Sự khác nhau giữa chậm kinh và mang thai là gì? 7 dấu hiệu nhận biết

Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, vấn đề chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn luôn là nỗi lo của nhiều chị em, đồng thời dễ gây nhầm lẫn về việc mang thai. Vậy sự khác nhau giữa chậm kinh và mang thai là gì? Hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Khái niệm chậm kinh và mang thai là gì?

Chậm kinh là gì?

Hiểu theo cách đơn giản nhất, chậm kinh có nghĩa là ngày bắt đầu chảy máu kinh nguyệt đến trễ hơn chu kỳ bình thường. Chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ là khoảng thời gian từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt đến ngày trước khi kỳ kinh nguyệt tiếp theo bắt đầu. Chu kỳ kinh nguyệt trung bình kéo dài 28 ngày, tuy nhiên chu kỳ vẫn được xem là đều đặn khi dao động trong khoảng từ 24 đến 38 ngày. Chính vì vậy, không phải lúc nào chậm kinh cũng là dấu hiệu mang thai.

Chậm kinh có nghĩa là ngày bắt đầu chảy máu kinh nguyệt đến trễ hơn chu kỳ bình thường
Chậm kinh có nghĩa là ngày bắt đầu chảy máu kinh nguyệt đến trễ hơn chu kỳ bình thường

Mang thai là gì?

Mang thai là quá trình thụ thai và phát triển của thai nhi trong tử cung người phụ nữ. Quá trình mang thai thường diễn ra sau khi quan hệ tình dục, nhưng cũng có thể thực hiện bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART). Hiện nay, que thử thai tại nhà là phương pháp phổ biến nhất để kiểm chứng thai kỳ, trong một số trường hợp còn có thể xét nghiệm máu.

Mang thai là quá trình thụ thai và phát triển của thai nhi trong tử cung người phụ nữ
Mang thai là quá trình thụ thai và phát triển của thai nhi trong tử cung người phụ nữ

Phân biệt chậm kinh và mang thai qua từng triệu chứng

Chảy máu

  • Mang thai: Chảy máu trong thai kỳ không phải lúc nào cũng là dấu hiệu xấu, tình trạng chảy máu nhẹ có thể là dấu hiệu cho thấy phôi đã cấy thành công vào niêm mạc tử cung, thường diễn ra khoảng 10 ngày sau khi thụ thai. Chảy máu trong thai kỳ thường ở dạng những giọt máu nhỏ màu hồng nhạt hoặc dịch tiết màu nâu từ âm đạo, ở mức độ nhẹ hơn nhiều so với chảy máu kinh nguyệt.
  • Chậm kinh: Chảy máu trong kỳ kinh nguyệt thường kéo dài trong 4-5 ngày và ra nhiều máu hơn so với chảy máu khi mang thai. Máu kinh nguyệt thường có màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm, thường kèm theo cục máu đông do máu trộn lẫn với các mô bong ra từ niêm mạc tử cung.
Chảy máu trong thai kỳ thường ở dạng những giọt máu nhỏ màu hồng nhạt hoặc dịch tiết màu nâu từ âm đạo
Chảy máu trong thai kỳ thường ở dạng những giọt máu nhỏ màu hồng nhạt hoặc dịch tiết màu nâu từ âm đạo

Buồn nôn

  • Mang thai: Buồn nôn là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ, tình trạng này có thể xảy ra sớm nhất là sau hai tuần mang thai, tuy nhiên không phải bất kì ai trong thai kỳ cũng bị buồn nôn và có nhiều mức độ buồn nôn khác nhau. Thông thường, các triệu chứng này sẽ giảm dần vào kỳ tam cá nguyệt thứ hai, nhưng một số người vẫn bị buồn nôn trong suốt thai kỳ. Mặc dù buồn nôn khi mang thai là khá bình thường, nhưng việc nôn quá nhiều có thể khiến thai phụ bị mất nước, vì vậy cần liên hệ với bác sĩ khi có tình trạng thai nghén quá mức gây suy nhược cơ thể.
  • Chậm kinh: Buồn nôn và nôn không phải là triệu chứng điển hình khi chậm kinh, trong một số trường hợp phụ nữ chỉ bị khó tiêu nhẹ ngay trước kỳ kinh nguyệt.
Buồn nôn là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ
Buồn nôn là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ

Đau ngực

  • Mang thai: Trong thời kỳ mang thai, vùng ngực của người phụ nữ thường trở nên nhạy cảm, có cảm giác đau khi chạm vào. Tuy nhiên, cảm giác đau này chỉ là tạm thời và sẽ biến mất khi cơ thể đã quen với hàm lượng hormone tăng cao, vì vậy thai phụ không cần quá lo lắng. Bên cạnh đó, quầng vú (vùng xung quanh núm vú) cũng bắt đầu sẫm màu và lan rộng ra khi mang thai, một số phụ nữ cũng phát triển các tĩnh mạch xanh rõ hơn gần bề mặt vú.
  • Chậm kinh: Tình trạng đau ngực liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt được gọi là đau ngực theo chu kỳ. Ngực của người phụ nữ có thể cảm thấy đau hoặc sưng ngay sau khi rụng trứng cho đến vài ngày sau khi bắt đầu chảy máu kinh nguyệt. Tuy nhiên, quầng vú và núm vú hiếm khi thay đổi nếu chỉ là báo hiệu của chu kỳ kinh nguyệt.
Khi mang thai, vùng ngực của người phụ nữ thường trở nên nhạy cảm, cảm giác đau khi chạm vào
Khi mang thai, vùng ngực của người phụ nữ thường trở nên nhạy cảm, cảm giác đau khi chạm vào

Chuột rút

  • Mang thai: Thai phụ có thể bị chuột rút nhẹ giống như trong kỳ kinh nguyệt, nhưng diễn ra trong thời gian dài hơn do phôi thai làm tổ và tử cung giãn ra. Tuy nhiên, nếu những cơn chuột rút này chủ yếu xuất hiện ở một bên cơ thể và gây ra cảm giác đau nghiêm trọng, đây có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung hoặc các biến chứng khác. Vì vậy, tuyệt đối không được xem nhẹ tình trạng chuột rút trong thời kỳ mang thai.
  • Chậm kinh: Chuột rút ở vùng bụng dưới là triệu chứng thường gặp nhất trong kỳ kinh nguyệt. Tình trạng chuột rút xảy ra trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt được gọi là đau bụng kinh nguyên phát, thường xuất hiện ngay trước kỳ kinh nguyệt và kéo dài trong 2-3 ngày.
Thai phụ có thể bị chuột rút nhẹ do phôi thai làm tổ và tử cung giãn ra
Thai phụ có thể bị chuột rút nhẹ do phôi thai làm tổ và tử cung giãn ra

Thèm ăn

  • Mang thai: Đa số thai phụ đều thèm ăn một số loại thực phẩm nhất định hoặc liên tục cảm thấy đói. Bên cạnh đó, thai phụ cũng có thể cảm thấy khó chịu và chán ăn đối với những loại thực phẩm khác.
  • Chậm kinh: Nhiều người cảm thấy tăng cảm giác thèm ăn, thèm đồ ngọt, đồ béo hoặc hoặc các thực phẩm giàu tinh bột vào trước chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân xuất phát từ những thay đổi về hormone estrogen và progesterone ngay trước kỳ kinh. Tuy nhiên, tình trạng chán ăn thường không xuất hiện ở giai đoạn tiền kinh nguyệt.
Đa số thai phụ đều thèm ăn một số loại thực phẩm nhất định hoặc liên tục cảm thấy đói
Đa số thai phụ đều thèm ăn một số loại thực phẩm nhất định hoặc liên tục cảm thấy đói

