Top 8 dấu hiệu nguy hiểm của bàn chân tiểu đường không nên bỏ qua

Các dấu hiệu bàn chân tiểu đường khi bệnh nhân gặp phải chính là hồi chuông cảnh báo rằng sức khỏe của cơ thể đang gặp nguy cấp.

bàn chân tiểu đường

Hiện nay, nhiều người rất hay bỏ qua những dấu hiệu bàn chân tiểu đường và xem các triệu chứng đó không quá nghiêm trọng do dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý thông thường khác. Nhưng đến khi bệnh trở nặng thì mới thăm khám và chữa trị thì quá trình trị liệu đã trở nên khó khăn, không đạt hiệu quả và chi phí đắt đỏ.

Vậy bàn chân tiểu đường có những dấu hiệu thường gặp nào, cách điều trị và phòng ngừa ra sao? Hãy cùng Diab tìm hiểu qua bài viết này.

Bàn chân tiểu đường là gì?

Khái niệm

Bàn chân tiểu đường hay còn gọi là loét bàn chân do đái tháo đường (ĐTĐ) vốn dĩ là tình trạng các vết loét xuất hiện ở bàn chân (từ mắt cá chân trở xuống như mu chân, gan bàn chân, gót chân và bàn-ngón chân) ở bệnh nhân đái tháo đường.

Hiện trạng bệnh lý bàn chân tiểu đường

Ước tính có khoảng 19 – 34% bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ loét bàn chân gặp phải trong cuộc đời. Theo Liên đoàn Đái Tháo Đường Quốc Tế, hàng năm có từ 9,1 – 26,1 triệu người bệnh đái tháo đường bị loét bàn chân do chính bệnh tiểu đường gây nên. 

Trên thế giới, tỷ lệ bàn chân tiểu đường trung bình là 6,3% thay đổi theo từng khu vực như ở Châu Úc là 3%, Bắc Mỹ là 13%,… Ngoài ra, cũng có sự chênh lệch về bệnh lý bàn chân tiểu đường ở các quốc gia như Bỉ (16,6%), Canada (14,8%), Mỹ (13%), Úc (1,5%), Hàn Quốc (1,7%),… Trong một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh bàn chân tiểu đường nhập viện và điều trị ngoại trú chiếm khoảng 20%.

Nguyên nhân gây ra bàn chân tiểu đường

Có nhiều nguyên nhân cũng như các yếu tố có thể dẫn đến bàn chân tiểu đường, có thể kể đến một số nguyên nhân làm tăng khả năng loét bàn chân ở người đái tháo đường như:

Bệnh lý thần kinh do tiểu đường

Bệnh lý thần kinh do tiểu đường thường biểu hiện ở dạng các tổn thương về cảm giác, vận động và tự chủ:

  • Mất cảm giác bảo vệ ở người bệnh dễ khiến bị tổn thương về cơ học, hoá học và nhiệt,…
  • Thường liên quan đến da khô, có thể dẫn đến các vết chai, vết nứt ở da chân.
  • Các dị tật do bệnh thần kinh vận động như bàn chân hình búa, móng vuốt có thể dẫn đến bất thường áp lực bàn chân.
  • Biến dạng bàn chân, các vết chai dưới áp lực tỳ đè kéo dài gây ra tình trạng viêm nhiễm, chấn thương mô mạn tính dễ hình thành các áp xe bên dưới những mô chai gây nên các vết loét bàn chân đái tháo đường.

Bệnh lý động mạch chi dưới

  • Các mảng xơ vữa động mạch chi dưới gây tắc hoàn toàn hoặc một phần của một hoặc nhiều động mạch ngoại vi. Ngoài ra, tắc mạch, huyết khối, loạn sản sợi cơ hoặc viêm mạch cũng dẫn đến giảm lưu lượng máu hoặc mất mô.
  • Xơ vữa động mạch chi dưới gây hẹp lòng mạch làm giảm tưới máu và làm nặng thêm tình trạng bàn chân tiểu đường, là nguyên nhân trực tiếp gây loét hoại tử bàn, ngón chân.

Nguyên nhân do nhiễm trùng

Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Glucose máu tăng cao mạn tính làm giảm hoạt động của bạch cầu, làm suy giảm khả năng miễn dịch của người bệnh. Dưới lượng đường glucose trong máu cao, các vi khuẩn gây bệnh dễ phát triển và tạo được vỏ màng bọc bảo vệ biofilm nhằm đề kháng với kháng sinh và chống chọi lại các đại thực bào khiến tình trạng viêm loét bàn chân tiểu đường ngày càng nghiêm trọng hơn.

