số marker gây thoái hóa khớp chứa trong mô mỡ nên thừa cân béo phì không chỉ là yếu tố trọng lực đối với các khớp chịu lực mà còn là yếu tố nguy cơ gia tăng mức độ thoái hóa khớp ở cả các khớp nhỏ bàn tay. Ngoài ra, gần đây các nghiên cứu còn cho rằng yếu tố di truyền cũng là một nguyên nhân độc lập gây thoái hóa khớp.
Đau xương khớp do các bệnh viêm khớp
Có thể phân các nhóm nguyên nhân của đau xương khớp do bệnh viêm khớp thành 03 nhóm:
- Viêm khớp do lắng đọng tinh thể (thường gặp ở bệnh gút): Do tăng acid uric máu dẫn đến lắng đọng các tinh thể monosodium urat trong ổ khớp gây ra bệnh gút. Tăng axit uric máu là một yếu tố ảnh hưởng đến bệnh gút, mặc dù 80% những người tăng axit uric máu không bao giờ phát triển bệnh gút.
- Viêm khớp do bệnh tự miễn (thường gặp ở bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm khớp tự phát thiếu niên, viêm cột sống dính khớp): Có nhiều nguyên nhân, có thể liên quan đến nhiễm khuẩn, cơ địa (nữ giới, trung niên, yếu tố HLA) và rối loạn miễn dịch.
- Viêm khớp do nhiễm khuẩn: Tác nhân vi khuẩn gây bệnh trong đa số các trường hợp là vi khuẩn lậu cầu và tụ cầu vàng. Viêm khớp nhiễm khuẩn thường do 1 loại vi khuẩn và nhiễm nhiều loại vi khuẩn ít phổ biến hơn trong trường hợp có chấn thương xâm lấn đến khớp.
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp tự miễn hơn nam giới như bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren. Mặt khác, bệnh gút và viêm cột sống dính khớp phổ biến hơn ở nam giới. Tuổi khởi phát có thể thay đổi, viêm khớp tự phát thiếu niên thường biểu hiện trước 10 tuổi, hầu hết các bệnh viêm khớp tự miễn biểu hiện ở tuổi trưởng thành sớm. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp.
Các bệnh đau xương khớp thường gặp
Đau xương khớp là triệu chứng của các tình trạng bệnh thường gặp sau:
Thoái hóa khớp
Người bị đau xương khớp do thoái hóa khớp thường do lão hóa hoặc sau chấn thương. Khi khớp bị thoái hóa, phần sụn đệm ở các đầu xương bị mòn. Bệnh này có thể gây sưng và đau ở những khớp chịu lực suốt đời, chẳng hạn như đau xương khớp gối, hông, bàn chân và cột sống. Ngoại trừ cơn đau ở khớp sưng bị ảnh hưởng, bệnh nhân thường không cảm thấy ốm hay mệt mỏi.
Viêm khớp dạng thấp
Đau xương khớp do viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn điển hình có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi – ngay cả ở trẻ nhỏ. Viêm khớp dạng thấp gây đau, cứng và sưng khớp. Thông thường, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến khớp ở bàn tay, bàn chân và đầu gối , nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến hầu hết các khớp và các bộ phận khác của cơ thể.
Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp có thể gây cản trở các hoạt động hàng ngày. Bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề do đó cần được điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp điều trị hữu hiệu để làm ngừng hay làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh
Bệnh gút (Gout)
Đau xương khớp do bệnh gút đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, với các cơn đau khớp dữ dội ngày càng tăng, sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, va chạm nhẹ cũng thấy rất đau, thường ở ngón chân cái (khoảng 60 – 70% trường hợp). Ban đầu bệnh chỉ gây viêm một khớp sau đó có thể viêm nhiều khớp. Khi acid uric trong máu tăng cao, sẽ hình thành các tinh thể lắng đọng trong các mô, gây viêm và đau. Các tinh thể này cũng có thể lắng đọng ở các khu vực khác và hình thành các tophi dưới da hoặc sỏi thận.
Viêm cột sống dính khớp
Đau xương khớp do viêm cột sống dính khớp là một dạng bệnh thấp viêm đặc trưng bởi tổn thương khớp cùng chậu, cột sống và các khớp ở chi dưới, thường kèm theo các điểm bám gân. Bệnh tiến triển chậm song có xu hướng gây dính khớp. Viêm cột sống thường có các biểu hiện đau tại vị trí viêm như đau cột sống thắt lưng, đau tại một hoặc hai bên mông, đau kiểu viêm kèm theo hiện tượng cứng cột sống.
Viêm khớp vảy nến
Đau xương khớp do viêm khớp vảy nến là tình trạng viêm khớp có liên quan với bệnh vảy nến. Tỷ lệ viêm khớp vảy nến chiếm 10 – 30% bệnh nhân bị vảy nến: 80% trường hợp có viêm khớp xuất hiện sau tổn thương vảy nến, 15% xuất hiện đồng thời và 10% trường hợp viêm khớp xuất hiện trước khi có tổn thương da. Bệnh diễn biến mạn tính, tiến triển từng đợt dẫn đến tổn thương xương khớp và tàn phế làm mất chức năng vận động.
