Triệu chứng bệnh tiểu đường ở nữ: Dấu hiệu, nguy cơ và cách nhận biết

Tiểu đường ở nữ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các dấu hiệu bệnh tiểu đường ở nữ, từ đó chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe.

Giới thiệu chung về bệnh tiểu đường ở nữ

Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường, hay còn gọi là đái tháo đường, là tình trạng cơ thể không thể kiểm soát lượng đường (glucose) trong máu một cách hiệu quả, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.

Tiểu đường là tình trạng cơ thể không thể kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả
Tiểu đường là tình trạng cơ thể không thể kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả

Phân loại bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường được chia thành ba loại chính:

  • Tiểu đường type 1: Đây là dạng tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Tiểu đường type 1 thường xuất hiện từ khi còn nhỏ hoặc thanh thiếu niên.
  • Tiểu đường type 2: Xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin hiệu quả. Loại này phổ biến hơn và thường gặp ở người trưởng thành nhưng hiện nay, tỷ lệ mắc tiểu đường type 2 ở người trẻ cũng đang gia tăng.
  • Tiểu đường thai kỳ: Xảy ra trong thời gian mang thai khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Tiểu đường thai kỳ có thể tăng nguy cơ tiểu đường type 2 sau khi sinh.

Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh tiểu đường ở nữ

Việc phát hiện sớm bệnh tiểu đường ở nữ rất quan trọng vì phụ nữ có nguy cơ biến chứng cao hơn nam giới, đặc biệt là trong thai kỳ, khi bệnh có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Nếu không được kiểm soát, tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim mạch, tổn thương thận và mù lòa.

Bên cạnh đó, có một sự sự khác biệt đáng kể trong biểu hiện bệnh tiểu đường giữa nam và nữ do:

  • Hormone sinh dục: Hormone estrogen ở nữ giới đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh đường huyết. Sự biến động của hormone này trong các giai đoạn như kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết, khiến phụ nữ dễ mắc các biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm nấm men ở bộ phận sinh dục hơn.
  • Mang thai: Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra các biến chứng cho cả mẹ và thai nhi nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
  • Hệ miễn dịch và viêm nhiễm: Phụ nữ thường có hệ miễn dịch nhạy cảm hơn, dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm nấm men.
  • Yếu tố tâm lý và xã hội: Phụ nữ thường đối mặt với nhiều áp lực từ công việc, gia đình và xã hội, dẫn đến căng thẳng và rối loạn giấc ngủ. Những yếu tố này không chỉ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường mà còn ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát bệnh, khiến các triệu chứng tiểu đường ở nữ phức tạp hơn so với nam giới.

Chính vì vậy, việc nhận biết và kiểm soát bệnh tiểu đường ở nữ giới là cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe toàn diện.

Phụ nữ mang thai có thể bị tiểu đường thai kỳ
Phụ nữ mang thai có thể bị tiểu đường thai kỳ

Các dấu hiệu, triệu chứng bệnh tiểu đường ở nữ

Triệu chứng chung

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thường gặp phải các triệu chứng chung giống như nam giới. Những triệu chứng này bao gồm:

  • Thèm ăn, khát nước liên tục: Cơ thể không thể chuyển hóa đường thành năng lượng khiến bạn cảm thấy đói và khát nhiều hơn bình thường.
  • Đi tiểu nhiều lần, tăng số lượng nước tiểu: Cơ thể cố gắng loại bỏ lượng đường dư thừa qua nước tiểu, dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều lần và tăng lượng nước tiểu.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân: Mặc dù ăn nhiều nhưng không tăng cân, thậm chí sụt cân nhanh do cơ thể không thể chuyển hóa glucose thành năng lượng, dẫn đến mất mỡ và cơ bắp.
  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể: Thiếu năng lượng từ glucose khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể và khó tập trung.
  • Vết thương chậm lành: Đường huyết cao làm giảm khả năng chữa lành của cơ thể, khiến các vết thương, vết loét khó lành.

