Viêm vùng chậu: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs -Sexually transmitted Diseases) nếu không được điều trị có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID – Pelvic inflammatory disease), một tình trạng nghiêm trọng ở phụ nữ. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, 1/8 phụ nữ có tiền sử bị viêm vùng chậu gặp khó khăn khi mang thai. Phụ nữ có thể phòng ngừa bệnh viêm vùng chậu nếu biết cách bảo vệ mình.

Bệnh viêm vùng chậu là tình trạng nhiễm trùng các cơ quan sinh sản của phụ nữ. Đây là một biến chứng từ bởi một số bệnh STDs, như chlamydiabệnh lậu. Tuy nhiên, các bệnh nhiễm trùng khác không lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây ra viêm vùng chậu.

viem-vung-chau
Khám phụ khoa khi nghi ngờ bị viêm vùng chậu

Triệu chứng bệnh viêm vùng chậu

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể nhẹ và khó nhận biết. Một số phụ nữ không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Khi có các dấu hiệu và triệu chứng của PID, chúng thường bao gồm:

  • Đau – từ nhẹ đến nặng – đau bụng dưới và vùng xương chậu
  • Tiết dịch âm đạo (khí hư) bất thường (có màu, có mùi hôi khó chịu)
  • Chảy máu tử cung bất thường, đặc biệt là trong hoặc sau khi giao hợp, hoặc giữa các chu kỳ kinh nguyệt
  • Đau khi giao hợp
  • Sốt, đôi khi ớn lạnh
    Bất thường khi đi tiểu: đau rát, tiểu nhiều, tiếu ít hơn bình thường

Biến chứng bệnh viêm vùng chậu

Bệnh viêm vùng chậu không được điều trị có thể gây ra mô sẹo và các túi chất lỏng bị nhiễm trùng (áp xe) phát triển trong đường sinh sản. Những tổn thương này có thể gây thương tật vĩnh viễn cho cơ quan sinh sản.

Cụ thể, một số biến chứng của tổn thương cơ quan sinh sản như sau:

  • Mang thai ngoài tử cung: Viêm vùng chậu là nguyên nhân chính gây mang thai ngoài tử cung.Khi PID không được điều trị đã gây ra mô sẹo phát triển trong ống dẫn trứng. Các mô sẹo ngăn cản trứng đã thụ tinh đi qua ống dẫn trứng để làm tổ trong tử cung. Thay vào đó, trứng làm tổ trong ống dẫn trứng. Mang thai ngoài tử cung có thể gây chảy máu ồ ạt, đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
  • Vô sinh hiếm muộn: Tổn thương cơ quan sinh sản của bạn có thể gây vô sinh – không có khả năng mang thai. Số lần mắc viêm vùng chậu tỉ lệ thuận với nguy cơ vô sinh. Trì hoãn điều trị viêm vùng chậu cũng làm tăng đáng kể nguy cơ vô sinh.
  • Đau vùng chậu mãn tính: Bệnh viêm vùng chậu có thể gây đau vùng chậu kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Sẹo trong ống dẫn trứng và các cơ quan vùng chậu khác có thể gây đau khi giao hợp và rụng trứng.
  • Áp xe vòi trứng: Viêm vùng chậu có thể gây ra áp xe – tụ mủ – hình thành trong các đường ống ở cơ quan sinh sản. Thông thường, áp xe xuất hiện ở ống dẫn trứng và buồng trứng, nhưng chúng cũng có thể phát triển trong tử cung hoặc các cơ quan vùng chậu khác. Nếu áp xe không được điều trị, nhiễm trùng có thể đe dọa tính mạng.

Khi nào cần đi khám bác sĩ phụ khoa?

Khi có các triệu chứng sau đây, bạn có thể nghi ngờ bản thân đã bị viêm vùng chậu và cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm:

  • Đau bụng dưới dữ dội
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Sốt, với nhiệt độ cao hơn 38 độ C
  • Dịch tiết âm đạo (khí hư) có mùi hôi

Ngay cả khi có các triệu chứng viêm vùng chậu không nghiêm trọng được liệt kê ở phần trước, bạn cũng cần đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt. Dịch tiết âm đạo có mùi hôi, đẩuts khi đi tiểu, chảy máu giữa các kì kinh nguyệt cũng có thể là triệu chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi những triệu chứng này xảy ra, bạn cần kiêng quan hệ tình dục và đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Điều trị sớm các bệnh lây qua đường tình dục là cách tốt để ngăn bệnh viêm vùng chậu.

Nguyên nhân gây bệnh viêm vùng chậu

  • Bị bệnh lây qua đường tình dục mà không được điều trị
  • Có nhiều hơn một bạn tình
  • Có bạn tình quan hệ tình dục với người khác
  • Đã từng bị viêm vùng chậu
  • Sinh hoạt tình dục trước 25 tuổi
  • Thụt rửa sâu
  • Đặt vòng để ngừa thai. Tuy nhiên, nguy cơ bị viêm vùng chậu khi đặt vòng thường không đáng kể, nếu phát bệnh sẽ được can thiệp và trị khỏi trong ba tuần đầu tiên sau khi đặt vòng tránh thai vào tử cung bởi bác sĩ.

Để giảm nguy cơ bị viêm vùng chậu, cách duy nhất là tránh bị bệnh lây qua đường tình dục bằng cách tránh quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc bằng miệng.

