Em bé bị dị ứng sữa – 8 điều mà cha mẹ cần nắm rõ

Trẻ em là độ tuổi có sự tăng trưởng và phát triển nhanh nhất, trong giai đoạn này, nếu hệ thống miễn dịch hoạt động không đúng cách cùng với sự kích thích của các yếu tố ngoại lại sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng – đặc biệt là dị ứng thức ăn. Hiện nay, tỉ lệ trẻ em dị ứng sữa trên toàn thế giới có xu hướng gia tăng với mức độ ảnh hưởng từ nhẹ đến nặng. Điều đáng quan ngại là việc phát hiện và chẩn đoán bệnh kịp thời vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tại Hoa Kỳ, sữa chiếm tỉ lệ khoảng 21,1% trong số các thực phẩm gây dị ứng. Có thể thấy, dị ứng sữa lại là một tình trạng diễn ra khá phổ biến và có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Vậy nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng của dị ứng sữa như thế nào, hãy cùng  Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Dị ứng sữa là gì?

Dị ứng sữa là một phản ứng không điển hình của hệ thống miễn dịch trong cơ thể đối với protein trong sữa và các thực phẩm từ sữa như phô mai, bơ, sữa chua. Tương tự như các bệnh miễn dịch khác, dị ứng sữa có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, đặc biệt là hiện tượng sốc phản vệ có thể đe dọa đến tính mạng. Đa phần trẻ em bị dị ứng sữa sẽ sẽ tự khỏi, thường là sau 6 tuổi.

Dị ứng sữa không nên nhầm lẫn với không dung nạp lactose, một tình trạng mà cơ thể không thể sản xuất đủ enzyme cần thiết để tiêu hóa đường lactose có trong sữa.

dị ứng sữa
Dị ứng sữa ở trẻ em

Triệu chứng của dị ứng sữa

Tùy theo từng đối tượng, dị ứng sữa có những biểu hiện khác nhau. Bệnh thường xuất hiện trong những tháng đầu đời sau sinh với biểu hiện đa dạng ở các cơ quan khác nhau và hiếm khi xuất hiện sau 12 tháng. Hầu hết các biểu hiện chủ yếu ở hệ da, tiêu hóa, sau đó là hô hấp. Tuy nhiên không có triệu chứng nào là điển hình cho dị ứng sữa.

Dị ứng sữa thường biểu hiện thành 2 nhóm triệu chứng, bao gồm nhóm khởi phát nhanh (qua trung gian IgE) và nhóm khởi phát muộn (không qua trung gian IgE).

Nhóm khởi phát nhanh – triệu chứng xuất hiện chỉ sau vài phút, bao gồm:

  • Phản ứng ở da: Ngứa, đỏ da, phát ban ở một vị trí hay toàn thân, hoặc sưng ở môi, mặt và quanh mắt.
  • Phản ứng ở đường tiêu hóa: Sưng lưỡi hoặc vòm miệng, ngứa trong miệng, buồn nôn, nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
  • Phản ứng ở đường hô hấp: Ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho, khò khè hoặc khó thở.
dị ứng sữa
Triệu chứng ở da đối với trẻ bị dị ứng sữa

Nhóm khởi phát muộn – các triệu chứng bắt đầu vài giờ hoặc vài ngày sau khi dùng sữa do cần nhiều thời gian hơn để gây đáp ứng miễn dịch, bao gồm:

  • Phản ứng ở da: Ngứa, đỏ do hoặc chàm da.
  • Phản ứng ở đường tiêu hóa: Trào ngược dạ dày thực quản (GERD), đi phân lỏng, có chứa máu hoặc chất nhầy trong phân, đau bụng, táo bón, chán ăn, nổi mẩn đỏ quanh hậu môn.
  • Phản ứng ở đường hô hấp: Ho, khò khè hoặc khó thở.

Trong một số ít trường hợp, trẻ có thể bị sốc phản vệ với các biểu hiện như khó thở do sưng làm chèn ép đường hô hấp, đỏ bừng mặt, tụt huyết áp,… cần được trợ giúp y tế khẩn cấp vì có thể gây tử vong.

Dị ứng sữa và bệnh không dung nạp lactose có biểu hiện một số triệu chứng ở đường tiêu hóa khá giống nhau khiến nhiều người bị nhầm lẫn như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng dưới, đầy hơi,…

Lưu ý, dị ứng sữa là một tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch trong khi không dung nạp lactose là bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Dị ứng sữa có thể gây ra các biến chứng khá nguy hiểm, do đó các bậc phụ huynh không được chủ quan về bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào của hiện tượng dị ứng sữa và nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời. 