Triệu chứng đặc trưng ở nữ giới

Ngoài các triệu chứng chung, phụ nữ còn có thể gặp phải một số triệu chứng đặc trưng do ảnh hưởng của hormone và cấu trúc sinh học khác biệt như:

  • Nhiễm nấm Candida âm đạo: Đường huyết cao tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển. Các triệu chứng bao gồm ngứa ngáy, đỏ rát, tiết dịch bất thường và đau khi quan hệ tình dục. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm nấm Candida có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và có thể nhiễm trùng nặng hơn.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Đường huyết cao làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Các triệu chứng thường gặp bao gồm tiểu buốt, tiểu rắt, đau ở vùng bụng dưới và nước tiểu có mùi hôi. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể lan lên thận và gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
  • Khô âm đạo: Khô âm đạo có thể xảy ra ở phụ nữ tiểu đường do sự thay đổi hormone và ảnh hưởng của đường huyết cao đến các tuyến tiết dịch âm đạo. Triệu chứng này có thể gây ra cảm giác khó chịu, đau rát khi quan hệ tình dục và làm giảm chất lượng cuộc sống tình dục. Khô âm đạo cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và viêm nhiễm.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao do tình trạng kháng insulin kéo dài. Ngược lại, phụ nữ mắc tiểu đường hoặc có tiền sử gia đình bị tiểu đường cũng có nguy cơ mắc PCOS cao. Các triệu chứng bao gồm kinh nguyệt không đều, tăng cân, mọc lông nhiều và khó có con.

Triệu chứng bệnh tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng nhưng có thể nhận biết qua một số dấu hiệu sau:

  • Khát nhiều: Dù đã uống đủ nước nhưng vẫn cảm thấy khát.
  • Tiểu nhiều: Số lần đi tiểu tăng lên đáng kể, đặc biệt là vào ban đêm.
  • Mệt mỏi: Cảm thấy mệt mỏi quá mức ngay cả khi nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Mờ mắt: Thị lực bị giảm sút, cảm giác mờ mắt không rõ nguyên nhân.
Mẹ bầu khát nước nhiều và liên tục có thể là một biểu hiện tiểu đường thai kỳ
Mẹ bầu khát nước nhiều và liên tục có thể là một biểu hiện tiểu đường thai kỳ

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở nữ

Yếu tố nguy cơ chung

  • Thừa cân, béo phì: Tình trạng thừa cân hoặc béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tiểu đường type 2. Lượng mỡ thừa, đặc biệt là mỡ bụng, có thể làm tăng tình trạng kháng insulin, dẫn đến tiểu đường.
  • Ít vận động: Thiếu hoạt động thể chất làm giảm khả năng chuyển hóa glucose và tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Vận động thường xuyên giúp cải thiện độ nhạy của cơ thể với insulin và kiểm soát cân nặng.
  • Gia đình có tiền sử bệnh tiểu đường: Nếu trong gia đình có người bị tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn.
  • Người gốc Phi, La tinh, Á, Hawaii: Một số nhóm dân tộc có nguy cơ cao hơn mắc bệnh tiểu đường do các yếu tố di truyền và lối sống. Đặc biệt là người gốc Phi, La tinh, Á và Hawaii có tỷ lệ mắc tiểu đường cao hơn so với các nhóm dân tộc khác.