bàn chân tiểu đường

Nhiễm trùng – nguyên nhân gây bàn chân tiểu đường

Các nguyên nhân khác

  • Hiện tượng glycat hoá các gân gấp bàn chân và tổn thương thần kinh gây biến dạng bàn chân. Qua đó, hình thành các vết chai tại các điểm biến dạng gây nên các vết loét chân lâu lành.
  • Các bóng nước do cọ xát giữa giày, dép hay vớ cũng có thể vỡ ra tạo thành các vết loét trên bệnh nhân tiểu đường. 
  • Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao gây bệnh lý động mạch ngoại biên. Hút thuốc lá tăng nguy cơ tổn thương các mạch máu lớn trong đó có mạch máu chi dưới.
  • Rối loạn chuyển hoá lipid với tăng LDL- cholesterol cũng là yếu tố nguy cơ cao của bệnh lý động mạch ngoại biên bên cạnh tình trạng tăng glucose máu mạn tính.

Các dấu hiệu bàn chân tiểu đường cần lưu ý

Chuột rút

Dấu hiệu bàn chân tiểu đường có thể kể đến hiện tượng chuột rút có liên quan đến bệnh lý thần kinh. Theo diễn tiến của bệnh đái tháo đường thì chuột rút có thể là kết quả của sự mất cân bằng điện giải, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh thần kinh ngoại biên.

Các rối loạn chuyển hoá tiềm ẩn ở bệnh nhân tiểu đường như hạ canxi huyết, kali huyết, rối loạn chức năng gan cũng như việc kiểm soát đường huyết kém thì càng có nguy cơ bị chuột rút nhiều hơn.

Khó chịu ở bàn chân

Bàn chân tiểu đường sẽ có cảm giác ê buốt, khô rát hoặc cảm giác bàn chân lạnh buốt (do giảm tưới máu), đôi khi cảm giác nóng (do viêm xương hay nhiễm trùng).

bàn chân tiểu đường

Cảm giác khó chịu ở bàn chân do tiểu đường

Tê ngón chân

Tê bì tay chân đặc biệt là ở ngón chân thường do biến chứng trên thần kinh ngoại biên, gây mất cảm giác hoặc tệ hơn là loạn cảm giác. Bệnh nhân đôi khi sẽ cảm nhận thấy:

  • Xuất hiện cảm giác tê bì, khó chịu như kiến bò, đi trên cát và kim châm chích.
  • Các cơn đau nhức, mất cảm giác thường xảy ra vào ban đêm và không xảy ra theo chu kỳ nhất định.
  • Có khi tê lạnh, đôi khi đau rát ở đầu ngón chân.

Xem thêm: Vì sao người tiểu đường dễ bị cứng khớp ngón tay?

Biến dạng bàn chân

Các tình trạng biến dạng bàn chân do biến chứng bàn chân tiểu đường bao gồm biến dạng móng vuốt, ngón chân hình búa, vết hai chân, bàn chân vẹo ngoài, bàn chân lõm, bàn chân bẹt, bàn chân charcot,…

Biến dạng bàn chân tiểu đường được đánh giá, phát hiện và can thiệp sớm, đúng kỹ thuật giúp giảm nguy cơ loét, nhiễm trùng.

bàn chân tiểu đường

Bàn chân charcot – biến chứng do bàn chân tiểu đường

Xem thêm: Bệnh Gout – Biến chứng đái tháo đường thường gặp

Đổi màu da bàn chân

Tổn thương da màu vàng cam là những mảng da màu vàng cam, giới hạn rõ, xuất hiện ở vùng da có nhiều tuyến bã nhờn (vùng mặt) và vùng da có lớp sừng dày (lòng bàn tay, lòng bàn chân). Móng tay và móng chân cũng có thể bị nhuốm màu vàng cam tương tự.

Xem thêm: 7 cách chăm sóc da tiểu đường

Vết chai ở lòng bàn chân

Các vết chai chân thường xuất hiện ở những vùng chịu áp lực tỳ đè. Chai chân ở vùng gót chân và vùng đầu dưới xương bàn ngón chân có thể do biến dạng vòm bàn chân cao – một trong những hậu quả biến chứng thần kinh vận động do bệnh tiểu đường gây ra.

Bàn chân mẩn đỏ, khô ráp

Đỏ da ở bệnh nhân đái tháo đường thường xuất hiện ở các vị trí da vùng mặt, cổ và các đầu chi, nguyên nhân có thể do sự giãn mạch máu dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, có thể nhận thấy da bàn chân khô ráp, nứt nẻ do quá trình xơ cứng da gây nên.

Hoại tử bàn chân

Vết thương ở chân có màu đen và nặng mùi. Đây rất có thể là dấu hiệu của biến chứng bàn chân tiểu đường gây chết mô, hoại tử. Nếu không được điều trị kịp thời, vết hoại tử ở chân có thể dẫn đến nguy cơ cắt cụt bàn chân hoặc thậm chí có thể gây tử vong.

Biến chứng tiểu đường ở chân nguy hiểm như thế nào?