Viêm khớp nhiễm khuẩn
Đau xương khớp do viêm khớp nhiễm khuẩn là kết quả của sự nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút hoặc nấm từ các bộ phận khác của cơ thể như da, mũi, cổ họng, tai hoặc vết thương vào trong các mô và dịch khớp. Trong vài giờ đến vài ngày sẽ tiến triển dấu hiệu đau, viêm, sưng khớp và sốt. Các khớp đã bị tổn thương trước đó thường dễ bị nhiễm trùng hơn.
Chấn thương khớp
Đau xương khớp do chấn thương khớp có thể dẫn đến đau, sưng khớp và cứng khớp. Đôi khi, đau khớp có thể do cơ, gân và dây chằng xung quanh khớp bị thương hoặc rách, viêm bao hoạt dịch, viêm gân, trật khớp, căng cơ,bong gân và gãy xương.
Cách làm giảm đau xương khớp
Để làm giảm đau xương khớp cũng như hạn chế tối đa các biến chứng mà bệnh đau xương khớp gây ra, điều quan trọng là bệnh nhân cần được điều trị sớm và thích hợp. Nếu chậm trễ trong điều trị hoặc chẩn đoán sai, người bị đau xương khớp có thể bị mòn và tổn thương khớp vĩnh viễn, có thể tiến triển nặng đặc biệt là trong viêm khớp nhiễm khuẩn.
Điều trị thoái hóa khớp
- Trong mọi hướng dẫn điều trị, với tất cả các khớp bị thoái hóa, thì các biện pháp không dùng thuốc như điều chỉnh cân nặng, có chế độ tập luyện đúng cách, tăng kháng lực cơ, tránh các vi chấn thương, sử dụng các nẹp hỗ trợ khớp phù hợp,… được quan tâm hàng đầu ở tất cả các giai đoạn của thoái hóa khớp.
- Điều trị bằng thuốc bao gồm các thuốc kháng viêm giảm đau nhóm NSAIDs khi khớp đau hoặc có dịch, kết hợp ngay từ đầu và kéo dài thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (glucosamin, chronroitin, diacerein,…). Tiêm nội khớp corticoid khi có tình trạng viêm, tràn dịch nhiều. Giai đoạn cuối có thể chỉ định thay khớp nhân tạo.
Điều trị viêm khớp
Tương tự như bệnh thoái hóa khớp, các biện pháp không dùng thuốc được quan tâm. Đặc biệt, bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp do lắng đọng tinh thể như bệnh gút cần thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế ăn các thực phẩm giàu acid uric như hải sản, thịt đỏ, tạng động vật, rượu bia,… và uống nhiều nước có thể giúp kiểm soát được bệnh.
Điều trị bằng thuốc đối với người bị đau xương khớp do viêm khớp phải dựa vào căn nguyên của từng nhóm bệnh viêm khớp. Điều trị triệu chứng bằng kháng viêm giảm đau nhóm NSAIDs hay corticoid, điều trị căn nguyên bằng một số nhóm như thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs), thuốc ức chế miễn dịch hoặc kháng sinh trong bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn.
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bị đau khớp không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu cơn đau không tự khỏi sau vài ngày. Phát hiện và chẩn đoán sớm có thể cho phép điều trị hiệu quả nguyên nhân cơ bản gây khó chịu cho bạn.
Phòng ngừa đau xương khớp
Bạn có thể giảm nguy cơ đau xương khớp bằng cách thực hiện một số thay đổi trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm:
- Kiểm soát cân nặng
- Luyện tập thể dục đều đặn
- Không hút thuốc, uống rượu bia
- Chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau và omega-3
Câu hỏi thường gặp
Đau xương khớp kiêng ăn gì?
Đau xương khớp do nhiều nguyên nhân, bạn nên đến gặp bác sĩ để có chẩn đoán chính xác và tuân theo chế độ ăn uống phù hợp với từng bệnh. Trong trường hợp bị đau xương khớp do bệnh gút, bạn nên hạn chế ăn các thực phẩm giàu acid uric như hải sản, thịt đỏ, tạng động vật, rượu bia,… và uống nhiều nước.
Lá đắp đau xương khớp
Theo y học cổ truyền, người bị tê thấp, đau lưng, sưng đầu gối, bàn chân tê buốt; có thể lấy lá Lốt và Ngải cứu liều lượng bằng nhau, giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng để đắp, chườm để làm giảm đau xương khớp. Tuy nhiên người bệnh không được tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ hoặc thầy thuốc.
Đau xương khớp uống thuốc gì?
Bác sĩ thường chỉ định thuốc kháng viêm, giảm đau để giảm triệu chứng. Đồng thời, sử dụng các thuốc điều trị căn bản tùy căn nguyên bệnh. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn do thuốc gây ra.
Người già đau xương khớp nên uống gì?
Người già là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị bệnh đau xương khớp như tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, thận,… Do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào.
