Dấu hiệu thường thấy ở trẻ khuyết tật trí tuệ và những điều cần biết

Trẻ khuyết tật trí tuệ là khi có những hạn chế về khả năng học tập, phát triển so với trẻ bình thường. Trong Báo cáo Y tế Thế giới đầu tiên về Người khuyết tật do WHO công bố năm 2011, ước tính có 93 triệu trẻ em từ 0–15 tuổi bị khuyết tật từ trung bình đến nặng và 13 triệu trẻ em bị khuyết tật nặng. Vậy trẻ khuyết tật trí tuệ là gì? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết này.

Khái niệm trẻ khuyết tật trí tuệ

Trẻ khuyết tật trí tuệ hay còn được gọi là chậm phát triển trí tuệ là một hội chứng rối loạn phát triển thần kinh, là sự khiếm khuyết trong việc phát triển trí não. Rối loạn phát triển thần kinh là tình trạng xuất hiện sớm trong thời thơ ấu, thường là trước khi đi học và làm suy giảm sự phát triển của các chức năng cá nhân, xã hội, học tập như khả năng nhận thức, trí nhớ, ngôn ngữ, tập trung, tiếp thu,…

Trẻ khuyết tật trí tuệ thường được biểu thị bằng chỉ số thông minh (IQ) thấp ( nhỏ hơn 70 đến 75) kết hợp với những giới hạn trong cuộc sống hàng ngày như khả năng nói, giao tiếp, kỹ năng xã hội, khả năng tự chăm sóc, đi lại, thay quần áo,…

Như vậy, trẻ khuyết tật trí tuệ khi có 3 điều sau: 

  • Chỉ số thông minh thấp (bé hơn 70 đến 75)
  • Suy giảm khả năng cá nhân, xã hội, học tập
  • Xuất hiện khuyết tật từ nhỏ

Dấu hiệu nhận biết trẻ khuyết tật trí tuệ

Có nhiều dấu hiệu thiểu năng trí tuệ về phát triển cơ thể, trí nhớ, khả năng tư duy, cảm giác…. Cụ thể như sau:

  • Biết lật, bò, ngồi và đi đứng muộn hơn những trẻ khác
  • Biết nói muộn hơn hoặc khó khăn khi nói
  • Khó khăn trong giao tiếp
  • Khó khăn trong phân biệt màu sắc, chi tiết sự vật
  • Khó khăn trong việc tự ăn uống, vệ sinh cá nhân
  • Khó khăn trong giải quyết vấn đề
  • Nhận biết các quy luật xã hội căn bản kém
  • Kém linh hoạt, chậm chạp
  • Quan sát kém
  • Chậm hiểu, ghi nhớ không đầy đủ, quên nhanh
  • Tư duy logic kém
  • Khó tập trung
  • Bị phân tán bởi các sự việc nhỏ

Các mức độ khuyết tật trí tuệ

Các mức độ khuyết tật trí tuệ thường được phân loại dựa vào chỉ số thông minh IQ. Trẻ phát triển bình thường khi có chỉ số thông minh từ 75 – 100. Trẻ khuyết tật trí tuệ nhẹ có chỉ sổ IQ từ 50 – 69, trung bình từ 35 – 40, nặng từ 20 – 34 và nghiêm trọng có IQ dưới 20. 

Trẻ khuyết tật trí tuệ mức độ nhẹ

Trẻ khuyết tật trí tuệ nhẹ thường không rõ ràng hoặc không được xác định cho đến khi trẻ bắt đầu đi học. Trẻ khuyết tật trí tuệ nhẹ có khả năng học các kỹ năng đọc, làm toán ở mức độ tương đương một đứa trẻ bình thường từ chín đến mười hai tuổi. Khi trẻ khuyết tật trí tuệ đến tuổi trưởng thành, nhiều trong số đó có thể học cách sống độc lập và làm việc như người bình thường. Cần có sự đánh giá của chuyên gia để phân biệt khuyết tật trí tuệ nhẹ với những loại khuyết tật khác về học tập.   

