Gentrisone Là Thuốc Gì? 4 Điều Cần Lưu Ý Khi Sử Dụng

Thuốc Gentrisone là một sản phẩm của Công ty Dược phẩm Shinpoong Daewoo Việt Nam. Gentrisone cho thấy hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh da liễu khác nhau. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu thêm kiến thức về loại thuốc này cũng như những điều cần lưu ý khi sử dụng. 

Tổng quan về thuốc Gentrisone 

Thành phần 

Thành phần của mỗi tuýp thuốc 10g Gentrisone chứa các hoạt chất sau: Betamethason dipropionat 6,4mg, Clotrimazol 100mg, Gentamicin (dưới dạng Gentamicin sulfat) 10mg.

Ngoài ra, các tá dược được sử dụng bao gồm: Stearyl alcohol, cetanol, propylen glycol, polysorbat 60, dầu khoáng nhẹ, sorbitan monostearat, methyl paraben, propyl paraben và nước tinh khiết.

Cơ chế hoạt động của thuốc

Thuốc Gentrisone sử dụng phối hợp 3 hoạt chất, mỗi hoạt chất có một vai trò dược hành phần có một vai trò dược lý và cơ chế hoạt động riêng.

  • Betamethasone dipropionate: Là một chất thuộc nhóm corticosteroid có tác dụng ức chế tổng hợp các chất trung gian gây viêm và làm giảm phản ứng viêm, triệu chứng sưng tấy hay dị ứng. Ngoài ra, ở nồng độ cao, betamethasone có tác dụng ức chế miễn dịch.
  • Clotrimazole: Đây là hoạt chất kháng nấm tổng hợp thuộc nhóm imidazol phổ rộng, thường được dùng trong điều trị tại chỗ các trường hợp bệnh nấm trên da. Cụ thể, clotrimazol làm thay đổi tính thấm của màng tế bào nấm, dẫn đến mất các chất trong tế bào và tiêu hủy tế bào. 
  • Gentamicin sulphate: Gentamicin là một kháng sinh diệt khuẩn thuộc nhóm aminoglycosid. Cơ chế hoạt động của kháng sinh này là ức chế không hồi phục sự tổng hợp protein của tế bào vi khuẩn thông qua sự can thiệp đến tiểu đơn vị 30S của quá trình dịch mã, dẫn đến tế bào vi khuẩn bị tiêu diệt. Kháng sinh này tác động được trên cả vi khuẩn Gram (-) và vi khuẩn Gram (+).

Công dụng và chỉ định của thuốc Gentrisone

Do sự kết hợp các tính chất của từng hoạt chất trên, công dụng thuốc Gentrisone bao gồm cả tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn và kháng nấm. Theo hướng dẫn sử dụng được cung cấp bởi nhà sản xuất, sản phẩm có thể dùng bôi ngoài da trong những trường hợp sau:

  • Giảm tình trạng viêm và ngứa trong các bệnh viêm da và dị ứng da đáp ứng với corticoid như: viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, viêm da tăng tiết bã, chàm cấp hoặc mạn tính, bệnh liken phẳng mạn tính, viêm da bong vảy, mề đay, bệnh vảy nến, ngứa hậu môn, âm hộ, vết bỏng nhẹ hay vết đốt do côn trùng,…
  • Điều trị các bệnh nấm trên da do các chủng nấm khác nhau như Candida albicans, Malassezia furfu (lang ben), hắc lào, lác. Điều trị  nấm bẹn hay nấm bàn chân do Trichophyton rubrum, T.mentagrophytes, Epidermophyton floccosum, hoặc Microsporum canis 
  • Điều trị một số tình trạng nhiễm trùng bề mặt da do các chủng vi khuẩn nhạy cảm.

