Tiền tiểu đường có nguy hiểm không? Dấu hiệu, phòng ngừa


Tiền tiểu đường là giai đoạn trung gian khi mức đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đủ để được chẩn đoán là bệnh tiểu đường type 2. Việc nhận biết và điều trị sớm là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe tiềm ẩn. Vậy, tiền tiểu đường có nguy hiểm không và cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ này? Hãy cùng Docosan theo dõi bài viết dưới đây.

Tiền tiểu đường là gì?

Tiền tiểu đường là tình trạng đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đến mức tiểu đường type 2. Nếu không thay đổi lối sống, nguy cơ tình trạng này chuyển thành tiểu đường type 2 sẽ tăng 5 – 10% mỗi năm, ở cả người lớn và trẻ em.

Tiền tiểu đường có thể dẫn tới những biến chứng sớm, đặc biệt là ở tim, mạch máu và thận. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và giữ cân nặng hợp lý có thể giúp đưa đường huyết trở lại mức bình thường, giảm 40% – 70% nguy cơ tiến triển thành tiểu đường type 2 ở người lớn.

Tiền tiểu đường là tình trạng đường huyết tăng cao nhưng chưa đạt ngưỡng tiểu đường type 2
Tiền tiểu đường là tình trạng đường huyết tăng cao nhưng chưa đạt ngưỡng tiểu đường type 2

Nguyên nhân gây bệnh tiền tiểu đường

Nguyên nhân chính xác của tiền tiểu đường hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, tiền sử gia đình và yếu tố di truyền dường như đóng vai trò quan trọng.

Phần lớn glucose trong cơ thể bạn đến từ thực phẩm mà bạn ăn. Khi thức ăn được tiêu hóa, đường đi vào máu. Insulin giúp đường đi vào các tế bào và làm giảm lượng đường trong máu. Insulin được sản xuất bởi tuyến tụy, một tuyến nằm sau dạ dày. Tuyến tụy tiết insulin vào máu khi bạn ăn. Khi lượng đường trong máu bắt đầu giảm, tuyến tụy giảm sản xuất insulin vào máu.

Khi mắc tiền tiểu đường, quá trình này không hoạt động hiệu quả như bình thường. Kết quả là, thay vì cung cấp năng lượng cho các tế bào, đường lại tích tụ trong máu. Điều này có thể xảy ra do:

  • Tuyến tụy không sản xuất đủ insulin.
  • Các tế bào trở nên kháng insulin và không cho phép đường xâm nhập nhiều vào bên trong.
Tiền sử gia đình và yếu tố di truyền có thể là nguyên nhân gây tiền tiểu đường
Tiền sử gia đình và yếu tố di truyền có thể là nguyên nhân gây tiền tiểu đường

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiền tiểu đường

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng làm tăng nguy cơ tiền tiểu đường. Những yếu tố này bao gồm:

  • Cân nặng: Thừa cân là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tiền tiểu đường. Lượng mô mỡ càng nhiều, đặc biệt là mỡ nội tạng và mỡ dưới da quanh vùng bụng, thì các tế bào càng trở nên kháng insulin.
  • Vòng eo: Kích thước vòng eo lớn có thể là dấu hiệu của sự kháng insulin. Nguy cơ kháng insulin tăng lên đối với nam giới có vòng eo trên 40 inch (khoảng 101,6 cm) và phụ nữ trên 35 inch (khoảng 88,9 cm).
  • Chế độ ăn uống: Việc ăn thịt đỏ (thịt cừu, thịt bò, thịt lợn,…), thịt chế biến sẵn và uống đồ uống có đường liên quan đến nguy cơ tiền tiểu đường cao hơn.
  • Thiếu vận động: Càng ít vận động, nguy cơ mắc tiền tiểu đường càng lớn.
  • Tuổi tác: Dù bệnh tiểu đường có thể phát triển ở bất kỳ độ tuổi nào, nguy cơ tiền tiểu đường thường tăng sau tuổi 35.
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ tiền tiểu đường tăng nếu bạn có cha mẹ hoặc anh chị em mắc tiểu đường type 2.
  • Chủng tộc hoặc dân tộc: Dù chưa rõ nguyên nhân, nhưng người da đen, gốc Tây Ban Nha, thổ dân Mỹ và người Mỹ gốc Á có nguy cơ phát triển tiền tiểu đường cao hơn.
  • Tiền sử tiểu đường thai kỳ: Nếu bạn từng mắc tiểu đường thai kỳ, cả bạn và con bạn đều có nguy cơ tiền tiểu đường cao hơn.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang: Phụ nữ mắc hội chứng này, được đặc trưng bởi chu kỳ kinh nguyệt không đều, mọc lông nhiều và béo phì, có nguy cơ tiền tiểu đường cao hơn.
  • Giấc ngủ: Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ, một tình trạng gây gián đoạn giấc ngủ, có nguy cơ kháng insulin cao hơn. Người thừa cân hoặc béo phì dễ mắc chứng này.
  • Khói thuốc lá: Hút thuốc có thể làm tăng kháng insulin và nguy cơ mắc tiểu đường type 2 ở người có tiền tiểu đường. Ngoài ra, hút thuốc còn làm tăng nguy cơ biến chứng do tiểu đường.
  • Các tình trạng khác liên quan đến nguy cơ tiền tiểu đường: Huyết áp cao, mức cholesterol HDL thấp, mức triglyceride cao,…
Thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ chủ yếu dẫn đến tiền tiểu đường
Thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ chủ yếu dẫn đến tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường có nguy hiểm không?

