Xét nghiệm triglyceride: Những điều cần biết

Nồng độ Triglyceride trong máu là một trong số những chỉ số quan trọng trong bộ xét nghiệm mỡ máu. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp chi tiết về chỉ số máu Triglycerides và cách phòng ngừa để chỉ số Triglyceride không tăng cao trong máu.

1. Xét nghiệm triglyceride là gì?

Xét nghiệm triglyceride định lượng triglyceride trong máu của cơ thể. Nếu bạn ăn nhiều năng lượng hơn mức cần thiết, phần năng lượng dư thừa sẽ chuyển đổi thành triglyceride. Lượng mỡ này được tích trữ trong các tế bào mỡ của bạn để sử dụng sau.

Khi cơ thể bạn cần năng lượng, triglyceride sẽ được giải phóng vào máu, đến các cơ để cung cấp năng lượng cho cơ bắp hoạt động. Nếu bạn ăn nhiều năng lượng hơn mức cần thiết, đặc biệt là năng lượng từ tinh bột và chất béo, bạn có thể bị tăng triglyceride trong máu, điều này khiến nguy cơ nhồi máy cơ tim hoặc đột quỵ tăng cao hơn.

xet nghiem mo mau
Xét nghiệm triglyceride giúp dự đoán nguy cơ bệnh lý tim mạch

2. Tại sao nên xét nghiệm triglyceride?

Đây là một trong những xét nghiệm được bác sĩ đề nghị tiến hành đồng thời với bộ mỡ máu nhằm xác định những nguy cơ liên quan đến các bệnh lý động mạch vành và các bệnh lý tim mạch khác. Xét nghiệm bộ mỡ máu sẽ đo lường những chất béo trong máu của bạn, bao gồm triglyceride và cholesterol, lipoprotein trọng lượng phân tử thấp (low density lipoprotein – LDL) và lipoprotein trọng lượng phân tử cao (high density lipoprotein – HDL). Nếu bạn có lượng “mỡ xấu” cao, nghĩa là LDL, cholesterol và triglyceride cao, bạn có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao hơn những người khác.

3. Ai nên xét nghiệm triglyceride?

Một người trưởng thành khỏe mạnh nên kiểm tra bộ mỡ máu (bao gồm cả xét nghiệm triglyceride) bốn đến sáu năm một lần. Bạn nên kiểm tra thường xuyên hơn nếu thuộc nhóm có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chẳng hạn như :

  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh tim mạch.
  • Hút thuốc.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh.
  • Lười vận động, có lối sống thụ động.
  • Mắc bệnh tiểu đường.
  • Huyết áp cao.
  • Nam giới từ 45 tuổi trở lên và phụ nữ từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.

4. Thực hiện xét nghiệm triglyceride như thế nào

Xét nghiệm triglyceride cũng như xét nghiệm bộ mỡ máu, bạn cần nhịn ăn uống từ 9 đến 12 giờ trước khi lấy máu. Đầu tiên, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay bạn bằng ống kim tiêm, sau đó bỏ vào ống nghiệm chuyên dụng. Bạn có thể cảm thấy hơi châm chích, đau nhẹ hoặc bầm tím tại chỗ kim tiêm được đưa vào, nhưng tình trạng sẽ biến mất nhanh chóng.

5. Kết quả xét nghiệm triglyceride

Chỉ số Triglycerid thường được đo bằng đơn vị miligam trên decilit (mg/dL).

Đối với người trưởng thành, kết quả xét nghiệm được phân loại như sau:

  • Triglyceride bình thường: dưới 150 mg / dL
  • Triglyceride gần mức cao: 150 đến 199 mg / dL
  • Triglyceride cao: 200 đến 499 mg / dL
  • Triglyceride rất cao: 500 mg / dL trở lên

Nồng độ Triglyceride cao hơn bình thường có nghĩa là bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nếu kết quả xét nghiệm của bạn ở gần mức cao, bạn có thể tham khảo các phương pháp sau để làm giảm nồng độ triglyceride :

  • Giảm cân.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
  • Tập thể dục nhiều hơn và đều đặn hơn.
  • Tránh xa rượu bia và các thức uống có cồn.
  • Không hút thuốc lá.
  • Nếu đang mắc các bệnh lý khác như tiểu đường, tăng huyết áp, cần kiểm soát tốt các bệnh lý này.
  • Có thể sử dụng các thuốc điều trị rối loạn lipid máu theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu kết quả xét nghiệm của bạn cao hoặc rất cao, bạn có thể thực hiện các phương pháp trên một cách tích cực hơn để kiểm soát được lượng triglyceride trong máu.

6. Chi phí xét nghiệm mỡ máu

Chi phí xét nghiệm bộ mỡ máu có giá vào khoảng 240.000VNĐ.

Phòng khám tư vấn và thực hiện xét nghiệm triglyceride

Chỉ số Triglyceride là một trong số những chỉ số quan trọng của nhóm xét nghiệm mỡ máu. Bạn đọc nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.