Đây là một thuốc kê đơn nên bạn cần sử dụng thuốc Gentrisone theo chỉ định của bác sĩ. Tùy vào loại bệnh, tình trạng da và sức khỏe tổng thể của bạn, bác sĩ sẽ đánh giá và đưa ra quyết định sử dụng thuốc, đông thời đề xuất liều lượng và thời gian sử dụng thích hợp:

Chống chỉ định 

Thuốc Gentrisone chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Các bệnh về da khác như: thủy đậu, Herpes Simplex, Herpes Zoster, ban đậu bò, giang mai, viêm da chàm hóa vùng ống tai ngoài với màng nhĩ bị thủng.
  • Bỏng độ 2 trở lên, loét da, bệnh cước (chilblains).
  • Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với kháng sinh aminoglycosid (gentamicin, amikacin, streptomycin, kanamycin, neomycin,…), bacitracin, imidazol hay bất cứ thành phần nào của thuốc Gentrison.

Liều dùng và hướng dẫn sử dụng

Thuốc Gentrison được dùng bằng cách bôi trực tiếp một lớp mỏng lên vùng tổn thương trên da, một hoặc vài lần trong ngày. Trước khi bôi, bạn nên rửa sạch vùng da cần bôi thuốc với nước muối sinh lý hoặc nước sạch, để khô, sau đó lấy một lượng thuốc vừa đủ để bôi cho vùng da đó. Lưu ý không bôi thuốc lên mắt.

Do thuốc có thể để lại nhiều tác dụng phụ khi hấp thu toàn thân, vì thế không nên bôi trên một vùng da rộng, dùng thuốc dài ngày hay băng kín vến thương ngoại trừ những trường hợp đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, những trường hợp chàm da hay viêm da có kèm với nhiễm trùng, bệnh nhân cần được điều trị phối hợp thuốc Gentrison đường bôi với thuốc kháng sinh và kháng nấm đường uống.

Trong mọi trường hợp, việc sử dụng Gentrisone nói riêng hay bất kỳ loại thuốc nào khác nói chung nên được thực hiện theo sự hướng dẫn của chuyên gia y tế. Để biết thêm chi tiết về cách sử dụng, hãy tham khảo hướng dẫn sử dụng được đính kèm và những nguồn tài liệu uy tín, kết hợp với sự tư vấn từ bác sĩ hoặc dược sĩ:

Một số lưu ý khi dùng thuốc Gentrisone

“Thuốc là con dao hai lưỡi”, vì thế cần hết sức lưu ý khi sử dụng. Đặc biệt, do có nhiều công dụng nên rất nhiều người thường tự ý sử dụng và lạm dụng Gentrisone mà không theo sự hướng dẫn của dược sĩ và bác sĩ, dẫn đến nhiều hậu quả cho sức khỏe của bản thân.

Dưới đây là 4 điều lưu ý bạn cần quan tâm trước khi quyết định sử dụng thuốc này:

Thuốc Gentrisone gây những tác dụng phụ gì?

Khi sử dụng thuốc Gentrisone, các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải như:

  • Kích ứng da và phát ban. Đây có thể là dấu hiệu của dị ứng, vì thế bạn cần ngưng thuốc ngay khi có những tình trạng này.
  • Bội nhiễm do nấm hoặc vi khuẩn vì betamethason gây ức chế miễn dịch khiến vết thương có thể xảy ra bội nhiễm.
  • Trong trường hợp sử dụng thuốc Gentrisone trên vùng da rộng, băng/đắp kín vết thương hoặc sử dụng thuốc dài ngày, bệnh nhân có thể gặp rất nhiều tác dụng liên quan đến betamethasone như: teo biểu bì, teo mô dưới da, mụn trứng cá, mỏng da, kích ứng, đỏ và sưng phồng, phát ban,… Khi gặp những tình trạng, bạn nên giảm tần suất bôi từ từ và ngưng dùng thuốc. 
  • Ngoài ra, betamethason khi hấp thu toàn thân cũng gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng trên cơ thể tương tự như các corticoid khác bao gồm: hội chứng Cushing, tăng đường huyết, giữ muối và nước gây phù, mất kali, kinh nguyệt không đều, ức chế sự phát triển của thai nhi trong tử cung, loãng xương, yếu cơ, mất khối lượng cơ, suy giảm miễn dịch,…
  • Dùng kéo dài thuốc Gentrisone có thể gây tổn thương thần kinh thị giác dẫn đên nhiều bệnh về mắt như đục thủy tinh thể (đặc biệt ở trẻ em), glaucom.