Vậy tiền tiểu đường có nguy hiểm không? Trên thực tế, điều nguy hiểm nhất của tiền tiểu đường là tình trạng này diễn ra từ từ và có thể tiến triển âm thầm mà không có dấu hiệu báo trước. Qua thời gian, lượng glucose trong máu cao có thể gây hại cho nhiều cơ quan, thường được gọi là “biến chứng” của bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, tiền tiểu đường hoàn toàn có thể được quản lý và đảo ngược nếu được bệnh nhân phát hiện và can thiệp sớm. Chỉ bằng cách thay đổi lối sống và các thói quen hằng ngày, người mắc tiền tiểu đường có thể ngăn ngừa tiến triển thành tiểu đường type 2, hạn chế xuất hiện các biến chứng sớm cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể.

Biến chứng nguy hiểm của tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường có thể gây ra những tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến tim, mạch máu và thận, ngay cả khi bạn chưa tiến triển thành bệnh tiểu đường type 2. Tình trạng này cũng liên quan đến các cơn đau tim âm thầm (không có triệu chứng rõ ràng).

Tiền tiểu đường nếu không được kiểm soát có thể phát triển thành tiểu đường type 2, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Tổn thương hệ tim mạch: Bệnh tiểu đường type 2 làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm xơ vữa động mạch, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại vi và bệnh thận.
  • Tổn thương thần kinh: Lượng đường trong máu cao kéo dài có thể làm hỏng dây thần kinh, gây ra cảm giác tê ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân, kèm theo cảm giác ngứa ran, bỏng rát hoặc đau nhức. Ngoài ra, các triệu chứng có thể bao gồm chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, vấn đề chức năng tình dục và nhiều triệu chứng khác.
  • Tổn thương thận: Thận có vai trò quan trọng trong việc lọc máu. Bệnh tiểu đường có thể làm suy giảm chức năng Fthận theo thời gian, khiến chúng không còn hoạt động hiệu quả, có thể dẫn đến cần phải chạy thận hoặc cấy ghép thận.
  • Tổn thương mắt: Sự tổn thương mạch máu trong mắt có thể dẫn đến mù lòa, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc đục thủy tinh thểtăng nhãn áp.
  • Nhiễm trùng bàn chân: Đôi chân rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự tổn thương thần kinh và mạch máu do lượng đường trong máu cao kéo dài. Những vết cắt nhỏ và phồng rộp có thể dẫn đến loét, nhiễm trùng và trong trường hợp nghiêm trọng có thể phải cắt cụt chi.
  • Vấn đề về da và miệng: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng da, cũng như nhiễm trùng miệng và bệnh nướu răng.
  • Loãng xương: Loãng xương là tình trạng làm xương trở nên giòn và dễ gãy. Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ cao bị loãng xương.
  • Bệnh Alzheimer: Kiểm soát lượng đường trong máu kém có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer ở tuổi già. Nguyên nhân chưa được xác định rõ, nhưng glucose là nguồn năng lượng cho tế bào não, và khi tế bào không thể tiếp cận nguồn cung cấp này, có thể dẫn đến tổn thương tế bào não.

Các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh tiền tiểu đường

Các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán

Vậy làm thế nào để biết mình có tiểu đường không? Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), để chẩn đoán tiền tiểu đường, cần thực hiện các xét nghiệm cơ bản sau:

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói:

Xét nghiệm này đo lượng glucose trong máu sau khi nhịn ăn ít nhất 8 giờ. Giá trị bình thường cho xét nghiệm này là dưới 100 mg/dL. Nếu nồng độ glucose máu đói từ 126 mg/dL trở lên, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Những người có kết quả từ 100 mg/dL đến 125 mg/dL được xem là mắc chứng tiền tiểu đường, và có thể được hẹn để làm xét nghiệm lại.

  • Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (OGTT- Oral glucose tolerance test):

Xét nghiệm này giúp đánh giá mức độ sử dụng glucose của cơ thể bằng cách cho bệnh nhân uống dung dịch chứa 75g glucose pha trong 200 mL nước. Xét nghiệm sẽ được thực hiện tại hai thời điểm: trước khi uống glucose và sau 2 giờ.

Giá trị bình thường cho đường huyết 2 giờ là dưới 140 mg/dL. Nếu trị số này vượt quá 200 mg/dL, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Sau 2 giờ, glucose trong máu từ 7,8 – 11,0 mmol/L (140 199 mg/dL) được kết luận tiền tiểu đường.

  • Xét nghiệm định lượng HbA1C:

HbA1c là xét nghiệm đo lượng đường huyết trung bình trong 3 tháng gần nhất dựa trên đánh giá lượng glucose gắn vào hồng cầu trong máu. Xét nghiệm này thường được chỉ định để chẩn đoán cũng như theo dõi điều trị ở bệnh nhân mắc tiểu đường type 2. Xét nghiệm HbA1C cần được thực hiện tại các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Giá trị bình thường là dưới 5,7%. Khi HbA1C vượt quá 6,4%, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. HbA1c từ 5,7 – 6,4% được kết luận là tiền tiểu đường.

Xét nghiệm đường huyết đói thường được sử dụng để chẩn đoán tiền tiểu đường
Xét nghiệm đường huyết đói thường được sử dụng để chẩn đoán tiền tiểu đường

Các phương pháp điều trị tiền tiểu đường

Việc thay đổi lối sống và tăng cường hoạt động thể lực là phương pháp điều trị quan trọng cho những bệnh nhân mắc tiền tiểu đường. Dưới đây là một số khuyến nghị về chế độ ăn uống và tập thể dục dành cho người bệnh tiền tiểu đường:

Khuyến cáo về dinh dưỡng:

  • Áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng và giảm chất béo.
  • Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ, rau củ và trái cây, đồng thời tránh thực phẩm chế biến công nghiệp và chất béo bão hòa (như mỡ động vật).
  • Một số thực phẩm đã được chứng minh có khả năng giảm nguy cơ mắc tiền tiểu đường và tiểu đường bao gồm: các loại hạt, dâu tây, sữa chua, cà phê và trà.
  • Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, đồ ngọt và thực phẩm chứa chất béo bão hòa.
  • Đối với những người không thừa cân hoặc béo phì, không cần thiết phải giảm cân, mà chỉ cần thay đổi lựa chọn thực phẩm.

Khuyến cáo về hoạt động thể lực:

  • Duy trì việc tập luyện và hoạt động thể chất để tiêu hao khoảng 700 calo mỗi tuần.
  • Tập luyện với cường độ trung bình trong khoảng 150 phút mỗi tuần, tức là ít nhất 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày trong tuần.
  • Giảm thiểu thời gian ngồi yên không hoạt động.
  • Đặc biệt lưu ý rằng những người mắc bệnh tim mạch cần được bác sĩ đánh giá tình trạng trước khi bắt đầu chương trình tập luyện.

Đồng thời, nếu đã thực hiện thay đổi lối sống mà mức đường huyết vẫn tăng khi xét nghiệm lại, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thuốc. Metformin là loại thuốc chính được sử dụng để điều trị tiền tiểu đường, thường được chỉ định cho những người có nguy cơ cao tiến triển thành tiểu đường type 2 như: người béo phì, phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, rối loạn mỡ máu hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường

Ngoài ra, người bị tiền tiểu đường cũng cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.

