5 nhóm bệnh nghề nghiệp và biện pháp phòng ngừa mà bạn nên biết!

Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động về mặt sức khỏe, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành các quy định về bệnh nghề nghiệp. Vậy có những bệnh nghề nghiệp nào và làm thế nào để phòng tránh? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

bệnh nghề nghiệp

Nhóm các bệnh nghề nghiệp liên quan đến bụi phổi và phế quản 

Bệnh phổi nghề nghiệp bao gồm một loạt những rối loạn hô hấp với các triệu chứng, dấu hiệu và kết quả xét nghiệm chẩn đoán tương tự như các bệnh đường hô hấp thông thường. Đây là nhóm bệnh nghề nghiệp có tỷ lệ mắc cao nhất trong số những bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở nước ta hiện nay.

Theo thông tư 15/2026/TT-BYT, nhóm này bao gồm các bệnh bụi phổi gây ra do sự hít thở khói bụi ô nhiễm từ môi trường làm việc (silic, amiăng, bông, talc, than), bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp và hen phế quản nghề nghiệp. 

Nguyên nhân 

  • Bệnh bụi phổi nghề nghiệp: Nguyên nhân gây nên các bệnh bụi phổi chủ yếu là do tiếp xúc với hạt vật liệu có kích thước rất nhỏ phân tán trong môi trường làm việc như: khai thác than, silic, amiăng, bông, talc,… Các hạt này có thể tiến sâu vào trong phế nang, tích tụ lâu ngày và gây nên bệnh nghề nghiệp. Trong số đó, bụi phổi silic là một dạng bệnh nghề nghiệp phổ biến, thường gặp ở ngành khai thác đá liên quan tới mài, cắt, chế tạo vật liệu xây dựng.
  • Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp: Bệnh thường xuất hiện trên công nhân tiếp xúc nhiều và kéo dài với bụi vô cơ, bụi hữu cơ hoặc hơi hóa chất như: công nhân mỏ, thợ cán bông, làm nhựa, nhà máy dệt,… Ngoài ra, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các đợt viêm phế quản là do nhiễm trùng đường hô hấp bởi virus, vi khuẩn dẫn đến viêm, tăng tiết dịch, phù nề và thắt hẹp đường thở. Bệnh thường có sự kết hợp với các bệnh hen phế quản nghề nghiệp và các bệnh bụi phổi. 
  • Bệnh hen phế quản nghề nghiệp: Nguyên nhân của hen phế quản là một tình trạng dị ứng. Có nhiều loại hóa chất, khí, bụi, động vật,… dễ dẫn đến phản ứng dị ứng của cơ thể và gây ra bệnh hen phế quản nghề nghiệp. Những công việc, ngành nghề thường có nguy cơ mắc bệnh là: nhân viên y tế, chăn nuôi súc vật, lâm nghiệp, công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp gỗ ván ép, phun sơn, chất dẻo, thuộc da, sản xuất giấy, công việc sử dụng chất tẩy rửa, platin, toluen diisocyanat,…

Triệu chứng

Các biểu hiện của bệnh nghề nghiệp liên quan đến bụi phổi và phế quản thường giống với các triệu chứng bệnh hô hấp thông thường như: ho khan, ho có đờm, tức ngực, hụt hơi, kiểu thở bất thường, khó thở kéo dài. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể khạc đờm đen hoặc ho ra máu vào buổi sáng (đối với bệnh bụi phổi), thờ khò khè và có các cơn hen cấp tính (đối với bệnh hen phế quản nghề nghiệp).

Chẩn đoán 

Cũng giống như các bệnh về đường hô hấp khác, bệnh nhân mắc các bệnh nghề nghiệp liên quan đến phổi và phế quản thường sẽ được hỏi về triệu chứng, môi trường làm việc, lịch sử và mức độ tiếp xúc với bụi. Đồng thời được yêu cầu chụp X-quang ngực hoặc chụp CT ban đầu để chẩn đoán lâm sàng. Ngoài ra, để xác định loại bệnh và giai đoạn/ mức độ nghiêm trọng của bệnh thì cũng cần các xét nghiệm khác nhau bao gồm:

  • Xét nghiệm chức năng phổi: Xét nghiệm được thực hiện bằng một loại máy đặc biệt mà người bệnh cần phải phải hít ra và thở vào máy theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Xét nghiệm này có thể đo khả năng di chuyển không khí vào và ra khỏi phổi một cách hiệu quả.
  • Kiểm tra bằng kính hiển vi từ mẫu sinh thiết hoặc mô, tế bào và dịch từ phổi.
  • Nghiên cứu sinh hóa và tế bào của dịch phổi.
  • Đo chức năng hô hấp hoặc trao đổi khí.
  • Kiểm tra đường thở hoặc hoạt động phế quản.