Các triệu chứng chỉ có ở mang thai

  • Tâm trạng thay đổi thất thường: Trong thai kỳ, hormone của người phụ nữ liên tục thay đổi, do đó tâm trạng cũng trở nên thất thường. Điều này là quy luật bình thường và có thể xảy ra trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, nếu thai phụ cảm thấy quá lo lắng, chán nản hoặc có ý định tự làm hại bản thân thì gia đình cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Sự thay đổi tâm trạng cũng có thể xảy ra trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt nhưng thường không kéo dài như mang thai.
  • Đi tiểu nhiều: Trong thời gian mang thai, lượng máu lưu thông trong cơ thể tăng lên, trong đó thận làm nhiệm vụ lọc máu để loại bỏ các chất cặn bã và thải ra ngoài dưới dạng nước tiểu. Do đó, lượng máu trong cơ thể tăng lên thì tần suất đi tiểu cũng nhiều hơn.
  • Táo bón: Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng táo bón xảy ra ở 38% người phụ nữ trong thời kỳ mang thai, nhất là trong hai tam cá nguyệt đầu tiên. Mặc dù các vấn đề về đường ruột cũng có thể xảy ra khi chậm kinh nhưng thường chấm dứt sớm, chị em thường cảm thấy dễ chịu hơn sau khi kỳ kinh nguyệt của họ bắt đầu.
  • Mệt mỏi, buồn ngủ: Nhiều người thường cảm thấy cực kỳ mệt mỏi trong giai đoạn đầu mang thai. Dấu hiệu này xảy ra do nồng độ hormone progesterone trong cơ thể tăng cao. Tương tự như các triệu chứng mang thai sớm khác, tình trạng mệt mỏi có xu hướng thuyên giảm trong tam cá nguyệt thứ hai (sau tuần thứ 13 của thai kỳ). Ngoài ra, tình trạng này có thể quay trở lại trong tam cá nguyệt thứ ba đối với nhiều người.
  • Đầy hơi: Mặc dù có thể mất từ vài tuần đến vài tháng sau khi mang thai để thấy rõ bụng bầu, nhưng sự gia tăng hormone có thể khiến bụng thai phụ bị đầy hơi và xì hơi nhiều hơn bình thường. Nguyên nhân đầy hơi có thể đến từ nhiều yếu tố: ăn thức ăn khó tiêu, táo bón, tăng cân, đái tháo đường thai kỳ,.. Vì vậy, nếu tình trạng đầy hơi diễn ra kèm theo các triệu chứng bất thường khác thì thai phụ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để kịp thời điều trị và phòng ngừa.
Có thể dựa vào các triệu chứng đặc trưng để nhận biết dấu hiệu mang thai
Có thể dựa vào các triệu chứng đặc trưng để nhận biết dấu hiệu mang thai

Thay đổi nội tiết tố

Trong thai kỳ, hormone và lượng máu tăng cao là nguyên nhân gây ra nhiều biến đổi trong cơ thể, tiêu biểu nhất là làn da và tâm trạng. Trong khi một số người có làn da sáng và rạng rỡ hơn khi mang thai, những người khác có thể bị sạm da và nổi mụn nhiều hơn. Tâm trạng của chị em phụ nữ trong thai kỳ cũng thường xuyên cáu gắt, khó chịu và mệt mỏi.

Hormone và lượng máu tăng cao trong thai kỳ là nguyên nhân gây ra nhiều biến đổi trong cơ thể
Hormone và lượng máu tăng cao trong thai kỳ là nguyên nhân gây ra nhiều biến đổi trong cơ thể

Nguyên nhân gây chậm kinh

Nhiều chị em phụ nữ hay lầm tưởng chậm kinh luôn là dấu hiệu của mang thai. Tuy nhiên, nguyên nhân gây chậm kinh còn có thể đến từ nhiều yếu tố: tâm trạng, thể trạng, thuốc, bệnh kèm,… Có thể kể đến các nguyên nhân gây chậm kinh phổ biến bao gồm:

Chính vì vậy, chị em cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa chậm kinh và mang thai, cũng như xác định cụ thể nguyên nhân làm bản thân chậm kinh để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt cho hiệu quả.