Yếu tố nguy cơ đặc trưng ở nữ giới

  • Tiểu đường thai kỳ: Phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ tiến triển thành tiểu đường type 2 cao sau khi sinh. 
  • Sinh con nặng cân: Sinh con có cân nặng trên 4kg có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tiểu đường ở người mẹ. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ có thể đã không kiểm soát tốt đường huyết trong thời kỳ mang thai.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): PCOS là một rối loạn hormone phổ biến ở phụ nữ và có liên quan mật thiết đến tình trạng kháng insulin. Phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao do kháng insulin kéo dài.
  • Huyết áp, cholesterol cao: Huyết áp caocholesterol cao thường đi kèm với tình trạng kháng insulin và các vấn đề chuyển hóa khác, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tiểu đường type 2
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tiểu đường type 2

Biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện sớm bệnh tiểu đường ở nữ

Biến chứng với người chưa mang thai

  • Bệnh tim mạch: Mức đường huyết cao có thể dẫn đến tích tụ mỡ trong động mạch, gây xơ vữa động mạch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ timđột quỵ. Phụ nữ có nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch cao hơn so với nam giới do ảnh hưởng của các hormone và yếu tố nguy cơ khác.
  • Tổn thương thận: Tiểu đường có thể gây tổn thương tới các mạch máu nhỏ trong thận, dẫn đến suy thận hoặc thậm chí cần chạy thận nhân tạo. Biến chứng này thường diễn tiến âm thầm nhưng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
  • Tổn thương thần kinh: Đường huyết cao kéo dài có thể gây tổn thương các dây thần kinh, dẫn đến cảm giác tê liệt, đau rát hoặc mất cảm giác ở tay và chân. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ bị loét chân và nhiễm trùng.
  • Vấn đề về thị lực (bệnh võng mạc tiểu đường): Tiểu đường có thể gây tổn thương các mạch máu trong mắt, gây mờ mắt, mất thị lực, thậm chí là mù lòa.
  • Nhiễm trùng và vết thương chậm lành: Hệ miễn dịch suy yếu khiến phụ nữ dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là các vấn đề về da và nấm. Đường huyết cao cũng làm giảm khả năng chữa lành tổn thương của cơ thể, khiến vết thương lâu lành hơn.

Biến chứng với người mang thai

  • Sảy thai: Tiểu đường không được kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và các biến chứng khác trong thai kỳ như thai chết lưu hoặc sinh non.
  • Sinh con nặng cân: Nếu mẹ bị tiểu đường và không được kiểm soát tốt, thai nhi có thể phát triển quá mức, dẫn đến sinh con nặng cân. Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình sinh nở và tăng nguy cơ chấn thương cho cả mẹ và con.
  • Hội chứng suy hô hấp ở thai nhi: Tăng nguy cơ hội chứng suy hô hấp ở thai nhi, gây khó khăn trong việc thở và cần sự chăm sóc đặc biệt sau sinh.
  • Nguy cơ dị tật bẩm sinh: Tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi, dễ mắc các vấn đề về tim, hệ thần kinh và hệ thống tiêu hóa.
  • Tiền sản giật: Tăng nguy cơ tiền sản giật, đây là một tình trạng nghiêm trọng gây tăng huyết áp và các vấn đề về chức năng thận trong thai kỳ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Hệ miễn dịch suy yếu khiến phụ nữ dễ bị nhiễm trùng
Hệ miễn dịch suy yếu khiến phụ nữ dễ bị nhiễm trùng

Cách nhận biết bệnh tiểu đường ở nữ

Việc thăm khám định kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, đặc biệt nếu bạn có các yếu tố nguy cơ. Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp bạn theo dõi mức đường huyết và phát hiện các dấu hiệu bất thường trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng.

Các triệu chứng cần lưu ý là khát nước liên tục, đi tiểu nhiều lần, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi cực độ, vết thương chậm lành. Để tự kiểm tra tại nhà, bạn có thể sử dụng máy đo đường huyết để theo dõi mức đường trong máu. Nếu phát hiện các triệu chứng bất thường hoặc có chỉ số đường huyết cao, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.

Nếu bạn có triệu chứng nghi ngờ hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, hãy thăm khám chuyên khoa Nội tiết để được chẩn đoán chính xác và nhận được kế hoạch điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường ở nữ

Tiểu đường là một tình trạng phức tạp nên việc kiểm soát bệnh này thường bao gồm nhiều khía cạnh. Ngoài ra, bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến mỗi người theo những cách khác nhau, do đó, các kế hoạch điều trị cần được cá nhân hóa.