Điều trị 

  • Bệnh bụi phổi: Bệnh này vẫn chưa có phương pháp điều trị thực sự hiệu quả mà chỉ có thể sử dụng thuốc giúp làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tiến triển nhanh chóng, gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng những thuốc như: kháng viêm, thuốc giảm xơ hóa phổi, rửa phế nang hoặc thở oxy.
  • Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp: Bệnh nhân có thể được cho dùng kháng sinh khi có những đợt cấp, khạc đờm màu vàng, màu xanh, hoặc đờm mủ (đây là những trường hợp bệnh nhân có đợt cấp viêm phế quản thường do căn nguyên vi khuẩn). 
  • Hen phế quản nghề nghiệp: Có nhiều loại thuốc được dùng để điều trị hen nói chung và hen trong bệnh nghề nghiệp nói riêng. Chủ yếu là dùng thuốc giãn phế quản trong đợt cấp, duy trì bằng thuốc corticosteroid và các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, thuốc giảm ho và long đờm,… Đối với bệnh nhân không thể hoàn toàn ngừng tiếp xúc với môi trường có dị nguyên thì bác sĩ có thể dùng biện pháp giải mẫn cảm. 

Phòng ngừa 

Do không có biện pháp hiệu quả để điều trị dứt điểm các bệnh phổi nghề nghiệp nên việc phòng ngừa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh nghề nghiệp liên quan đến bụi phổi và phế quản là tránh hít phải các chất gây bệnh phổi, bằng cách thực hiện đeo khẩu trang và trang bị đồ bảo hộ lao động đúng cách khi làm việc. Các khuyến nghị khác để phòng ngừa bao gồm:

  • Không hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc vì thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi nghề nghiệp
  • Tránh không khí lạnh, ẩm và vệ sinh răng, miệng thường xuyên để hạn chế các đợt viêm phế quản cấp.
  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, nhất là sau khi tiếp xúc với bụi bẩn.
  • Điều trị sớm và triệt để các đợt nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Đánh giá chức năng phổi thường xuyên (định kỳ ít nhất 6 tháng một lần) theo khuyến nghị của bác sĩ.
  • Tiêm vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
  • Về mặt doanh nghiệp, cần thực hiện giáo dục người lao động về nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, thực hiện kiểm tra chất lượng không khí, nắm bắt các loại dị nguyên có thể gặp trong phân xưởng và lắp đặt hệ thống thông gió, hút bụi, hút hơi khí độc trong môi trường làm việc để hạn chế nguy cơ bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Nhóm các bệnh nghề nghiệp liên quan đến nhiễm độc 

Ngộ độc do nghề nghiệp là tình trạng ngộ độc do tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong quá trình lao động. Đây là nhóm bệnh nghề nghiệp phổ biến, chỉ đứng sau bệnh bụi phổi. Các bệnh nghề nghiệp liên quan đến nhiễm độc được đề cập trong Thông tư 15/2016/TT-BYT bao gồm: bệnh nhiễm độc chì, thủy ngân, benzen, mangan, trinitrotoluen (TNT), arsen, nicotin, hóa chất trừ sâu, carbon monoxit và cadimi.

Các hóa chất kể trên đều là những chất độc đã được biết đến từ lâu, có nguy cơ gây nguy hiểm cho người lao động. Tùy loại hóa chất mà những tổn thương có thể là từ ngoài da cho đến tổn thương các hệ cơ quan (tim mạch, huyết học, thận, sinh sản, thần kinh trung ương,…), gây ung thư hay thậm chí tử vong.