Trẻ khuyết tật trí tuệ mức độ trung bình

Mức độ này thường được xác định rõ trong những năm đầu đời với dấu hiệu phổ biến nhất là chậm nói. Mặc dù khả năng học tập còn hạn chế, nhưng trẻ có thể học các kỹ năng đơn giản về chăm sóc sức khỏe, an toàn cá nhân cũng như tham gia các hoạt động đơn giản. Trẻ thiểu năng trí tuệ trung bình cần được hỗ trợ ở trường, ở nhà và trong cộng đồng. Khi trưởng thành, họ có thể sống với cha mẹ, trong môi trường tập thể, được hỗ trợ hoàn toàn hoặc bán độc lập với sự hỗ trợ cần thiết như quản lý tài chính. 

Trẻ khuyết tật trí tuệ mức độ nặng hoặc nghiêm trọng 

Trẻ khuyết tật trí tuệ nặng có thể học một số kỹ năng sinh hoạt hằng ngày, nhưng ở mức độ nghiêm trọng, trẻ không thể tự chăm sóc bản thân mà không có sự hỗ trợ từ người khác trong suốt tuổi trưởng thành. Trẻ khuyết tật trí tuệ mức độ nghiêm trọng có thể học cách tham gia vào một số hoạt động hằng ngày ở mức độ hạn chế nên hoàn toàn phụ thuộc vào người khác đối với tất cả các hoạt động sinh hoạt hằng ngày để duy trì sức khỏe, sự an toàn về thể chất. 

Nguyên nhân của khuyết tật trí tuệ ở trẻ

Nguyên nhân trước sinh

Suy dinh dưỡng trầm trọng khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của thai nhi, dẫn đến thiểu năng trí tuệ.

Nguyên nhân gây khuyết tật trí tuệ ở trẻ có thể đến từ một số bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down, hội chứng Patau, hội chứng Edwards, hội chứng Turner,…Những rối loạn chuyển hóa di truyền cũng có thể gây chậm phát triển trí tuệ như Phenylketo niệu, hội chứng Lesch-Nyhan, Galactosemia,…Hay rối loạn thần kinh di truyền như hội chứng đầu nhỏ, loạn dưỡng cơ, u xơ thần kinh, hội chứng xương thủy tinh,… cũng có thể gây khuyết tật trí tuệ ở trẻ. 

Mẹ bị nhiễm trùng cũng có thể gây thiểu năng trí tuệ ở trẻ như nhiễm, Cytomegalovirus, Toxoplasma gondii, Treponema pallidum, virus herpes simplex, Rubella hoặc HIV,…Nhiễm virus Zika trước khi sinh gây ra chứng đầu nhỏ bẩm sinh và khuyết tật trí tuệ.

Tiếp xúc với thuốc, hóa chất và chất độc khi mang thai có thể gây thiểu năng trí tuệ ở trẻ. Rượu là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng này. Khi mẹ sử dụng một số thuốc như thuốc chống co giật điển hình là phenytoin, valproate, thuốc hóa trị, thuốc độc tế bào, xạ trị ung thư gây khuyết tật trí tuệ ở trẻ. Kim loại nặng như chì, thủy ngân cũng là nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ ở trẻ nếu mẹ bị phơi nhiễm khi mang thai. 

trẻ khuyết tật trí tuệ
Hội chứng Down là nguyên nhân phổ biến gây nên khuyết tật trí tuệ ở trẻ

Nguyên nhân khi sinh

Các biến chứng từ sinh non, tiền sản giật và ngạt khi sinh có thể làm tăng nguy cơ thiểu năng trí tuệ ở trẻ. Ngoài ra can thiệp sản khoa như dùng kẹp thai, hút thai dẫn đến chảy máu hệ thần kinh trung ương cũng có thể dẫn đến việc trẻ bị khuyết tât trí tuệ. Nguy cơ tăng lên khi tuổi thai càng nhỏ, cân nặng, các biến chứng khi sinh và chất lượng chăm sóc sau sinh. 

Nguyên nhân sau sinh

Viêm não do virus hay vi khuẩn, suy hô hấp nặng như do nhiễm trùng phế cầu khuẩn, ngộ độc kim loại nặng, hóa chất, thuốc,… co giật do sốt cao, động kinh, tai nạn gây chấn thương nặng ở đầu hay ngạt thở cũng có thể dẫn đến thiểu năng trí tuệ. 

Suy dinh dưỡng, thiếu thốn sự chăm sóc như thiếu sự hỗ trợ về thể chất, cảm xúc, tinh thần cũng như nhận thức cần thiết cho sự phát triển, thích ứng với xã hội trong thời thơ ấu là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra khuyết tật trí tuệ trên toàn thế giới. 