Bốn khía cạnh chính của việc kiểm soát bệnh tiểu đường là: 

  • Theo dõi đường huyết: Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên để theo dõi hiệu quả điều trị và điều chỉnh phương pháp điều trị khi cần thiết.
  • Điều trị bằng thuốc: Các loại thuốc như Metformin, Sulfonylureas và Thiazolidinediones giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách tăng cường khả năng sử dụng insulin hoặc giảm sản xuất glucose.Trong trường hợp không kiểm soát được bằng thuốc uống, có thể tiêm insulin để kiểm soát đường huyết.
  • Chế độ ăn uống: Thói quen ăn uống lành mạnh sẽ có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu, điều chỉnh cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Tập thể dục: Hoạt động thể chất làm tăng độ nhạy insulin và giúp giảm tình trạng kháng insulin, do đó, tập thể dục thường xuyên là một phần quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường.

Các biện pháp phòng ngừa và ổn định lượng đường

Bạn không thể phòng ngừa các tiểu đường do tự miễn và do di truyền. Nhưng có một số cách bạn có thể thực hiện để giảm thiểu nguy cơ mắc tiền tiểu đường, tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ, bao gồm:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Hạn chế thực phẩm nhiều đường, tinh bột và chất béo bão hòa.
  • Tập thể dục thường xuyên: Thực hiện ít nhất 150 phút tập thể dục với cường độ vừa phải mỗi tuần kết hợp các bài tập sức mạnh như nâng tạ để cải thiện sức khỏe tim mạch và kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Quản lý cân nặng: Thực hiện các biện pháp giảm cân an toàn như chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn để cải thiện độ nhạy insulin và kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Giảm căng thẳng: Áp dụng các biện pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền hoặc các hoạt động thư giãn khác vì căng thẳng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
  • Thăm khám định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề và điều chỉnh phương pháp điều trị khi cần.
Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn kiểm soát tiểu đường
Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn kiểm soát tiểu đường

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu, triệu chứng bất thường

  • Khát nước liên tục: Cảm giác khát không ngừng dù đã uống nước nhiều.
  • Đi tiểu nhiều lần: Sự gia tăng số lần đi tiểu, đặc biệt là vào ban đêm.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân: Sụt cân nhanh chóng mà không thay đổi chế độ ăn uống.
  • Mệt mỏi cực độ: Cảm giác mệt mỏi và thiếu năng lượng bất thường.
  • Vết thương chậm lành: Vết thương hoặc vết loét lâu lành hơn bình thường.

Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín

  • Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM: Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM là một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại TP.HCM. Bệnh viện có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, đặc biệt mạnh về các chuyên khoa nội tiết và bệnh tiểu đường.
  • Bệnh viện Chợ Rẫy: Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa hàng đầu tại TP.HCM. Bệnh viện được biết đến với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng hiện đại và thiết bị y tế tiên tiến. 
  • Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cung cấp dịch vụ y tế toàn diện với nhiều chuyên khoa. Bệnh viện có trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, chuyên chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
  • Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là một trong những bệnh viện tư nhân uy tín tại TP.HCM với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng và chuyên môn cao. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh về tiểu đường và các chuyên khoa khác với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và thiết bị y tế tiên tiến.

Bạn có thể đặt lịch khám nội tiết tại các bệnh viện uy tín qua Docosan để nhận được sự tư vấn và điều trị từ các chuyên gia hàng đầu.

Việc tầm soát giúp phát hiện sớm chẩn đoán và kịp thời điều trị đái tháo đường
Việc tầm soát giúp phát hiện sớm chẩn đoán và kịp thời điều trị đái tháo đường

Một số câu hỏi liên quan

Ăn uống gì để phòng bệnh tiểu đường?

