Chỉ số EQ là gì? 4 bài test kiểm tra chỉ số EQ của bạn đơn giản

Từ lâu, nhiều người thường đánh giá năng lực của một người thông qua khả năng nhận thức, thể hiện bằng chỉ số thông minh (IQ). Tuy nhiên, các nhà tâm lý học cho rằng chỉ số IQ không phản ánh đầy đủ khả năng tư duy của con người và họ ngày càng công nhận tầm quan trọng của chỉ số EQ, thậm chí chỉ số này có thể quan trọng hơn chỉ số IQ khi dự đoán hiệu quả trong công việc của một người. Vậy chỉ số EQ là gì và sự ảnh hưởng của nó như thế nào đối với con người, hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

chỉ số EQ

Chỉ số EQ là gì?

EQ là chữ viết tắt của cụm từ Emotional Quotient (chỉ số cảm xúc), hay còn được hiểu bởi thuật ngữ EI (Emotional intelligence – trí tuệ cảm xúc). Chỉ số EQ là một tập hợp đã yếu tố bao gồm các năng lực, kỹ năng để tự nhận thức cảm xúc của bản thân và của người khác, để kết nối với người khác và giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Chỉ số cảm xúc cũng được hiểu như một cách đánh giá về một loại trí thông minh trong xã hội để quản lý và hiểu cảm xúc của chính mình và của người khác.

Những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ chấp nhận và nắm rõ cảm xúc của họ, họ cũng có khả năng thể hiện bản thân một cách quyết đoán, nhưng cũng đồng cảm, hợp tác và kết nối với người khác theo cách phù hợp, có thể xử lý các tình huống căng thẳng, các vấn đề giữa các cá nhân một cách hiệu quả và có quan điểm lạc quan trong cuộc sống. 

chỉ số EQ
Chỉ số EQ 

Phân biệt chỉ số EQ và IQ

Chỉ số IQ thường đề cập đến năng lực về trí tuệ của một người. Một số thành phần phổ biến để đánh giá chỉ số IQ bao gồm các khả năng:

  • Sử dụng logic để giải quyết vấn đề
  • Lập kế hoạch và chiến lược
  • Hiểu những khái niệm trừu tượng
  • Học hỏi và dễ dàng thích nghi với sự thay đổi
  • Nắm bắt và sử dụng ngôn ngữ thành thạo

Chỉ số IQ của một người thường đề cập đến khả năng nhận thức cảm xúc của bạn thân họ và người khác. Chỉ số EQ cũng đề cập đến cách bạn sử dụng các nhận thức đó để điều chỉnh hành vi của mình. Điều đó có nghĩa là, khi một người có chỉ số EQ cao, họ có thể dễ dàng thực hiện các điều sau:

  • Hiểu được cảm xúc của bản thân và của người khác
  • Đồng cảm với người khác
  • Điều chỉnh cảm xúc và hành vi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau
  • Kiểm soát tâm trạng
  • Chống lại sự cám dỗ và sự trì hoãn để thỏa mãn bản thân
  • Giải quyết mâu thuẫn với người khác
  • Giao tiếp hiệu quả
Phân biệt chỉ số EQ và IQ
Phân biệt chỉ số EQ và IQ

Cách kiểm tra chỉ số EQ của một người

Có vẻ như trí tuệ cảm xúc khá khó để định lượng hơn trí tuệ nhận thức (IQ), nhưng bạn có thể tự kiểm tra chỉ số EQ của mình thông qua các bài kiểm tra sẵn có hoặc phải cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, những bài kiểm tra này có những hạn chế bởi cảm xúc là một khái niệm trừu tượng, không thể nào đo lường chính xác được. Một số bài kiểm tra thường được dùng để đo chỉ số EQ của một người như: 

Bài kiểm tra trí tuệ cảm xúc Mayer-Salovey-Caruso (MSCEIT)

MSCEIT là một bài kiểm tra trực tuyến mà bạn có thể thực hiện bằng cách trả lời các lời nhắc trong khoảng 30 đến 40 phút. Nó tập trung vào cách chúng ta tiếp nhận thông tin cảm xúc, cách chúng ta hiểu cảm xúc và tạo điều kiện cho những suy nghĩ và cách chúng ta quản lý cảm xúc. Mặc dù có một số bài kiểm tra trực tuyến miễn phí, những bài kiểm tra MSCEIT sẽ tính phí.

