Chàm môi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị hiệu quả

Chàm môi là một tình trạng viêm da phổ biến, thường gây ra cảm giác khó chịu với các triệu chứng như khô, bong vảy và nứt nẻ. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về nguyên nhân cũng như các phương pháp điều trị chàm môi để giảm thiểu ảnh hưởng của nó đến cuộc sống hàng ngày nhé!

Chàm môi là gì?

Chàm môi (còn gọi là viêm da môi) là một dạng của bệnh chàm, ảnh hưởng đến vùng da quanh môi, gây ra các triệu chứng khó chịu như khô rát, nứt nẻ và ngứa ngáy. Bệnh thường gặp ở những người có tiền sử dị ứng hoặc da nhạy cảm.

Chàm môi làm người bệnh ngứa rát, khó chịu
Chàm môi làm người bệnh ngứa rát, khó chịu

Các loại chàm môi dễ gặp

Thuật ngữ “viêm môi” mô tả tình trạng kích ứng môi nói chung, trong đó “chàm môi” là dạng phổ biến nhất. Ngoài ra, còn có các loại viêm môi khác như:

  • Chốc mép (lở mép): Đây là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các góc mép môi, thường do vi khuẩn hoặc nấm gây ra. Người bệnh sẽ xuất hiện vết lở, có thể kèm theo ngứa và đau, đôi khi có mủ. Tình trạng này thường gặp ở những người bị khô da hoặc có thói quen liếm môi.
  • Viêm môi nhiễm trùng: Là tình trạng viêm môi do nhiễm khuẩn hoặc virus, thường gặp trong các trường hợp như Herpes môi (nhiễm virus Herpes simplex). Các triệu chứng dễ thấy là xuất hiện mụn nước, đỏ và sưng môi, có thể đi kèm với cảm giác đau rát hoặc ngứa. Viêm môi nhiễm trùng cần được điều trị kịp thời để tránh lây lan và giảm thiểu triệu chứng khó chịu.

Đối tượng nguy cơ dễ mắc chàm môi

Chàm môi có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và giới tính nhưng một số đối tượng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này hơn do các yếu cơ địa, môi trường và lối sống như:

  • Người có tiền sử dị ứng: Những người bị viêm da dị ứng, hen suyễn hay viêm mũi dị ứng có nguy cơ bị chàm môi cao hơn. Hệ miễn dịch của họ dễ phản ứng quá mức với các tác nhân từ môi trường, dẫn đến viêm và kích ứng da.
  • Người bị bệnh chàm: Bệnh chàm có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng trên cơ thể và môi cũng không phải là ngoại lệ.
  • Người có cơ địa dị ứng: Những người có xu hướng bị dị ứng hoặc có tiền sử gia đình mắc các bệnh dị ứng cũng dễ bị chàm môi. 
  • Sử dụng mỹ phẩm hoặc các sản phẩm khác trên môi: Việc sử dụng mỹ phẩm, son môi hoặc các sản phẩm chăm sóc môi có chứa hóa chất độc hại hoặc thành phần gây kích ứng có thể làm tăng nguy cơ mắc chàm môi. Những sản phẩm này có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc làm tổn thương lớp bảo vệ tự nhiên của da môi.
  • Trẻ em: Trẻ em có làn da nhạy cảm hơn người lớn và thường có thói quen liếm môi nên dễ mắc chàm môi hơn. Thêm vào đó, hệ miễn dịch của trẻ cũng đang trong quá trình phát triển, dễ bị tác động bởi các yếu tố môi trường.
  • Người có thói quen liếm môi hoặc cắn môi: Liếm môi thường xuyên có thể làm môi khô hơn, gây tổn thương lớp bảo vệ tự nhiên của môi, dẫn đến tình trạng viêm và chàm môi.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc chàm môi, những người có nguy cơ cao nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng, giữ ẩm môi thường xuyên và bảo vệ môi khỏi các yếu tố môi trường.

Trẻ em thường dễ bị chàm môi hơn người lớn
Trẻ em thường dễ bị chàm môi hơn người lớn

Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây bệnh chàm môi

Chàm môi là một tình trạng viêm da phổ biến với nguyên nhân đa dạng và phức tạp. Các yếu tố di truyền, môi trường và lối sống đều có thể gây ra bệnh này.