Để phòng ngừa bệnh tiểu đường, bạn nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, chọn protein nạc như thịt gà, cá, đậu và hạt để cung cấp chất xơ và dinh dưỡng cần thiết. Giảm đường và tinh bột tinh chế, hạn chế bánh kẹo, nước ngọt và thực phẩm chế biến sẵn, tăng cường chất béo lành mạnh như dầu ô liu, quả bơ…

Người bị tiểu đường nên kiêng ăn gì?

Người bệnh tiểu đường không nên ăn thịt lợn mỡ, phủ tạng động vật, da của gia cầm, kem tươi, dầu dừa, các loại bánh kẹo ngọt, mứt, sirô, các loại nước có ga… Hạn chế tối đa các loại hoa quả sấy khô, mứt hoa quả… bởi loại này chứa một lượng đường rất cao, không hề tốt cho sức khỏe người bệnh.

Tại sao lại bị bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường xảy ra do sự rối loạn trong việc sản xuất hoặc sử dụng insulin, là một hormone quan trọng giúp điều hòa mức đường huyết. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:

  • Kháng insulin: Cơ thể không sử dụng insulin một cách hiệu quả.
  • Sự suy giảm chức năng tế bào beta: Tế bào beta tụy (chịu trách nhiệm sản xuất insulin) bị tổn thương hoặc hoạt động không hiệu quả khiến cơ thể không thể duy trì lượng đường ổn định.
  • Di truyền: Nếu gia đình có tiền sử bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
  • Rối loạn hormone: Các tình trạng như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và các rối loạn nội tiết khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
  • Tiểu đường thai kỳ: Phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao phát triển tiểu đường type 2 sau khi sinh.

Ngoài ra, các tình trạng sức khỏe như tăng huyết áp và cholesterol cao cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Tiểu đường ở nữ có ảnh hưởng tới chức năng sinh sản không?

Tiểu đường có thể gây ra gây ra các bất thường trong sự phát triển và chức năng của hệ sinh sản, dẫn đến dậy thì muộn ở nữ giới và làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ bị tiểu đường có nguy cơ vô sinh cao hơn. Mức đường huyết không được kiểm soát có thể ảnh hưởng đến sự rụng trứng và chất lượng trứng, làm giảm khả năng thụ thai.

Khi mang thai, tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tiền sản giật, sinh non hoặc trẻ sinh ra nặng cân. Tiểu đường cũng có thể gây mãn kinh sớm, dẫn đến giảm sản xuất hormone sinh dục và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản toàn diện.

Các vấn đề này cho thấy cần phải kiểm soát tốt tiểu đường để bảo vệ sức khỏe sinh sản và cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ.

Xem thêm:

Bài viết này đã cung cấp cái nhìn toàn diện về tiểu đường ở nữ giới, từ triệu chứng, yếu tố nguy cơ đến các biến chứng và phương pháp điều trị. Để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh tiểu đường, hãy lưu lại thông tin này và chia sẻ với người thân để cùng nhau chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe.

Nguồn tham khảo:

1. What Is Diabetes?

  • Link tham khảo: https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/what-is-diabetes
  • Ngày tham khảo: 05/09/2024

2. Early Signs of Diabetes in Women

  • Link tham khảo: https://www.hackensackmeridianhealth.org/en/healthu/2023/02/21/early-signs-of-diabetes-in-women
  • Ngày tham khảo: 05/09/2024

3. Diabetes Symptoms in Women

  • Link tham khảo: https://www.medicinenet.com/diabetes_symptoms_in_women/article.htm
  • Ngày tham khảo: 05/09/2024

4. Could You Spot the Signs of Diabetes in Women?

  • Link tham khảo: https://www.bmhsc.org/blog/could-you-spot-the-signs-of-diabetes-in-women
  • Ngày tham khảo: 05/09/2024

5. Diabetes

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/7104-diabetes
  • Ngày tham khảo: 05/09/2024
Contact Me on Zalo