Nguyên nhân 

Nguyên nhân của bệnh nghề nghiệp liên quan đến nhiễm độc xuất phát từ sự tiếp xúc với chất độc và các hợp chất của nó trong quá trình lao động. Mỗi ngành nghề khác nhau có nguy cơ mắc phải những bệnh nhiễm độc khác nhau, điều này được đề cập rõ trong Phụ lục của Thông tư 15/2016/TT-BYT của Bộ Y tế. 

Trên thực tế, ngoài việc không thể tránh khỏi việc sử dụng các hóa chất độc hại trong sản xuất, tỷ lệ bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: quy trình sản xuất lạc hậu, biện pháp giám sát và quản lý của doanh nghiệp không đầy đủ, trang thiết bị bảo hộ tại nơi làm việc không đầy đủ, việc sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân không phù hợp và nhận thức về an toàn yếu kém của người lao động.

Triệu chứng

Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của các bệnh nghề nghiệp liên quan đến nhiễm độc:

  • Bệnh nhiễm độc chì: Trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể có biểu hiện cơn đau bụng chì, nôn, các triệu chứng thần kinh trung ương (đau đầu, co giật, hôn mê,…), thiếu máu và suy thận cấp. Đối với nhiễm độc chì mạn tính, các triệu chứng thường không ồ ạt như trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể thấy dần suy nhược, thiếu máu và giảm hứng thú tình dục.
  • Bệnh nhiễm độc thủy ngân: Nhiễm độc cấp thủy ngân sẽ có triệu chứng ồ ạt bao gồm: khó thở, đau ngực, miệng có vị kim loại, viêm miệng và lợi, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ban/rát da, viêm kết mạc, đau đầu, run giật cơ hay ảo giác,… Trong trường hợp nhiễm độc mạn tính, bệnh nhân có thể thấy run mi mắt, da mặt, ngón tay hoặc bàn tay khi nghỉ; ban/rát/viêm da, giảm thị lực và giảm thính lực. 
  • Bệnh nhiễm độc benzen: Triệu chứng bệnh nghề nghiệp này tùy thuộc vào nồng độ bezen trong môi trường lao động và thời gian tiếp xúc. Thường thì benzen và dẫn chất của nó có thể gây đau đầu, chóng mặt, kích ứng da, mắt và đường hô hấp. Tiếp xúc lâu dài có thể gây bệnh lý não mạn tính, bệnh bạch cầu, u lympho và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
  • Bệnh nhiễm độc mangan: Mangan gây kích thích niêm mạc, mắt, da khi tiếp xúc ở nồng độ cao, đồng thời kích thích, gây viêm đường hô hấp (ho, viêm phế quản, viêm phổi và giảm chức năng hô hấp). Khi nhiễm độc mạn tính, mangan tác động đến thần kinh trung ương (hội chứng Parkinson do mangan), bệnh nhân giai đoạn đầu cảm thấy suy nhược, sau đó suy giảm trí nhớ và cuối cùng là suy giảm khả năng phối hợp vận động (run, nói lắp, cứng cơ,…).
  • Bệnh nhiễm độc TNT: Bệnh nghề nghiệp do TNT gây viêm da tiếp xúc, tăng MetHb ở bệnh nhân (biểu hiện xanh xao, khó thở, đau đầu,…), tan máu cấp tính, suy tủy, tổn thương gan, đục thủy tinh thế và tổn thương cơ quan sinh dục.
  • Bệnh nhiễm độc arsen: Tổn thương da (dày sừng và rối loạn sắc tố ở lòng bàn tay, bàn chân, ngực và lưng) là triệu chứng điển hình của nhiễm độc arsen nghề nghiệp. Ngoài ra, arsen cũng có thể gây viêm đa dây thần kinh, thiếu máu, rụng tóc, sảy thai, thai dị tật hay ung thư. Trường hợp ngộ độc arsen cấp, bệnh nhân sẽ có triệu chứng co giật, hôn mê, tan máu ấp tính, tụt huyết áp và các triệu chứng tiêu hóa.
  • Bệnh nhiễm độc nicotin: Đối với trường hợp cấp tính, bệnh nhân sẽ biểu hiện mặt xanh tái, ứa nước bọt và vã mồ hôi lạnh, tim đập nhanh, run mí mắt và chuột rút. Với nhiễm độc nicotin mạn tính, bệnh nhân sẽ suy nhược, viêm kết mạc mắt, giảm thị lực, thay đổi huyết áp, tiêu hóa và hô hấp.
  • Bệnh nhiễm độc hóa chất trừ sâu: bệnh nghề nghiệp này khiến bệnh nhân có triệu chứng muscarin và nicotin điển hình như: da tái lạnh, co đồng tử, đau bụng, tiêu chảy, cảm giác khó thở, chẹn ngực, khám thấy ran ẩm, ran ngáy, ran rít ở phổi, suy hô hấp, phù phổi, nhịp tim chậm, co cứng hoặc liệt cơ, phản xạ gân xương tăng nhạy. Với bệnh nhân nhiễm mạn tính sẽ có triệu chứng nhẹ nhàng hơn nhưng lâu dài cũng gây nguy hiểm cho sức khỏe.
  • Bệnh nhiễm độc carbon monoxit: Carbon monoxit khi ở nồng độ trong máu thấp có thể dẫn đến suy nhược và rối loạn thị giác. Ở nồng độ cao hơn có thể khó thở, đau đầu dữ dội, hôn mê, tiêu cơ vân, trụy tim mạch, ngừng thở và tử vọng. Phụ nữ có thai khi mắc bệnh nghề nghiệp này thường dẫn đến thai chết lưu, và dị tật thai nhi do thiếu oxy.
  • Bệnh nhiễm độc cadimi: bệnh nhân nhiễm độc khói cadmium oxide cấp tính có triệu chứng sốt và triệu chứng hô hấp tương tự như khi bị cảm cúm. Khi nhiễm độc nặng, bệnh nhân có thể tiến triển suy hô hấp và tử vong sau vài ngày do phù phổi cấp. Khi nhiễm độc mạn tính, cadimi gây tổn thương đa hệ cơ quan bao gồm: hô hấp, thận và xương.