Nguyên nhân của dị ứng sữa

Hiện tượng dị ứng sữa xảy ra do đáp ứng của hệ thống miễn dịch đối với một số thành phần có trong sữa bị nhầm lẫn như là một tác nhân gây hại cho cơ thể. Nếu một cá nhân bị dị ứng với sữa, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt. Khi cơ thể tiếp xúc với protein ở những lần sau, hệ miễn dịch sẽ nhận diện chúng và bắt đầu kích hoạt hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và các chất trung gian miễn dịch khác. Sự giải phóng các hóa chất này gây ra các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng với các mức độ khác nhau.

dị ứng sữa
Casein trong sữa bò có thể gây dị ứng

Sữa bò là thực phẩm chủ yếu gây ra dị ứng ở trẻ nhỏ. Thành phần gây dị ứng trong sữa bò chủ yếu bao gồm protein casein (alpha-s1-, alpha-s2-, beta- và kappa-casein) và protein whey (alpha-lactalbumin và beta-lactoglobulin). Hầu hết những người bị dị ứng sữa bò đều nhạy cảm với cả casein và whey protein.

Ngoài ra, các sữa khác có nguồn gốc từ động vật như sữa dê, sữa cừu hay các sữa có nguồn gốc thực vật khác cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng. Dị ứng sữa mẹ là trường hợp dị ứng rất ít gặp ở trẻ em. 

Đối tượng nào thường dễ bị dị ứng sữa?

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển dị ứng sữa, bao gồm:

  • Dị ứng với các thực phẩm khác: Nhiều trẻ bị dị ứng với sữa cũng bị dị ứng với các thực phẩm  khác. Theo thống kê, khoảng 10 đến 15% trẻ sơ sinh dị ứng sữa bò cũng sẽ dị ứng với đậu nành.
  • Bệnh viêm da dị ứng: Trẻ em bị viêm da dị ứng – một chứng viêm da mãn tính phổ biến, có nhiều khả năng bị dị ứng sữa hơn.
  • Tiền sử gia đình: Trẻ có cha hoặc mẹ bị dị ứng thực phẩm hoặc mắc các bệnh dị ứng khác – chẳng hạn như hen suyễn, nổi mề đay hoặc chàm,… cũng có khả năng bị dị ứng sữa
  • Tuổi: Dị ứng sữa thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, với tỉ lệ khoảng 2-3%. Khi trẻ lớn, hệ thống tiêu hóa được hoàn thiện và ít có khả năng dị ứng với sữa hơn.
dị ứng sữa
Trẻ bị viêm da dị ứng có nguy cơ bị dị ứng sữa

Chẩn đoán dị ứng sữa như thế nào?

Cơ sở chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và tiền sử, bao gồm:

  • Tiền sử các triệu chứng dị ứng và thể chất bệnh nhân
  • Tiền sử gia đình
  • Tiền sử sử dụng các loại sữa đang sử dụng

Các xét nghiệm căn bản được sử dụng bao gồm:

  • Xét nghiệm lẩy da (Skin prick test)
  • Xét nghiệm IgE huyết thanh đặc hiệu với sữa bò
  • Thử nghiệm loại trừ: Bệnh nhân được áp dụng chế độ không có đạm sữa trong 2-4 tuần
  • Test thử thách đường miệng: Bệnh nhân được áp dụng chế độ ăn có sữa.

Chẩn đoán phân biệt

Triệu chứng của dị ứng sữa thường không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác như:

  • Dị ứng thực phẩm khác
  • Các bệnh lý về đường tiêu hóa
  • Phù mạch
  • Không dung nạp lactose
  • Mề đay vô căn
  • Sốc phản vệ
dị ứng sữa
Chẩn đoán dị ứng sữa bò bằng xét nghiệm IgE huyết thanh đặc hiệu với sữa bò

Các biến chứng của dị ứng sữa 

Trẻ bị dị ứng sữa, đặc biệt là dị ứng đạm sữa bò có nhiều khả năng bị ảnh hưởng đến một số vấn đề khác của sức khỏe, bao gồm:

  • Thiếu hụt dinh dưỡng: Trẻ có thể bị thiếu máu do thiếu sắt mãn tính hoặc chậm phát triển do kém hấp thu hoặc hấp thu dinh dưỡng kém.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Có rất nhiều thực phẩm phổ biến có chứa sữa, nếu bệnh nhi bị dị ứng sữa nặng, việc tránh tiếp xúc với các loại thực phẩm này gây khó khăn khi trong sinh hoạt ăn uống hằng ngày của trẻ.
  • Phát triển các dị ứng khác: Trẻ em bị dị ứng với sữa có nhiều khả năng phát triển các dị ứng khác với thực phẩm. Các phản ứng bất lợi liên quan đến các loại thực phẩm khác nhau phát triển ở 50% trẻ em và dị ứng với chất hít xảy ra ở 50% đến 80% trước tuổi dậy thì.
dị ứng sữa
Trẻ dị ứng sữa có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng và chậm phát triển

Cách phòng ngừa dị ứng sữa 

Protein trong sữa là nguyên nhân dẫn đến phản ứng dị ứng. Vì vậy, bệnh nhân cần tránh sử dụng sữa hoặc các thực phẩm có chứa sữa hoặc đạm trong sữa là cách phòng ngừa hiệu quả nhất đối với dị ứng sữa. Trong trường hợp trẻ bắt đầu ăn kiêng không có sữa, trẻ cần được bổ sung để thay thế canxi và các chất dinh dưỡng có trong sữa, chẳng hạn như vitamin D và riboflavin.