Hãy thông báo cho bác sĩ khi gặp bất cứ tác dụng phụ nào trong quá trình sử dụng thuốc Gentrisone:

Tương tác thuốc cần lưu ý

Hiện chưa có nghiên cứu về tương tác thuốc của thuốc mỡ Gentrisone dạng bôi. Khi hấp thu toàn thân, các tương tác thuốc được nhà sản xuất đề cập bao gồm:

Tương tác thuốc của betamethasone: 

  • Với paracetamol: Làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan.
  • Với các thuốc chống trầm cảm ba vòng: Có thể làm tăng các rối loạn trên tâm thần do corticosteroid.
  • Với thuốc điều trị đái tháo đường đường uống và insulin: Nên điều chỉnh liều nếu cần.
  • Với glycosid digitalis: Có thể làm tăng độc tính của digitalis, gây loạn nhịp, hạ kali huyết.
  • Với phenobarbital, phenytoin, rifampicin, ephedrin: Có thể làm giảm tác dụng của corticosteroid do tăng chuyển hóa và đào thải thuốc.
  • Với estrogen: Thay đổi chuyển hóa của corticosteroid, giảm độ thanh thải, tăng tác dụng điều trị cũng như nguy cơ độc tính của chúng.
  • Với các thuốc kháng viêm không steroid, aspirin và rượu: Làm tăng tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, gây đau và chảy máu dạ dày.
  • Với thuốc chống đông coumarin: Làm tăng hoặc giảm tác dụng chống đông máu
  • Với tacrolimus: Clotrimazol làm tăng nồng độ tacrolimus trong huyết thanh của người bệnh ghép gan, do đó nên giảm liều tacrolimus theo khi cần.

Trước khi sử dụng thuốc bôi Gentrisone, bạn nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc bạn đang uống, kể cả những loại thực phẩm chức năng (như vitamin, thảo dược bổ sung,…):

Thận trọng 

  • Tránh dùng thuốc Gentrison kéo dài ở tất cả người bệnh, bất kể tuổi tác.
  • Thận trọng khi dùng thuốc trên vùng mặt và tốt nhất chỉ dùng trong 5 ngày. Tránh để thuốc tiếp xúc với niêm mạc, mắt, miệng và các vùng nhạy cảm khác, nếu thuốc dính vào mắt, miệng hãy rửa kỹ bằng nước sạch và tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Thận trọng khi sử dụng cho trẻ em và trẻ sơ sinh: Do da của trẻ em thường mỏng, sự hấp thu toàn thân qua da cao hơn người lớn, dẫn đến nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ cao hơn. Do đó, không dùng thuốc cho trẻ sơ sinh ở trẻ em dưới 2 tuổi trừ khi có chỉ định của bác sĩ và không dùng kéo dài quá 5 ngày. 
  • Đối với bệnh nhân bị bệnh vảy nến, sử dụng thuốc chứa corticosteroid tại chỗ có thể gây nhiều bất lợi như: tái phát ngược do sự tăng dung nạp thuốc, nguy cơ phát triển rộng vảy nến thể mủ, tăng nguy cơ các độc tính tại chỗ và toàn thân do chức năng bảo vệ của da ở những bệnh nhân này đã bị suy giảm nghiêm trọng. Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận khi dùng thuốc Gentrisone.
  • Một số tình trạng có thể khiến bạn dễ gặp tác dụng phụ của thuốc hơn. Do đó, thận trọng trong trường hợp bệnh nhân có bệnh đi kèm như: loét dạ dày, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, nhồi máu cơ tim mới mắc, động kinh, glaucom, thiểu năng tuyến giáp, suy gan, loãng xương, loạn tâm thần và suy thận. 
  • Thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ có thai. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc dùng thuốc Gentrisone trong thai kỳ, do đó, chỉ nên dùng thuốc cho phụ nữ có thai khi lợi ích của thuốc lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi.
  • Thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ cho con bú. Hiện chưa có nghiên cứu về về việc dùng ngoài da clotrimazol, gentamicin và betamethason có dẫn đến sự hấp thu toàn thân ở nồng độ đủ để có thể phát hiện được trong sữa mẹ hay không, do đó cần cân nhắc việc ngưng thuốc hoặc ngưng cho con bú khi sử dụng thuốc. 