Chẩn đoán

Những bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc kể trên hầu hết được chẩn đoán dựa trên điều kiện làm việc, thời gian phơi nhiễm và triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân. Bên cạnh đó, tùy loại bệnh lý nhiễm độc mà sẽ có các phác đồ để chẩn đoán cụ thể, bao gồm việc khám lâm sàng, định lượng nồng độ chất độc trong máu hay các xét nghiệm sinh hóa khác.

Người lao động khi được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc cần được thải độc, giải độc kịp thời và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa các bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Biện pháp kỹ thuật: Sử dụng các biện pháp ngăn ngừa sự hình thành hoặc sự ô nhiễm bụi hoặc hơi độc. Các quá trình sản xuất tốt nhất nên được tiến hành tự động và vận hành kín, có hệ thống thông gió, hút bụi, làm ẩm tại chỗ…
  • Biện pháp y tế: Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện có người thâm nhiễm phải cho điều trị, ngừng tiếp xúc nếu cần cho chuyển việc.
  • Biện pháp cá nhân: Công nhân tiếp xúc với chất độc phải được trang bị và sử dụng quần áo bảo hộ lao động, đội mũ, đeo găng. Thay quần áo và vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau ca lao động. Không được ăn uống và hút thuốc tại nơi làm việc. 

Nhóm các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý

Do đặc thù của nghề nghiệp, người lao động có thể phải làm việc trong các điều kiện vật lý không đảm bảo sức khỏe và dẫn đến những bệnh nghề nghiệp khác nhau. Các bệnh nằm trong nhóm này bao gồm: bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ, bệnh điếc do tiếng ồn, bệnh rung chuyển nghề nghiệp, bệnh giảm áp mạn tính nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân.

