Tê bì bàn tay khi ngủ là tình trạng nhiều người gặp phải và gây cảm giác khó chịu, có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Hiểu rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này sẽ giúp bạn chọn lựa được phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả. Hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Tóm tắt nội dung
- 1 Tê bì bàn tay khi ngủ là gì?
- 2 Tê bì bàn tay khi ngủ có nguy hiểm không?
- 3 Nguyên nhân tê bì bàn tay khi ngủ
- 4 Các dấu hiệu, triệu chứng của tê bì bàn tay khi ngủ
- 5 Cách khắc phục, điều trị tê bì bàn tay khi ngủ
- 6 Các biện pháp xét nghiệm, chẩn đoán
- 7 Các biện pháp phòng ngừa tê bì tay chân khi ngủ
- 8 Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Tê bì bàn tay khi ngủ là gì?
Tê bì ban tay (cảm giác tê bì hoặc châm chích bàn tay), là kết quả của việc dây thần kinh bị chèn ép, tổn thương hoặc một nguyên do khác. Theo một nghiên cứu cho thấy khoảng 1/3 số người trưởng thành thức dậy với ít nhất một lần mỗi tuần với cảm giác tê bì hoặc châm chích ở cánh tay, cổ tay hoặc bàn tay, hiện tượng này được gọi là tê bì về đêm.
Riêng với nữ giới, tần suất mắc phải triệu chứng này thường gặp hơn so với nam giới. Điều này có thể liên quan đến các yếu tố như cấu trúc giải phẫu, nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay cao hơn đàn ông, đặc biệt trong giai đoạn mang thai hoặc mãn kinh.
Tê bì bàn tay khi ngủ có nguy hiểm không?
Mức độ tê bì bàn tay khi ngủ đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu trường hợp xảy ra thỉnh thoảng thì nguyên nhân có thể là do tư thế ngủ của bạn gây chèn ép dây thần kinh tạm thời. Khi thay đổi tư thế khác, cảm giác tê bì thường biến mất mà không để lại di chứng.
Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài, đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề nguy hiểm hơn như hội chứng ống cổ tay hoặc bệnh lý về thần kinh và mạch máu như tiểu đường, bệnh tim mạch,…Khi không điều trị kịp thời, tổn thương dây thần kinh có thể tăng lên và nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng vận động và cảm giác của tay.
Nguyên nhân tê bì bàn tay khi ngủ
Nằm sai tư thế ngủ
Một số tư thế ngủ có thể chèn ép dây thần kinh ở tay hoặc ngăn chặn lưu lượng máu đến tay khiến các dây thần kinh tạm thời mất tín hiệu và gây ra cảm giác tê bì và châm chích. Các tư thế ngủ gây áp lực lên tay, bao gồm:
- Ngủ sấp.
- Ngủ ngửa với tay để trên đầu.
- Cổ tay cuộn vào trong, bị gập.
- Tay đặt dưới mặt hoặc đầu.
- Đầu đặt lên cẳng tay, thân mình đè lên tay.
- Đầu đặt trên gối cao khiến cột sống bị lệch.
- Cánh tay nâng lên hoặc hạ thấp so với thân mình.
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là một rối loạn thần kinh phổ biến, xảy ra do áp lực lên dây thần kinh giữa và các gân ở cổ tay. Tình trạng này có thể gây đau, tê bì và châm chích ở ngón cái và hai ngón kế bên, cũng như ở một nửa của ngón áp út, có thể lan ra toàn bộ bàn tay và cẳng tay và thường xuất hiện vào ban đêm.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên
Các chèn ép, tổn thương thần kinh gây mất tín hiệu thần kinh bình thường hoặc tạo ra tín hiệu không phù hợp hoặc bị biến dạng. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một hay nhiều dây thần kinh cùng lúc và tác động đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau. Một số ví dụ về bệnh lý thần kinh ngoại biên, bao gồm:
- Đau thần kinh sau Herpes hoặc sau khi bị Zona (giời leo).
- Liệt dây thần kinh trụ (nhánh dây thần kinh cánh tay), như chấn thương khuỷu tay.
- Liệt dây thần kinh hiển ngoài (nhánh dây thần kinh tọa), do chèn ép thần kinh mác ở chân.
- Liệt Bell (liệt dây VII ngoại biên), gây ảnh hưởng đến khuôn mặt.
- Bệnh lý thần kinh-mạch máu như đái tháo đường hoặc tiền sử sử dụng rượu, có thể gây mất cảm giác và đau đớn ở tay và chân.