  • Phản ứng dị ứng: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của chàm môi là do phản ứng dị ứng của cơ thể với các chất tiếp xúc như son môi, mỹ phẩm, kem đánh răng hoặc thực phẩm. Các chất hóa học, hương liệu và chất bảo quản trong các sản phẩm này có thể gây kích ứng da môi.
  • Tiếp xúc với các chất kích thích: Nước bọt, thức ăn cay nóng và các hóa chất trong môi trường làm việc cũng có thể là tác nhân gây ra chàm môi. Những người có thói quen liếm môi thường xuyên cũng dễ mắc chàm môi do lớp bảo vệ tự nhiên của môi bị phá vỡ.
  • Khí hậu và điều kiện thời tiết: Môi trường khô, lạnh hoặc gió mạnh có thể làm da môi mất nước, dẫn đến khô, nứt nẻ và phát triển chàm. Sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ cũng có thể gây ảnh hưởng đến môi.
  • Ánh nắng mặt trời: Tiếp xúc trực tiếp với tia UV trong thời gian dài có thể làm tổn thương da môi, dẫn đến chàm môi do da môi mỏng manh và dễ bị tổn thương hơn so với các vùng da khác trên cơ thể.
  • Hệ miễn dịch bất thường: Ở một số người, hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các tác nhân không gây hại, gây ra viêm và chàm môi.
  • Di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh về da như viêm da dị ứng, hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng, nguy cơ bị chàm môi của bạn cũng tăng lên.
Tiếp xúc trực tiếp với tia UV trong thời gian dài có thể làm tổn thương da môi
Tiếp xúc trực tiếp với tia UV trong thời gian dài có thể làm tổn thương da môi

Dấu hiệu nhận biết triệu chứng bệnh chàm môi

Chàm môi có thể ảnh hưởng đến môi trên, môi dưới hoặc cả hai. Nó cũng có thể lan đến vùng da xung quanh môi. Sau đây là những dấu hiệu phổ biến mà bạn có thể nhận biết:

  • Khô môi: Một trong những triệu chứng ban đầu của chàm môi là tình trạng khô da môi. Môi trở nên căng và thô ráp, đặc biệt là khi tiếp xúc với thời tiết lạnh hoặc khô.
  • Nứt nẻ và bong tróc da môi: Môi có thể xuất hiện các vết nứt nẻ, đặc biệt là ở các góc môi. Da môi cũng có thể bong tróc thành từng mảng nhỏ, gây cảm giác đau rát và khó chịu.
  • Sưng đỏ và viêm: Vùng da xung quanh môi có thể sưng đỏ do viêm. Môi trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị tổn thương khi ăn uống hoặc nói chuyện.
  • Ngứa và rát: Ngứa là triệu chứng phổ biến của chàm môi và có thể trở nên nghiêm trọng khi bạn cố gắng gãi hoặc cào. Cảm giác ngứa thường đi kèm với cảm giác rát và châm chích, làm cho việc ăn uống và nói chuyện trở nên khó khăn hơn.
  • Chảy dịch: Ở những trường hợp nặng, các vết nứt trên môi có thể chảy dịch, gây ra cảm giác khó chịu và nguy cơ nhiễm trùng.
Khô môi là một trong những triệu chứng ban đầu của chàm môi
Khô môi là một trong những triệu chứng ban đầu của chàm môi

Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh chàm môi

Việc chẩn đoán chàm môi thường dựa trên tiền sử bệnh, khám lâm sàng và có thể cần một số xét nghiệm chuyên biệt để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. 

Bác sĩ sẽ quan sát các dấu hiệu bên ngoài của môi như khô, nứt nẻ, sưng đỏ. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình để xác định xem có yếu tố di truyền hay không và những yếu tố nào có thể gây kích thích hoặc làm nặng thêm tình trạng chàm.

Một số xét nghiệm chẩn đoán chàm môi:

  • Thử nghiệm áp da: Kiểm tra dị ứng bằng cách dán một số chất gây dị ứng lên da, thường là ở lưng. Sau 48-72 giờ, bác sĩ sẽ kiểm tra phản ứng da để xác định các chất gây kích ứng hoặc dị ứng có thể là nguyên nhân gây ra chàm môi.
  • Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu: Kiểm tra xem có nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn hay không.
  • Sinh thiết da (nếu cần): Bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết một mẫu da môi nhỏ để loại trừ các bệnh da khác có thể có triệu chứng tương tự như chàm.