Điều trị trẻ khuyết tật trí tuệ

Nếu được điều trị tốt, những người khuyết tật trí tuệ có thể có chất lượng cuộc sống tốt, tuy nhiên, không có cách nào điều trị trực tiếp hay chữa khỏi hoàn toàn tình trạng thiểu năng trí tuệ. Các phương pháp điều trị thường tập trung vào việc giáo dục khả năng thích nghi và kỹ năng sống:

Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Các chương trình can thiệp về hành vi từ sớm.
  • Hướng dẫn các kỹ năng sống cơ bản, kỹ năng tự chăm sóc bản thân.  
  • Giáo dục các kỹ năng xã hội.
  • Chương trình giáo dục đặc biệt.
  • Chuyên viên điều trị: bác sĩ tâm lý, bác sĩ thần kinh, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ, chuyên gia dinh dưỡng,…
  • Giáo dục gia đình: giúp gia đình, người thân của trẻ khuyết tật trí tuệ tìm hiểu thêm về khuyết tật trí tuệ cũng như cách hỗ trợ người thân mắc bệnh này.
  • Hỗ trợ cộng đồng: Gia đình có thể liên hệ với các cơ quan chính quyền địa phương hoặc các tổ chức hỗ trợ giúp trẻ tiếp cận các phúc lợi bao gồm hỗ trợ tại nhà hoặc môi trường học tập.
  • Sử dụng thuốc: Nhiều loại thuốc khác nhau có thể giúp điều trị các tình trạng liên quan hoặc xảy ra cùng với khuyết tật trí tuệ. Tuy nhiên, thuốc không trực tiếp điều trị thiểu năng trí tuệ, mà chỉ có thể giúp giải quyết một số triệu chứng có thể xảy ra.

Phòng ngừa khuyết tật trí tuệ

Để phòng ngừa khuyết tật trí tuệ ở trẻ, cần loại bỏ các nguyên nhân cũng như các yếu tố nguy cơ gây nên hội chứng này. 

Tiêm vacin phòng bệnh

Vacin loại trừ rubella bẩm sinh, phế cầu khuẩn và viêm màng não do H. influenzae, virus herpes simplex,… là nguyên nhân gây thiểu năng trí tuệ.

Không sử dụng chất kích thích trong thời gian mang thai. 

Uống rượu trong thời kì mang thai gây ra hội chứng rượu bào thai là một nguyên nhân rất phổ biến của khuyết tật trí tuệ và điều này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Phụ nữ mang thai được khuyến cáo tránh uống tất cả các loại rượu do không biết có giới hạn nào cho việc sử dụng rượu là hoàn toàn an toàn hay không. Không sử dụng thuốc lá, chất kích thích trong thời gian mang thai giúp ngăn ngừa bệnh tật ở mẹ cũng như nguy cơ khuyết tật trí tuệ ở trẻ. 

trẻ khuyết tật trí tuệ
Phụ nữ có thai không nên uống bất kì loại rượu 

Tránh phơi nhiễm thuốc, hóa chất, chất độc hại

Trong thời kì mang thai, người mẹ tuyệt đối không sử dụng các thuốc chống chỉ định ở phụ nữ mang thai nếu không có chỉ định từ bác sĩ. Tránh tiếp xúc hóa chất, kim loại nặng như chì, thủy ngân,…giúp ngăn ngừa tình trạng trẻ khuyết tật trí tuệ. 

Bổ dung dưỡng chất cần thiết

Bổ sung folate (vitamin b9) ở phụ nữ bắt đầu từ 3 tháng trước khi thụ thai và tiếp tục trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai giúp hạn chế trẻ khuyết tật trí tuệ do thiếu dinh dưỡng dẫn đến kém phát triển trí não. 