Các nghiên cứu về các bài kiểm tra trí tuệ cảm xúc đã phát hiện ra rằng phụ nữ có xu hướng đạt điểm cao hơn nam giới, một phần vì phụ nữ có xu hướng đánh giá cao khả năng nhận thức cảm xúc của chính họ. 

Bài kiểm tra các tình huống về khả năng quản lý cảm xúc

Đây là một bài kiểm tra trắc nghiệm dựa trên việc đánh giá mức độ quản lý cảm xúc của một người. Bài kiểm tra này thường được kết hợp với bài kiểm tra tình huống về hiểu biết cảm xúc, có sẵn bài ở dạng dài và dạng ngắn, phù hợp với thanh thiếu niên từ 11 – 15 tuổi.

Bài kiểm tra tình huống về sự hiểu biết về cảm xúc

Sự hiểu biết về cảm xúc bao gồm kiến thức về cảm xúc và khả năng suy luận về cảm xúc của một người. Bài kiểm tra này đánh giá sự hiểu biết về mặt cảm xúc của bản thân và của người khác bằng bộ gồm 42 câu hỏi trắc nghiệm với 5 cấp độ lựa chọn (hoàn toàn không đồng ý, không đồng ý, không ý kiến, đồng ý, hoàn toàn đồng ý)

Phân tích chẩn đoán độ chính xác phi ngôn ngữ (Diagnostic Analysis of Nonverbal Accuracy)

Đây là bài đánh giá để kiểm tra khả năng tiếp thu (giải mã) và biểu cảm (mã hóa) phi ngôn ngữ của một người dựa trên bốn thang đo phụ: Biểu cảm trên khuôn mặt, ngôn ngữ/giọng nói, tư thế và cử chỉ.

Kiểm tra chỉ số EQ bằng các bài test
Kiểm tra chỉ số EQ bằng các bài test

Các thành phần đánh giá của chỉ số EQ

Chỉ số EQ thường đánh giá năng lực của bạn bởi các thành phần chính:

  • Tự nhận thức (Self-awareness): Đây là mức độ hiểu biết và tự nhận thức về cảm xúc của chính mình. Một người có chỉ số cảm xúc cao không chỉ nhận thức được cảm xúc mà họ đang cảm nhận mà còn có thể diễn đạt cảm xúc qua lời nói.
  • Tự điều chỉnh (Self-regulation): Khi một người đã biết tự nhận thức, họ có thể tự điều chỉnh để quản lý cảm xúc và hành vi của chính mình. Điều này có thể thấy khi họ nhận ra cảm xúc tiêu cực và cố gắng điều chỉnh để kìm hãm các cảm xúc và hành vi bộc phát.
  • Động lực (Motivation): Động lực là yếu tố kích thích và định hướng để một người đạt được mục tiêu của họ. Người có EQ cao sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu ngay cả những lúc gặp khó khăn vì họ nhận thức lợi ích mà những mục tiêu đó mang lại.
  • Đồng cảm (Empathy): Đồng cảm thể hiện sự thấu hiểu và cảm nhận được cảm xúc của người khác. Một người có thể đồng cảm thông qua việc nhận diện được sự thay đổi về nét mặt, giọng nói hay ngôn ngữ cơ thể của người khác.
  • Kỹ năng xã hội (Social skills): Trí tuệ cảm xúc có thể giúp tương tác tốt hơn với người khác, từ đó có thể xây dựng và duy trì lâu dài các mối quan hệ.
Tự nhận thức là một trong những thành phần của chỉ số EQ
Tự nhận thức là một trong những thành phần của chỉ số EQ

Tầm quan trọng của chỉ số EQ

Chỉ số EQ có thể giúp chúng ta đối phó và kiên cường hơn trước những khó khăn trong cuộc sống. Những người có chỉ số cảm xúc cao hơn thường vui vẻ, hòa đồng, tự tin và giải tỏa căng thẳng hay có khả năng phát triển các mối quan hệ xã hội tốt hơn. Từ đó, EQ cao mang lại các tác động tích cực trong học tập cũng như trong công việc, cụ thể như:

  • Khả năng lãnh đạo: Những người có thể hiểu và giải quyết nhu cầu cảm xúc của người khác có thể trở thành nhà lãnh đạo thành công trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề.
  • Phát triển các mối quan hệ: Trí tuệ cảm xúc có thể giúp phát triển các mối quan hệ bền chặt hơn với những người xung quanh. Bạn cũng có thể hỗ trợ họ trong nhiều vấn đề, mang lại các tác động tích cực trong cuộc sống của họ.
  • Tự tin: Tương tác tốt với người khác có thể giúp bạn xây dựng sự tự tin trong các mối quan hệ. EQ cao cũng có thể cho phép bạn trở nên tự tin hơn khi nêu quan điểm của mình.
  • Giải quyết xung đột dễ dàng hơn: Nếu bạn có thể nắm bắt được các diễn biến tâm lý xảy ra trong một tình huống, bạn có thể giải quyết vấn đề đó tốt hơn và học cách ngăn chặn điều đó xảy ra trong tương lai.
  • Cải thiện môi trường làm việc: Bằng cách giao tiếp hiệu quả với người khác, bạn có thể xây dựng một môi trường làm việc với các mối quan hệ tích cực và có thể phát triển sự nghiệp.
  • Quản lý thời gian hiệu quả: Hiểu được cảm xúc của chính bạn như thế nào có thể giúp xác định các dự định của mình chính xác hơn và quản lý lịch trình của mình tốt hơn.
  • Ứng biến nhanh với các tình huống: Trí tuệ cảm xúc có thể giúp bạn chấp nhận và giải quyết những sự thay đổi đột ngột về cảm xúc, điều này cho phép bạn thích nghi với nhiều tình huống hiệu quả hơn. 
EQ cao giúp chúng ta cải thiện các mối quan hệ trong công việc
EQ cao giúp chúng ta cải thiện các mối quan hệ trong công việc

Những biểu hiện của người có chỉ số EQ thấp

Người có chỉ số EQ thấp thường gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc của bản thân và hiểu được cảm xúc của người khác. Khi có chỉ số thông minh cảm xúc thấp, họ sẽ tự điều chỉnh cảm xúc kém hơn, từ đó tâm trạng và hành vi dễ dàng chuyển theo các hướng tiêu cực. Chỉ số EQ thấp có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm:

  • Khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ
  • Không biết được nguyên nhân khiến cảm xúc của bản thân thay đổi
  • Tâm trạng thường xuyên thay đổi hay bộc phát cảm xúc thất thường
  • Không có chính kiến hoặc khó khăn khi chịu trách nhiệm một vấn đề
  • Khó chấp nhận lời chỉ trích hoặc những góp ý mang tính xây dựng
  • Khó diễn đạt ý tưởng của bản thân
  • Không kiểm soát được lời nói
  • Ít quan tâm đến cảm xúc của người khác
  • Có xu hướng sửa lỗi thay vì học hỏi
  • Luôn có thái độ bi quan và không thể lấy lại động lực sau mỗi lần thất bại.
Người có EQ thấp thường có thái độ bi quan và mất động lực
Người có EQ thấp thường có thái độ bi quan và mất động lực

Làm gì khi đối mặt với người có chỉ số EQ thấp?

Nhiều người thường khó phát triển và duy trì mối quan hệ với người có chỉ số cảm xúc thấp. Do đó, để cải thiện các mối quan hệ này, chúng ta có thể:

  • Chấp nhận con người thật của họ: Bạn có thể nhìn vào các khía cạnh tích cực khác của họ thay vì chỉ tập trung vào những mặt tiêu cực.
  • Khuyến khích thay đổi: Bạn có thể hỗ trợ họ cải thiện EQ bằng cách khuyến khích họ giảm bớt căng thẳng, tự xoa dịu bản thân.
  • Lắng nghe: Người có EQ thấp thường dễ bị thất vọng hoặc mất niềm tin. Bạn có thể giúp họ trở nên bình tĩnh bằng cách lắng nghe và chia sẻ.
  • Gợi ý: Người có EQ thấp thường khó nhận ra cảm xúc của người khác. Bạn có thể gợi ý cho họ biết cảm giác của bạn thay vì mong đợi họ nhận thức được các cảm giác đó.
Nên lắng nghe và chia sẻ với người có EQ thấp
Nên lắng nghe và chia sẻ với người có EQ thấp