Các biện pháp điều trị chàm môi hiệu quả

Nếu bạn bị chàm môi, hãy cố gắng ngừng các thói quen như liếm hoặc cắn môi. Bạn có thể kiểm soát và điều trị chàm môi bằng cách:

  • Sử dụng kem dưỡng ẩm và bảo vệ môi: Sử dụng kem dưỡng ẩm môi thường xuyên để giữ cho môi mềm mại và tránh khô nứt. Các sản phẩm có chứa Lanolin, Petrolatum hoặc Ceramide là lựa chọn tốt để tạo một lớp bảo vệ trên môi, ngăn ngừa mất nước. 
  • Sử dụng thuốc kháng viêm: Các loại kem hoặc thuốc mỡ chứa Corticosteroid hoặc NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid) bôi ngoài da có thể giúp giảm viêm, ngứa và sưng. Tuy nhiên, việc sử dụng Corticosteroid cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và không nên sử dụng lâu dài để tránh tác dụng phụ.
  • Dùng thuốc kháng Histamine: Nếu chàm môi liên quan đến phản ứng dị ứng, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng Histamine để giảm triệu chứng ngứa và viêm. Thuốc kháng Histamine có thể được sử dụng dưới dạng uống hoặc bôi ngoài da.

Chàm môi là căn bệnh nếu biết cách xử lý, điều trị thì sẽ rất dễ khắc phục. Tuy nhiên, nếu chỉ tác động vào triệu chứng bên ngoài thì bệnh sẽ không được giải quyết hoàn toàn mà chỉ biến mất tạm thời. 

Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan khi bị chàm môi, để tránh tình trạng bệnh kéo dài và tái phát nhiều lần, bạn cần được chẩn đoán chính xác và được điều trị bởi bác sĩ da liễu uy tín.

Sử dụng kem dưỡng ẩm môi thường xuyên để giữ cho môi mềm mại và tránh khô nứt
Sử dụng kem dưỡng ẩm môi thường xuyên để giữ cho môi mềm mại và tránh khô nứt

Các biện pháp phòng ngừa chàm môi

Phòng ngừa chàm môi là thực hiện các biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa tình trạng tái phát. Một số biện pháp hiệu quả để phòng ngừa chàm môi là:

  • Duy trì độ ẩm cho môi: Thoa son dưỡng hoặc kem dưỡng môi thường xuyên để giữ ẩm cho môi, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khô hanh hoặc lạnh. Chọn các sản phẩm không chứa hương liệu và chất bảo quản để tránh kích ứng. Uống đủ nước hàng ngày để giữ cho môi luôn mềm mại và ngăn ngừa khô nứt.
  • Tránh các chất gây kích ứng: Chọn các sản phẩm chăm sóc cá nhân không chứa chất gây kích ứng, đặc biệt là trong các sản phẩm dưỡng môi. Nếu bạn biết mình bị dị ứng với các chất nào đó (như kim loại trong đồ trang sức, mỹ phẩm hoặc thực phẩm), hãy tránh tiếp xúc với chúng để giảm nguy cơ bùng phát chàm.
  • Bảo vệ môi khỏi tác động của môi trường: Bảo vệ môi bằng khăn hoặc khẩu trang và duy trì độ ẩm sẽ giúp ngăn ngừa khô nứt và chàm môi. Nếu bạn tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, hãy sử dụng kem chống nắng dành riêng cho môi để bảo vệ khỏi tia UV gây tổn thương da.
  • Chăm sóc môi đúng cách: Không liếm môi, cắn môi vì điều này có thể làm mất độ ẩm tự nhiên của môi và dẫn đến khô nứt, làm tăng nguy cơ mắc chàm môi.
  • Theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn uống: Tránh các thực phẩm gây kích ứng như đồ cay, chua hoặc thực phẩm có tính acid. Duy trì một chế độ ăn uống cân đối và bổ sung đầy đủ vitamin, đặc biệt là vitamin E sẽ giúp cải thiện sức khỏe làn da.
  • Điều chỉnh lối sống lành mạnh: Không hút thuốc lá vì thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn làm khô da và tăng nguy cơ chàm môi. Bên cạnh đó, hãy giữ môi trường sống sạch sẽ, loại bỏ các tác nhân gây dị ứng và bụi bẩn để giảm nguy cơ bùng phát chàm môi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp chàm môi có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng không cải thiện hoặc có các dấu hiệu bất thường, bạn nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu bất thường

