Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị mất ngủ. Vậy liệu bạn có biết những cây thuốc nam cũng có thể chữa mất ngủ rất tốt? Thân mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu về Những cây thuốc trị mất ngủ tốt nhất qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Mất ngủ là gì?
Mỗi chúng ta cần ngủ đủ 8 tiếng/ngày để cơ thể nghỉ ngơi, hồi phục năng lượng cho ngày mới. Gián đoạn giấc ngủ kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần. Ngủ không ngon, ngủ không sâu giấc hay không thể ngủ được chính là những triệu chứng điển hình của tình trạng mất ngủ.
Có nên sử dụng các loại thuốc dược liệu để điều trị tình trạng mất ngủ không?
Thuốc dược liệu là thuốc có chiết xuất tự nhiên, lành tính và tốt cho sức khỏe. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng sử dụng thuốc dược liệu để trị mất ngủ. Tuy nhiên, trước khi dùng bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ vì:
- Tác dụng trị liệu của thuốc dược liệu chưa hoàn toàn đồng nhất.
- Thuốc dược liệu có thể xảy ra tương tác với các loại thuốc bệnh nhân đang dùng.
- Chất lượng của thuốc dược liệu phụ thuộc vào nguồn gốc và nhà sản xuất.
- Liều lượng, cách sử dụng của mỗi loại dược liệu sẽ tuỳ thuộc vào từng tình trạng của mỗi người khác nhau.
Do đó, bên cạnh việc uống các cây thuốc để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn nên phối hợp thay đổi lối sống như ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên và hạn chế bia rượu. Đ
ặc biệt là để hỗ trợ điều trị mất ngủ hiệu quả, bạn cũng có thể tham khảo bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết, đặc biệt là vitamin nhóm B. Sản phẩm bổ sung Vitamin B có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chức năng thần kinh, giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
15 cây thuốc nam điều trị mất ngủ
Cúc la mã Đức
Cúc la mã Đức đã được chứng minh có công dụng trị mất ngủ hiệu quả ở bệnh nhân cao tuổi. Ngoài ra, loài cây này còn có thể cải thiện triệu chứng lo âu, mệt mỏi và hỗ trợ điều trị các bệnh lý về đường tiêu hóa. Bạn có thể tự pha trà cúc la mã tại nhà với phần hoa sấy khô hoặc uống các viên nang chiết xuất từ hoa cúc để chữa rối loạn mất ngủ.
Cây nữ lang
Cây nữ lang chứa hàm lượng lớn các loại tinh dầu, hợp chất vô cơ, glucid, acid benzoic, acid salicylic, tannin, lipid và các hoạt chất khác. Các thành phần trong cây nữ lang hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong y học, có vai trò hỗ trợ an thần, điều trị mất ngủ.
Hoa bia
Hoạt chất humulone và lupulone được tìm thấy trong hoa bia sấy khô có khả năng tương tác với các thụ thể, kích thích cơ thể tăng tiết melatonin, một loại hormone điều hòa giấc ngủ. Theo y học cổ truyền, hoa bia thường được phối hợp với cây nữ lang nhằm tăng cường hiệu quả cải thiện giấc ngủ, giúp người bệnh ngủ ngon hơn.
Skullcap
Cách uống trà Skullcap rất đơn giản. Bạn có thể tự pha trà tại nhà với 1 – 2g Skullcap khô hòa trong 150ml nước sôi. Hiện có rất nhiều nghiên cứu về cơ chế điều trị mất ngủ của Skullcap, trong đó tiêu biểu là nhờ sự đóng góp của hoạt chất flavonoid, chúng sẽ tương tác chủ vận với thụ thể GABA, tạo cảm giác thư giãn, thoải mái và gây buồn ngủ cho người sử dụng, từ đó cải thiện các tình trạng mất ngủ, rối loạn giấc ngủ một cách hiệu quả.
Nhân sâm
Cortisol là một loại hormone giúp duy trì sự tỉnh táo, thường tăng cao trong cơ thể người mất ngủ. Các loại nhân sâm như sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ và sâm Siberia đã được chứng minh có khả năng làm giảm đáng kể nồng độ hormone cortisol trong cơ thể. Bên cạnh điều trị mất ngủ, nhân sâm còn có thể hỗ trợ hạ đường huyết sau ăn cho bệnh nhân đái tháo đường, giảm đau cơ sau khi vận động mạnh,…
Cây bình vôi
Bình vôi là loại dược liệu phổ biến trong chữa bệnh giấc ngủ gián đoạn, ngủ không sâu. Bình vôi chứa hàm lượng lớn rotundin và L-tetrahydropalmatin có tác dụng gây ngủ, duy trì giấc ngủ, làm dịu tâm trạng, đồng thời còn đóng vai trò hỗ trợ trong điều trị các bệnh như rối loạn tâm thần, suy nhược thần kinh,…
Tâm sen
Tâm sen hay còn được gọi là tim sen chắc hẳn không còn xa lạ đối với chúng ta. Tâm sen có vị đắng nhẹ, tính hàn, thường được ứng dụng để thanh nhiệt, giải độc cơ thể, hỗ trợ an thần, ngủ ngon. Các hoạt chất trong tâm sen như nuciferin, neferin có khả năng giảm bớt cảm giác lo lắng, bồn chồn, tăng cường vận chuyển oxy lên não, giúp tâm trạng thoải mái, thư giãn, dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
Lá vông nem
Alkaloid, saponin trong lá vông nem có vai trò giảm căng thẳng (stress), cải thiện chu kỳ thức – ngủ hiệu quả. Theo lý luận y học cổ truyền, lá vông nem mang tính bình, vị nhạt đắng, chát nhẹ nên được ứng dụng trong điều trị tăng huyết áp, hỗ trợ tinh thần, giúp người bệnh có một giấc ngủ trọn vẹn.