Cách tăng chỉ số EQ

Có nhiều cách hướng dẫn mọi người tự thực hành để cải thiện chỉ số EQ của bản thân, bao gồm:

  • Đặt ra dự định mỗi ngày: Việc tự định hướng rõ ràng mỗi ngày khiến một người có cảm giác hứng thú và tích cực hơn.
  • Chú trọng việc chăm sóc cho bản thân: Một người được nghỉ ngơi đầy đủ và thoải mái, họ có nhiều khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân hơn
  • Tự kiểm tra cảm xúc: Bạn nên thường xuyên theo dõi cảm xúc của chính mình và cách đối phó với cảm xúc.
  • Sống chậm: Bạn nên thử tạm dừng và hít thở trước khi đối mặt với các tình huống căng thẳng.
  • Đặt câu hỏi: Những người tò mò về cảm xúc của họ và của người khác thường có xu hướng hình thành sự đồng cảm cao hơn. Bạn có thể đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về cảm xúc của người khác.
  • Tạo không gian cho cảm xúc: Khi thừa nhận cảm xúc tiêu cực của bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng giải tỏa các cảm xúc này hơn. Thực hành “mindfulness” – một cách thiền để tăng sự tập trung vào cảm xúc của chính mình.
  • Tương tác với người khác: Tương tác nhiều với người khác giúp chúng ta hiểu hơn về cảm xúc của họ.
  • Sống tích cực: Hãy khởi đầu và kết thúc một ngày bằng những việc mang lại niềm vui hoặc ghi nhận những điều mà bạn cảm thấy biết ơn.
  • Đọc: đọc sách không những cải thiện IQ mà còn là một cách tăng chỉ số EQ. Việc đọc sách giúp bạn có thể hòa vào những trải nghiệm của người khác và cải thiện kỹ năng tư duy xã hội của mình.
Thiền là một cách để làm tăng chỉ số EQ
Thiền là một cách để làm tăng chỉ số EQ

Câu hỏi thường gặp

Chỉ số EQ bao nhiêu là cao?

Theo nhiều bài test đánh giá chỉ số EQ, người có EQ trên 116 thuộc nhóm có chỉ số EQ cao. Tuy nhiên, điểm số này chỉ là một giá trị tương đối, không thể hiện hoàn toàn chính xác chỉ số thông minh trí tuệ của con người. 

Người có chỉ số EQ cao nhất thế giới?

Có nhiều loại thang đo chỉ số EQ để đánh giá chỉ số EQ của một người. Mặt khác, do trí tuệ cảm xúc là một khái niệm vô hình, tất cả mọi đánh giá đều tương đối nên không thể nào xác định được người có chỉ số EQ cao nhất. 

Chỉ số EQ trung bình của người Việt Nam

Tùy theo bài test chỉ số EQ cũng như cách đánh giá, các thang điểm thể hiện chỉ số EQ chỉ thể hiện một cách tương đối, do đó không thể xác định được điểm số EQ chính xác của một người. 

Chỉ số EQ 60 là cao hay thấp?

Theo nhiều bài đánh giá, người có chỉ số EQ 60 thuộc nhóm có chỉ số EQ thấp. Dó đó, cần phải thường xuyên tự rèn luyện về tư duy cảm xúc để cải thiện chỉ số EQ của mình.

Chỉ số IQ và EQ cái nào quan trọng hơn?

Chỉ số IQ và EQ đều đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. IQ thiên về trí tuệ còn EQ thể hiện khả năng nhận thức về cảm xúc, không thể đánh giá được chỉ số nào quan trọng hơn. 


Như vậy, bài viết trên đã chỉ ra tầm quan trọng của chỉ số EQ đối với cuộc sống của chúng ta. Nếu bạn có bất kỳ những thắc mắc nào hoặc cần được hỗ trợ, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý trên docosan.com.