Protein trong sữa có thể hiện diện trong rất nhiều loại thực phẩm. Ngay cả khi thực phẩm được dán nhãn “không chứa sữa”, thực phẩm đó vẫn có thể chứa protein sữa gây dị ứng. Do đó, cần đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ bằng cách đọc kỹ các thành phần ghi trên nhãn sản phẩm trước khi sử dụng.

Thực phẩm thay thế cho trẻ bị dị ứng sữa

Sữa mẹ: Tỷ lệ dị ứng sữa bò ở trẻ bú mẹ thấp hơn so với trẻ bú sữa công thức và đã được báo cáo là khoảng 0,5%. Rất hiếm trường hợp cho thấy trẻ bị dị ứng sữa mẹ. Nên cho con bú sữa mẹ, đặc biệt nếu trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị dị ứng sữa. Protein sữa bò truyền qua sữa mẹ cho trẻ và có thể gây ra phản ứng dị ứng, mẹ nên loại bỏ tất cả các thực phẩm có chứa protein sữa bò như phô mai, sữa chua và bơ khỏi chế độ ăn.

Sữa công thức ít gây dị ứng, bao gồm:

  • Sữa công thức có thành phần chứa protein sữa đã bị thủy phân bởi enzyme.
  • Sữa công thức không có nguồn gốc từ sữa mà được thay thế bởi các acid amin.
  • Sữa công thức làm từ đậu nành. Tuy nhiên, một số trẻ dị ứng sữa cũng bị dị ứng với đậu nành.

Sữa thay thế: Các sữa thay thế như sữa cừu và sữa dê nói chung không được chấp nhận vì mức độ phản ứng chéo cao với protein sữa bò.

dị ứng sữa
Sữa mẹ là thực phẩm thay thế tốt nhất cho trẻ dị ứng sữa bò

Câu hỏi thường gặp

Làm sao để biết bé dị ứng sữa bò?

Trẻ dị ứng với sữa bò thường có các biểu hiện như đau bụng, nôn, tiêu chảy, khó thở, khò khè, mề đay phát ban,… sau khi uống sữa bò. Các dấu hiệu có thể xuất hiện ngay hoặc sau vài giờ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay nếu thấy bất thường nào.

Bé bị dị ứng sữa bao lâu thì khỏi?

Trẻ bị dị ứng sữa sẽ tự khỏi khi lớn dần, thường là sau 6 tuổi.

Dấu hiệu trẻ bị dị ứng sữa công thức

Trẻ dị ứng với sữa công thức thường có các biểu hiện như đau bụng, nôn, tiêu chảy, khó thở, khò khè, mề đay phát ban,… sau khi uống sữa công thức. Các dấu hiệu có thể xuất hiện ngay hoặc sau vài giờ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay nếu thấy bất thường nào.

Trẻ dị ứng đạm bò uống sữa dê được không?

Đa số các trường hợp trẻ chỉ dị ứng với đạm trong sữa bò, tuy nhiên phụ huynh không được chủ quan khi cho trẻ uống bất kỳ loại sữa hoặc các thực phẩm có chứa sữa.

Chi phí xét nghiệm dị ứng đạm sữa bò

Xét nghiệm dị ứng có thể bao gồm test lẩy da để chẩn đoán dị ứng và/hoặc định lượng kháng thể IgE trong huyết thanh. Chi phí có thể dao động từ vài trăm nghìn cho từng xét nghiệm

Dị ứng có uống sữa được không?

Có nhiều bệnh dị ứng khác nhau, trong trường hợp trẻ dị ứng với sữa thì không được uống sữa và các thực phẩm từ sữa. Tuy nhiên, có thể thay thế bằng một loại sữa khác không gây dị ứng nhưng cần phải cảnh giác khi sử dụng.

Mẹ uống sữa bò con có bị dị ứng không?

Mẹ bị dị ứng sữa bò thì con cũng có thể có nguy cơ bị dị ứng. Trong một số trường hợp, trẻ bị dị ứng khi bú sữa mẹ do trong sữa mẹ có chứa thành phần protein từ sữa gây dị ứng.

Dị ứng đạm sữa bò có ăn được thịt bò?

Chỉ một số trường hợp trẻ dị ứng với sữa bò có phản ứng dị ứng với thịt bò. Do đó, nếu không nằm trong nhóm đối tượng này, trẻ vẫn có thể ăn thịt bò.

Khám dị ứng sữa cho trẻ ở đâu?

Bạn nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có dung cấp dịch vụ về chẩn đoán và điều trị các bệnh dị ứng để được thăm khám và hỗ trợ kịp thời.


Như vậy, thông qua bài viết trên các bậc phụ huynh có thể nhận thấy được mức độ ảnh hưởng  của dị ứng sữa đối với sức khỏe của trẻ nhỏ cũng như các biện pháp phòng tránh dị ứng sữa thích hợp.