Nguyên nhân gây chậm kinh còn có thể đến từ nhiều yếu tố: tâm trạng, thể trạng, thuốc, bệnh kèm,...
Nguyên nhân gây chậm kinh còn có thể đến từ nhiều yếu tố: tâm trạng, thể trạng, thuốc, bệnh kèm,…

Cần làm gì nếu muốn có thai khi kinh nguyệt không đều?

Có rất nhiều nguyên nhân gây chậm kinh, vì vậy trong hầu hết các trường hợp chậm kinh thì cơ thể vẫn có khả năng điều tiết chu kỳ rụng trứng, nghĩa là chị em phụ nữ hoàn toàn có khả năng mang thai khi kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên, để quá trình mang thai được thuận lợi hơn thì chị em cần lưu ý một số điều sau:

  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, từ đó gây rối loạn nội tiết tố làm cơ thể gặp nhiều bất lợi trong quá trình mang thai. Chị em phụ nữ cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, tăng tỷ lệ thụ thai thành công.
  • Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Stress kéo dài cũng gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sản xuất trứng và rụng trứng. Để tạo điều kiện mang thai tốt nhất, chị em cần giữ cho tâm trạng thoải mái, tinh thần lạc quan và sức khỏe cân bằng, hạn chế làm việc quá sức. Ngoài ra, chị em có thể tham gia các lớp học thiền định, yoga,… để tăng cường sự dẻo dai của cơ thể, giúp quá trình mang thai diễn ra thuận lợi hơn.
  • Sử dụng thuốc kích trứng: Thuốc kích trứng thường được bác sĩ chỉ định để hỗ trợ chị em phụ nữ trong việc cân bằng nội tiết tố, điều hòa chức năng của buồng trứng, giúp quá trình thụ thai trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên thực hiện kèm theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, chị em tuyệt đối không tự ý sử dụng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Khám phụ khoa định kỳ: Thông thường, lịch khám phụ khoa định kỳ của chị em phụ nữ là vào mỗi 6 tháng, mục đích là để theo dõi sức khỏe sinh sản và kịp thời phát hiện các dấu hiệu phụ khoa bất thường. Một khi sức khỏe sinh sản đã đảm bảo, chị em sẽ có được hành trang đầy đủ nhất để bước vào hành trình mang thai.
  • Tăng tần suất quan hệ tình dục: Đối với những chị em phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều, việc xác định ngày rụng trứng thường gặp nhiều khó khăn hơn, làm xác suất mang thai giảm đi đáng kể. Chính vì vậy, chị em có thể tăng tần suất quan hệ tình dục để tăng khả năng thụ thai vào ngày rụng trứng.
Chị em phụ nữ hoàn toàn có khả năng mang thai khi kinh nguyệt không đều
Chị em phụ nữ hoàn toàn có khả năng mang thai khi kinh nguyệt không đều

Cách khắc phục tình trạng chậm kinh hiệu quả

Để khắc phục tình trạng chậm kinh hiệu quả, trước tiên chị em phụ nữ cần xác định rõ nguyên nhân gây chậm kinh và tình trạng sức khỏe của bản thân. Ngoài việc thay đổi lối sống, các biện pháp giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt thường được khuyến cáo bao gồm:

Thuốc điều trị kinh nguyệt không đều

Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều hòa kinh nguyệt song song với chế độ sinh hoạt lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả điều trị. Các loại thuốc có thể kể đến như:

  • Thuốc tránh thai nội tiết tố: Chảy máu bất thường do hội chứng buồng trứng đa nang, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung hoặc các tình trạng bệnh lý khác có thể được kiểm soát bằng thuốc tránh thai nội tiết tố. Ngoài ra, loại thuốc này cũng giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm thuốc tránh thai nội tiết tố kết hợp estrogen và progestin hoặc thuốc tránh thai chỉ chứa progestin. Cả hai loại đều có nhiều dạng khác nhau như thuốc viên, vòng âm đạo, thuốc tiêm hoặc vòng tránh thai (IUD).
  • Axit Tranexamic: Là loại thuốc được kê đơn để điều trị chảy máu kinh nguyệt nhiều, uống một viên vào đầu kỳ kinh nguyệt để kiểm soát tình trạng chảy máu.
  • Liệu pháp hormone: Liệu pháp hormone có thể hữu ích nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều của người phụ nữ là do tiền mãn kinh. Tuy nhiên, liệu pháp này khá phức tạp và yêu cầu trình độ chuyên môn cao, vì vậy chị em phụ nữ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
  • Thuốc kháng sinh: Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân gây chảy máu bất thường là do nhiễm trùng.
Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều hòa kinh nguyệt song song với chế độ sinh hoạt lành mạnh
Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều hòa kinh nguyệt song song với chế độ sinh hoạt lành mạnh

