Vẹo cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bài viết chia sẻ đến bạn đọc những thông tin quan trọng về nguyên nhân, triệu chứng và điều trị tình trạng vẹo cột sống – căn bệnh ảnh hưởng đến khoảng 1-4% dân số, tuy nhiên đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Cùng Docosan tìm hiểu ngay nhé.

Vẹo cột sống là gì?

Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong/lệch sang một bên hoặc bị cong quá mức về phía trước hoặc sau, phổ biến nhất trong giai đoạn thanh thiếu niên. Trong hầu hết các trường hợp, cong vẹo cột sống thường ít gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy nhiên một số biến dạng cột sống không được điều trị có thể trầm trọng hơn và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như chất lượng cuộc sống khi trẻ lớn lên. Chứng vẹo cột sống nghiêm trọng có thể gây tàn phế, làm giảm không gian bên trong lồng ngực và khiến phổi khó hoạt động một cách bình thường. Trẻ em hoặc thanh thiếu niên bị cong vẹo cột sống nhẹ nên được theo dõi chặt chẽ và điều trị để hạn chế tình trạng cong vẹo tiến triển nặng hơn.

vẹo cột sống
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong/lệch sang một bên

Nguyên nhân cong vẹo cột sống

Các bác sĩ chưa xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng cong vẹo cột sống, tuy nhiên tình trạng này có xu hướng xảy ra ở những người trong cùng gia đình (yếu tố di truyền). Bé trai và bé gái đều có thể phát triển chứng vẹo cột sống với tỷ lệ như nhau, các dấu hiệu cột sống cong vẹo thường bắt đầu trước tuổi dậy thì.

Các nguyên nhân có thể gây cong vẹo cột sống ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Tình trạng thần kinh cơ, chẳng hạn như bại não hoặc loạn dưỡng cơ.
  • Dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến sự phát triển của xương cột sống.
  • Chấn thương hoặc nhiễm trùng cột sống.
  • Tư thế không đúng kéo dài, chẳng hạn như ngồi sai tư thể, lao động không phù hợp lứa tuổi, tập ngồi hoặc đi đứng quá sớm
  • Suy dinh dưỡng
vẹo cột sống
Suy dinh dưỡng có khả năng cao bị vẹo cột sống

Triệu chứng vẹo cột sống

Triệu chứng vẹo cột sống có thể bao gồm:

  • Vai không đều hai bên.
  • Một bên xương bả vai nhô cao hơn bên còn lại, khoảng cách từ 2 mỏm xương vai đến gai đốt sống không bằng nhau.
  • Phần eo không bằng phẳng.
  • Một bên hông cao hơn bên còn lại.
  • Gai đốt sống không tạo thành đường thẳng ở lưng
vẹo cột sống
Triệu chứng vẹo cột sống điển hình là đau vùng lưng

Nếu một tình trạng cong cột sống vẹo trở nên trầm trọng hơn, các xương sườn ở một bên của cơ thể có thể nhô ra xa hơn so với bên còn lại.

Điều trị cong vẹo cột sống

Hầu hết trẻ em bị cong vẹo cột sống nhẹ có thể không cần điều trị. Tuy nhiên cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để xem xét liệu có những thay đổi về độ cong của cột sống khi trẻ lớn lên hay không.

Các yếu tố ảnh hưởng đến phương pháp chữa cong vẹo cột sống bao gồm:

  • Giới tính. Tiến triển bệnh cột sống vẹo có xu hướng nghiêm trọng hơn trẻ em gái.
  • Mức độ cong vẹo. Độ cong của chứng cong vẹo càng lớn thì càng có nhiều khả năng tình trạng này sẽ trầm trọng hơn theo thời gian.
  • Dáng cong. Đường cong kép (còn được gọi là đường cong hình chữ S) có xu hướng phát triển nghiêm trọng hơn đường cong hình chữ C.
  • Vị trí của đường cong. Đường cong nằm ở phần trung tâm (lồng ngực) của cột sống thường trở nên nghiêm trọng hơn là đường cong ở phần trên hoặc phần dưới của cột sống.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi cá nhân, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp chữa cong vẹo cuộc sống phổ biến bao gồm:

  • Nẹp chống vẹo cột sống.
  • Phẫu thuật.
  • Các biện pháp khắc phục tại nhà.