Nguyên nhân

  • Bệnh do quang tuyến X và chất phóng xạ: Yếu tố gây bệnh nghề nghiệp là các bức xạ ion hóa trong môi trường lao động, bao gồm: photon (tia X, tia gamma), hạt điện tử, nơtron, proton, các hạt alpha, các mảnh phân hạch,… Bệnh nghề nghiệp này thường gặp trong những công việc có tiếp xúc với phóng xạ như chẩn đoán hình ảnh, sử dụng phóng xạ để kiểm tra cấu trúc, vận chuyển và lưu trữ phóng xạ, nhà máy phóng xạ,…
  • Bệnh điếc do tiếng ồn: Bệnh nghề nghiệp này thường gặp ở những người làm việc tại sân bay, khai khoáng, cơ khí, xây dựng, huấn luyện bắn súng, bộ đội tăng /thiết giáp và pháo binh.
  • Bệnh nghê nghiệp do rung cục bộ: Bệnh xảy ra do sự rung cục bộ được truyền qua tay khi dùng các loại dụng cụ như búa, dũi, búa tán, đúc khuôn, máy khoan đá,… Hay khi sử dụng các máy chạy bằng động cơ loại cầm tay như máy cưa, máy cắt có, máy khoan, máy tời khoan dầu khí, máy mài nhẵn các vật kim loại, tỳ vật mài lên đá mài quay tròn,…
  • Bệnh giảm áp mạn tính nghề nghiệp: Bệnh giảm áp nghề nghiệp xảy ra khi áp suất môi trường làm việc thường xuyên thay đổi đột ngột khiến các bọt khí hình thành trong lòng mạch máu. Tình trạng này có thể gặp thợ lặn, công nhân làm việc trong buồng cao áp, hòm chìm, trong hầm mỏ sâu hay công trình ngầm.
  • Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân: Nguyên nhân gây bệnh nghề nghiệp này là do sự rung cơ học toàn thân trong quá trình lao động ở các công việc như: tài xế lái xe có trọng tải, điều khiển máy thi công cơ giới, vận hành máy móc và thiết bị công nghiệp.

Triệu chứng

Bệnh nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ gây suy nhược, mệt mỏi, chán ăn, nôn nhiều, tiêu chảy dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, thiểu niệu và giảm hồng cầu. Bệnh nhân cũng thường bị nhiễm khuẩn hô hấp, viêm da, viêm kết mạc, đục thủy tinh thể. Khi bệnh kéo dài, toàn thân sẽ suy kiệt và không hồi phục.

Những bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân hay cục bộ sẽ có triệu chứng đau xương khớp, đau cột sống thắt lưng, rối loạn vận mạch, tổn thương thần kinh – cơ,…

Bệnh giảm áp nghề nghiệp thì biểu hiện ở tình trạng đau xương khớp, chấn thương xoang hay tai giữa (chảy máu mũi và tai), ở mức độ nặng thì các bóng khí có thể chèn ép cột sống hay não gây liệt. 

Chẩn đoán

Phương pháp chẩn đoán chính được sử dụng đối với các bệnh nghề nghiệp trên là chụp X-quang. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ thực hiện khám lâm sàng, khai thác thông tin nghề nghiệp, bệnh sử và thực hiện các nghiệm pháp khác nhau để chẩn đoán phân biệt với bệnh nhân tổn thương không do nghề nghiệp.

Điệu trị và phòng ngừa 

Nhìn chung, điều trị các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý như trên thường rất khó khăn và không thể điều trị ổn định. Chủ yếu là điều trị phục hồi bằng mọi phương pháp có thể như thuốc, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc bệnh nhân.  

Để phòng bệnh, cần chú ý tuân thủ đầy đủ biện pháp an toàn và vệ sinh lao động, khám tuyển và khám sức khoẻ định kỳ theo quy định của pháp luật cũng như lưu ý đi khám ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ để sớm phát hiện bệnh lý và điều trị.

Nhóm các bệnh nghề nghiệp về da

Nhóm bệnh nghề nghiệp về da được đề cập trong thông tư bệnh nốt dầu nghề nghiệp, bệnh sạm da nghề nghiệp, bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm, bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài và bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su.

Nguyên nhân 

Bệnh nghề nghiệp liên quan đến da có nguyên nhân chủ yếu lo các yếu tố vật lý (ánh sáng, phóng xạ, bức xạ …), hóa học (hóa chất), vi sinh vật hoặc côn trùng (ruồi vàng) trong môi trường sản xuất tác động trực tiếp lên da hoặc trên cơ thể người. Trong đó, có khoảng 50% là bệnh da do dị ứng, trong số đó 90% là do dị ứng hóa chất.