Các bệnh nhân tiểu đường có mức đường huyết cao thường xuyên do kiểm soát lượng đường trong máu chưa tốt ngoài gặp phải các biến chứng nguy hiểm trên gan, thận, tim mạch,… còn dễ gây những biến chứng tiểu đường ở chân ở dây thần kinh, gây giảm hoặc mất cảm giác ở ngón chân và bàn chân. 

Khi đó, bệnh nhân có thể khó cảm nhận các tổn thương do dị vật, bỏng, hoá chất,… dẫn đến các vết thương không được kịp thời xử trí, chăm sóc khiến vết loét lan rộng, hoại tử phải cắt cụt chi thậm chí dẫn tới tử vong. Theo thống kê tại Việt Nam, có đến 50 – 60% bệnh nhân tiểu đường phải nhập viện do bị biến chứng đái tháo đường ở chân, trong đó có đến 25% trường hợp phải cưa chân. 

Biến chứng bàn chân tiểu đường không những gây loét, phải cắt cụt chi dưới mà còn làm giảm đáng kể chất lượng sống của người bệnh và gia tăng nguy cơ tử vong sớm. Các nghiên cứu đã chỉ ra, biến chứng đái tháo đường ở chân gây nguy cơ mất chân cao gấp 10 – 30 lần so với người không mắc bệnh. Nếu bị cắt chi, nguy cơ tử vong sẽ tăng dần theo thời gian: 10% quanh thời điểm đoạn chi, 30% sau 1 năm và 70% sau 5 năm.

Chẩn đoán bàn chân tiểu đường

Để chẩn đoán bệnh nhân có bệnh lý bàn chân tiểu đường cần có 2 tiêu chuẩn sau:

  • Bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường.
  • Có tình trạng loét ở bàn chân.

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiểu đường type 2, QĐ số 5481/QĐ-BYT ngày 30/12/2020, tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường dựa vào 1 trong 4 tiêu chí sau:

  1. Glucose huyết tương tác lúc đói ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L).
  2. Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp với 75g glucose bằng đường uống ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L)
  3. HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm HbA1c được thực hiện bằng phương pháp đã chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế.
  4. Bệnh nhân có triệu chứng tăng glucose huyết hoặc cơn tăng glucose huyết cấp kèm mức glucose huyết tương bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).

Chẩn đoán xác định nếu có 2 kết quả trên ngưỡng chẩn đoán trong cùng 1 mẫu máu xét nghiệm hoặc ở 2 thời điểm khác nhau đối với tiêu chí (1), (2) hoặc (3); riêng tiêu chí (4) chỉ cần một lần xét nghiệm duy nhất.

Xem thêm: Giải mã ý nghĩa xét nghiệm HbA1c để làm gì?

Tiêu chuẩn chẩn đoán loét bàn chân

Tình trạng loét bàn chân được xác định là mất mô hoặc hoại tử từ mức độ 1 trở đi theo phân loại Wager – Meggitt hoặc giai đoạn 2 trở đi theo phân loại PEDIS. Người bệnh có bàn chân không mất mô, không hoại tử ở bàn chân được xem là không loét. Dưới đây là phân loại loét bàn chân tiểu đường theo Wagner – Meggitt:

ĐộTriệu chứng
0Không có các vết thương hở nhưng có thể có biến dạng bàn chân hoặc viêm mô tế bào.
1Vết loét nông (1 phần hoặc toàn bộ lớp da).
2Vết loét sâu đến lớp gân hoặc bao khớp nhưng không có tổn thương áp xe hoặc tổn thương xương.
3Vết loét sâu với áp xe, viêm tuỷ xương hoặc nhiễm trùng khớp.
4Hoại tử khu trú ở ngón chân hoặc gót chân.
5Hoại tử lan rộng toàn bộ cẳng chân.

Cách chữa trị bàn chân tiểu đường

Điều trị bằng thuốc kháng sinh

Theo Hướng dẫn điều trị loét bàn chân do đái tháo đường, phác đồ điều trị bệnh nhân loét/nhiễm trùng bàn chân tiểu đường được gợi ý như sau:

NhẹKhông có yếu tố phức tạpCầu khuẩn gram dươngPenicillin bán tổng hợp kháng enzyme penicillinaseCephalosporin thế hệ 1
Dị ứng hoặc không dung nạp β-lactamCầu khuẩn gram dươngClindamycinFluoroquinolone có hoạt tính tốt chống lại cầu khuẩn Gram dương hiếu khí (Levofloxacin, Moxifloxacin)MacrolideDoxycycline
Sử dụng kháng sinh gần đâyCầu khuẩn gram dương + trực khuẩn gram âmβ-lactam nhóm 1: Amoxicillin/clavulanate, Ampicillin/sulbactamTrimethoprim/ sulfamethoxazoleFluoroquinolone có hoạt tính tốt chống lại cầu khuẩn Gram dương hiếu khí (Levofloxacin, Moxifloxacin)
Nguy cơ cao do MRSATụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA)LinenzolidTrimethoprim/ sulfamethoxazoleMacrolideDoxycycline
Trung bình hoặc nặngKhông có yếu tố phức tạpCầu khuẩn gram dương ± trực khuẩn gram âmβ-lactam nhóm 1: Amoxicillin/clavulanate, Ampicillin/sulbactamCephalosporin thế hệ 2, 3