Thuốc tiêm giảm đau xương khớp
Thuốc tiêm giảm đau xương khớp thường là các thuốc thuộc nhóm kháng viêm nhóm NSAIDs tiêm bắp hay dùng glucocorticoid tiêm tại chỗ (nơi các khớp bị tổn thương như khớp gối, háng) trong trường hợp viêm khớp kéo dài. Thực hiện tiêm tại chỗ tại phòng vô khuẩn và do bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp đảm nhiệm. Ngoài ra, còn chỉ định các thuốc điều trị như thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (methotrexate) tiêm bắp, thuốc kháng TNFα tiêm dưới da.
Cách giảm đau xương khớp nhanh nhất
Sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau là biện pháp tạm thời để cắt cơn đau, tuy nhiên bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Đau xương khớp có ăn được thịt gà không?
Thịt gà có giá trị dinh dưỡng cao, giúp bổ sung protein và nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể. Do đó, có thể bổ sung thịt gà vào trong chế độ ăn của người bị đau xương khớp. Tuy nhiên, cần chú ý lượng tiêu thụ thịt gà trong khẩu phần ăn phải hợp lý cũng như bổ sung một thực phẩm có lợi khác cho cơ thể như rau, trái cây,…
Chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu
Theo kinh nghiệm nhân gian, Ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, cầm máu. Có thể dùng Lá ngải cứu phối hợp với lá Lốt liều lượng bằng nhau, giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng để đắp, chườm để làm giảm đau xương khớp.
Ăn rau mồng tơi có bị đau xương khớp không?
Chưa ghi nhận tài liệu nào chứng minh ăn rau mồng tơi gây đau xương khớp. Mặt khác, lá mồng tơi chứa nhiều loại vitamin (chủ yếu là vitamin A và B), cây chứa nhiều protein, calcium, sắt, vitamin và chất nhầy rất có lợi cho sức khỏe và nên được bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày.
Chữa đau xương khớp không dùng thuốc
Các phương pháp không dùng thuốc không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể cải thiện tình trạng bệnh. Các biện pháp không dùng thuốc như điều chỉnh cân nặng, có chế độ tập luyện đúng cách, tăng kháng lực cơ, tránh các vi chấn thương, sử dụng các nẹp hỗ trợ khớp phù hợp… được các bác sĩ khuyến khích để giảm đau xương khớp.
Chữa đau xương khớp bằng quả khế
Theo y học cổ truyền, quả khế có vị chua tính bình, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm long đờm và tiết nước bọt. Mặt khác rễ khế có vị chua và se, tính bình, có tác dụng trừ phong thấp, giảm đau. Người ta thường dùng rễ khế sắc uống thay vì quả để trị đau xương khớp.
Đau xương khớp có ăn được thịt bò không?
Thịt bò là thực phẩm giàu acid uric, là nguyên nhân làm trầm trọng hơn tình trạng viêm, đặc biệt trong bệnh gút. Do đó, người bị đau xương khớp cần hạn chế ăn thịt bò cũng như các loại thực phẩm giàu acid uric khác như tạng động vật, hải sản,…
Đau xương khớp có ăn được măng không?
Người bị đau xương khớp không nên thường xuyên ăn măng do trong măng có chứa hàm lượng lớn cyanua, đây là chất làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông oxy trong máu và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đau xương khớp có ăn được rau mồng tơi không?
Chưa ghi nhận tài liệu nào chứng minh ăn rau mồng tơi gây đau xương khớp. Mặt khác, lá mồng tơi chứa nhiều loại vitamin (chủ yếu là vitamin A và B), cây chứa nhiều protein, calcium, sắt, vitamin và chất nhầy rất có lợi cho sức khỏe và nên được bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày.
Đau xương khớp khi có kinh nguyệt
Khi đến kỳ kinh nguyệt, bạn có thể bị đau ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất là khớp cột sống ở phần lưng dưới hay khớp gối. Nếu các triệu chứng chỉ diễn ra trong thời gian này thì bạn không nên quá lo lắng. Đây có thể là những biểu hiện sinh lý bình thường do sự thay đổi nồng độ hormon trong cơ thể, tuy nhiên nếu thấy có bất kỳ nhưng cơn đau xương khớp bất thường nào hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám kịp thời.
Đau xương khớp có ăn được tôm không?
Tôm là một trong nhóm các thực phẩm giàu acid uric, dẫn đến làm trầm trọng hơn tình trạng viêm, đặc biệt trong bệnh gút. Do đó, người bị đau xương khớp cần hạn chế ăn thịt tôm cũng như các loại thực phẩm giàu acid uric khác như tạng động vật, các loại thịt đỏ,…
Hi vọng rằng thông qua bài viết này, bạn có thể nhận biết sớm các dấu hiệu cũng như cách điều trị bệnh đau xương khớp. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có bất kỳ dấu hiệu đau xương khớp bất thường nào, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý trên docosan.com.
- https://tapchiyhocvietnam.vn/index.php/vmj/article/download/3708/3396/6851
- http:/canhgiacduoc.org.vn/SiteData/3/UserFiles/Huong%20dan%20chan%20doan%20va%20dieu%20tri%20benh%20co%20xuong%20khop%2020140125.pdf
- https://sci-hub.se/https://doi.org/10.1007/s00221-009-1782-9
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK507704/