Phẫu thuật điều trị kinh nguyệt không đều

Có nhiều phương án điều trị phẫu thuật cho chị em phụ nữ tùy thuộc vào tình trạng, độ tuổi và nguyện vọng mang thai trong tương lai. Các phương pháp điều trị phẫu thuật khi kinh nguyệt không đều bao gồm:

  • Phá hủy nội mạc tử cung: Phá hủy nội mạc tử cung là một thủ thuật sử dụng nhiệt, lạnh hoặc các loại năng lượng khác nhau để phá hủy mô lót tử cung của người phụ nữ, từ đó làm chảy máu ít hơn trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu chị em vẫn muốn mang thai trong tương lai thì không nên thực hiện thủ thuật này.
  • Phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung: Là thủ thuật để loại bỏ u xơ tử cung, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu không đều.
  • Thuyên tắc động mạch tử cung: Một thủ thuật cắt đứt nguồn cung cấp máu đến tử cung để ngăn ngừa u xơ tử cung.
  • Cắt bỏ tử cung: Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể cần phẫu thuật để loại bỏ mô nội mạc tử cung dư thừa phát triển trong xương chậu hoặc bụng của người phụ nữ. Cắt bỏ tử cung có thể là biện pháp cuối cùng nếu tử cung đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Có nhiều phương án điều trị phẫu thuật cho chị em phụ nữ tùy thuộc vào tình trạng, độ tuổi và nguyện vọng mang thai trong tương lai
Có nhiều phương án điều trị phẫu thuật cho chị em phụ nữ tùy thuộc vào tình trạng, độ tuổi và nguyện vọng mang thai trong tương lai

Làm thế nào để giảm nguy cơ kinh nguyệt không đều?

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, chị em phụ nữ nên chăm sóc bản thân bằng cách rèn luyện các thói quen sau:

  • Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục điều độ và ăn thực phẩm bổ dưỡng.
  • Tránh làm việc quá sức.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng: yoga, thiền định,…
  • Cắt giảm các bài tập thể dục kéo dài hoặc cường độ cao.
  • Sử dụng thuốc tránh thai hoặc các biện pháp tránh thai khác theo chỉ dẫn.
  • Thay băng vệ sinh hoặc tampon sau mỗi 4-6 giờ để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần.
Chị em nên rèn luyện các thói quen lành mạnh để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt
Chị em nên rèn luyện các thói quen lành mạnh để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Mặc dù tình trạng mệt mỏi trong kỳ kinh nguyệt là vấn đề phổ biến ở chị em phụ nữ nhưng tuyệt đối không được xem nhẹ, vì rất có thể những dấu hiệu này là cảnh báo cho một bệnh lý khác nghiêm trọng hơn.

Dấu hiệu nhận biết

Để đảm bảo an toàn cho bản thân, chị em phụ nữ cần hiểu rõ và kịp thời nhận biết các dấu hiệu bất thường sau để liên hệ với bác sĩ:

  • Đau bụng hoặc chuột rút dữ dội trong kỳ kinh nguyệt hoặc giữa các kỳ kinh.
  • Chảy máu bất thường nhiều (thấm đẫm băng vệ sinh hoặc tampon trong vòng 2-3 giờ) hoặc ra cục máu đông lớn.
  • Khí hư âm đạo có mùi hôi.
  • Chậm kinh trên 7 ngày.
  • Chảy máu âm đạo hoặc ra máu giữa các kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh.
  • Chu kỳ kinh nguyệt trở nên rất bất thường mặc dù trước đây chị em có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
  • Buồn nôn hoặc nôn trong kỳ kinh nguyệt.
  • Các triệu chứng của hội chứng sốc độc tố (TSS), chẳng hạn như sốt, nôn mửa, tiêu chảy, ngất xỉu hoặc chóng mặt.