Thiếu máu cung cấp
Khi một vùng nào đó trên cơ thể bạn không nhận đủ lượng máu nuôi thì các dây thần kinh ở đó ngừng hoạt động và cảnh báo bằng cách gây ra cảm giác tê bì và châm chích. Cảm giác trên sẽ tạo tín hiệu cho bạn thay đổi tư thế phù hợp nếu bạn đứng, ngồi sai tư thế để có thể lưu thông máu bình thường. Tuy nhiên, một số tình trạng y khoa có thể gây ra các vấn đề tuần hoàn mãn tính khiến tê bì tay trở thành một vấn đề kéo dài, bao gồm:
- Tích tụ mảng bám trong động mạch: Thường gặp trong bệnh lý như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp kéo dài, rối loạn lipid máu,…
- Viêm mạch máu: Tình trạng viêm nhiễm ở các mạch máu như động mạch, tĩnh mạch hoặc cả hai, dẫn đến tổn thương và suy giảm chức năng lưu thông máu.
- Hội chứng Raynaud: Mạch máu co lại, làm giảm lưu lượng máu đến tay và chân khi tiếp xúc với lạnh hoặc căng thẳng, gây tê bì, lạnh, và đôi khi đau đớn ở các ngón.
Chấn thương
Một số chấn thương có thể làm tổn thương dây thần kinh, gây ra cảm giác tê bì ở tay. Ví dụ, chấn thương cổ tay có thể dẫn đến hội chứng ống cổ tay, nhưng các chấn thương ở xa như cổ cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng dây thần kinh ở tay. Nếu bạn đã bị chấn thương cổ trong một vụ tai nạn xe hơi, hoặc bị chấn thương khuỷu tay, trong một cú ngã, điều đó có thể là nguồn gốc gây ra tình trạng tê bì tay vào ban đêm của bạn.
Các dấu hiệu, triệu chứng của tê bì bàn tay khi ngủ
Ngoài việc cảm giác tê bì và châm chích ở bàn tay khi ngủ, bạn có thể gặp một số dấu hiệu khác kèm theo, bao gồm:
- Tê cứng, mất cảm giác ở bàn tay và các ngón tay: Đây là dấu hiệu cảnh báo bạn đang có tình trạng chèn ép thần kinh, đặc biệt thường xuất hiện do tư thế ngủ của bạn không đúng hoặc các bệnh lý nền khác.
- Cơn đau lan từ tay đến vai, cổ: Đây thường là triệu chứng kèm theo của tổn thương dây thần kinh ngoại biên hoặc hội chứng ống cổ tay.
- Khó cử động, khó cầm nắm đồ vật: Cảm giác tê bì có thể làm giảm sức mạnh và khả năng cử động của bàn tay, khiến việc thực hiện các hoạt động hàng ngày của bạn trở nên khó khăn.
- Rối loạn cảm giác: Những cảm giác như ngứa ran, kiến bò có thể xảy ra do các dây thần kinh bị chèn ép hoặc tổn thương, thường được mô tả như cảm giác “kim châm” hoặc “kiến bò” ở tay.
Các triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân, có thể xuất hiện các triệu chứng như yếu cơ, đau nhức, hoặc sự thay đổi trong màu sắc của da ở tay và ngón tay.
Cách khắc phục, điều trị tê bì bàn tay khi ngủ
Tê bì bàn tay khi ngủ có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Việc nhận diện nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục hiệu quả là cần thiết để giảm thiểu triệu chứng và cải thiện sự thoải mái khi ngủ. Dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo:
- Điều trị theo nguyên nhân: Nếu tình trạng tê bì kéo dài, nặng nề và ảnh hưởng đến sinh hoạt của bạn, nguyên nhân có thể đến từ các bệnh lý hoặc chấn thương. Bạn nên khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, có thể bao gồm:
- Thuốc: Cơn tê bì đôi khi sẽ gây cảm giác đau nhức kèm theo, bạn có thể được bác sĩ kê vài giảm đau như Ibuprofen hoặc Acetaminophen và các loại chống viêm không steroid (NSAIDs),…
- Vật lý trị liệu tay: Các bài tập sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ, gân và dây chằng, đồng thời cải thiện khả năng vận động của tay và các ngón tay. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số phụ kiện hỗ trợ như găng tay hoặc nẹp để giảm sưng và viêm.
- Phẫu thuật: Là một lựa chọn nếu tình trạng tê bì tay của bạn ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động hàng ngày hoặc chất lượng cuộc sống. Các thủ thuật phẫu thuật cho tình trạng tê tay thường liên quan đến việc khắc phục các dây chằng hoặc gân xung quanh để giảm áp lực lên dây thần kinh và giảm triệu chứng.
Các biện pháp xét nghiệm, chẩn đoán
Khi bạn khám bác sĩ về tình trạng tê bì tay, họ sẽ giúp bạn xác định nguyên nhân tiềm ẩn của các triệu chứng. Hãy cung cấp cho bác sĩ thông tin chi tiết nhất có thể, cũng như thông tin về các triệu chứng của bạn, bao gồm:
- Bệnh sử khai thác: thời điểm bắt đầu tình trạng tê bì, tần suất gặp phải và triệu chứng kéo dài bao lâu? Vị trí ảnh hưởng nặng nhất, triệu chứng khác kèm theo như đau, khó cầm nắm đồ vật, yếu cơ,…
- Tiền sử bản thân: Tình trạng bệnh lý nền và thói quen thuốc hiện tại, đặc biệt là sự tuân thủ trị bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh lý cơ xương khớp, bệnh tự miễn,…
Bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám lâm sàng, bao gồm cả khám thần kinh để kiểm tra sức mạnh cơ bắp, phản xạ, sự thăng bằng và cảm giác. Ngoài ra, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm các xét nghiệm để giúp xác định nguyên nhân. Những xét nghiệm này có thể là:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra thiếu vitamin, tình trạng đường huyết, chức năng gan thận và các bệnh lý khác có nghi ngờ.