Các biện pháp phòng ngừa tiền tiểu đường hiệu quả, hạn chế biến chứng

Để phòng ngừa tiền tiểu đường cũng như hạn chế những biến chứng mà bệnh mang lại, dưới đây là những biện pháp hiệu quả:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Nên ưu tiên lựa chọn các thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau xanh, đậu, các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt/gạo lật, khoai củ, bánh mỳ đen, hoa quả. Hạn chế các thức ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo, mứt sấy khô, mật ong và hoa quả ngọt như mít, đu đủ, xoài,… Ngoài ra, nên bổ sung các loại cá và hải sản trong khẩu phần ăn và hạn chế các loại chất béo xấu như thịt mỡ, nội tạng động vật hoặc các loại thức ăn nhanh.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất giúp cải thiện sự nhạy cảm của cơ thể với insulin, từ đó hỗ trợ duy trì mức đường huyết ổn định. Bác sĩ khuyến cáo nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Hãy chọn các môn thể thao mà bạn dễ dàng duy trì trong thời gian dài (như đi bộ, chạy xe đạp,…), bên cạnh đó thực hiện 2 – 3 buổi tập kháng lực trong tuần (như chống đẩy, nâng tạ,…).
  • Giảm cân nếu thừa cân: Người thừa cân, béo phì cần giảm cân để đạt mục tiêu giảm 5-10% trọng lượng cơ thể trong 3 – 6 tháng. Bạn nên giảm từ từ lượng calo trong khẩu phần ăn hằng ngày kết hợp với luyện tập thể thao để duy trì cân nặng hợp lý để phòng ngừa tiền tiểu đường.
  • Theo dõi đường huyết thường xuyên: Điều này giúp phát hiện sớm các thay đổi và điều chỉnh lối sống phù hợp. Bạn có thể sử dụng máy đo đường huyết tại nhà hoặc khám định kỳ để nắm bắt tình trạng đường huyết của mình.
  • Kiểm soát stress: Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến đường huyết. Thực hành các biện pháp thư giãn như yoga, thiền, và ngủ đủ giấc hằng ngày sẽ giúp duy trì sức khỏe ổn định.
  • Tầm soát tiền tiểu đường: Những người thừa cân có kèm theo một trong các tình trạng như: trên 45 tuổi, mắc bệnh tim mạch, ít vận động, tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường, phụ nữ sắp mang thai hoặc có tiền sử đái tháo đường thai kỳ,… nên được xét nghiệm tầm soát tiền tiểu đường.

Ngoài ra bạn còn có thể kết hợp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Diavit là một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Mega We Care. Sản phẩm này chứa 7 loại vitamin và 3 loại khoáng chất, hỗ trợ duy trì hoạt động tối ưu cho các hệ thống trong cơ thể, bao gồm hệ miễn dịch và hệ thần kinh.

Diavit giúp bổ sung vitamin và khoáng chất trong các trường hợp thiếu hụt, do nhu cầu sử dụng tăng cao hoặc gặp vấn đề về hấp thu. Ngoài ra, Diavit còn có tác dụng tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị các bệnh lý thần kinh ngoại vi, đặc biệt là ở những người mắc tiểu đường.

Các câu hỏi thường gặp:

Tiền tiểu đường có chữa khỏi được không?

Có. Tiền tiểu đường không phải là bệnh mãn tính và có thể đảo ngược nếu bệnh nhân thay đổi lối sống, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì cân nặng hợp lý.

Làm sao để ngăn chặn tiền tiểu đường chuyển thành tiểu đường?

Để ngăn ngừa, bạn cần ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế đường và tinh bột. Bên cạnh đó, tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập như đi bộ, chạy bộ, yoga,… Với những người thừa cân, giảm 5-10% trọng lượng cơ thể đã giúp giảm đáng kể nguy cơ. Cuối cùng, nên kiểm tra đường huyết định kỳ để phát hiện kịp thời những thay đổi bất thường.

Tiền tiểu đường có cần dùng thuốc không?

Phần lớn trường hợp tiền tiểu đường không cần dùng thuốc mà tập trung vào thay đổi lối sống. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn metformin để hỗ trợ điều trị cho một số bệnh nhân có nguy cơ cao hoặc việc thực hiện lối sống là không đủ. Việc dùng thuốc cần theo chỉ định chuyên môn.

Xem thêm:

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến chủ đề “Tiền tiểu đường có nguy hiểm không?” và cách để phòng ngừa. Việc xây dựng một lối sống lành mạnh kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý để giảm thiểu nguy cơ tiền tiểu đường cũng như nhiều biến chứng nguy hiểm sau này. Hãy chia sẻ bài viết này đến người thân và bạn bè để cùng tìm hiểu nhé!

Nguồn tham khảo:

1. Prediabetes

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prediabetes/symptoms-causes/syc-20355278
  • Ngày tham khảo: 05/11/2024

2. Prediabetes: Causes, Symptoms, and Treatment

  • Link tham khảo: https://www.webmd.com/diabetes/what-is-prediabetes
  • Ngày tham khảo: 05/11/2024

3. Prediabetes diagnosis and treatment: A review

  • Link tham khảo: https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC4360422/
  • Ngày tham khảo: 22/11/2024
Contact Me on Zalo