Triệu chứng

  • Bệnh nốt dầu nghề nghiệp: Vùng da tiếp xúc với dầu mỡ bị đứt hoặc rụng lông, chân lông có những nốt màu đen, cậy ra có nhân, mùi hôi dầu mỡ, sạm da hoặc lichen hóa.
  • Bệnh sạm da nghề nghiệp: Đỏ kèm ngứa ở những vùng da tiếp xúc với ánh sáng, sau sẽ phát triển sạm da hình mạng lưới, dày sừng các lỗ chân lông. Theo thời gian, da càng ngày càng sạm, xuất hiện bong vẩy, có thể có teo da.
  • Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm: Bệnh nhân sẽ có triệu chứng viêm da tiếp xúc, nặng hơn thì xuất hiện loét khó lành trên da, thậm chí là gây thủng vách ngăn mũi. 
  • Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài: Bệnh biểu hiện ở các tổn thương không đồng nhất trên vùng da tiếp xúc trực tiếp với lạnh ẩm. Ngoài ra bệnh nhân có thể thấy viêm quanh móng, tê buốt ở đầu ngón tay như kim đâm hay bị bỏng lạnh.
  • Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su: Bệnh nghề nghiệp này gây ra các triệu chứng trên da tương tự với mày đay tiếp xúc, viêm da kích ứng hay viêm da dị ứng.

Chẩn đoán

Các bệnh nghề nghiệp trên được chẩn đoán bằng những biểu hiện lâm sàng đặc trưng (nếu có). Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện một số xét nghiệm khác như: đo pH da, xét nghiệm nấm, vi khuẩn, thử nghiệm lẩy da (Prick tests), thử nghiệm áp da (Patch test) để chẩn đoán dị ứng.

Điều trị 

Điều trị bệnh da nghề nghiệp cũng giống như điều trị các bệnh da khác. Bạn có thể được kê thuốc bôi tuỳ theo giai đoạn tiến triển của bệnh. Trong viêm da cấp tính, có thể dùng dung dịch làm mát da, giảm viêm. Trường hợp bán cấp, hết chảy nước bôi thuốc hồ. Còn trường hợp mạn tính có thể dùng thuốc kem, mỡ corticoid để điều trị.

Phòng ngừa 

Các biện pháp phòng ngừa bệnh nghề nghiệp liên quan đến da bao gồm: chú ý khám sức khoẻ công nhân để hạn chết tuyển những người có tiền sử dị ứng hen, mề đay, chàm,… làm ở nơi có hoá chất hay môi trường lao động nặng; khám định kỳ theo quy định để phát hiện bệnh và kế hoạch điều trị dự phòng; tăng cường biện pháp vệ sinh lao động và nghiêm túc tuân thủ.

Nhóm các bệnh nghề nghiệp liên quan đến nhiễm khuẩn

Nhóm bệnh nghề nghiệp liên quan đến nhiễm khuẩn gồm các trường hợp nhiễm Leptospira, virus viêm gan B, viêm gan C, lao và HIV do nghề nghiệp.

Nguyên nhân

  • Bệnh Leptosira nghề nghiệp: Xoắn khuẩn Leptosira xuất hiện trong các khu vực hầm mỏ, cống rãnh, đầm lầy, ruộng, ao hồ, chăn nuôi gia súc,…
  • Bệnh viêm gan siêu vi B và siêu vi C nghề nghiệp: Bệnh lây qua đường máu nên thường gặp ở nhân viên y tế, quản giáo, giám thị trại giam, công an,…
  • Bệnh lao nghề nghiệp: Thường gặp ở nhân viên y tế, công nhân làm việc tại lò giết mổ gia súc, thú y và chăn nuôi.

Triệu chứng

Mỗi bệnh nghề nghiệp trên sẽ có những triệu chứng nhiễm khuẩn điển hình khác nhau. Trong đó, nhiễm xoắn khuẩn Leptospira thường gây hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc và đau nhức cơ, tổn thương não, gan, thận, phổi. Bệnh viêm gan do virus B và C có biểu hiện vàng da điển hình. Còn bệnh lao nghề nghiệp thì sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân, ho, khạc đờm, ho ra máu, đau ngực, khó thở kéo dài.