Sử dụng kháng sinh gần đây
Cầu khuẩn gram dương ± trực khuẩn gram âmβ-lactam nhóm 2: Ticarcillin/clavulanate, Piperacillin/tazobactamCephalosporin thế hệ 3Nhóm 1 Carbapenem (phụ thuộc vào điều trị trước đó hoặc tham khảo ý kiến)
Vết loét ẩm ướt và khí hậu ẩm ướtTrực khuẩn gram âm gồm Pseudomonasβ-lactam nhóm 2: Ticarcillin/clavulanate, Piperacillin/tazobactamPenicillin bán tổng hợp kháng enzyme penicillinase + CeftazidimePenicillin bán tổng hợp kháng enzyme penicillinase + thuốc kháng sinh nhóm Fluoroquinolone kháng Pseudomonas (Ciprofloxacin)Carbapenem nhóm 2
Chi thiếu máu cục bộ/hoại tử/sinh hơiCầu khuẩn gram dương ± trực khuẩn gram âm ± Vi khuẩn kị khíβ-lactam nhóm 1 hoặc 2Carbapenem nhóm 1 hoặc 2Cephalosporin thế hệ 2 hoặc 3 + Clindamycin hoặc Metronidazole
Yếu tố nguy cơ MRSATụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA)Xem xét tahy thế bằng Glycopeptide; Linezolid; Daptomycin; acid Fusidic trimethoprim/ Sulfamethoxazole (± Rifampicin)Doxycycline
Các yếu tố nguy cơ kháng thuốc ở trực khuẩn gram âmVi khuẩn sản sinh enzyme β-lactamase phổ rộng (ESBL)CarbapenemFluoroquinolone có hoạt tính tốt chống lại cầu khuẩn Gram dương hiếu khí (Levofloxacin, Moxifloxacin)Aminoglycoside và Colistin
bàn chân tiểu đường

Kháng sinh – nhóm thuốc đầu tay trị bàn chân tiểu đường

Xem thêm: Top 12 thuốc trị tiểu đường phổ biến và dễ tìm nhất hiện nay

Thay băng điều trị vết loét, hoại tử bàn chân tiểu đường

Thay băng vết loét là kỹ thuật cơ bản trong chăm sóc, điều trị loét bàn chân do tiểu đường, việc thay băng chăm sóc vết thương giúp người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh chóng, kiểm soát vấn đề vô trùng, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị.

Bên cạnh việc thay băng chăm sóc vết loét, hoại tử thì việc sử dụng các loại băng gạc điều trị, che phủ để che chở và bảo vệ vết loét giúp cho sự lành vết thương diễn ra một cách tốt nhất.

Cách phòng ngừa bàn chân tiểu đường

Để ngăn ngừa biến chứng bàn chân tiểu đường, người mắc bệnh tiểu đường cần thực hiện những điều sau:

  • Phải kiểm tra chân hàng ngày đối với toàn bộ bề mặt của cả hai bàn chân, khu vực giữa các ngón chân.
  • Thông báo cho chuyên gia y tế nếu có dấu hiệu sưng, nóng hoặc nổi mụn nước, vết cắt, vết xước hoặc vết loét.
  • Không đi chân trần, đi tất không mang giày hoặc đi dép đế mỏng, dù ở nhà hoặc đi ra ngoài.
  • Không đi giày quá chật, có mép gồ ghề hoặc đường may không đều. Nhìn kỹ và sờ vào trong đôi giày trước khi mang.
  • Mang vớ không có đường may, không mang vớ quá chật hoặc cao quá đầu gối cũng như phải thay vớ hàng ngày.
  • Rửa chân hàng ngày bằng nước dưới 37 độ C, lau khô cẩn thận, đặc biệt là giữa các ngón chân.
  • Không dùng các loại máy sưởi, bình nước nóng để sưởi ấm chân.
  • Không sử dụng các hoá chất, bột trét để tẩy vết chai.
  • Có thể sử dụng chất làm mềm da để bôi trơn vùng da khô, nhưng không nên bôi giữa các ngón chân.
  • Cắt móng chân thẳng ngang.
  • Khám bàn chân theo định kỳ.
bàn chân tiểu đường

Mẫu giày chuyên biệt cho bệnh nhân tiểu đường

Nguồn tham khảo