Đi khám bác sĩ định kỳ

Khám bác sĩ định kỳ để phát hiện sớm những bất thường về nhiễm sắc thể, bệnh di truyền cũng như các bệnh tật khác có thể gây nên khuyết tật trí tuệ cho con. Ngoài ra, thăm khám thường xuyên sẽ được bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, sử dụng thuốc phù hợp. 

trẻ khuyết tật trí tuệ
Khám bác sĩ thường xuyên để sàng lọc bệnh tật ở phụ nữ có thai

Giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ

Điều quan trọng nhất trong giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ là cần biết rằng trẻ thiểu năng trí tuệ vẫn có khả năng tiếp thu và sử dụng thông tin mới. Có nhiều chiến lược giảng dạy khác nhau, một số chiến lược hữu ích trong việc giảng dạy học sinh khuyết tật trí tuệ sau đây cần có sự phối hợp giữa cả giáo viên và gia đình: 

Chiến lược giảng dạy 

  • Chia bài học thành từng phần nhỏ. 
  • Làm rõ các bước trong bài tập tính toán, giải thích rõ ràng bằng lời nói cũng như bằng văn bản.
  • Sử dụng càng nhiều mô tả bằng lời nói càng tốt. 
  • Sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, ngắn gọn, xúc tích. 
  • Củng cố việc học bằng các ví dụ cụ thể, thực tế. 
  • Cho trẻ thực hành kiến thức mới học vào thực tế, vừa học vừa kết hợp vui chơi.
  • Sử dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau để tác động lên nhiều giác quan như trình bày theo sơ đồ, lưu đồ, theo danh sách, hình vẽ, tranh ảnh, âm nhạc,…
  • Sử dụng nhiều màu sắc, âm thanh để nổi bật nội dụng giảng dạy. 
  • Lặp đi lặp lại nhiều lần nội dung giảng dạy sẽ giúp trẻ dễ ghi nhớ hơn. 
  • Thường xuyên động viên khuyến khích trẻ. 
  • Sử dụng công nghệ hỗ trợ.
  • Phối hợp giữa giáo dục tại gia đình và nhà trường. 

Chiến lược đánh giá

  • Cho phép gia hạn thời hạn làm bài tập 
  • Chụp ảnh, quay video bài làm của trẻ
  • Trẻ thiểu năng trí tuệ sẽ cần thêm thời gian trong kỳ thi để đọc và phân tích câu hỏi
  • Cần có không gian yên tĩnh trong thời gian làm bài
  • Các câu hỏi trong bài kiểm tra nên được viết ngắn gọn, rõ ràng
  • Nên sử dụng các câu hỏi có câu trả lời ngắn

10 địa chỉ điều trị cho trẻ khuyết tật trí tuệ tại Việt Nam

Trường chuyên biệt Tương Lai

Địa chỉ: 27A2 Trần Nhật Duật, Phường Tân Định, Quận 1, TPHCM

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục Hoà Nhập TPHCM

Địa chỉ: 108 Lý Chính Thắng, Phường 8, Quận 3, TPHCM

Trung tâm bảo trợ trẻ Khuyết tật

91 Nguyễn Khoái, Phường 1, Quận 4, TPHCM

Trường Chuyên biệt Tương Lai – Quận 5

  • Cơ sở 1: 27-29 Ngô Quyền, Phường 10, Quận 5, TPHCM
  • Cơ sở 2: 28 Trần Xuân Hoà, Phường 7, Quận 5, TPHCM
  • Cơ sở 3: 86D/3 Hùng Vương, Phường 9, Quận 5, TPHCM

Trung tâm Chuyên biệt Màu Xanh

Địa chỉ: Số 003, khu Mỹ Tú 01, đường số 10, Phú Mỹ Hưng, Phường Tân Phong, Quận 7, TPHCM

Lớp chuyên biệt Thủ Đức

Địa chỉ: Số 71 Tân Lập 1, Khu phố 3, Phường Hiệp Bình Phú, Quận 9, TPHCM

Trường Giáo dục Chuyên biệt Quận 10

Địa chỉ: 322/3 Điện Biên Phủ, Phường 11,  Quận 10, TPHCM

Trường tư thục dạy trẻ em khuyết tật 

Địa chỉ: 275/6/7 Lý Thường Kiệt, Phường 15, Quận 11, TPHCM

Cơ sở giáo dục chuyên biệt

Địa chỉ: 99/5 A Nguyễn Thị Kiều, Phường Thới An, Quận 12, TPHCM

Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Nhân Văn

Địa chỉ: Số 276 Chu Văn An, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TPHCM

Trên đây là những thông tin tổng quan về tình trạng trẻ khuyết tật trí tuệ, dấu hiệu nhận biết trẻ khuyết tật trí tuệ, các nguyên nhân thường gặp, giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ… Hy vọng bạn đọc sẽ tìm thấy những thông tin mà mình mong muốn qua bài viết.