Bất kỳ chị em phụ nữ nào nghi ngờ mình đang mang thai đều có thể thử thai tại nhà để kiểm tra. Nếu kết quả là dương tính hoặc âm tính nhưng chị em vẫn nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ (ví dụ: trễ kinh 3 lần liên tiếp), hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ để xác nhận chính xác hơn tình trạng mang thai và lên kế hoạch chăm sóc cụ thể cho các giai đoạn tiếp theo.

Chị em phụ nữ cần hiểu rõ và kịp thời nhận biết các dấu hiệu bất thường để liên hệ với bác sĩ
Chị em phụ nữ cần hiểu rõ và kịp thời nhận biết các dấu hiệu bất thường để liên hệ với bác sĩ

Xét nghiệm chẩn đoán

Ngoài thử thai bằng que, thì bác sĩ cũng chỉ định một số xét nghiệm để phân biệt chậm kinh và mang thai, bao gồm:

  • Siêu âm vùng chậu: Siêu âm có thể phát hiện tình trạng chảy máu bất thường do u xơ tử cung, polyp hoặc u nang buồng trứng.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô từ niêm mạc tử cung và tiến hành xét nghiệm, từ đó giúp chẩn đoán bệnh lạc nội mạc tử cung, mất cân bằng nội tiết tố hoặc tế bào tiền ung thư.
  • Nội soi tử cung: Một thủ thuật cho phép bác sĩ quan sát bên trong tử cung của người phụ nữ để chẩn đoán và điều trị một số nguyên nhân gây chảy máu bất thường.
Ngoài thử thai bằng que, thì bác sĩ cũng chỉ định một số xét nghiệm để phân biệt chậm kinh và mang thai
Ngoài thử thai bằng que, thì bác sĩ cũng chỉ định một số xét nghiệm để phân biệt chậm kinh và mang thai

Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín

Chị em phụ nữ có thể tham khảo một số bệnh viện chuyên khoa sản phụ khoa uy tín để gửi gắm sức khỏe sinh sản:

  • Bệnh viện Từ Dũ – TPHCM.
  • Bệnh viện Hùng Vương – TPHCM.
  • Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – TPHCM‏.
  • Bệnh viện Phụ sản Mekong – TPHCM.
  • Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – TPHCM.
  • Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội.
  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – Hà Nội.
  • Bệnh viện Phụ sản Hà Nội – Hà Nội.
  • Bệnh viện Phụ sản Trung ương – Hà Nội.
  • Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – Hà Nội.

Một số câu hỏi liên quan

Chuẩn bị đến tháng có dấu hiệu gì?

Khi sắp bước vào chu kỳ kinh nguyệt, chị em phụ nữ thường xuất hiện các dấu hiệu sắp có kinh nguyệt đặc trưng sau:

  • Nổi mụn nhiều hơn: Nồng độ hormone tăng cao kích thích sản xuất bã nhờn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn khi chu kỳ kinh nguyệt sắp bắt đầu, thường tập trung ở vùng cằm và đường viền hàm.
  • Ngực bị đau hoặc nặng: Ngực có thể cảm thấy đau hoặc sưng ngay sau khi rụng trứng cho đến vài ngày sau khi bắt đầu chảy máu kinh nguyệt do những thay đổi về lượng hormone estrogen, progesterone và prolactin trong cơ thể.
  • Mệt mỏi nhưng khó ngủ: Sự thay đổi hormone cũng làm rối loạn giấc ngủ và tăng cảm giác mệt mỏi.
  • Chuột rút: Chuột rút ở bụng dưới là triệu chứng thường gặp nhất trong kỳ kinh nguyệt, thường xuất hiện ngay trước kỳ kinh nguyệt và kéo dài trong 2-3 ngày.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy: Khi đến kỳ kinh nguyệt, các vấn đề về đường ruột có thể gia tăng gây thêm bất tiện cho người phụ nữ.
  • Đầy hơi và chướng bụng: Cảm giác đầy hơi trước kỳ kinh nguyệt thường là do tích nước vì thay đổi lượng hormone.
  • Đau đầu: Sự thay đổi nồng độ estrogen là nguyên nhân khiến người phụ nữ bị đau đầu trước kỳ kinh nguyệt.
  • Tâm trạng thất thường: Sự thay đổi hormone cũng có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, làm chị em trở nên nhạy cảm, dễ cáu kỉnh, lo lắng và chán nản hơn.
  • Đau lưng dưới: Chuột rút kinh nguyệt không chỉ ảnh hưởng đến bụng mà còn gây ra các cơn co thắt ở lưng hoặc đùi.

Chậm kinh như thế nào là có thai?

Trên thực tế, chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người là khác nhau, dao động từ 24 đến 38 ngày. Vậy nên việc đếm số ngày chậm kinh để xác định tình trạng mang thai thường không chính xác. Thay vào đó, chị em phụ nữ nên quan tâm đến các dấu hiệu mang thai xuất hiện sớm đã được Docosan chia sẻ ở nội dung phía trên để có cái nhìn tổng quan nhất.

Trễ kinh bao lâu thì bị ốm nghén?

Chậm kinh thường là dấu hiệu đầu tiên của thai kỳ. Các triệu chứng ốm nghén, chẳng hạn như buồn nôn và nôn, thường bắt đầu sau khoảng 4–6 tuần. Tuy nhiên, thời gian xuất hiện và mức độ của các triệu chứng này cũng có thể khác nhau ở mỗi người.

Bạn có thể thử thai sớm nhất là khi nào?

Que thử thai hoạt động bằng cách phát hiện một lượng nhất định gonadotropin màng đệm ở người (hCG) trong nước tiểu. Chính vì vậy, nên thử thai ít nhất một tuần sau khi trễ kinh để có kết quả chính xác nhất, nếu thử quá sớm có thể dẫn đến kết quả âm tính giả.

Bạn có thể mang thai sau bao nhiêu ngày kể từ ngày có kinh?

Thời gian dễ thụ thai nhất chính là thời điểm rụng trứng, diễn ra vào giữa ngày 12 và ngày 20 của chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, thời gian chính xác còn phụ thuộc vào độ dài chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người. Ví dụ, nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn là 28 ngày, bạn sẽ rụng trứng vào gần ngày thứ 14 và những ngày dễ thụ thai nhất là ngày 12, 13 và 14.

Xem thêm:

Chậm kinh và mang thai là hai tình trạng sinh lý có thể diễn ra trong vòng đời của người phụ nữ với những dấu hiệu giống và khác nhau. Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn đọc phân biệt được rõ hơn sự khác nhau giữa chậm kinh và mang thai, từ đó có các biện pháp chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình hiệu quả.

Nguồn tham khảo:

1. How Late Can a Period Be Before You Know You’re Pregnant?

  • Link tham khảo: https://www.medicinenet.com/how_late_can_period_be_before_know_youre_pregnant/article.htm
  • Ngày tham khảo: 16/08/2024

2. Pregnancy

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/articles/pregnancy
  • Ngày tham khảo: 16/08/2024

3. How to tell the difference between PMS and pregnancy symptoms

  • Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/323122
  • Ngày tham khảo: 16/08/2024

4. Signs Your Period Is Coming

  • Link tham khảo: https://www.webmd.com/women/pms/signs-your-period-is-coming
  • Ngày tham khảo: 16/08/2024

5. Am I Pregnant?

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/articles/9709-pregnancy-am-i-pregnant
  • Ngày tham khảo: 16/08/2024

6. Irregular Periods

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14633-abnormal-menstruation-periods
  • Ngày tham khảo: 16/08/2024