Chẩn đoán 

Phương pháp để chẩn đoán là dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàng cụ thể của từng bệnh. Trong đó, các trường hợp nhiễm vi khuẩn như lao hay Leptospira thì nhuộm soi trực tiếp là phương pháp thường dùng nhất, còn viêm gan B và C thì chẩn đoán dựa trên lâm sàng, chỉ số AST, ALT và billirubin của cơ thể.

Trong quá trình chẩn đoán bệnh nghề nghiệp, luôn phải xem xét để loại trừ các trường hợp nhiễm trùng không do nghề nghiệp.

Điều trị 

Nguyên tắc chung để điều trị là sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn. Các kháng sinh được sử dụng là những kháng sinh còn nhạy và theo phác bồ của Bộ Y tế. Đối với nhiễm virus như viêm gan B và C, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus hay interferon, tuy nhiên chi phí điều trị thường cao và hiệu quả còn hạn chế. 

Phòng ngừa

Để phòng ngừa viêm gan siêu vi B, tiêm phòng là một biện pháp hiệu quả. Ngoài ra, một cách chung nhất, người lao động cũng cần tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và vết thương hở trong quá trình làm việc. Đeo găng tay, ủng khi có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh Leptospira. 

Chế độ bệnh nghề nghiệp

Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định: người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành nêu trên (Thông tư 15/2026/TT-BYT).
  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần với mức trợ cấp từ 5 lần lương cơ bản trở lên. Còn người lao động bị bệnh nghề nghiệp làm suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng với mức trợ cấp từ 30% lương cơ bản trở lên. 

Địa chỉ khám bệnh nghề nghiệp đáng tin cậy

  • Family Medical Practice – FMP Group – Quận 2, TPHCM: Family Medical Practice (FMP) là một hệ thống phòng khám tư nhân có quy mô hoạt động lớn tại Việt Nam đã tồn tại và phát triển từ năm 1997. Với mục tiêu cung cấp các dịch vụ y tế đạt tiêu chuẩn quốc tế, FMP đã nhanh chóng trở thành một địa chỉ uy tín cho sức khỏe cả gia đình và cá nhân. Trực tiếp khám bệnh nghề nghiệp cho bệnh nhân là đội ngũ y bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm. Song, hỗ trợ máy móc hiện đại nhằm giúp việc chẩn đoán đạt kết quả cao.

  • Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc – Cầu Giấy, Hà Nội: Là một trong những bệnh viện ngoài công lập chú trọng song song vào cả chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng dịch vụ tại Hà Nội, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI không chỉ đầu tư vào môi trường vật chất giúp khách hàng cảm thấy dễ chịu nhất khi đến khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, mà còn theo đuổi những phương pháp tầm soát bệnh lý và điều trị tiên tiến trên thế giới nhằm mang đến chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất cho người dân.

  • Bệnh viện FV – Quận 7, TPHCM: Là bệnh viện đầu tiên ở khu vực miền Nam nước ta đạt chứng nhận chất lượng JCI (hệ thống tiêu chuẩn uy tín hàng đầu thế giới được đánh giá chất lượng dịch vụ y tế), Bệnh viện FV được đông đảo khách hàng và bệnh nhân biết đến nhờ tay nghề của bác sĩ, cơ sở vật chất hiện đại và dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng.


Câu hỏi thường gặp

Bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam

Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam được đề cập trong thông tư 15/2016/TT-BYT.

Bệnh nghề nghiệp chia thành mấy nhóm?

Bệnh nghề nghiệp có thể được chia thành 5 nhóm: bệnh nghề nghiệp liên quan đến bụi phổi và hô hấp, bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc, bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý, bệnh nghề nghiệp về da, bệnh nghề nghiệp do nhiễm khuẩn.

Bệnh nghề nghiệp được hưởng quyền lợi gì?

Người lao động bị bệnh nghề nghiệp có mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên sẽ được hưởng trợ cấp theo pháp luật quy định.


Trên đây là tất cả thông tin về bệnh nghề nghiệp mà Docosan muốn truyền tải cho bạn đọc. Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Nếu bạn có nhu cầu khám bệnh nghề nghiệp, xin vui lòng đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn trên docosan.com.. 

Contact Me on Zalo
Call Now Button