Táo nhân
Táo nhân là phần nhân của táo ta, có tính bình, vị ngọt. Ngày nay, người ta thường dùng táo nhân sấy khô để giảm các triệu chứng mất ngủ, đãng trí, hồi hộp, muộn phiền và mệt mỏi.
Đinh lăng
Theo nghiên cứu, các thành phần trong đinh lăng như tannin, saponin, glycosid có hoạt tính chống oxy hóa tốt, cải thiện lưu thông khí huyết, tăng lưu lượng máu đến não. Do vậy, đinh lăng thường được ứng dụng để chữa các triệu chứng rối loạn giấc ngủ và các bệnh tâm thần.
Cây xạ đen
Từ xa xưa, cây xạ đen đã được sử dụng nhiều trong điều trị bệnh lý. Xạ đen có tính hàn, vị đắng nhạt, dùng để giảm đau, thanh nhiệt, giải độc và thúc đẩy tuần hoàn máu. Đặc biệt, xạ đen còn có thể điều trị mất ngủ, ngủ không ngon, một số tình trạng mệt mỏi do mất ngủ.
Cây xấu hổ
Cây xấu hổ tuy chỉ là loại cây mọc dại ven đường nhưng lại có khả năng an thần, giảm đau, hạ huyết áp, điều trị mất ngủ rất tốt. Các hợp chất chính trong cây xấu hổ như mimosine, mimoside sẽ tương tác với meprobamat và hexobarbital, kích thích thần kinh trung ương, giúp chúng ta làm việc hiệu quả, giảm mệt mỏi, stress.
Hoa tam thất
Theo y học cổ truyền, người ta thường sử dụng phần nụ trong hoa tam thất để ổn định khí huyết, tăng cường sức khỏe tim mạch và điều trị mất ngủ, ngủ không sâu giấc cho bệnh nhân cao tuổi. Các hoạt chất có hoạt tính điều trị trong nụ hoa tam thất gồm có saponin và các acid amin.
Lá dâu tằm
Lá dâu tằm có tính hàn, vị ngọt, đắng nhẹ, được chứng minh có thể điều trị bệnh phong, giảm đau đầu, giảm stress, làm dịu căng thẳng,… Nhờ những công dụng đó mà lá dâu tằm hiện được đang dùng để chữa mất ngủ rộng rãi. Theo các nghiên cứu, lá dâu tằm chứa hàm lượng cao caroten, tanin, tinh dầu, vitamin C và đặc biệt là các acid amin tự do. Các acid amin này có khả năng giải tỏa những mệt mỏi, lo lắng của bệnh nhân mất ngủ.
Cây viễn chí
Trong các bài thuốc y học cổ truyền, viễn chí thường dùng để an thần, chữa mất ngủ, lo âu, mệt mỏi và các triệu chứng co giật, động kinh. Viễn chí có tính ôn, vị đắng, không cay, tác động tích cực đến tâm, thận, phế nên có khả năng trị rối loạn giấc ngủ hiệu quả.
Lưu ý khi sử dụng những cây thuốc trị mất ngủ
Mặc dù các cây thuốc nam hiện nay đã được chứng minh tính an toàn và ứng dụng rất nhiều trong y học, bạn vẫn nên lưu ý một số điểm sau đây:
- Sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc, rửa sạch sẽ với nước trước khi dùng.
- Uống thuốc dược liệu đều đặn ít nhất 1 tháng để đạt hiệu quả điều trị.
- Các bài thuốc nam chỉ là phương pháp điều trị hỗ trợ, không thể thay thế hoàn toàn thuốc ngủ, do vậy bạn nên hỏi bác sĩ để được tư vấn phù hợp.
- Thay đổi lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ăn uống đủ dinh dưỡng, giảm bớt áp lực trong cuộc sống.
Xem thêm:
- 10 cách chữa mất ngủ không dùng thuốc đơn giản và hiệu quả
- Cách chẩn đoán và điều trị 5 chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất
- Buồn phiền, mất ngủ…là dấu hiệu sức khỏe tinh thần gặp vấn đề
Bài viết đã thông tin về những cây thuốc trị mất ngủ tốt nhất mà bạn có thể sử dụng và uống để hỗ trợ điều trị mất ngủ tại nhà. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng khi sử dụng thuốc nam và hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhé! Đừng quên chia sẻ bài viết tới những người thân xung quanh bạn cùng đọc.
Tài liệu tham khảo:
1. Insomnia
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12119-insomnia
- Ngày tham khảo: 12/10/2024
2. Botanical Medicines to Support Healthy Sleep and Rest
- Link tham khảo: https://www.va.gov/WHOLEHEALTHLIBRARY/tools/botanical-medicines-healthy-sleep-rest.asp
- Ngày tham khảo: 12/10/2024