Bạn nên gặp bác sĩ khi có các triệu chứng sau:

  • Triệu chứng không thuyên giảm sau khi đã thử các biện pháp tự chăm sóc.
  • Môi sưng, đỏ hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Triệu chứng lan rộng hoặc tái phát nhiều lần.
  • Mất cảm giác hoặc tê môi.
  • Xuất hiện mụn nước hoặc vết loét.
Bạn nên gặp bác sĩ khi có các triệu chứng bất thường
Bạn nên gặp bác sĩ khi có các triệu chứng bất thường

Một số bệnh viện chuyên khoa da liễu uy tín

Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội)

Bệnh viện Da liễu Trung ương là cơ sở y tế đầu ngành về chuyên khoa da liễu tại Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế. Bệnh viện chuyên cung cấp các dịch vụ khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh về da, tóc, móng và các bệnh lây qua đường tình dục. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, đây là địa chỉ đáng tin cậy cho những người gặp vấn đề về da liễu.

Link đặt lịch khám: Đặt lịch khám da liễu tại Bệnh viện Da liễu Trung ương

Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh

Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại miền Nam, chuyên về điều trị các bệnh lý da liễu và các bệnh lây qua đường tình dục. Bệnh viện sở hữu đội ngũ chuyên gia đầu ngành cùng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ cho cả nhu cầu khám chữa bệnh lẫn nghiên cứu khoa học.

Link đặt lịch khám: Đặt lịch khám tại Bệnh viện Da liễu TP. HCM

Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh là một trong những bệnh viện lớn và uy tín nhất tại Việt Nam, trực thuộc Đại học Y Dược TP. HCM. Khoa Da liễu tại đây cung cấp dịch vụ khám, điều trị và tư vấn cho các bệnh lý da liễu với sự hỗ trợ của các chuyên gia giỏi và trang thiết bị tiên tiến.

Link đặt lịch khám: Đặt lịch khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM

Bệnh viện Da liễu Hà Nội

Bệnh viện Da liễu Hà Nội là cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hàng đầu tại thủ đô, với nhiệm vụ khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học về các bệnh da liễu. Bệnh viện có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao, được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị.

Link đặt lịch khám: Đặt lịch khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội

Một số câu hỏi liên quan

Bệnh chàm môi có lây không?

Chàm môi không phải là một bệnh lây nhiễm, chúng không thể lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Chàm môi là một dạng viêm da, chủ yếu do yếu tố di truyền, phản ứng dị ứng hoặc tiếp xúc với các chất kích ứng gây ra. 

Các loại thuốc nào sử dụng trong điều trị chàm môi?

Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị chàm môi:

  • Corticosteroid bôi ngoài da: Thường dùng Hydrocortisone, giúp giảm viêm và ngứa.
  • Thuốc kháng histamine: Loratadine hoặc Diphenhydramine giúp giảm ngứa do dị ứng.
  • Thuốc dưỡng ẩm: Có thể sử dụng Eucerin, Aquaphor,… để giữ ẩm và bảo vệ da môi.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Ibuprofen hoặc Aspirin có thể giúp giảm viêm và giảm đau nhẹ.

Lưu ý: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Xem thêm:

Bài viết đã cung cấp thông tin chi tiết về các đối tượng có nguy cơ cao mắc chàm môi, giúp người đọc nhận biết để phòng tránh và điều trị bệnh. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy lưu lại và chia sẻ để giúp đỡ nhiều người hơn!

Nguồn tham khảo:

1. Eczema on the Lips (Eczematous Cheilitis)

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22741-eczema-on-the-lips
  • Ngày tham khảo: 06/09/2024

2. Eczema on Your Lips

  • Link tham khảo: https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/eczema/eczema-on-your-lips
  • Ngày tham khảo: 06/09/2024

3. How to Get Rid of Eczema on the Lips

  • Link tham khảo: https://www.verywellhealth.com/eczema-on-lips-5191626
  • Ngày tham khảo: 06/09/2024

4. What to know about eczema on the lips

  • Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/323502#triggers
  • Ngày tham khảo: 06/09/2024
Contact Me on Zalo
Call Now Button