Bảo quản thuốc

Mọi loại thuốc đều cần được bảo quản đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đối với thuốc mỡ Gentrisone, bảo quản thuốc trong bao bì kín, ở nơi khô, tránh ánh sáng trực tiếp, nhiệt độ tốt nhất là nên dưới 30°C. Ngoài ra, hãy để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.

Có thể mua thuốc Gentrisone ở đâu?

Thuốc Gentrisone là một thuốc mỡ rất phổ biến và có thể mua được tại hầu hết các nhà thuốc và quầy thuốc tại Việt Nam. Thuốc có 2 dạng đóng gói là tuýp nhỏ 10g và tuýp lớn là 20g. Giá thuốc Gentrisone vào khoảng 14.000 đồng/tuýp nhỏ và 20.000 đồng/tuýp lớn. 

Vì đây là thuốc kê đơn do vậy bạn chỉ nên mua và sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua và sử dụng vì có thể dẫn đến nhiều tác hại cho sức khỏe.


Câu hỏi thường gặp

Thuốc Gentrisone có bôi được vùng kín không?

Thuốc Gentrisone có thể bôi được cho vùng kín, dùng để điều trị các tình trạng ngứa vùng kín, nhiễm trùng hay nhiễm nấm vùng kín theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc Gentrisone có dùng được cho trẻ em không?

Gentrisone bôi ngoài da có thể gây kích ứng trên da trẻ nhỏ, đồng thời dễ hấp thu qua lớp da mỏng của trẻ và gây tác dụng phụ toàn thân. Do đó không sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Thuốc bôi ngứa Gentrisone có dùng được cho bà bầu?

Hiện chưa có thông tin về tính an toàn của thuốc Gentrison khi sử dụng cho phụ nữ có thai. Do đó, bạn cần có chỉ định của bác sĩ và phải đảm bảo sử dụng theo liều lượng và thời gian được bác sĩ khuyến cáo để tránh gây ảnh hưởng cho thai nhi.

Thuốc Gentrisone có trị được hắc lào không?

Có. Thuốc Gentrisone chứa thành phần clotrimazol, có thể dùng điều trị các bệnh nấm ngoài da như lác, hắc lào, lang ben, nấm  móng, nấm bẹn,…

Thuốc Gentrisone có bôi được vết thương hở không?

Bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu sử dụng thuốc Gentrison bôi trên vết thương hở, vùng da khô, nứt nẻ, kích ứng hoặc bị bỏng nắng. Do những tình trạng da này thường làm tăng hấp thu thuốc vào máu, dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn.

Thuốc Gentrisone có bôi lên mặt được không?

Thuốc có thể bôi lên mặt. Tuy nhiên bạn cần lưu ý không bôi ở những khu vực gần mắt và không nên bôi quá 5 ngày.

Trên đây là những thông tin về thuốc Gentrisone và những điều bạn cần lưu ý khi sử dụng. Một lần nữa Docosan muốn nhắc lại rằng, “thuốc là con dao hai lưỡi”, do đó rất mong bạn đọc sẽ trang bị thật nhiều kiến thức và luôn tham khảo ý kiến của dược sĩ/bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Gentrisone, để thuốc mang lại hiệu quả tốt nhất và tránh những trường hợp không mong muốn.

Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Nếu bạn có nhu cầu khám da liễu, xin vui lòng đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn trên docosan.com