Nẹp chống vẹo cột sống

Nếu xương của trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển và trẻ bị vẹo cột sống mức độ trung bình, bác sĩ có thể đề nghị trẻ mang nẹp chống vẹo cột sống nhằm ngăn chặn tình trạng cong vẹo tiến triển nặng hơn.

Loại nẹp chống vẹo cột sống phổ biến nhất có cấu tạo bằng nhựa và thiết kế để phù hợp với cơ thể, nằm gọn dưới cánh tay, bao quanh khung xương sườn, lưng dưới và hông. Hiệu quả của việc thực hiện đeo nẹp tăng lên dựa vào số giờ đeo nẹp mỗi ngày. Trẻ mang nẹp vẫn có thể tham gia vào hầu hết các hoạt động và tháo nẹp ra khi cần. Quá trình đeo nẹp chống vẹo cột sống có thể dừng lại khi xương ngừng phát triển.

Cần lưu ý là việc đeo nẹp không giúp bệnh nhân không bị vẹo cột sống hoặc khắc phục những vấn đề do cong vẹo cột sống gây ra trước khi đeo nẹp. Nẹp chống vẹo chỉ giúp tình trạng cong vẹo cột sống không tiến triển nặng nề hơn.

vẹo cột sống
Loại nẹp chống vẹo cột sống phổ biến nhất có cấu tạo bằng nhựa

Phẫu thuật

Chứng vẹo cột sống nghiêm trọng thường tiến triển theo thời gian, vì vậy bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật vẹo cột sống để giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng cong vẹo cột sống và ngăn tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Loại phẫu thuật vẹo cột sống phổ biến nhất được gọi là hợp nhất cột sống.

Đối với phẫu thuật hợp nhất cột sống, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật nối hai hoặc nhiều xương trong cột sống (đốt sống) với nhau, các đốt sống sẽ không thể di động độc lập. Bác sĩ sử dụng các mảnh xương hoặc vật liệu giống xương đặt giữa các đốt sống, sau đó dùng các thanh kim loại, móc, vít hoặc dây giữ phần được hợp nhất của cột sống thẳng, cố định.

vẹo cột sống
Phẫu thuật điều trị cong vẹo cột sống

Nếu tình trạng cột sống bị vẹo tiến triển nhanh khi trẻ còn nhỏ, bác sĩ có thể đề nghị lắp một thanh có thể điều chỉnh độ dài khi trẻ lớn lên vào phần trên và dưới của đoạn cong cột sống. Thanh điều chỉnh này thường được kéo dài sáu tháng một lần.

Các biến chứng của phẫu thuật cột sống có thể bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, đau hoặc tổn thương thần kinh. Hiếm khi xảy ra tình trạng xương không lành và cần một cuộc phẫu thuật khác.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Tập luyện các bài tập phục hồi chức năng cột sống mỗi ngày giúp bệnh nhân rèn luyện sự cân bằng, sức mạnh cơ bắp để hỗ trợ việc điều trị.

Bác sĩ điều trị vẹo cột sống

  • Trung Tâm Chẩn Đoán Và Xét Nghiệm Y Khoa Điag – Medical Diag Center đã có hơn hơn 20 năm trong ngành dịch vụ y tế.
  • Phòng khám Vigor Health có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc, thăm khám sức khỏe và chữa bệnh.
  • Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare là một trong những trung tâm khám bệnh chất lượng cao và đáng tin cậy tại TP. HCM. – Tân Bình, TP.HCM.
  • Bệnh Viện Đa Khoa Hồng Hà cung cấp gần như toàn diện các dịch vụ thăm khám chữa bệnh với gần 20 chuyên khoa. – Đống Đa, Hà Nội.

Vẹo cột sống trong một số trường hợp có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng như tổn thương tim và phổi, vì trong trường hợp cong vẹo cột sống nghiêm trọng, khung xương sườn có thể đè lên phổi và tim, khiến bệnh nhân khó thở hơn và tim khó bơm máu hơn. Khi có những băn khoăn về các triệu chứng hoặc vấn đề điều trị, bạn đọc nên liên hệ bác sĩ để có hướng xử lí phù hợp nhất.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị. Để được tư vấn trực tiếp, bạn đọc vui lòng liên hệ hotline 1900 638 082 hoặc CHAT để được hướng dẫn đặt hẹn.


Nguồn tham khảo: mayoclinic

Những thông tin trên mang tính chất tham khảo, hãy đặt lịch khám để được tư vấn tốt nhất