Nếu bạn đang hoạt động tình dục, bạn có thể làm những điều sau để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu:

  • Quan hệ chung thủy một vợ một chồng lâu dài với bạn tình đã được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm STD âm tính;
  • Sử dụng bao cao su latex đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục.

Phòng ngừa bệnh viêm vùng chậu

  • Thực hành tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su mỗi khi bạn quan hệ tình dục, hạn chế số lượng bạn tình và hỏi về tiền sử tình dục của bạn tình tiềm năng.
  • Lựa chọn biện pháp tránh thai không có nguy cơ gây nhiễm trùng: Sử dụng các phương pháp rào cản, chẳng hạn như bao cao su, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngay cả khi bạn uống thuốc tránh thai, hãy sử dụng bao cao su mỗi khi bạn quan hệ tình dục với bạn tình mới để bảo vệ khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Đi khám phụ khoa. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh lây qua đường tình dục, hãy hẹn gặp bác sĩ để xét nghiệm. Đặt lịch khám định kỳ với bác sĩ nếu cần. Điều trị sớm STI mang lại cho bạn cơ hội tốt nhất để tránh PID.
  • Yêu cầu bạn tình/ chồng đi khám định kì. Nếu bạn bị bệnh viêm vùng chậu hoặc STI, hãy khuyên bạn tình của bạn đi xét nghiệm và điều trị. Điều này có thể ngăn ngừa sự lây lan của STIs và khả năng tái phát của PID.
  • Đừng thụt rửa. Thụt rửa làm xáo trộn sự cân bằng của vi khuẩn trong âm đạo của bạn, tạo cơ hội cho vi khuẩn gây viêm vùng chậu phát triển.

Chẩn đoán viêm vùng chậu

  • Tiền sử bệnh: Bác sĩ có thể sẽ hỏi về thói quen tình dục của bạn, tiền sử nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và phương pháp ngừa thai.
  • Triệu chứng bệnh: Bạn cần liệt kê đầy đủ tất cả triệu chứng bất thường dù chúng không nghiêm trọng
  • Kiểm tra vùng chậu: Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ kiểm tra vùng xương chậu của bạn xem có bị đau và sưng hay không. Bác sĩ cũng có thể sử dụng tăm bông để lấy mẫu chất lỏng từ âm đạo và cổ tử cung của bạn. Các mẫu sẽ được kiểm tra tại phòng xét nghiệm để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng và các vi khuẩn bệnh lậu và chlamydia.
  • Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu: Các xét nghiệm này có thể được sử dụng để kiểm tra việc mang thai, HIV hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác, hoặc để đo số lượng bạch cầu hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm khác.
  • Siêu âm bụng: Tìm kiếm bất thường trong khoang bụng

Nếu các bằng chứng được tìm thấy không đủ để kết luận, bác sĩ có thể cho làm xét nghiệm thêm:

  • Nội soi ổ bụng: quan sát tìm bất thường ở các cơ quan vùng chậu bằng máy nội soi.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Một óng nhỏ sẽ được đưa vào tử cung để lấy mô, mô được kiểm tra để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng và viêm nhiễm.
viem-vung-chau
Nội soi vùng chậu

Điều trị viêm vùng chậu

Điều trị kịp thời bằng thuốc có thể thoát khỏi tình trạng nhiễm trùng gây ra bệnh viêm vùng chậu. Nhưng không có cách nào để đảo ngược bất kỳ vết sẹo hoặc tổn thương nào đối với đường sinh sản mà PID có thể đã gây ra. Điều trị PID thường xuyên nhất bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Bạn có thể sẽ tái khám với bác sĩ sau ba ngày dùng thuốc kháng sinh được kê đơn để đảm bảo rằng liệu pháp điều trị có hiệu quả. Hãy đảm bảo uống hết thuốc, ngay cả khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn sau một vài ngày.
  • Điều trị cho bạn tình của bạn: Để ngăn ngừa tái nhiễm STI, bạn tình của bạn nên được khám và điều trị. Các đối tác bị nhiễm bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào cho đến khi có kết quả xét nghiệm bất thường.
  • Kiêng cữ tạm thời: Tránh quan hệ tình dục cho đến khi điều trị xong và các triệu chứng đã khỏi.

Nếu bạn đang mang thai, ốm nặng, nghi ngờ bị áp xe hoặc không đáp ứng với thuốc uống, bạn có thể cần nhập viện. Bạn có thể nhận được thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch, sau đó là thuốc kháng sinh uống.

Bệnh viêm vùng chậu hiếm khi cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu áp xe bị vỡ hoặc có nguy cơ vỡ, bác sĩ có thể dẫn lưu áp xe. Phẫu thuật sẽ cần thiết nếu bạn không đáp ứng với điều trị kháng sinh hoặc có một chẩn đoán đáng ngờ, chẳng hạn như thiếu một vài triệu chứng để kết luận bị bệnh viêm vùng chậu.

Hãy lắng nghe cơ thể của mình lên tiếng, khi có bất kì triệu chứng nghi ngờ bị viêm vùng chậu, hãy đặt lịch hẹn khám phụ khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Các bác sĩ phụ khoa điều trị viêm vùng chậu

Tham khảo từ danh sách các bác sĩ phụ khoa giỏi tại Tp.HCM


Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ chuyên khoa. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.