- Điện cơ (EMG) giúp kiểm tra hoạt động của dây thần kinh để xem cách mà cơ bắp của bạn phản ứng với các kích thích điện.
- Các xét nghiệm hình ảnh như X-quang, MRI hoặc CT scan, để tìm kiếm các vấn đề cấu trúc hoặc bất thường trong dây thần kinh, cột sống, cánh tay, cổ tay hoặc não.
- Siêu âm Doppler nhằm kiểm tra tình trạng lưu thông mạch máu của bạn, đánh giá các tắc nghẽn như xơ vữa động mạch.
Các biện pháp phòng ngừa tê bì tay chân khi ngủ
Tình trạng tê bì tay khi ngủ có thể phòng ngừa qua những thói quen sinh hoạt phù hợp và khoa học như sau:
- Thay đổi tư thế ngủ thường xuyên: Tránh nằm nghiêng một bên quá lâu hoặc kê tay lên đầu, điều này có thể tạo áp lực lên các dây thần kinh.
- Chọn gối phù hợp: Bạn nên chọn gối có độ cao vừa phải để giữ cho cổ và vai thẳng, giúp giảm thiểu căng thẳng cho hệ thống thần kinh.
- Giữ bàn tay và các ngón tay thẳng: Tránh nắm chặt tay khi ngủ để không gây áp lực lên các dây thần kinh và mạch máu.
- Chế độ tập luyện lành mạnh và ăn uống đầy đủ chất: Tập thể dục thường xuyên và thư giãn các nhóm cơ trước khi ngủ. Bổ sung thực đơn đầy đủ vitamin nhóm B, canxi, sắt và các dưỡng chất thiết yếu để hỗ trợ sức khỏe thần kinh.
- Hạn chế các yếu tố kích thích: Tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và các chất gây nghiện khác. Ngoài ra, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử tối thiểu 2 giờ trước ngủ.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Giúp bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường hay các rối loạn thần kinh để ngăn ngừa tê bì tay.
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa kể trên, bổ sung bằng Sản phẩm bổ sung Vitamin B và khoáng chất đầy đủ cũng góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị tê bì tay, đặc biệt là vitamin nhóm B. Thiếu hụt vitamin B, đặc biệt là B1, B6 và B12, có thể gây tổn thương dây thần kinh, dẫn đến tê bì, ngứa ran ở tay và chân.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Dấu hiệu triệu chứng bất thường
Hãy đi khám ngay nếu bạn có tình trạng tê bì tay kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời, chẳng hạn như đột quỵ.
- Liệt tay hoặc cánh tay.
- Chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
- Đau đầu dữ dội đột ngột.
- Mất ý thức.
- Rối loạn thị giác, tê bì hoặc ngứa ran ở mặt.
- Khó khăn trong việc phối hợp, chẳng hạn như khi đi bộ, nói chuyện,…
Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín
Nếu bạn gặp tình trạng tê bì tay kéo dài, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên gia để được tư vấn và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số bệnh viện chuyên khoa đa khoa có thể chữa trị chứng tê bì tay:
- Bệnh viện Chợ Rẫy: Cung cấp các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lý thần kinh, bao gồm tê bì tay.
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Có khoa thần kinh và vật lý trị liệu, chuyên điều trị các bệnh lý về dây thần kinh.
- Phòng Khám Chuyên Khoa Nội Thần Kinh Quỳnh Nga: Chuyên điều trị các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh, bao gồm tê bì tay.
Xem thêm:
- Cần chuẩn bị gì cho một buổi phẫu thuật?
- Bệnh thần kinh ngoại biên là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
- 12 mẹo chữa tê bì chân tay tại nhà, đơn giản, dễ thực hiện
Tê bì tay khi ngủ là một triệu chứng phổ biến, mặc dù tình trạng này có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ nhưng bạn cần phòng ngừa và điều trị để có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể. Hãy cùng Docosan đón xem thêm nhiều bài viết hữu ích khác nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Numbness in Hands While Sleeping: Causes and Remedies
- Link tham khảo: https://www.sleepfoundation.org/physical-health/numbness-in-hands-while-sleeping
- Ngày tham khảo: 16/10/2024
2. Why do my arms go numb at night?
- Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/322967
- Ngày tham khảo: 16/10/2024
3. Why Your Hands Feel Numb When You Sleep—and How To Find Relief
- Link tham khảo: https://www.health.com/hand-numbness-8363668
- Ngày tham khảo: 16/10/2024